VI SINH VẬT
1.4.2.1. Dinh dưỡng Carbon
Vì nấm men thuộc nhóm dị dưỡng hóa năng nên nguồn C là các hợp chất hữu cơ như các glucid, rượu, acid hữu cơ, acid amin … có giá trị dinh dưỡng khác nhau. Khả năng hấp thụ các nguồn C khác nhau của nấm men phụ thuộc vào 2 yếu tố : Thành phần hóa học thuộc về bản chất của nguồn C được sử dụng và đặc điểm sinh lý của tế bào nấm men.
Nguồn C dinh dưỡng được nấm men sử dụng một cách dễ dàng nhất phải kể đến là nhóm glucid, cụ thể là các monosaccharide được tất cả các loài nấm men sử dụng. Nó được coi là nguồn C vạn năng đối với vi sinh vật vì tất cả các quá trình biến dưỡng và tổng hợp vật chất đều bắt nguồn từ cơ chất đầu tiên là glucose. Các loại đường pentose tuy thuộc monosaccharide nhưng nhiều loài nấm men, trong đó có giống Saccharomyces lên men rượu, lại không thể sử dụng được. Một số loài nấm men dùng trong sản xuất nấm men gia súc thuộc giống Candida, Torulopsis có thể đồng hòa được pentose vì thế nó thường được ứng dụng để thu sinh khối khi nuôi trên dịch thủy phân từ gỗ, các nguồn giàu hemicellulose, dịch kiềm sulfit. Những loại
disaccharide (sucrose, maltose, lactose) hay trisaccharide (cellobiose, rafinose) không phải bất cứ chủng loài nấm men nào cũng có thể đồng hóa được mà còn tùy thuộc vào các enzyme thủy phân tương ứng có trong nấm men để có thể chuyển các loại đường trên thành đường đơn (glucose, fructose, các pentose).
Phần lớn các loài thuộc sống Saccharomyces khác nhau giữa chúng trước hết là quan hệ với các loại đường trong quá trình trao đổi chất hydratcacbon. Đối với các nguồn carbon khác như các loại rượu và acid hữu cơ thì mối quan hệ này là giống nhau ở tất cả các loài trong cùng một giống.
Trong số các loài thuộc giống Saccharomyces, Saccharomyces cerevisiae khi cho lên men đường từ tinh bột sẽ phát triển hơn các loài khác
vì nó có thể lên men được những dextrin đơn giản.
Hầu hết các loài nấm men đều không có các enzyme thuộc nhóm hydrolase như amylase, cellulase … nên không sử dụng trực tiếp được tinh bột, cellulose và hemicellulos . Nếu muốn sử dụng các nguồn polysaccharide này cần phải tiến hành thủy phân ( bằng acid hay enzyme ) trước khi nuôi nấm men.
Nấm men cũng có thể sử dụng các acid hữu cơ làm nguồn dinh dưỡng cacbon và năng lượng duy nhất. Các sản phẩm trung gian trong chu trình Krebs (acid sucxinic, fumaric, malic…) đều là nguồn C dinh dưỡng cho nấm men.
Ở một số chủng nấm men còn có thể sử dụng các acid béo làm nguồn dinh dưỡng C, khả năng sử dụng phụ thuộc vào chủng, chiều dài của mạch C và mức độ điện ly của acid béo.
Trong vài thập kỷ gần đây, việc phân lập và tạo ra các chủng nấm men có khả năng sử dụng hydrocacbon từ dầu mỏ và khí đốt làm nguồn C đang được quan tâm. Các quá trình này không những giải quyết được vấn đề về ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra nguồn protein đơn bào và vitamin từ sinh khối nấm men để bổ sung thức ăn trong chăn nuôi.