Sàn trải thảm.

Một phần của tài liệu Giáo trình thiết kế nội thất trình độ cao đẳng nghề (Trang 35 - 37)

I. Mục tiêu của bài:

1.2.3.Sàn trải thảm.

1. Cấu trúc nội thất Các yếu tố nội thất

1.2.3.Sàn trải thảm.

Thảm sàn là loại vật liệu mềm nên nó có thể tạo ra một mặt sàn có nhiều tính năng khác nhau như: đàn hồi, ấm áp, hấp thụ âm giảm ồn, an toàn và tiện nghi cho việc đi lại, một số loại thảm dễ bảo quản và vệ sinh.

Thảm có rất nhiều loại khác nhau, trong phạm vi bài giảng, chúng ta chỉ quan tâm tới tác dụng thẩm mỹ của thảm trong không gian nội thất.

Trong thiết kế nội thất, thảm có thể được trải toàn bộ hoặc cục bộ. Thảm trải toàn bộ có thể tạo ra chất lượng thẩm mỹ qua hoạ tiết, hoa văn trang trí trên nó. Trải thảm cục bộ được sử dụng để nhấn mạnh một khu vực không gian nào đó.

1.3. Tường

Tường là bộ phận kiến trúc chủ yếu của công trình. Tường tạo ra các mặt ngoài của ngôi nhà đồng thời là sự bảo vệ và giới hạn các không gian bên trong. Tường đóng vai trò ngăn cách, phân chia không gian.

Tường có nhiều loại được phân ra theo kết cấu, kích thước (chiều dày), theo chức năng chịu lực và các chức năng đặc biệt khác...Song nhìn chung, trong không gian nội thất thì tường là một mặt phẳng tương đối rộng. Màu sắc và chất liệu của tường thường được sử dụng để nói về một ý đồ nào đó bởi nó là mảng màu chiếm diện tích gần như lớn nhất trong căn phòng.

Cho dù như vậy, song tường cũng chỉ là phần nền làm nổi bật hơn các đồ đạc bên trong không gian nội thất, bởi thế màu sắc của chúng thường được xử lý nhẹ nhàng. Nếu có một mảng tường nào đó cần trang trí chất liệu mạnh hơn thì mảng tường đó phải chiếm tỷ lệ diện tích không quá 1/4 tổng diện tích tường.

Tường thường được xử lý màu bằng vôi, ve hoặc quét sơn. Trong một số trường hợp, tường được ốp bởi các loại vật liệu như gỗ, nhựa tổng hợp hay granito một phần. Trong trường hợp này chúng ta cần hết sức chú ý tới phần tiếp giáp giữa tường với trần và tường với sàn.

Đối với những mảng tường cong, bản thân hình dạng của chúng đã tạo cho chúng một sức căng nhất định về thị giác, bởi thế nếu cần nhấn mạnh một mảng tường nào đó thì nên chọn những mảng tường như vậy là trung tâm điểm nhấn.

Trên tường thường có các lỗ mở, hốc. Đây cũ là một đặc thù mà chỉ có tường mới có thể dễ dàng có được. Các lỗ mở kết nối không gian này với không gian khác dường như tạo cho ta cảm giác thấy sự liên tục, sự vận động của không gian.

1.4. Trần

Trần là yếu tố giới hạn phần bên trên của không gian nội thất. Trần là một yếu tố đặc biệt của không gian nội thất, trên trần thường là nơi đặt các hệ thống chiếu sáng và nhìn chung là thoáng, không có đồ đạc che lấp. Trong một không gian lớn, trần rộng sẽ dễ dàng dẫn tới cảm giác trống trải, buồn tẻ. Chính vì những đặc thù ấy, việc thiết kế tạo ra các hệ thống hoạ tiết trang trí và hệ thống đèn trang trí trên đó là hết sức cần thiết.

Trần có thể được gắn trực tiếp vào khung kế cấu hoặc treo dưới mái.

Cũng như sàn, trần cũng có thể được sơn khác màu với tường hay ốp mặt bằng chất liệu gỗ hoặc nhựa. Song điều đặc biệt cần chú ý đối với trần là độ cao của trần. Từ độ cao ấy, ta xác định các giải pháp về màu sắc và hình thức của trần.

Chiều cao của trần có một ảnh hưởng chính yếu về tỷ lệ của không gian. Các trần cao có xu hướng tạo cảm giác không gian cởi mở, thông thoáng, sang trọng. Chúng cũng có thể gây một không khí trang trọng. Các trần thấp nhấn mạnh chất lượng che chở của chúng và cho ta cảm giác ấm cúng, riêng biệt.

Trần sáng màu sẽ là tăng chiều cao trần, ngược lại trần tối màu sẽ là giảm chiều cao của trần xuống.

Các hệ thống đèn treo trên trần cũng cần có độ cao phù hợp với độ cao của trần.

Chiều rộng của phòng cũng cần đề cập tới trong thiết kế trần. Trần rộng có thể tạo thêm nhiều hoa văn, hoạ tiết, hơn nữa có thể phân thành các modul theo sự bố trí không gian trên mặt bằng. Đối với những trần hẹp thì các hoạ tiết trang trí trên đó cần đơn giản.

Đối với những không gian hẹp, chiều cao lại lớn như các loại nhà "tầng rưỡi" hiện nay thì cần xử lý trần bằng cách thêm vào những giới hạn giả.

Tức là chúng ta sẽ làm lẫn màu trần với một phần của tường để tạo ra ảo giác là bề mặt trần rộng hơn, chiều cao trần thấp xuống. Một số trường hợp thì ngược lại, cần có độ cao ảo lớn hơn chiều cao thực. Khi đó lại phải có giải pháp nhoà một phần tường vào trần, làm phần màu trần nhỏ lại.

Trong các không gian của công trình thương mại, một hệ thống trần treo modul hoá thường được sử dụng để thống nhất hoá và làm linh hoạt trong bố cục các thiết bị chiếu sáng và phân bố những vị trí phát sáng. Hệ thống điển hình gồm các mảng ở trần modul hoá được đỡ bởi một mạng kim loại treo vào kết cấu bên trên. Những mảng này thường có thể bóc ra để thay mới.

Trần có thể có nhiều kiểu dáng khác nhau, có thể là hình vuông, hình tròn, cong, cầu, trụ... Trong một số trường hợp, trần được trang trí bằng các bức hoạ được vẽ trực tiếp lên đó.

Trần có mái dốc thường mang lại một sự định hướng cho người quan sát. Hướng này thường được bắt đầu từ đỉnh nóc của mái rồi men theo các sườn dốc xuống các phần tường.

Trần vòm dùng uốn cong một mặt phẳng để làm dịu chỗ tiếp giáp với các mặt tường xung quanh, hợp nhất giữa mặt phẳng thẳng đứng và mặt ngang làm cho không gian bao quanh có hình dáng mềm dẻo.

Trần có hình tự do khác biệt với phẩm chất phẳng của tường và sàn, do đó cuốn hút sự chú ý của người nhìn.

Một phần của tài liệu Giáo trình thiết kế nội thất trình độ cao đẳng nghề (Trang 35 - 37)