3.3.1.1. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và ngân hàng nội địa trong hội nhập
Thế kỉ 21 là thế kỉ của toàn cầu hóa và hội nhập. Đứng trước quá trình hội nhập ấy, nhiều cơ hội và thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, sự giúp đỡ của Chính phủ là cần thiết. Nước ta đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và đang trong quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), bên cạnh các cơ hội mở rộng hợp tác với đối tác nước ngoài thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt. Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thể giúp đỡ các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội, tổ chức các chương trình dành cho doanh nghiệp như: hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thành lập quỹ bảo lãnh, hỗ trợ xúc tiến thương mại… Bằng cách này, Chính phủ cũng gián tiếp góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh doanh ngân hàng nói chung và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam nói riêng.
Đặc biệt với ngành tài chính - ngân hàng, Chính phủ vận động sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Phòng thương mại quốc tế (ICC)… hỗ trợ các ngân hàng trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế vào làm nghiệp vụ và quản lí.
3.3.1.2. Ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát
Nền kinh tế khủng hoảng và lạm phát là một trong những tác nhân hàng đầu dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh ngân hàng nói chung và bảo lãnh nói riêng. Nền kinh tế suy thoái dẫn đến sự giải thể, sụp đổ của nhiều doanh nghiệp, khủng hoảng lòng tin giữa ngân hàng với doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau, làm tăng chi phí thẩm định của ngân hàng, giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung và bảo lãnh nói riêng. Chính vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách ngắn hạn và dài hạn để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tốc độ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định tỉ giá và giá vàng nhằm tạo ra một môi trường kinh tế ổn định, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp và ngân hàng, khôi phục lại lòng tin của mọi người để cùng nâng cao hiệu quả bảo lãnh ngân hàng.
3.3.1.3. Ổn định tình hình chính trị - xã hội
Trong thời gian gần đây, thế giới nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng đang có những xung đột chính trị, đặc biệt là tranh chấp biên giới trên đất liền, trên
biến giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trước những diễn biến phức tạp, Nhà nước và Chính phủ cần có những quyết sách thích hợp nhằm đảm bảo một nền chính trị ổn định, tạo lòng tin cho nhân dân an cư, lạc nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và các hợp đồng xuất khẩu lớn, góp phần phát triển bảo lãnh ngân hàng và niềm tin của ngân hàng vào doanh nghiệp, người tiêu dùng.
3.3.1.4. Tăng cường công tác quản lí Nhà nước với các doanh nghiệp
Việc minh bạch hóa thông tin tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Đối với các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán thì thông tin phần nào đã được công khai minh bạch nhưng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không niêm yết trên sàn chứng khoán thì thông tin tài chính của các doanh nghiệp này vẫn là một điều băn khoăn với cán bộ ngân hàng, tăng chi phí thẩm định và rủi ro cho ngân hàng, giảm hiệu quả hoạt động bảo lãnh của ngân hàng. Nếu nhà nước có cơ chế quản lí các doanh nghiệp này tốt thì sẽ giảm tình trạng các công ty ảo, công ty ma, công ty làm ăn yếu kém, là kênh thông tin hữu hiệu để ngân hàng tham khảo thông tin và ra quyết định cấp hạn mức đúng đắn và quản lí các khoản bảo lãnh hiệu quả hơn.
3.3.1.5. Chính sách đào tạo nguồn nhân lực học đi đôi với hành, lí thuyết gắn với thực tế
Thị trường tài chính - ngân hàng nói chung và lĩnh vực bảo lãnh nói riêng ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực này không chỉ cần trình độ, năng lực về nguyên lí của nghiệp vụ mà còn cần có hiểu biết nhất định về thực tế để bắt tay vào ngay công việc. Vì thế, việc xây dựng một chương trình đào tạo gắn lí thuyết với thực tiễn cần có sự phối hợp giữa nhà trường, xã hội, chính phủ, các ngân hàng và chính sinh viên để đạt hiệu quả tốt nhất, đào tạo ra những cán bộ ngân hàng nói chung và nhân viên bảo lãnh nói riêng giỏi nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả bảo lãnh ngân hàng.