Thiết kế nội thất phòng khách

Một phần của tài liệu Giáo trình thiết kế nội thất trình độ cao đẳng nghề (Trang 83 - 86)

II. Nội dung: 1 Mặt bằng

2. Thiết kế nội thất phòng khách

Yêu cầu đối với nội thất phòng khách nhìn chung là phải tạo ra được cảm giác không khí đúng theo ý đồ của chủ nhân, nó có thể là sự hoà nhã, thân thiện, ấm cúng, hay cũng có thể là sự khuyếch trương thanh thế, đề cao vị thế của chủ nhà...

Hình 9.1 Hình vẽ phối cảnh không gian phòng khách

Trong các loại phòng khách gia đình thông thường thì không gian phòng khách đòi hỏi sự ôn hoà, ổn định, gần gũi chứ ít khi cần không khí xã giao, xa cách, song mức độ thân thiện của nó vẫn ẩn chứa một sự phân biệt chủ, khách. Đây là một vấn đề tương đối khó trong trang trí không gian nội thất phòng khách.

Chức năng chính của phòng khách là tiếp khách, khách lại có nhiều loại với nhiều mức độ thân mật khác nhau, bởi vậy tính linh hoạt của không gian là hết sức cần thiết để có thể ứng xử với mọi người.

Hình 9.3 Bài trí phòng khách

Với chức năng chính là tiếp khách thỉ tối thiểu, phòng khách phải có một bộ phận không gian cho chủ và khách an toạ, đàm phán. Nơi đó chính là nơi kê đặt bàn ghế tiếp khách của phòng. Bình đẳng chủ khách vốn là tư chất, cốt cách của người Phương Đông, nên bàn ghế tiếp khách trong phòng khách gia đình thường không có sự phân biệt, khác nhau.

Vậy thì điều gì trong không gian nội thất phòng khách giúp phân biệt chủ và khách? Đó chính là sự bài trí các đồ đạc xung quanh, hướng kê đặt bàn ghế và một số ý tứ riêng trong sử dụng màu trang trí.

Một phòng khách gia đình truyền thống thường có một chiếc tủ để trang trí không gian phòng khách và cũng là để nói rằng người chủ của căn phòng là ai. Tủ trang trí thường được kê đặt ở vị trí chính giữa mặt tường chính để thu hút thị giác của người nhìn. Trong chiếc tủ này, các đồ vật ưa chuộng của chủ nhân sẽ được trưng bày. Chính từ những đồ vật đó mà người khách có thể xác định tính tình, phong cách, vị trí của chủ nhà.

Hình 9.4 Bài trí bàn trà

Màu sắc trong không gian nội thất phòng khách thường là những màu ấm sáng, tạo ra không gian ấm cúng cho căn phòng. Chiếu sáng trong không gian phòng khách có thể là chiếu sáng cục bộ hoặc toàn bộ.

Trong không gian nội thât phòng khách, điểm nhấn của căn phòng thường rơi vào khu tiếp khách và phần giữa của bức tường chính, nơi đặt tủ và các đồ đạc trang trí. Để nhấn mạnh tới khu vực này, chúng ta có thể sử dụng ánh sáng nhân tạo chiếu cục bộ từ những chiếc đèn cây. Phần sàn nơi tiếp khách có thể sử dụng thảm trải cục bộ để thu hút điểm nhấn về trung tâm tiếp khách.

Tường phòng khách có thể sơn màu sữa gây cảm giác luôn mới, trần nhà sơn màu trắng. Toàn bộ không gian như rộng thêm, cũng có thể sơn phòng

màu vàng sáng cho tường, cho ta ấn tượng luôn luôn mới mẻ, cảm giác không khí vui tươi thoải mái.

Trong kiến trúc hiện đại, dần dần đã xuất hiện phòng sinh hoạt chung trong gia đình được tách riêng. Trước đây mọi sinh hoạt trong gia đình thường được kết hợp tại phòng khách. Cho dù là phòng sinh hoạt chung hay phòng khách trong gia đình thì đặc điểm của không gian vẫn có những điểm chung nhất định, điều này đặc biệt thể hiện rõ qua tư cách hiếu khách của con người Việt trong nền văn hoá Việt.

Phòng sinh hoạt chung trong căn hộ gắn bó với nhiều chức năng. Vì vậy, giải pháp màu trang trí sao cho vừa toát lên không khí vui tươi như ngày hội khi cần thiết, lại có không khí chan hoà cởi mở và đoàn tụ gia đình. Các công việc thường diễn ra ở đây như: Xem vô tuyến truyền hình, đọc sách báo, hội họp gia đình, tiếp khách v.v...

Trang trí phòng sinh hoạt chung gồm có giải pháp tĩnh thường xuyên hàng ngày, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt tiện nghi. Vì thế màu sắc cơ bản của tường cần sáng sủa, với hệ số phản xạ lớn hơn 60%, có thể áp dụng màu tường trắng hồng phớt, xanh da trời sáng, vàng - da cam sáng; trần sơn màu trắng. Hết sức tránh đùng màu quá lạnh như xanh lá cây v.v... Mỗi khi cần nơi đây có không khí ngày hội, tức là phần trang trí động, người ta dùng các màu bổ sung thông qua màu của các tác phẩm hội hoạ, chúng có thể đan xen là màu hoa hồng, hoa sen, vàng da cam của các bức rèm, xanh lá cây trang trí. Thảm trải sàn màu nâu, tím kẻ xen kẽ các vệt trắng, hoa vàng. Các đồ đạc bằng gỗ màu vàng sáng bóng, hoặc sa lông da màu nâu phủ nửa trên phần tựa lưng bàng khăn sợi móc thưa màu trắng, bàn gỗ phủ kính sơn màu lam ngọc phun hoa trắng. Có nhiều kiểu cách trang trí khác phù hợp với sở thích cá nhân từng căn hộ như: Tường nhà sơn màu lam ngọc, rèm cửa sổ vàng sáng kẻ vệt thẳng đứng màu nâu tươi, thảm trải sàn xanh lá cây. Hoặc giải pháp khác như tường màu xanh lá chuối non, thảm trải sàn màu nâu gụ đan xen vết hoa vàng đất, rèn cửa sổ xanh da trời phun hoa trắng: Đồ đạc bằng gỗ phủ vải giả da màu xám tối. ở phương Tây, khí hậu lạnh người ta sơn tường màu hồng, da cam, các màu trang trí động cho đồ đạc trong phòng mau xanh lá cây, đỏ, lam - ngọc tăng không khí ngày hội.

Một phần của tài liệu Giáo trình thiết kế nội thất trình độ cao đẳng nghề (Trang 83 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(92 trang)
w