Hiện trạng hệ thống mặt đường Điện Biên và cách phân loại

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG ĐƯỜNG Ô TÔ VÀ ĐƯỜNG THÀNH PHỐ NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG KẾT CẤU MẶT ĐƯỜNG HỢP LÝ CHO KHU VỰC ĐIỆN BIÊN (Trang 44 - 49)

2.1. Đánh giá chung:

Mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Điện Biên ra đời từ những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cho đến ngày nay đã phát triển phần nào đáp ứng các yêu cầu về vận tải, phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội trong toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, chủ yếu phát triển phương thức vận tải đường bộ kết hợp với vận tải đường hàng không – sân bay quốc tế Điện Biên, vận tải đường sông chưa phát triển, hệ thống đường sắt chưa được xây dựng.

Hệ thống đường bộ gồm: 03 tuyến quốc lộ (QL6A, QL279, QL12), các tuyến đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện và đường xã.

2.2. Hiện trạng hệ thống mạng lưới đường bộ:

Tổng chiều dài đường bộ của tỉnh Điện Biên đến 9/2005 là 2.473,7 km, bình quân 3,21 km/1000 dân (không kể đường xã, thôn) và mật độ 14,95 km/ 100 km2. Kết cấu mặt đường bao gồm:

- Bê tông nhựa: 124,2 km chiếm 8,7 %.

- Thấm nhập nhựa, láng nhựa: 485,9 km chiếm 34% - Cấp phối: 360,8 km chiếm 25,3 %.

Như vậy, về mật độ đường là thấp so với bình quân cả nước (30km/100 km2), nếu so với vùng Tây Bắc thì chỉ hơn Lai Châụ Và so với mật độ tính trên 1000 dân thì cũng là mức thấp so với nhiều tỉnh thuộc vùng Tây Bắc như

Sơn La, Hoà Bình. Do đó, mạng lưới giao thông đường bộ của Điện Biên cần được phát triển mạnh hơn với các hình thức xây dựng mới, đại tu, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến trong toàn tỉnh.

2.3. Phân loại hệ thống giao thông đường bộ: có 6 loại:

* Hệ thống đường quốc lộ:

- Quốc lộ 12: Đoạn chạy qua tỉnh Điện Biên bắt đầu từ cầu Hang Tôm (TX Mường Lay - Km90+500) đến TP Điện Biên Phủ dài 104,5 km, đường cấp IV, nền 7,5m, mặt 6,5m. Về kết cấu mặt đường: BTN 37 km chiếm 35,4%, thấm nhập nhựa 67,5 km chiếm 64,6% toàn tuyến. Tải trọng cầu cống H18.

Nhìn chung, tuy hệ thống cầu cống được xây dựng tương đối hoàn chỉnh nhưng tuyến chạy trong vùng núi hiểm trở, nhiều đèo dốc, hay bị sụt lở về mùa mưa lũ, mặt đường phần lớn là rải đá dăm từ lâu với chất lượng thấp nên đã bị bong bật, ổ gà và “cóc gặm” mép đường nhiều đoạn.

Hiện nay, khi xây dựng thuỷ điện Sơn La có 83 km thuộc dự án đường tránh ngập các đoạn từ Km104 – Km196 đang được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, đoạn Km0 – Km 22 (ra cửa khẩu Ma Lu Thàng) cũng được đầu tư nâng cấp lên đường cấp IV.

- Quốc lộ 279: Đoạn tuyến quốc lộ 279 chạy qua tỉnh Điện Biên bắt đầu từ Tuần Giáo – 406/6A đến cửa khẩu quốc tế Tây Trang (TP Điện Biên Phủ- tỉnh Điện Biên) dài 116 km, đường cấp V, nền 7m, mặt 3,5 m. Về kết cấu mặt đường: BTN 11,6km chiếm 10%, đá dăm thấm nhập nhựa dài 104,4km chiếm 90% toàn tuyến. Tải trọng cầu cống H18.

Các đoạn qua thị trấn Tuần Giáo và TP Điện Biên Phủ đã được mở rộng từ 10,5 – 21m theo quy hoạch đô thị. Hiện nay, một số đoạn đang thi công theo dự án mở rộng QL 279 dài tổng cộng 59,8 km (Xem phụ lục 9). Đánh giá chung, QL 279 đoạn Tuần Giáo – Tây Trang sau khi dự án mở rộng hoàn

thành thì tuyến và các công trình cầu cống tương đối đồng bộ, được rải nhựa với chất lượng khá.

- Quốc lộ 6: Đoạn tuyến quốc lộ 6 chạy qua tỉnh Điện Biên bắt đầu từ Km386 (đèo Pha Đin) đến thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) dài 120 km, đường cấp VI, nền 6m, mặt 3,5 m. Kết cấu mặt đường: BTN 2 km chiếm 1,7%, đá dăm thấm nhập nhựa dài 118 km chiếm 98,7% toàn tuyến. Hiện nay, đang nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp IV, xây dựng đoạn đường tránh ngập phù hợp với thuỷ điện Sơn La và xây dựng đoạn tránh đèo Pha Đin từ Phiêng Nén – Minh Thắng dài 18 km và rút ngắn chiều dài toàn tuyến xuống còn 100 km.

* Hệ thống đường tỉnh lộ:

Toàn tỉnh có 5 tuyến đường tỉnh dài 152,2 km gồm: ĐT 126, ĐT 129, ĐT 130, ĐT 131, ĐT 133. Hầu hết các tuyến đường tỉnh có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, chủ yếu là đường cấp VI, đường hẹp, chất lượng mặt đường xấu, cầu cống tải trọng thấp: H10, H13, H8, độ dốc dọc tuyến lớn, mái ta luy không đủ tiêu chuẩn, hay sụt trượt về mùa mưa làm cho việc đi lại khó khăn, dễ gây tai nạn.

- Đường tỉnh 126 (Đồi Cao – Nậm Cản): chiều dài toàn tuyến 10 km, đường cấp 6, Bnền là 6m, mặt 3,5m. Kết cấu áo đường: BTN toàn tuyến.

- Đường tỉnh 129 (Huổi Lóng – Tủa Chùa): chiều dài toàn tuyến 20km, đường cấp 6, nền rộng 6m, mặt 3,5m. Kết cấu áo đường: BTN toàn tuyến.

- Đường tỉnh 130 (Pom Lót – Na Son): chiều dài toàn tuyến 47 km, đường cấp 6, mặt 3,5m, nền rộng 6m. Kết cấu áo đường: BTN 43km, đá dăm thấm nhập nhựa 4km.

- Đường tỉnh 131 (Na Pheo – Mường Nhé): dài 70km, đường cấp 6, nền rộng 6m, mặt 3,5m. Kết cấu mặt đường: đá dăm thấm nhập nhựa toàn tuyến với chất lượng mặt rất xấu, đường hẹp, mái ta luy, đường cong không đủ tiêu chuẩn.

- Đường tỉnh 133 (Nà Nhạn – Pa Khoang): dài 6,2 km, bề rộng nền 6m, mặt 3,5 m, mặt đường đã rải BTN toàn tuyến.

* Đường đô thị:

Tổng chiều dài đường đô thị của tỉnh Điện Biên là 76,8 km, trong đó: 45,4 km đường nhựa chiếm 59,1 %; 23,4 km mặt đường cấp phối chiếm 30,5%; 8 km đường đất chiếm 10,4%.

Đường đô thị được xây dựng mới theo quy hoạch, cầu cống tốt. Tuy nhiên công tác sửa chữa, quản lý chưa được quan tâm đúng mức nên đường đang dần xuống cấp.

Các tuyến đường đô thị tại các trung tâm các huyện chưa đạt tiêu chuẩn đường đô thị, hầu hết các tuyến đường đều ngắn và hẹp.

* Đường huyện, xã:

Tổng chiều dài đường huyện, đường xã là 857,2km, trong đó: 70 km đường nhựa chiếm 8,2%; 337,4 km đường cấp phối chiếm 39,4%; 449,8 km đường đất chiếm 53,5%. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Hiện nay, hầu hết các tuyến đường mới đạt tiêu chuẩn đường loại A, B theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn; hệ thống cầu cống trên tuyến chưa được xây dựng vĩnh cửu, còn nhiều cầu tạm, ngầm tràn không đảm bảo yêu cầu thông xe; chất lượng mặt đường xấu, đường cấp phối và đường đất chiếm tới 91,8% do đó mùa mưa đi lại rất khó khăn. Đặc biệt với đường cấp phối nếu không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên tốt thì sẽ xuống cấp rất nhanh.

Hệ thống biển báo, cọc tiêu, thiết bị phòng hộ chưa có gây mất an toàn giao thông.

Hiện tại còn 2 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã: xã Chung Chải, Xín Thầụ

* Đường dân sinh, thôn, xóm:

Tổng đường thôn, xóm trong tỉnh Điện Biên khoảng 1045 km, có bề rộng từ 1,5 đến 3m, chủ yếu là đường đất, chất lượng mặt đường rất xấu, các

phương tiện thô sơ, xe súc vật kéo lưu hành nhiều còn xe cơ giới chủ yếu đi được vào mùa khô.

Đánh giá chung về hiện trạng giao thông vận tải tỉnh Điện Biên:

- Mạng lưới giao thông tỉnh Điện Biên chủ yếu là vận tải đường bộ. Mạng lưới đường bộ đã được xây dựng và phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng so với cả nước thì mật độ gần như là thấp nhất. Phân bố mạng lưới lại không đồng đều do đặc thù miền núi cao hiểm trở, các tuyến chủ yếu tập trung từ TP Điện Biên Phủ rồi toả đi các nơi trong tỉnh. Đồng thời, tỉ lệ mặt đường nhựa, bê tông nhựa còn rất thấp, chỉ tập trung ở mấy tuyến trung tâm trong khi đó mặt đường đất chiếm tỉ lệ lớn, mặt đường bê tông xi măng hầu như chưa có.

- Các tuyến đường bộ tuy đã được nâng cấp song chưa nhiềụ Do địa hình hiểm trở nên hầu hết các tuyến là đường đồi núi quanh co, dốc lớn, cấp hạng rất thấp (chủ yếu là cấp VI), nhiều đường chưa vào cấp. Đặc biệt, hai xã Chung Chải, Xín Thầu là chưa có đường vào do khả năng làm đường đến xã còn rất khó khăn về cả kinh phí, địa hình lẫn kỹ thuật, kinh tế.

- Chất lượng đường Điện Biên còn rất kém: tuyến quanh co với độ dốc dọc lớn; tầm nhìn không đảm bảo hoặc không có; mái ta luy do đào sâu nên dốc rất lớn, hay sụt trượt về mùa mưa; hệ thống thoát nước chủ yếu là thoát tự nhiên nên không đảm bảo, nước tràn mặt đường làm giảm cường độ gây lún, nứt ổ gà, lượn sóng, bong bật...Mặt khác, do nền đường kém ổn định, kết cấu không hợp lý, công nghệ thi công lạc hậu, cường độ xe chạy cũng như tải trọng xe chạy ngày càng cao đã làm cho mặt đường có độ bằng phẳng kém, cường độ mặt đường không đồng đều theo chiều dọc và chiều ngang đường.

- Phương pháp thi công trong xây dựng đường: Thi công bằng các phương pháp thủ công là chính, phần cơ giới trong thi công còn yếu và chưa đồng bộ.

- Nguồn hàng, nguồn khách không tập trung, tự phát, manh mún, kinh tế hàng hoá và công nghiệp chưa phát triển nên hầu hết là hàng hoá tiêu dùng có khối lượng nhỏ cũng đã làm hạn chế đến sự phát triển giao thông của tỉnh.

- Khi có công trình thuỷ điện Sơn La thì một số tuyến đường bộ và công trình giao thông sẽ bị ngập, cần phải xây dựng các tuyến tránh để đảm bảo an toàn giao thông thông suốt và sinh hoạt của người dân trong vùng.

Do đó, để đáp ứng được nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế trong giai đoạn mới đòi hỏi phải có sự đầu tư và nâng cấp các tuyến về cấp hạng cũng như kết cấu mặt đường, áp dụng các công nghệ thi công mới, vật liệu xây dựng mới cho phù hợp, hiệu quả.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG ĐƯỜNG Ô TÔ VÀ ĐƯỜNG THÀNH PHỐ NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG KẾT CẤU MẶT ĐƯỜNG HỢP LÝ CHO KHU VỰC ĐIỆN BIÊN (Trang 44 - 49)