- Khảo sát đặc điểm cận lâm sàng + Định lượng nồng độ glucose máu
Chương 4 BÀN LUẬN
4.3.5. Liên quan đạm niệu vi lượng (+), hs-CRP với BMI với vòng bụng
Kết quả bảng 3.18 cho thấy bệnh nhân có BMI > 25kg/m2 có tỷ lệ MAU (+) cao hơn so với bệnh nhân có BMI < 23kg/m2 và 23-24,9kg/m2
(37,5% so với 28,3% và 28,3% so với 23,3%) sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Trong bảng 3.19 và 3.20 tỷ lệ MAU (+) ở bệnh nhân nam có tăng vòng bụng cao hơn bệnh nhân không có tăng vòng bụng (64,7% so với 53,3%) sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó tỷ lệ MAU (+) ở bệnh nhân nữ có tăng vòng bụng cao hơn bệnh nhân không có tăng vòng bụng (95,3% so với 4,7%) sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Từ kết quả bảng 3.28 thấy rằng bệnh nhân có BMI > 23kg/m2 thì hs-CRP > 1mg/L chiếm 85,1% cao hơn nhóm < 23kg/m2 và sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Từ bảng 3.29 bệnh nhân có hs-CRP > 3mg/L thì trung bình vòng bụng cao hơn bệnh nhân có hs-CRP từ 1-3 và hs-CRP < 1mg/L tuy nhiên sự khác biệt
không có ý nghĩa thống kê. Như vậy, MAU (+) có liên quan với vòng bụng ở bệnh nhân nữ.
Nghiên cứu của Trần Ngọc Thư trên 72 bệnh nhân ĐTĐ type 2 cho thấy nhóm bệnh nhân có BMI ≥ 23kg/m2 thì tỷ lệ MAU (+) là 54,1% (p < 0,05) và có tăng vòng bụng thì tỷ lệ MAU (+) là 77,7% cao hơn so với nhóm bệnh nhân không tăng vòng bụng (p < 0,01)[30]. Nguyễn Đức Ngọ nghiên cứu trên 201 bệnh nhân ĐTĐ type 2 nhận thấy nhóm bệnh nhân có BMI ≥ 23kg/m2 thì tỷ lệ MAU (+) là 75,0% (p < 0,05) và nhóm có tăng vòng bụng thì tỷ lệ MAU (+) là 14,8% (p > 0,05)[18].
Đoàn Thị Kim Châu nghiên cứu trên 105 bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa nhận thấy nhóm bệnh nhân ĐTĐ type 2 có vòng bụng trung bình là 94,6 ± 7,7cm thì nhóm hs-CRP < 1mg/L chiếm tỷ lệ 16,2% nhóm hs-CRP 1-3mg/L là 50,5% và nhóm hs-CRP > 3mg/L chiếm tỷ lệ 33,3%[5].
Nghiên cứu của Kim. Y. I thấy rằng tăng BMI và vòng bụng sẽ tỷ lệ thuận với mức độ tăng của MAU (+)[49]. Theo Flegal. K. M so sánh hai nghiên cứu NHANES II và NHANES III thì tỷ lệ béo phì 33% tăng so với 25%, cho thấy tỷ lệ béo phì ở Mỹ gia tăng đáng kể[42]. Có nhiều bằng chứng cho thấy béo phì là yếu tố nguy cơ quan trọng của ĐTĐ type 2 qua cơ chế đề kháng Insulin, ngoài ra nó còn là yếu tố nguy cơ cho nhiều bệnh lý tim mạch[51]. Theo Mark N. Feinglos tại Pháp có khoãng 40-60% người béo phì bị bệnh ĐTĐ type 2 và 70-80% người bệnh ĐTĐ type 2 bị béo phì[57].
Võ Bảo Dũng nghiên cứu hs-CRP trên 45 bệnh nhân ĐTĐ type 2 nhận thấy nhóm bệnh nhân có tăng BMI thì nồng độ hs-CRP cao hơn ở nhóm không tăng BMI. Đồng thời nồng độ hs-CRP ở nhóm bệnh nhân có tăng vòng bụng cao hơn nhóm bệnh nhân không tăng vòng bụng và sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05)[12]. Nhận xét của tác giả tương đồng với kết quả nghiên cứu này.
Nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy đa số bệnh nhân có thể trạng tăng cân hoặc béo phì. Tuy nhiên, không thấy có mối liên quan giữa MAU (+) và BMI, trong khi đó lại có mối liên quan với vòng bụng. Đồng thời hs-CRP với BMI và vòng bụng cũng không có liên quan với MAU (+). Tình trạng gia tăng chỉ số vòng bụng và BMI có thể gián tiếp cho thấy ảnh hưởng của tăng triglycerid với MAU (+) dẫn đến biến chứng mạch máu và bệnh thận ĐTĐ type 2. Béo bụng dẫn đến sự tích tụ quá mức các mô mỡ trong nội tạng và các tế bào mỡ trong nội tạng làm thay đổi các cytokines hậu quả làm tăng tryglyceride và glucose trong máu. Vì vậy, bệnh nhân ĐTĐ type 2 vòng bụng tăng cao có nguy cơ biến chứng tim mạch và bệnh thận cao gấp 3 lần so với người không có ĐTĐ type 2. Chỉ số vòng bụng tăng nguy cơ MAU (+) sẽ tăng cao gấp 3,3 lần so với những trường hợp có chỉ số vòng bụng ở mức bình thường và là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới kiểm soát glucose máu kém cũng như làm tăng tỷ lệ biến chứng tim mạch và bệnh thận trên bệnh nhân ĐTĐ type 2[17],[55]. Nhận định của chúng tôi giống với nhiều tác giả trong và ngoài nước khác.