Hoạt động huy động vốn của các Ngân hàng thương mại luôn chịu ảnh hưởng của các nhân tố chủ quan và khách quan. Muốn công tác huy động vốn đạt hiệu quả cao thì các Ngân hàng thương mại cần nghiên cứu và phân tích sự tác động của các yếu tố này lên chất lượng huy động vốn. Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn bao gồm:
a. Các nhân tố khách quan:
* Sự ổn định của nền kinh tế trên địa bàn là nhân tố đầu tiên quyết định đến hiệu quả hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Bao gồm:
- Khách hàng là đối tượng được hưởng các dịch vụ cung ứng của ngân hàng, vậy nên sự thoả mãn của khách hàng về sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp là thước đo sự hấp dẫn của ngân hàng. Vì vậy những đặc điểm của từng loại khách hàng tạo nên những xu hướng sử dụng dịch vụ khách nhau:
+ Thói quen tiêu dùng: mỗi khách hàng lại có một mục đích tín dụng khác nhau: an toàn, lợi nhuận, kỳ hạn, các tiện ích…nên sẽ sử dụng các dịch vụ khác nhau.
+ Các khách hàng có các ngành nghề sản xuất kinh doanh khác nhau sẽ tạo nên sự khác biệt về quy mô vốn, phạm vi hoạt động, vòng quay vốn lưu động…
+ Thời vụ chi tiêu ảnh hưởng đến quy mô và tính ổn định của nguồn tiền. Dân cư trên địa bàn hoạt động có thói quen nắm giữ tiền mặt hay có nhu cầu đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ? Các doanh nghiệp có vòng quay vốn lưu động và chu kỳ sản xuất
như thế nào ? Đó là những câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng lại rất quan trọng trước khi Ngân hàng quyết định đưa ra các sản phẩm huy động vốn. Muốn hoạt động huy động vốn hiệu quả thì Ngân hàng cần phải nắm rõ xu hướng tiêu dùng của dân cư trên địa bàn. Việc tìm hiểu không kỹ các đặc điểm đó sẽ dẫn đến việc đưa ra các sản phẩm huy động vốn không hiệu quả. Tuỳ theo lứa tuổi, ngành nghề sản xuất kinh doanh, thu nhập mà mỗi một nhóm đối tượng có thói quen tiêu dùng khác nhau. Ngân hàng cần nắm bắt các đặc điểm đó, phân đoạn thị trường, xác định thị trường mục tiêu và nghiên cứu đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp.
Xét về các doanh nghiệp, đây là đối tượng khách hàng quen thuộc của Ngân hàng, vì doanh nghiệp luôn luôn phải sử dụng một số dịch vụ của Ngân hàng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình: mở tài khoản, nộp thuế, thanh toán xuất - nhập khẩu. Tuy nhiên, các khách hàng dân cư lại chiếm số lượng đông nhất, nhưng khối lượng tiền giao dịch loại khách hàng này thường nhỏ hơn rất nhiều so với khách hàng doanh nghiệp. Vào dịp tết, nguồn tiết kiệm cũng như tiền gửi của doanh nghiệp có xu hướng giảm sút, đặc biệt trong điều kiện thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến.
+ Thu nhập gia tăng: là điều kiện để gia tăng quy mô và thay đổi kỳ hạn của nguồn tiền. Tại các thành phố lớn, nơi tập trung tầng lớp dân cư có thu nhập cao sẽ có lượng khách hàng gửi tiền lớn. Vậy nên, ta sẽ thấy các Ngân hàng thương mại thường tập trung tại các khu đông dân cư như: các siêu thị, các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, các khu vui chơi, giải trí… Thu nhập ảnh hưởng đến số vốn tiềm tàng mà Ngân hàng có thể huy động được. Khi ngân hàng mở rộng cho vay, tiền gửi của các doanh nghiệp và các cá nhân cũng gia tăng. Các nguồn tiền gửi thanh toán thường biến động mạnh hơn tiền gửi tiết kiệm.
- Tình trạng của nền kinh tế: có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Khi nền kinh tế yếu kém, sản xuất bị kìm hãm, hàng hoá không tiêu thụ được, hoạt động sản xuất kinh danh của dân cư trên địa bàn trì trệ, thu nhập của dân cư thấp, đồng thời nhu cầu sử dụng các sản phẩm tín dụng của Ngân
hàng ít, việc huy động vốn của Ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, khi nền kinh tế tăng trưởng cao, các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, thu được lợi nhuận lớn, từ đó nhu cầu sử dụng các dịch vụ Ngân hàng tăng cao như: thanh toán, bảo lãnh, gửi tiết kiệm…
Như vậy, tốc độ phát triển kinh tế tốt sẽ giúp dân cư trên địa bàn hoạt động kinh doanh tốt là dấu hiệu của việc huy động vốn được dễ dàng.
+ Tỷ lệ lạm phát cũng tác động đến tâm lý của các khách hàng: khi tỷ lệ lạm phát tăng cao làm đồng tiền bị mất giá, lãi suất gửi tiền thực giảm, lợi ích của người gửi tiền sẽ giảm, tạo tâm lý nắm giữ vàng hoặc ngoại tệ chứ không muốn gửi tiền vào ngân hàng.
- Cán cân xuất nhập khẩu thặng dư giúp các dòng vốn nước ngoài chảy vào trong nước là yếu tố giúp huy động vốn dược dễ dàng.
- Hệ thống pháp luật giúp định hướng cho các mối quan hệ kinh tế phát sinh và cũng ảnh hưởng đến công tác huy động vốn của ngân hàng. Mọi đối tượng hoạt động kinh doanh đều chịu sự quản lý của Nhà nước và pháp luật. Tuỳ theo các giai đoạn phát triển Nhà nước sẽ ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ trong nền kinh tế. Cụ thể là Nhà nước sẽ đưa ra các quy định về : lãi suất cơ bản, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu…Các quy định này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các Ngân hàng thương mại. Vậy nên, trong từng giai đoạn cụ thể mà các Ngân hàng thương mại xây dựng các chiến lược kinh doanh khác nhau.
Các Ngân hàng thương mại hướng tới mọi đối tượng khách hàng trong nền kinh tế, vậy nên các Ngân hàng không chỉ phải nắm vững pháp luật của ngành tài chính - ngân hàng, mà còn phải hiểu rõ các văn bản pháp luật của các ngành khác như: luật doanh nghiệp, kinh doanh quốc tế, các văn bản hỗ trợ các ngành nông - lâm -ngư nghiệp…Các Ngân hàng thương mại cần căn cứ theo các văn bản đó để hoạt động kinh doanh tiền tệ đảm bảo an toàn và được pháp luật bảo vệ.
Khi có một sự thay đổi, điều chỉnh nào của Nhà nước về tài chính - tiền tệ như thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ đều ảnh hưởng đến quy mô và chất lượng nguồn vốn của ngân hàng.
- Sự phát triển tiến bộ khoa học kỹ thuật là điều kiện quan trọng để ngân hàng tạo được uy tín và chiếm lĩnh thị trường. Thời gian giao dịch được rút ngắn, dữ liệu được bảo mật cao, được cập nhật từng ngày, đảm bảo số liệu chính xác đã giúp ngân hàng tiết kiệm được thời gian, chi phí và tăng doanh thu.
- Sự xuất hiện của các tổ chức tín dụng khác, hoặc các tổ chức tài chính phi ngân hàng đã tạo nên sự cạnh tranh nhằm chiếm lĩnh thị trường. Đòi hỏi ngân hàng phải đa dạng hoá các sản phẩm, xây dựng chiến lược Marketing hiệu quả…
b. Các nhân tố bên trong:
- Quy mô vốn tự có của ngân hàng: theo luật của các tổ chức tín dụng Việt Nam thì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của mỗi ngân hàng là 8%. Vì vốn tự có của Ngân hàng là tấm đệm chắn cuối cùng khi Ngân hàng rơi vào tình trạng thua lỗ. Vốn tự có là sự đảm bảo về khả năng thanh toán của Ngân hàng với các chủ nợ của mình. Quy mô vốn chủ sở hữu còn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của khách hàng với Ngân hàng. Quy mô vốn tự có càng lớn thì khách hàng càng thấy an toàn khi đem gửi tài sản của họ vào Ngân hàng.
Mặt khác, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng thương mại chỉ được phép huy động vốn tối đa bằng một tỷ lệ nhất định so với vốn tự có, vậy nên Ngân hàng thương mại có quy mô vốn tự có càng lớn thì khối lượng vốn được phép huy động càng cao. Đối với các Ngân hàng có quy mô vốn tự có nhỏ, khi huy động tối đa lượng vốn được phép huy động sẽ không được huy động vốn nữa.
- Chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng: bao gồm chính sách lãi suất, chính sách marketing…trong từng thời kỳ quyết định mục tiêu hoạt động, khách hàng chiến lược mà ngân hàng muốn hướng tới.
+ Chính sách lãi suất: Trong các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả huy động vốn của Ngân hàng thương mại thì chính sách lãi suất có vai trò quan trọng hàng đầu. Ngân hàng sử dụng hệ thống lãi suất như một công cụ hiêu qủa nhất trong việc huy động và thay đổi quy mô nguồn vốn của Ngân hàng. Lãi suất phản ánh chi phí mà Ngân hàng phải bỏ ra để được sử dụng một đồng vốn của khách hàng gửi tiền. Hay nói cách khác thì lãi suất chính là “giá cả” của nguồn vốn. Lãi suất biểu thị sự cạnh tranh giữa các Ngân hàng thương mại để thu hút vốn. Để duy trì và thu hút thêm nguồn vốn, các Ngân hàng thương mại cần phải sử dụng linh hoạt công cụ lãi suất cạnh tranh, kèm thêm những ưu đãi về lãi suất đối với các khách hàng tiềm năng.
Ngày nay, với cuộc chạy đua lãi suất cạnh tranh để thu hút nguồn vốn, các khách hàng sẽ lựa chọn các mức lãi suất hấp dẫn, thời hạn ngắn, độ an toàn cao và các tiện ích mà họ được hưởng nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Lãi suất càng cao thì càng hấp dẫn các khách hàng gửi tiền, nhưng đồng thời chi phí trả lãi của Ngân hàng cũng tăng cao. Kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng cao, khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn của Ngân hàng. Vì vậy, Ngân hàng cần nghiên cứu và đưa ra chính sách lãi suất phù hợp để: không những thu hút được nguồn vốn lớn mà chi phí trả lãi cũng không quá cao, nếu không sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động cho vay và đầu tư.
Việc cạnh tranh giữa các Ngân hàng thương mại đồng nghĩa với việc chạy đua lãi suất huy động và thu phí dịch vụ thấp. Trên thực tế, lãi suất huy động tại Việt Nam thường bị giới hạn bới “trần lãi suất” và quy định về lãi suất cơ bản của Chính phủ. Ngân hàng huy động vốn với mục đích đầu tư vào các tài sản sinh lời, vậy nên lãi suất huy động càng lớn thì lãi suất cho vay càng lớn. Lợi nhuận mà Ngân hàng có được là nhờ hưởng chênh lệch giữa chi phí huy động vốn phải bỏ ra và lợi nhuận từ các tài sản sinh lời. Theo luật các tổ chức tín dụng thì các Ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất cho vay không được vượt quá 150% mức lãi suất này. Nhưng các Ngân hàng thương mại luôn tìm cách vận dụng công cụ lãi
suất cạnh tranh linh hoạt mà vẫn đảm bảo mức chênh lệch so với lãi suất cho vay để lợi nhuận tăng trưởng ổn định.
+ Chính sách Marketing: Marketing là hoạt động quảng cáo, tuyên truyền, khuyến mại…nhằm mang lại hình ảnh tốt đẹp nhất về bản thân và sản phẩm đến với mọi khách hàng.
Sản phẩm tín dụng của Ngân hàng không như những sản phẩm kinh doanh thông thường vì nó mang những đặc tính riêng biệt, nên việc quảng bá về Ngân hàng đến với khách hàng rất khó khăn. Chính sách mareting bao gồm: chính sách thông tin, điều tra, dịch vụ, giá cả, chăm sóc khách hàng…Xây dựng một hình ảnh đẹp trong quan niệm của mọi khách hàng là điều mà các Ngân hàng thương mại đặt ví trí hàng đầu. Không chỉ tạo ra cảm giác chuyên nghiệp của Ngân hàng mà còn tạo nên lòng trung thành của khách hàng.
- Chính sách chăm sóc khách hàng: Trong mọi hoạtđộng kinh doanh thì con người là yếu tố hàng đầu. Ngân hàng thương mại thu được lợi nhuận từ những người sử dụng dịch vụ, vậy nên thái độ ân cần chu đáo chăm sóc khách hàng sẽ tạo ấn tượng tốt và thu hút được nhiều khách hàng gửi tiền hơn. Chính sách chăm sóc khách hàng được biểu hiện qua sự ứng xử linh hoạt, tác phong làm việc giữa các nhân viên ngân hàng với khách hàng, các yêu cầu của khách hàng được đáp ứng. Qua đó đánh giá được uy tín của ngân hàng, khi ngân hàng tạo được sự tín nhiệm của khách hàng thì sẽ chiếm lĩnh được thị trường đó.
- Sự đa dạng của các loại hình huy động: nhằm thoả mãn nhu cầu tín dụng của mọi khách hàng. Khách hàng của Ngân hàng bao gồm nhiều thành phần khác nhau, với các mục đích khác nhau như: tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, quản lý ngân quỹ…Vì vậy nếu Ngân hàng đa dạng hoá các sản phẩm nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng thì sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn. Hình thức huy động vốn đa dạng sẽ tạo ra cơ cấu vốn với nhiều kỳ hạn khác nhau làm tăng hiệu quả huy động vốn.
- Địa điểm Ngân hàng, mạng lưới chi nhánh và quầy tiết kiệm…cũng là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng gửi tiền vào ngân hàng. Một mạng lưới chi nhánh rộng khắp được trang bị đầy đủ và hiện đại luôn tạo cảm giác hấp dẫn các khách hàng đến giao dịch với Ngân hàng.