Cho vay đối với HSSV đã được triển khai thực hiện theo ba giai đoạn: - Giai đoạn 1
Ngày 02 tháng 3 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ tín dụng đào tạo với mục đích cho vay với lãi suất ưu đãi đối với HSSV đang học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Quỹ tín dụng đào tạo lúc đó được thiết lập là 160 tỷ đồng (gồm NSNN cấp 30 tỷ đồng và NHNN cho vay 130 tỷ đồng).
Đối tượng thụ hưởng lúc đó là HSSV đang theo học tại các trường. Điều kiện vay vốn là phải có học lực khá trở lên, như vậy phải qua kết quả của một học kỳ, có xác nhận của nhà trường mới được vay. Ngân hàng cho vay trực tiếp đối với HSSV tại trụ sở ngân hàng nơi gần các trường đóng trụ sở.
- Giai đoạn 2
Ngày 04 tháng 10 năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ- CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, bao gồm cả đối
tượng là HSSV đang học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và học nghề và giao cho NHCSXH quản lý.
Tháng 5 năm 2003, NHCSXH tiếp nhận từ NHCT với tổng nguồn vốn là 160 tỷ đồng (trong đó nợ quá hạn là 9,9 tỷ đồng). NHCSXH tiếp tục triển khai chương trình theo nội dung Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai chương trình cho thấy cơ chế cho vay trực tiếp đối với HSSV tại trường có nhiều bất cập trong việc sử dụng vốn vay và thu hồi nợ của HSSV. Nhiều HSSV khi ra trường không có mối liên hệ gì với ngân hàng, nhà trường trong việc theo dõi và thu hồi nợ; nhiều học sinh ra trường đã có việc làm không tự giác trả nợ. Gia đình có con vay vốn không muốn khai báo HSSV đang công tác ở đâu gây khó khăn cho việc thu hồi nợ của ngân hàng. Do vậy, ngân hàng không thu hồi được vốn để quay vòng cho HSSV các khóa sau vay vốn.
Từ thực tế trên, NHCSXH đã đề xuất phương án cho vay thông qua hộ gia đình, gia đình trực tiếp nhận nợ và chịu trách nhiệm trả nợ.
- Giai đoạn 3
Ngày 18/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 107/2006/QĐ- TTg về tín dụng đối với HSSV thay thế Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg với những thay đổi về chính sách và điều kiện vay vốn như sau:
+ Đối tượng vay vốn: Là HSSV (gồm HSSV là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo) đang học hệ chính quy tập trung tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề có thời gian đào tạo từ một năm trở lên.
+ Phương thức cho vay thay đổi theo hướng chuyển cho vay trực tiếp tới HSSV sang cho vay hộ gia đình, hộ gia đình là người đại diện cho HSSV trực tiếp vay vốn và trả nợ ngân hàng.
Tiếp đó, ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV thay thế quyết định số 107/2006/QĐ- TTg theo hướng tạo điều kiện nhiều hơn cho các đối tượng HSSV là HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng
lao động; hộ nghèo theo tiêu chuẩn của pháp luật, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật, hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh được vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề, không phân biệt loại hình đào tạo (công lập hay dân lập) và thời gian đào tạo trên một năm hay dưới một năm.
Áp dụng phương thức cho vay thông qua hộ gia đình trên cơ sở thiết lập các Tổ TK&VV ở thôn, ấp, bản có sự quản lý giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội.
Thời hạn cho vay, thu hồi nợ được kéo dài hơn: cụ thể là đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học. Đối với trường hợp HSSV học nghề ngắn hạn thì thời gian trả nợ tối đa bằng 2 lần thời gian học. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV có đủ khả năng trả nợ sau khi ra trường.