Những giải pháp chung

Một phần của tài liệu phát triển các ngành động lực trên địa bàn tỉnh hưng yên (Trang 56 - 63)

II. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành động lực của tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn tới.

1. Những giải pháp chung

Để phát triển các ngành động lực trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cần phải có sự kết hợp giữa các ngành công- nông- dịch vụ. Đồng thời phải biết kết hợp với những chính sách hợp lý trong hoạt động thu – chi ngân sách cũng như vấn đề bảo vệ môi trường

Thứ nhất, đối với nông nghiệp và kinh tế nông thôn

Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 khoá X, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hoàn thành xây dựng quy hoạch nông thôn mới ở 145 xã và tổ chức làm điểm 20 xã theo hướng văn minh, giầu đẹp, kinh tế phát triển. Tích cực đẩy mạnh xây dựng hạ tầng nông thôn.

Làm tốt công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, trong đó hoàn thiện, trình duyệt và tổ chức thực hiện dự án điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn...; Đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp sản xuất thâm canh, xây dựng và thực hiện có hiệu quả dự án sản xuất giống, tăng nhanh diện tích gieo cấy những giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng và giá trị hiệu quả kinh tế cao; Phát triển mô hình sản xuất rau an toàn, đẩy mạnh cây ăn quả có giá trị, hiệu quả và thị trường tiêu thụ, nhất là nhãn, vải, chuối; chú trọng đầu tư, phát triển các vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản, chế biến thức ăn gia súc theo hợp đồng đóng trên địa bàn tỉnh.

Phát triển kinh tế hộ, trang trại; hình thành và phát triển một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, vùng chuyên canh, thâm canh, sản xuất hàng hoá chất lượng, an toàn; gắn sản xuất với chế biến và thị trường, mở rộng xuất khẩu; khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mở rộng diện tích, áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng các loại rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp có lợi thế, đẩy mạnh sản xuất vụ đông. Thực hiện có hiệu quả chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm. Chủ động công tác phòng ngừa dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm; trong đó, chú trọng công tác tiêu độc khử trùng, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa, hạn chế mầm bệnh phát tán, nhất là bệnh tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, làm tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt bão và quản lý đê điều, đảm bảo an toàn hệ thống đê, kè, cống và các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh; nghiêm túc thực hiện chế độ tuần tra gác nước nhằm phát hiện và xử lý sớm các sự cố hệ thống đê điều. Tăng cường đầu tư cho các công trình thuỷ lợi phục vụ phòng chống lụt bão và sản xuất nông nghiệp gắn liền với công tác quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác công trình thuỷ lợi, duy tu bảo dưỡng các công trình bị hư hỏng kịp thời; đưa nhanh cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa.

Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hoá các loại hình đào tạo, cấp đào tạo cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể.

Phát triển công nghiệp

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp lợi thế, có ý nghĩa chiến lược, hiệu quả và bền vững; phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm tạo thành các tổ hợp công nghiệp có quy mô phù hợp và hiệu quả cao, sức cạnh tranh lớn. Tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh hoạt động cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu, máy móc thiết bị đã sản xuất được trong nước để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh xuất khẩu.

Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ, áp dụng công nghệ tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu và năng lượng trong hoạt động kinh tế. Nâng cao chất lượng sản xuất vật liệu xây dựng. Xây dựng kế hoạch bảo đảm cung cấp điệnphục vụ sản xuất và sinh hoạt. Phát triển công nghiệp dựa trên lợi thế nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp và phục vụ sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các ngành có hiệu quả, có lợi thế cạnh tranh, có tác động lan toả và đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục rà soát hoàn chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch cụm công nghiệp của tỉnh; bổ sung cơ chế kịp thời, tạo sự hấp dẫn hơn nữa đối với các nhà đầu tư; ưu tiên các dự án lớn, có sản phẩm và sức cạnh tranh cao, có hàm lượng công nghệ tiên tiến và đóng góp nguồn thu nhiều cho ngân sách, sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ, thân thiện với môi trường.

Kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ GPMB, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp theo đúng quy hoạch được duyệt.

Hoàn thành việc lập quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Giao thông vận tải, thông tin và truyền thông

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và trật tự dịch vụ vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành lang giao thông và trật tự an toàn giao thông vận tải. Cơ bản hoàn thành tuyến đường trục kinh tế Bắc - Nam, đường tỉnh lộ 200, đường từ cầu Thanh Trì đi Dân Tiến, Khoái Châu. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường nối 2 tuyến đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng và Cầu Giẽ- Ninh Bình đoạn qua tỉnh Hưng Yên. Hỗ trợ cứng hoá các tuyến đường xã, thôn và đường ra đồng.

Thực hiện cáp quang hoá toàn tỉnh, phát triển cáp quang đến tất cả các trạm viễn thông, trạm truy cập, ngầm hoá mạng truyền dẫn, mạng ngoại vi đến khu vực dân cư, khu công nghiệp, nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính viễn thông và mở rộng phạm vi phủ sóng đến từng xã. Phát triển và mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ Internet, phấn đấu 100% các cơ quan doanh nghiệp được kết nối Internet. Triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Từng bước xây dựng và phát triển công nghệ thông tin trở thành một ngành kinh tế quan trọng, có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng của tỉnh.

Nâng cao chất lượng và đa dạng hoạt động thông tin báo chí, phát thanh, truyền hình, kịp thời truyền tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước, thông tin kinh tế, xã hội đến với nhân dân.

Phát triển các ngành dịch vụ

Thực hiện đồng độ nhiều chính sách hỗ trợ , trong đó tập trung vào các ngành dịch vụ ưu tiên như các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, cải thiện các hạ tầng thiết yếu, các ngành dịch vụ còn nhiều tiềm năng, có lợi thế phát triển như: Vận tải, tài chính, ngân hàng, viễn thông, thương mại, du lịch, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, đào tạo. Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ ở khu vực tư nhân, các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước. Tăng cường nhận thức, kỹ năng cần thiết nhằm phát triển các lĩnh vực dịch vụ chuyên sâu. Phát huy thế mạnh của khu vực dịch vụ nhằm giải quyết vấn đề lao động, mở rộng tối đa cơ hội việc làm.

Khai thác tốt thị trường nội địa, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Phát triển hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ, nhất là đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Nâng cấp các trung tâm thương mại, chợ đầu mối ở thành phố Hưng Yên, khu vực Phố Nối, các thị trấn và những nơi trọng điểm kinh tế, thương mại sôi động.

Khuyến khích và tạo cơ chế hấp dẫn để phát triển các loại hình dịch vụ nhà ở công cùng với dịch vụ vui chơi giải trí, văn hoá, thể thao cho người lao động ở các Khu công nghiệp tập trung; ưu tiên phát triển dịch vụ phụ trợ, phục vụ phát triển công nghiệp.

Gắn phát triển dịch vụ du lịch với các tua của Hà Nội và các tỉnh để khai thác du lịch thăm quan các di tích lịch sử văn hoá, như: cụm di tích lịch sử- văn hoá Phố Hiến, Đa Hoà- Dạ Trạch, Tống Trân- Cúc Hoa, Đền Phù ủng, các nhà tưởng niệm danh nhân.

Tích cực, chủ động mở rộng thị trường, tận dụng mọi khả năng để tăng mức xuất khẩu trên thị trường đã có, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có sức mua lớn. Đẩy mạnh xúc tiến

thương mại theo hướng chú trọng vào khâu tổ chức và cung cấp thông tin thị trường. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu.

Thu, chi ngân sách và hoạt động tiền tệ

Khai thác triệt để các nguồn thu gắn với mở rộng cơ chế uỷ nhiệm thu, chống thất thu, thu đúng thu đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thu, chi ngân sách, dành nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Quản lý chặt chẽ chi ngân sách, đảm bảo chi đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả. Tiếp tục thực hiện khoán chi và ổn định cho các đơn vị sử dụng ngân sách; duy trì chế độ công khai tài chính, thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ chi ngân sách. Tăng cường công tác quản lý giá, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu, đấu tranh chống mọi hiện tượng đầu cơ nâng giá. Tạo nền tài chính ổn định, bền vững, lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ và được kiểm soát chặt chẽ.

Huy động tối đa nguồn vốn tại địa phương, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn điều tiết từ Trung ương, nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Nâng cao chất lượng, tiện ích của dịch vụ ngân hàng, tín dụng, đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng quản lý, huy động và kiểm soát được rủi ro. Tiếp tục thực hiện cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất, cho vay theo lãi suất thoả thuận, trong đó ưu tiên cho vay phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Quản lý tài nguyên, môi trường và khoa học

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng thực hiện nghiêm pháp luật về tài nguyên và môi trường. Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 của tỉnh và 10 huyện, thành phố, 161 xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai, dự án

về quản lý tài nguyên nước, khoáng sản và môi trường. Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường; giải quyết một bước cơ bản tình trạng suy thoái môi trường ở các khu công nghiệp, khu dân cư ở một số vùng nông thôn; xử lý các cơ sở gây ô nhiếm môi trường nghiêm trọng. Thực hiện tốt công tác GPMB, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và đo đạc bản đồ. Nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, quan trắc môi trường. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và đời sống, trọng tâm là trong trồng trọt, chăn nuôi để thúc đẩy tiến trình đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; áp dụng kỹ thuật tiến bộ thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo thêm sản phẩm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tích cực khảo nghiệm, chọn lọc và trình diễn để tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân áp dụng giống lúa mới, rau màu, cây ăn quả đạt chất lượng kinh tế cao. Nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Nguồn lực đầu tư phát triển

Để thực hiện mục tiêu đề ra năm 2011, nhu cầu về vốn đầu tư trên địa bàn cần trên 15.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý (bao gồm cả tiền sử dụng đất) chiếm khoảng 9,5%; vốn nhà nước do Trung ương quản lý khoảng 6,5%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 14,5%, vốn của dân cư và doanh nghiệp ngoài quốc doanh khoảng 67%; tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA.

Trong tổng số vốn ngân sách đầu tư XDCB năm 2011 do địa phương quản lý, một phần trả nợ vốn vay ngân hàng đầu tư phát triển đến hạn, đối

ứng cho các dự án ODA, dự án trung ương trên địa bàn, đối ứng cho các dự án thuộc chương trình kiên cố hoá trường, lớp học; chuẩn bị đầu tư và thanh toán cho các công trình đã quyết toán; số còn lại bố trí khoảng 72% cho các dự án chuyển tiếp và 28% dự án xây dựng mới.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành những công trình trọng điểm như quốc lộ 38, 39B, tỉnh lộ 200, dự án thoát lũ khẩn cấp sông Điện biên, sông Đồng Quê - Cửu An, dự án Củng cố đê sông Hồng, dự án cấp nước sinh hoạt thành phố Hưng Yên. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường nối 2 tuyến đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng và Cầu Giẽ- Ninh Bình đoạn qua tỉnh Hưng Yên, đường từ cầu Thanh Trì đi Dân Tiến, Khoái Châu, nâng cấp mặt đê sông Hồng, sông Luộc thuộc địa phận tỉnh; cải tạo, nâng cấp, nạo vét hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải; xúc tiến xây dựng các công trình văn hoá và khu liên hợp thể thao tỉnh; xây dựng Trung tâm Hội nghị tỉnh; triển khai thực hiện Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị, khu du lịch dịch vụ tại các huyện: Văn Giang, Văn Lâm, khu vực Phố Nối và Khu Đại học Phố Hiến.

Thực hiện nghiêm các qui định của Nhà nước về đầu tư và xây dựng; nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, kiên quyết xử lý các vi phạm theo qui định.

Một phần của tài liệu phát triển các ngành động lực trên địa bàn tỉnh hưng yên (Trang 56 - 63)