Triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm gia cầm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ và biến đổi bệnh lý của bệnh cúm gia cầm type H5N1 tại tỉnh Bắc Giang (Trang 29 - 31)

3. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài

1.5.1.Triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm gia cầm

Theo Phạm Sỹ Lăng (2005) [15], các biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh diễn biến rất đa dạng và phức tạp, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độc lực, số lượng virus, loài nhiễm bệnh, mật độ chăn nuôi, tiểu khí hậu chuồng nuôi (độ bụi, amoniac, sulfua hidro, ...), chế độ dinh dưỡng, tình trạng miễn dịch của vật chủ trước khi nhiễm virus và sự cộng nhiễm cùng với virus cúm gia cầm của các vi khuẩn, virus khác như E. coli, Mycoplasma, Newcastle...

- Thời kì ủ bệnh rất ngắn từ vài giờ đến 3 ngày tuỳ theo lượng virus, đường nhiễm bệnh và loài cảm nhiễm virus gây bệnh.

- Thời kỳ lây truyền thường từ 3 - 5 ngày, có khi đến 7 ngày kể từ khi có triệu chứng bệnh.

+ Thể quá cấp tính (hay gặp): Xảy ra từ vài giờ đến 24 giờ. + Thể cấp tính: Xảy ra từ 1 - 4 ngày.

+ Thể á cấp tính (ít gặp): Có thể kéo dài trên 7 ngày.

- Nhiều trường hợp gà bị nhiễm cúm gia cầm nhưng không có dấu hiệu lâm sàng, song cũng có nhiều trường hợp dịch nổ ra dữ dội với các triệu chứng điểm hình về đường hô hấp, tiêu hoá và thần kinh.

- Gia cầm chết đột ngột, tỷ lệ tử vong cao có khi lên đến 100% trong vài ngày.

- Có các biểu hiện triệu chứng hô hấp khá điển hình như: khoẹc, lắc đầu, vẩy mỏ, chảy nước mũi, nước mắt, gà há mồm thở dốc.

- Mí mắt bị viêm, sưng mọng, mặt phù nề và đầu sưng to. Mào và tích bị dày lên do thuỷ thũng, có rất nhiều điểm xuất huyết, nhiều trường hợp thấy hoại tử.

- Thịt gà bệnh bị bệnh thâm xám, xuất huyết dưới da vùng chân là những biểu hiện đặc trưng của bệnh cúm gia cầm.

- Các biểu hiện thần kinh: Gà đi lại không bình thường, chệnh choạng, run rẩy, mệt mỏi, nằm li bì hoặc đứng tụm đống với nhau, lông xù. Gà giảm đẻ rõ rệt.

- Triệu chứng về tiêu hóa: Gà bị tiêu chảy mạnh.

Những dấu hiệu này dễ thấy ở gia cầm trước khi chết, có thể ít xuất hiện các triệu chứng hoặc xuất hiện kết hợp. Trong một số trường hợp bệnh bùng phát nhanh trước khi gia cầm chết không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Vịt và các loài thuỷ cầm khác bị nhiễm ít biểu hiện triệu chứng ngay cả với chủng gây bệnh HPAI ở gà, nhưng khi phát bệnh thì viêm xoang, viêm màng mắt, viêm đường hô hấp, tỉ lệ tử vong nhanh và rất cao.

Gia cầm bị nhiễm các chủng virus cúm có độc lực yếu hơn cũng có những triệu chứng tương tự nêu trên nhưng mức độ nhẹ hơn và tỉ lệ chết thấp hơn. Tuy nhiên, khi có các vi khuẩn bội nhiễm với virus cúm hoặc gia cầm bị điều kiện bất lơi tác động thì tỉ lệ tử vong tới 60 - 70% của tổng đàn và các biểu hiện lâm sàng cũng nặng hơn (Lê Văn Năm, 2004) [17].

Các loài chim hoang dã bị nhiễm virus cúm thường không có triệu chứng rõ ràng.

Một số chủng virus cúm không gây bệnh có thể cư trú trong các tế bào biểu mô ở đường hô hấp và trong ruột, thường tập trung nhiều trong phân gia cầm mà không gây ra triệu chứng lâm sàng nhưng khi gặp các điều kiện bất lợi và nhiễm các mầm bệnh khác thì virus cúm không độc này lại có khả năng gây bệnh trầm trọng ở gà.

Triệu chứng do bệnh cúm type A gây ra ở người: + Sốt cao liên tục, bệnh nhân có thể rét run. + Ho khan, đau ngực, đau đầu và đau cơ.

+ Khó thở, tím tái, trường hợp nặng có thể suy hô hấp, có thể ỉa chảy, rối loạn ý thức, có thể có những biến chứng nguy hiểm gây tử vong nhanh (Phạm Sỹ Lăng, 2004) [13].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ và biến đổi bệnh lý của bệnh cúm gia cầm type H5N1 tại tỉnh Bắc Giang (Trang 29 - 31)