3. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài
1.7.2. Vaccine phòng bệnh cúm gia cầm
Tiêm phòng vaccine là một chiến lược để phòng chống bệnh cúm gia cầm. Theo FAO và OIE , việc sử dụng các loại vaccine phòng cúm gia cầm có thể bảo hộ tốt chống lại bệnh lâm sàng ở gà bằng cách làm giảm tỷ lệ chết và các thiệt hại về kinh tế khác. Sử dụng đúng vaccine cho đàn gia cầm sẽ làm giảm lượng virus bài thải ra môi trường, ngừng hẳn bài thải virus vào ngày 13 - 18 sau khi tiêm, phòng được sự lây virus cường độc do tiếp xúc, tăng sức đề kháng của gia cầm.
Theo Ilaria. C and Stefano. M (2004) [10], khi dịch cúm gia cầm xảy ra ở vùng có mật độ nuôi cao, nơi mà các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt cho thấy không phù hợp với hệ thống chăn nuôi hiện đại thì tiêm chủng vaccine được coi là giải pháp hàng đầu để khống chế lây lan dịch bệnh.
Theo Tô Long Thành (2007) [22], tiêm phòng vaccine là một chiến lược hỗ trợ có thể cân nhắc khi bệnh đã lây ra một phạm vi nào đó mà nó đã vượt quá sự kiểm soát của cơ quan chuyên môn thú y hoặc vượt quá mức chí phí dự kiến cho các chiến dịch tiêu hủy rộng lớn. Tiêm phòng cũng có thể cân nhắc ở giai đoạn sớm hơn khi cơ sở hạ tần và năng lực của ngành thú y được ghi nhận là kém và không đủ sức ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Theo Nguyễn Thu Thủy (2013) [25], từ cuối năm 2005 đến nay, Việt Nam đã tổ chức tiêm phòng vaccine (phần lớn là nhập khẩu từ Trung Quốc) cho đàn gia cầm, kết hợp với các biện pháp phòng chống dịch tổng hợp khác nên đã đạt được một số kết quả nhất định như: Khống chế được dịch lưu hành, dịch không xảy ra ở diện rộng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi gia cầm, đàn gia cầm vẫn tăng trưởng đều qua các năm, các trang trại lớn đều không có dịch, đặc biệt đã giảm thiểu ca nhiễm bệnh cúm trên người.
Từ những đòi hỏi cấp thiết của tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trong nước, trên cơ sở những ý kiến của các nhà chuyên môn và qua thử nghiệm thực tế sử dụng vaccine phòng bệnh cúm gia cầm, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống bệnh cúm gia cầm đã quyết định: “Sử dụng vaccine phòng bệnh cúm gia cầm như là một vũ khí quan trọng hỗ trợ tích cực cho việc khống chế dịch bệnh tại Việt Nam”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2005) [2], các loại gia cầm trong diện tiêm bao gồm: Các loại gà giống thương phẩm, gà thịt, gà chọi, các loại vịt như: Vịt đẻ trứng thương phẩm, vịt thịt, các loại ngan như ngan đẻ trứng thương phẩm, ngan thịt và kể cả ngỗng.
Từ năm 2005 tới nay, Việt Nam đã tổ chức tiêm phòng vaccine phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc: H5N1, H9N2, H5N2 và Trovac (Nguyễn Thu Thủy, 2013) [25].
Qua nhiều năm sử dụng vaccine cúm gia cầm do Trung Quốc sản xuất cho thấy vaccine có chất lượng và đem lại hiệu quả phòng bệnh tốt, tình hình
gia cầm bị bệnh cúm giảm, không có các ổ dịch lớn xuất hiện và giám sát các đàn gia cầm sau tiêm phòng cho thấy miễn dịch quần thể luôn đạt ở ngưỡng bảo hộ. Vì vậy, việc sử dụng vaccine phòng bệnh cúm gia cầm đã là một trong các biện pháp phòng bệnh không thể thiếu ở nước ta.
Tuy nhiên, hạn chế chính là ở chỗ do phải nhập khẩu vaccine nên chi phí cao và việc cung cấp không được chủ động. Để từng bước giải quyết những khó khăn trong việc cung cấp vaccine phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn gia cầm nuôi ở việt Nam, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất vaccine cúm A/H5N1 cho gia cầm” do Viện công nghệ sinh học chủ trì, với sự tham gia thực hiện của Công ty thuốc thú y TW – Navetco, Xí nghiệp thuốc thú y TW – Navetco và Viện thú y, Công ty thuốc thú y TW – Navetco đã được Bộ khoa học công nghệ và môi trường và Bộ Nông nghiệp & PTNT giao thực hiện dự án “Sản xuất thử nghiệm vaccine cúm A/H5N1 nhũ dầu để phòng chống bệnh cho gia cầm”. Từ năm 2011, 30 triệu liều vaccine Navet – Vifluvac đã được đưa vào sử dụng nhằm khắc phục những hạn chế trên.