Có lộ trình thực hiện trên cơ sở chiến lược cải cách hành chính thuế

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kê khai thuế tại chi cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc (Trang 82 - 84)

, khung lôgic

4.1.2.Có lộ trình thực hiện trên cơ sở chiến lược cải cách hành chính thuế

Thời gian qua, thực hiện đường lối đổi mới theo tinh thần Nghị quyết đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt nam, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, sự điều hành sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng, các ngành, các cấp và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, của ngành Tài chính nói chung, ngành Thuế nói riêng, công cuộc cải cách hệ thống thuế ở nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Chúng ta đã xây dựng và trình Nhà nước ban hành được một hệ thống chính sách thuế bao quát hầu hết các nguồn thu và từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý thuế ngày càng được nâng cao. Số thu từ thuế và phí đã trở thành nguồn thu chủ yếu của Ngân sách Nhà nước, năm sau cao hơn năm trước, nhất là các năm gần đây và đã góp phần bảo đảm công bằng xã hội, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống thuế nước ta còn bộc lộ một số hạn chế cơ bản. Hệ thống chính sách thuế chưa thực sự đồng bộ, còn phức tạp, lồng ghép nhiều chính sách xã hội. Công tác quản lý thuế còn nhiều mặt hạn chế cả về cơ chế quản lý, công nghệ quản lý, bộ máy và cán bộ quản lý. Vì vậy, phải tiếp tục cải cách hệ thống thuế để khắc phục những tồn tại và yếu kém trên. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng các ứng dụng CNTT của Ngành cũng phải đảm bảo phù hợp với sự thay đổi của chính sách mới đáp ứng được với yêu cầu quản lý chung của ngành. Vì vậy, những định hướng của Nhà nước trong xây dựng pháp luật nói chung và chiến lược cải cách và hiện đại hoá ngành Thuế là cơ sở quan trọng, có tính định hướng lâu dài cho việc triển khai xây dựng các ứng dụng CNTT của ngành Thuế, đặc biệt là việc hoàn thiện ứng dụng trong quản lý kê khai thuế - Khâu công việc cốt lõi của ngành Thuế.

Tại cuộc họp "Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị và triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông" vào tháng 12/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: "CNTT không chỉ là ngành công nghiệp dịch vụ phát triển với tốc độ cao, đóng góp lớn vào nguồn thu cho đất nước mà còn là động lực phát triển hạ tầng quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội. Ngày nay không một ngành nào, lĩnh vực nào phát triển mà không dựa vào sự hỗ trợ của CNTT". Nhận thức được tầm quan trọng của CNTT, do vậy, việc triển khai xây dựng, tái cấu trúc các phần mềm hay các phân hệ của ứng dụng, đòi hỏi phải có một lộ trình thích hợp với định hướng cải cách hành chính thuế, đồng thời đảm bảo các thông tin, số liệu, dữ liệu có khả năng tích hợp chặt chẽ với nhau giữa các ứng dụng.

Cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý thuế là một trong những biện pháp chủ yếu để giúp cho hoạt động quản lý thuế đáp ứng được các yêu cầu và đạt được mục tiêu đặt ra. Công nghệ thông tin áp dụng vào công tác quản lý thuế cần được thực hiện trong tất cả các hoạt động quản lý và môi trường quản lý. Cụ thể là:

- Công nghệ thông tin được sử dụng để phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật về thuế một cách nhanh chóng, đầy đủ nhất từ khâu khảo sát, thăm dò, xin ý kiến góp ý để ban hành dự thảo các văn bản pháp luật thuế đến việc phổ biến để đưa chính sách thuế vào cuộc sống. Công nghệ thông tin sẽ đảm bảo cho tất cả các đối tượng trong xã hội có thể tham gia ý kiến xây dựng chính sách thuế và có thể cập nhật các quy định về thuế mọi nơi, mọi lúc thông qua các thiết bị có sử dụng phần mềm công nghệ thông tin.

- Công nghệ thông tin được sử dụng để hỗ trợ người nộp thuế kịp thời và chính xác nhất thông qua việc nhận và giải đáp những vướng mắc của người nộp thuế của cơ quan thuế; việc phổ biến, trao đổi, cùng tháo gỡ giữa cơ quan thuế với các cơ quan chức năng khác.

- Công nghệ thông tin còn được sử dụng để giúp người nộp thuế thực hiện tất cả các nội dung công việc của mình trong việc chấp hành pháp luật thuế. Người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế điện tử, khai thuế điện tử, nộp thuế, được hoàn thuế qua mạng, qua hệ thống giao dịch điện tử với các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

- Công nghệ thông tin còn giúp cho cơ quan thuế triển khai thực hiện các công việc quản lý của mình một cách thuận lợi nhất. Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, cơ quan thuế có thể xây dựng được hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác về người nộp thuế phục vụ cho công tác quản lý và thanh tra, kiểm tra quá trình tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. Đồng thời, cơ quan thuế có thể xây dựng các quy trình quản lý thuế hiện đại, đồng bộ có ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo cho công tác quản lý thuế theo từng chức năng được thuận lợi, chính xác và hiệu quả cao trên cơ sở khai thác hệ thống dữ liệu thống nhất.

- Ngoài ra, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, việc kết nối, chia sẻ thông tin và phối hợp quản lý giữa cơ quan thuế, người nộp thuế với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình quản lý thuế được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi mang lại hiệu quả cao trong quản lý thuế.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kê khai thuế tại chi cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc (Trang 82 - 84)