Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất theo hướng lúc lạm phát cao thì sẽ đảm bảo tỷ lệ thực dương thấp, khoảng 0,5 %, nhưng khi thị trường ổn định, có thể nâng tỷ lệ thực dương cao hơn, có thể trên 1 %, để không tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ.
Năm 2011, kế hoạch đặt ra với tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán là 21 - 24 %; tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế khoảng 23 %; lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng giảm dần ( lạm phát kiểm soát ở mức 7 % ); tỷ giá ở mức cân bằng, phù hợp với tình hình thực tế và mục tiêu kinh tế vĩ mô; đảm bảo khả năng an toàn thanh toán của hệ thống tổ chức tín dụng và ổn định thị trường tiền tệ.
Cụ thể, triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát ở mức thấp ngay từ những tháng đầu năm 2011: 6 tháng đầu năm dưới 3,5 % để phấn đấu đạt mục tiêu lạm phát cả năm không vượt quá 7 %.
Tuy nhiên đầu năm 2011, tỉ giá và lãi suất cho vay ở các ngân hàng đã bị đẩy lên đến con số 20%/năm, gây sốc cho thị trường tài chính và các nhà sản xuất kinh doanh. Lãi suất cao như hiện nay có nhiều nguyên nhân:
- Trước tình hình lạm phát cao, các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất để huy động được vốn.
- Việc giám sát và xử lý các vi phạm của các ngân hàng thương mại còn nhẹ tay, cho nên các ngân hàng đua nhau cạnh tranh nâng lãi suất đầu vào, và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng.
- Tính tự chủ của Ngân hàng Trung ương còn ở mức thấp, hạn chế trong việc sử dụng nguồn tiền để can thiệp mạnh trên thị trường tiền tệ.
Mặt bằng lãi suất cao sẽ gây ra những tác động xấu cho nền kinh tế, dẫn đến
những rủi ro cao. Doanh nghiệp vay vốn với lãi suất cao khả năng sinh lời sẽ thấp, dễ dẫn đến kinh doanh thua lỗ, hoặc phá sản, không có khả năng trả nợ. Ngoài ra, lãi suất càng cao rủi ro cho nền kinh tế sẽ càng lớn, kìm hãm những hoạt động đầu tư sinh lời, các dự án cũng sẽ chậm được triển khai. Bên cạnh đó, nó còn có thể
dẫn đến hiện tượng các nhà sản xuất kinh doanh nản lòng trong đầu tư, và mang tiền gửi lại cho ngân hàng. Vì vậy, nếu để lãi suất tiếp tục tăng thì đó là dấu hiệu bất thường của nền kinh tế.