Những thuận lợi, hạn chế trong công tác QLBVR

Một phần của tài liệu Đề xuất một số giải pháp quản lý bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng ở huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng (Trang 68 - 70)

Từ thực trạng công tác QLBVR trên địa bàn huyện Bảo lâm, chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp để xác định những thuận lợi, hạn chế, nguy cơ thách thức và rút ra những nguyên nhân tồn tại trong công tác QLBVR của huyện.

4.3.3.1. Thuận lợi

- Công tác QLBVR ngày càng được quan tâm, Nhà nước ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực QLBVR và bảo tồn đa dạng sinh học tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.

- Các chính sách về phát triển KT-XH miền núi và Tây nguyên của Đảng và Nhà nước đã làm cho bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng thay đổi về diện mạo, kinh tế xã hội miền núi và Tây nguyên nói chung và hộ gia đình nói riêng ngày càng phát triển, thu nhập từ rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt góp phần cải thiện đời sống cho một bộ phận nhân dân, nhất là gỗ rừng trồng có thị trường tiêu thụ đã tạo ra được phong trào phát triển rừng rộng khắp làm cho công tác BVR-PCCCR chuyển biến theo hướng tích cực.

- Chính quyền các xã, các chủ rừng đã quan tâm đến công tác bảo vệ và phát triển rừng; Thông qua công tác tuyên truyền đã tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội nên việc phá rừng, chống người thi thi hành công vụ trên mặt trận bảo vệ rừng được lên án mạnh mẽ tạo áp lực để giảm thiểu số vụ vi phạm.

- Công tác xã hội hóa nghề rừng được quan tâm chú trọng vì vậy đã thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng, dân cư, thôn, bản, hầu hết các diện tích rừng đã có chủ quản lý.

- Các chế độ chính sách ưu đãi đối với lực lượng chuyên trách BVR nhất là lực lượng Kiểm lâm về: Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, trang thiết bị, chính sách đãi ngộ được quan tâm theo hướng tích cực, tạo động lực để tham mưu đắc lực cho cấp ủy chính quyền cơ sở, ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

- Sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và các dự án giúp người dân phát triển kinh tế giảm áp lực vào rừng.

4.3.3.2. Hạn chế

- Chưa xây dựng được phương án QLBVR bền vững của huyện và các xã nên lúng túng trong đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ công tác QLBVR.

- Rừng tự nhiên ngoài diện tích đã giao cho Ban quản lý Rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiêp, giao cho cộng đồng hộ gia đình còn lại trên 15.000 ha do UBND xã đang quản lý chung, vì vậy tình trạng chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế. Diện tích rừng chủ yếu tập trung ở nơi xa dân cư, đường sá đi lại khó khăn, nhiều vùng ô tô không đến được, nên từ khi phát hiện cháy rừng cho đến khi huy động lực lượng, phương tiện đến tại điểm cháy mất nhiều thời gian, nhiều nơi không tiếp cận được đám cháy.

- Tình trạng phá rừng do phát, đốt nương, xâm lấn đất rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản, cháy rừng…vẫn chưa được ngăn chặn một cách triệt để. Tuy diện tích rừng được tăng lên nhưng chất lượng rừng ngày càng kém, kinh phí hỗ trợ cho khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng thấp thiếu đồng bộ, chưa khuyến khích người dân tham gia QLBVR; những diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao cho các chủ quản lý bảo vệ nhưng việc BV&PTR chưa đạt hiệu quả cao do việc triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp còn lúng túng, chưa xác định được rõ quyền lợi, trách nhiệm của từng chủ rừng.

- Trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác QLBVR chưa đáp ứng tương xứng do với yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm để ra. Kinh phí đầu tư cho hoạt động QLBVR hàng năm thấp.

- Việc tham gia QLBVR của cộng đồng còn hạn chế, còn e dè, nể nang, thiếu cương quyết trong xử lý vi phạm, việc phối kết hợp giữa các tổ chức đoàn thể trong xã còn yếu, thiếu đồng bộ, chưa gắn trách nhiệm đối với chính quyền cơ sở khi để mất rừng trên địa bàn quản lý.

- Công tác tuyên truyền các chính sách Pháp luật về QLBVR, một số địa bàn còn chạy theo số lượng, không đánh giá được hiệu quả cụ thể.

- Năng lực thực tiễn, kinh nghiệm hoạt động của một số công chức kiểm lâm địa bàn chưa cao dẫn đến kết quả tham mưu giúp Chủ tịch UBND xã thực hiện chức năng QLNN về rừng và đất lâm nghiệp chưa tốt.

- Thách thức giữa bảo tồn và phát triển chưa đựơc quan tâm giải quyết hài hòa.

Một phần của tài liệu Đề xuất một số giải pháp quản lý bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng ở huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng (Trang 68 - 70)