3.2.1.1 Giải pháp để tăng vốn
Với quy mô vốn như hiện nay, SHB sẽ khó đứng vững trong cạnh tranh trên thị trường tiền tệ Việt Nam. Mặt khác, tiềm lực tài chính là một trong những nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh các ngân hàng. Do vậy, SHB phải thực hiện mọi biện pháp để tăng cường tiềm lực tài chính của mình trong giai đoạn tới.
- Tăng vốn từ bên trong:
Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của SHB liên tục có tốc độ tăng trưởng cao. Đây cũng là một nhân tố quan trọng để giúp SHB thực hiện việc tăng vốn điều lệ. Nguồn vốn bổ sung tốt nhất chính là lợi nhuận giữ lại của SHB.
Bảng 2.16: Lợi nhuận chưa phân phối của SHB năm 2008 - 2012
Đơn vị tính: Tỷ đồng
2008 2009 2010 2011 2012
167,5 274,3 423,6 753,0 26,1
(Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo thường niên của SHB 2008 - 2012)
Tỷ lệ lợi nhuận chưa phân phối của SHB tăng nhanh trong giai đoạn 2008- 2011, trong năm 2012 lợi nhuận giữ lại của SHB có giảm xuống chỉ còn 26 tỷ đồng do lỗ lũy kế của HBB chuyển sang khi sáp nhập là 1.660,8 tỷ đồng. Hơn nữa với lợi thế có được sau khi sáp nhập vào HBB và kế hoạch kinh doanh năm 2013 lợi nhuận SHB đạt được là 1.146 tỷ đồng thì đây là nguồn bổ sung vốn lớn cho SHB.
- Tăng vốn từ bên ngoài
Các nguồn vốn bên ngoài có thể giúp SHB tăng vốn bao gồm: Phát hành thêm cổ phiếu, tăng tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông chiến lược và phát hành trái phiếu chuyển đổi.
Việc SHB chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát hành thêm cổ phiếu phổ thông. Mặt khác, trong giai đoạn vừa qua, cổ phiếu SHB luôn có tính thanh khoản cao đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, SHB cũng có thể thực hiện việc phát hành trái phiếu chuyển đổi trong thời hạn từ 3-5 năm để nhanh chóng tăng cường tiềm lực tài chính của mình. Đây cũng là việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của kế hoạch phát hành 2.000 tỷ VNĐ trái phiếu chuyển đổi mà SHB đang thực hiện.
Việc tăng vốn tự có là điều cần thiết, tuy nhiên nếu tăng vốn quá nhanh trong khi hoạt động ngân hàng chưa tương ứng, trình độ quản lý ngân hàng không theo kịp thì số vốn tăng sẽ không được sử dụng hiệu quả. Vì vậy, ngoài việc lựa chọn giải pháp thích hợp để tăng vốn, điều quan trọng là SHB cần phải xác định được mức tăng vốn tự có cần và đủ nhằm vừa đảm bảo được sức mạnh tài chính và năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
3.2.1.2 Giải pháp để giữ vững và phát triển thị phần
Trong thời gian tới, SHB vẫn xác định con người là yếu tố quyết định. Cần xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng, nhân viên dịch vụ khách hàng, đào tạo bổ sung, biến mỗi nhân viên thành một hạt nhân kinh doanh hiệu quả.
Phát triển các phần mềm công nghệ, giúp nhân viên tăng hiệu suất làm việc, quản lý tốt rủi ro. Cấu trúc lại kênh phân phối các cấp, xây dựng quy trình quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, thanh khoản, rủi ro pháp lý, vận hành,.. và phải có hệ thống kiểm soát rủi ro.
Xây dựng chiến lược công nghệ thông tin, ứng dụng sản phẩm dịch vụ, giải pháp thanh toán đa dạng hơn cho khách hàng, để khách hàng có thể giao dịch từ xa thay vì phải đến ngân hàng.
Tăng cường công tác marketing, quảng bá sản phẩm dịch vụ. Tăng cường chuyển tải thông tin tới đa số công chúng giúp khách hàng có được sự hiểu biết cơ bản về các dịch vụ ngân hàng, cách thức sử dụng, lợi ích của từng sản phẩm thông qua các kênh thông tin đại chúng như: trền hình, báo chí, báo điện tử, tờ rơi…
Thực hiện tốt chính sách khách hàng, thành lập bộ phận nghiên cứu chính sách chuyên biệt, nghiên cứu sản phẩm dịch vụ và tiến hành marketing dịch vụ, quản lý kênh phân phối,vv. Nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa các thủ tục khi giao dịch trên cơ sở tận dụng tiện ích của công nghệ thông tin hiện đại tạo thuận lợi cho khách hàng.
3.2.1.3 Giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thấp tỷ lệ nợ xấu
Hiện nay, nợ xấu của SHB chiếm tỷ trọng rất cao, đến 31/12/2013 tỷ lệ nợ xấu của SHB là 8,53%. Vì vậy trọng tâm hàng đầu của SHB trong thời gian tới là tập trung thu hồi nợ và xử lý nợ quá hạn, nợ xấu, hạn chế tối đa nợ quá hạn, nợ xấu phát sinh mới nhằm nâng cao chất lượng tín dụng của toàn hệ thống SHB.
- Thúc đẩy nhanh quá trình giải quyết các khoản nợ xấu, kịp thời trích lập đầy đủ các khoản dự phòng rủi ro theo quy định. Đối với các khoản nợ SHB xác định phải tham gia vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, cần khẩn trương triển khai các công việc liên quan để trực tiếp tham gia quản trị - điều hành doanh nghiệp nhằm giải quyết sớm các khoản nợ.
- Tăng cường công tác thẩm định tín dụng, triệt để nghiêm túc thực hiện đầy đủ qui trình tín dụng, kiểm tra trước trong và sau khi cho vay. Đặc biệt, cần chú ý đến tính khả thi của dự án, hạn chế tư tưởng quá coi trọng tài sản thế chấp nợ vay.
- Quản lý chặt chẽ tài sản đảm bảo đặc biệt là hàng hóa, đưa bảo vệ của Công ty quản lý và khai thác tài của SHB vào quản lý toàn bộ các kho hàng là TSĐB.
- Quản lý chặt chẽ dòng tiền của khách hàng có dư nợ tín dụng nhằm đảm bảo tuân thủ đúng các điều kiện của hợp đồng tín dụng, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả tín dụng nhất là khi xu hướng lãi suất cho vay ngày càng giảm như hiện nay.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, cán bộ tín dụng theo hướng giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện tốt công việc. Đây là yếu tố quyết định đến chất lượng tín dụng, là cơ sở hạn chế rủi ro. Đồng thời áp dụng mạnh mẽ nhiều hình thức chế tài nhằm xử lý vi phạm trong hoạt động tín dụng tại các Chi nhánh, Phòng Giao dịch, các cá nhân liên quan để xảy ra nợ quá hạn, nợ xấu gắn trách nhiệm của người lao động đến chất lượng tín dụng của SHB.
- Tăng cường phối hợp tốt với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để tranh thủ sự ủng hộ hỗ trợ SHB trong quá trình xử lý nợ (thu giữ tài sản, đẩy nhanh tiến độ xử kiện, thi hành án…). Nghiên cứu, xem xét các giải pháp thu hồi nợ khác như bán nợ, gán nợ, tái cấu trúc DN.. ,linh hoạt tùy theo từng khách hàng và khoản nợ.