Đây là nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn vốn của Ngân hàng thương mại.
- Tiền gửi tiết kiệm:
Đây là hình thức huy động vốn đơn giản nhất của các Ngân hàng thương mại. Tiền gửi do dân cư gửi vào Ngân hàng với mục đích an toàn và sinh lợi nên lãi suất là yếu tố rất được người gửi tiền quan tâm. Lãi suất huy động tỷ lệ thuận với thời gian gửi tiền sẽ khuyến khích khách hàng gửi tiền với thời hạn dài hơn. Lãi suất chi trả cho tiền gửi tiết kiệm là cao nhất nên chi phí huy động nguồn này cũng là lớn nhất. Song tiền gửi tiết kiệm lại rất ổn định, vì khách hàng gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm thường có thời hạn dài và ổn định vì mục đích tiêu dùng trong tương lai nên Ngân hàng sẽ dễ dàng quản lý thanh khoản. Nguồn vốn này phụ thuộc vào xu hướng tiết kiệm và thu nhập của dân cư nên Ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất huy động cho phù hợp. Thông thường người gửi tiết kiệm nhận được một cuốn sổ nhỏ trong đó nhân viên ngân hàng đã ghi lại toàn bộ số tiền rút ra, gửi thêm, số tiền lãi tại từng thời điểm tương ứng.
- Tiền gửi thanh toán ( tiền gửi giao dịch ):
Đây là tiền của doanh nghiệp hoặc các cá nhân gửi vào Ngân hàng để nhờ Ngân hàng giữ và thanh toán hộ. Trong phạm vi số dư tài khoản, các nhu cầu chi trả của doanh nghiệp và cá nhân đều được Ngân hàng thực hiện. Các khoản thu bằng tiền của doanh nghiệp và cá nhân đều có thể được nhập vào tài khoản thanh toán theo yêu cầu. Đặc điểm của tài khoản thanh toán là thủ tục mở rất đơn giản, lãi suất thấp, thay vào đó chủ tài khoản có thể được hưởng các dịch vụ Ngân hàng với mức phí thấp. Khách hàng gửi tiền vào Ngân hàng ở tài khoản này không nhằm mục đích thu lãi, mà là sử dụng các tiện ích do các Ngân hàng cung cấp. Ngân hàng thường trả lãi rất thấp cho số dư từ tài khoản tiền gửi thanh toán vì vậy chi phí huy động vốn thấp, đây là ưu điểm của nguồn vốn này. Đây là nguồn vốn có chi phí huy động thấp nhất nhưng đồng thời tính ổn định của nó cũng thấp nhất. Do khách hàng gửi vào tài khoản tiền gửi thanh toán với mục đích thanh toán nên
họ có thể rút ra để chi trả, thanh toán bất cứ lúc nào mà Ngân hàng bắt buộc phải đáp ứng. Biến động của tiền gửi thanh toán phụ thuộc vào chu kỳ sản xuất kinh doanh, thời vụ, hoặc điạ bàn hoạt động của Ngân hàng, vậy nên Ngân hàng cần chú ý quản lý và điều chỉnh kịp thời để đảm bảo khả năng thanh khoản luôn ổn định. Yêu cầu của Ngân hàng là khách hàng phải có tiền trong tài khoản và chỉ thanh toán trong phạm vi số dư. Một số Ngân hàng kết hợp tài khoản tiền gửi thanh toán với tài khoản cho vay ( thấu chi - chi trội trên số dư có của tài khoản tiền gửi thanh toán ). Một số Ngân hàng nâng lãi suất loại tiền gửi này nhằm cạnh tranh với các tổ chức tín dụng khác.
- Tiền gửi có kỳ hạn
Là loại tiền có sự thoả thuận giữa khách hàng và Ngân hàng về thời hạn gửi tiền. Trong khoảng thời gian đó Ngân hàng tuỳ ý sử dụng số tiền do khách hàng ký gửi, khi khách hàng cần rút tiền thì phải báo trước cho Ngân hàng và phải được sự đồng ý của Ngân hàng. Ngân hàng thường phải trả lãi cao cho số dư tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, nên chi phí huy động thường cao, nhưng bù lại tính ổn định lại cao. Ngân hàng thương mại có thể tăng lượng vốn bằng cách tăng lãi suất cho số dư ở tài khoản tiền gửi có kỳ hạn.
- Phát hành các giấy tờ có giá: Các giấy tờ có giá do Ngân hàng phát hành nhằm huy động vốn trên thị trường. Đặc điểm của giấy tờ có giá là chỉ được hoàn vốn khi đáo hạn nhưng có tính thanh khoản cao, Vì Ngân hàng là tổ chức phát hành giấy tờ có giá, đảm bảo an toàn cho người nắm giữ giấy tờ có giá. Lãi suất của loại này phụ thuộc vào sự cạnh tranh giữa các Ngân hàng và mức độ cấp thiết cần huy động vốn trong một khoảng thời gian ngắn, thường cao hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thông thường.
+ Chứng chỉ tiền gửi: Một chứng chỉ tiền gửi là một hình thức tiền gửi có thời hạn thường được cung cấp bởi các định chế tài chính: Ngân hàng, các tổ chức tín dụng... Điều khoản của một chứng chỉ tiền gửi có quy định thời hạn ít nhất là 3 tháng và dài nhất là 5 năm. Thời hạn càng dài thì lãi suất mà Ngân hàng cung cấp
chứng chỉ tiền gửi cho bạn sẽ càng cao hơn, đây chính là phần bù vì việc các nhà đầu tư sẽ phải gửi tiền của mình trong thời gian lâu hơn.
Ưu điểm của chứng chỉ tiền gửi là một tài sản đầu tư phi rủi ro vì thường được bảo đảm bởi các Ngân hàng. Cả gốc và lãi đều được bảo đảm trong toàn bộ thời gian đầu tư. Điều này là rất hấp dẫn đối với những nhà đầu tư đang tìm kiếm sự an toàn. Chứng chỉ tiền gửi thường có lãi suất cao hơn so với các tài khoản tiết kiệm thông thường. Các cá nhân muốn tối đa hóa lợi nhuận khoản tiền tiết kiệm của mình có thể tìm đến với các chứng chỉ tiền gửi, như vậy sẽ tốt hơn so với việc gửi ở tài khoản tiết kiệm hay tham gia thị trường tiền tệ. Ví dụ: lãi suất một chứng chỉ tiền gửi thời gian đáo hạn 3 tháng thường sẽ cao hơn là lãi suất của một thương phiếu thời hạn 3 tháng trên thị trường tiền tệ. Khách hàng cũng có thể dùng số tiền khi đáo hạn của chứng chỉ tiền gửi để mua tiếp một chứng chỉ tiền gửi thêm 3 tháng nữa thay vì rút tiền mặt về.
Nhược điểm lớn nhất của chứng chỉ tiền gửi là tính thanh khoản của nó không cao bằng tiền gửi ở tài khoản tiết kiệm. Chứng chỉ tiền gửi có hình phạt nếu khách hàng muốn rút tiền của mình trước khi đáo hạn. Khách hàng không chỉ bị mất số tiền lãi có thể nhận được mà còn bị mất 10% tài sản gốc của mình. Đầy gọi là hình phạt rút sớm cho các nhà đầu tư. Về dài hạn, chứng chỉ tiền gửi trả lãi suất thấp hơn so với trái phiếu doanh nghiệp. Nếu khách hàng muốn gửi tiền của mình trong vòng 5 năm thì nên tìm mua một trái phiếu có độ tín nhiệm cao nhất. Dù sẽ không được chính phủ đảm bảo nhưng lãi suất của chúng vẫn cao hơn nhiều so với chứng chỉ tiền gửi.
+ Trái phiếu: là một loại giấy tờ có giá xác nhận một khoản nợ của tổ chức phát hành đối với người sở hữu, trong đó cam kết sẽ hoàn trả nợ và lãi trong một thời gian nhất định.
Ưu điểm của việc phát hành trái phiếu là Ngân hàng sẽ thu hút được lượng vốn lớn trong thời gian dài nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay và đầu tư dài hạn. Tức là nguồn vốn sẽ tương đối ổn định trong một thời gian dài. Vì vậy Ngân hàng chỉ
nên huy động tiền gửi thông qua hình thức này khi thực sự cần một lượng vốn lớn hoặc thiếu vốn đáp ứng cho vay trung và dài hạn.
+ Kỳ phiếu: là loại chứng chỉ huy động vốn có mục đích, có thời hạn, có mức lãi suất tương ứng với từng phương thức: kỳ hạn hoặc trả lãi trước hoặc sau. Đây là giấy tờ có giá ngắn hạn, Ngân hàng sẽ có được nguồn vốn chủ động và ổn định, nhưng chi phí mà Ngân hàng huy động cũng rất lớn. Hiện nay các Ngân hàng thương mại tận dụng triệt để các công cụ nợ này nhằm huy động nguồn vốn trong thời gian ngắn, đảm bảo an toàn thanh khoản, đáp ứng nhu cầu vốn trong ngắn hạn.
- Tiền gửi của Ngân hàng khác: thường nhằm mục đích nhờ thanh toán hộ, Ngân hàng này có thể gửi tiền tại Ngân hàng khác, tuy nhiên quy mô nguồn này thường không lớn.
Trình độ phát triển của các Ngân hàng cũng là trình độ phát triển các công cụ nợ. Bên cạnh vay Ngân hàng trung ương và vay trên thị trường liên Ngân hàng trong nước, các Ngân hàng có xu hướng vươn tới thị trường liên Ngân hàng quốc tế. Nhiều Ngân hàng đã hình thành và sử dụng các loại chứng chỉ tiền gửi, các hợp đồng mua bán lại, các giấy nợ Ngân hàng. Sự cạnh tranh ngày càng găy gắt giữa các Ngân hàng với nhau, và giữa các tổ chức Ngân hàng và phi Ngân hàng bằng việc chạy đua cách mạng công nghệ đã làm cho thị trường tài chính liên tục phát triển và tạo cơ hội cho các sản phẩm mới ra đời.
1.2.1.2. Vốn vay của Ngân hàng thương mại.
Ngân hàng thương mại chủ yếu cho vay bằng nguồn vốn nhận tiền gửi, song không phải lúc nào nguồn vốn đó cũng đủ đáp ứng nhu cầu tín dụng của các khách hàng, vì vậy nguồn vốn huy động thông qua việc đi vay các tổ chức tín dụng được đánh giá là nguồn vốn quan trọng của Ngân hàng thương mại. Nguồn vốn này có tính linh hoạt cao, có nghĩa là nhà quản lý Ngân hàng có thể quyết định chính xác số vốn cần thiết là bao nhiêu, trong khoảng thời gian bao lâu. Trái lại, khi Ngân
hàng huy động tiền gửi để tạo vốn thì chính người gửi tiền là người quyết định sẽ gửi bao nhiêu và với thời gian bao lâu. Nguồn vốn đi vay chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn nhưng mục đích của nguồn vốn này là để đáp ứng nhu cầu tạm thời của Ngân hàng. Ngân hàng thương mại có thể vay từ Ngân hàng trung ương, từ các tổ chức tín dụng thông qua thị trường tiền tệ hoặc vay từ các tổ chức kinh tế, dân cư thông qua phát hành trái phiếu, kỳ phiếu
* Vay từ Ngân hàng Nhà nước:
Đây là khoản vay nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách trong chi trả của Ngân hàng thương mại. Trong trường hợp thiếu hụt dự trữ, Ngân hàng thương mại thường vay Ngân hàng trung ương. Hình thức cho vay chủ yếu của Ngân hàng trung ương thường là tái chiết khấu hoặc tái cấp vốn. Thông thường Ngân hàng trung ương chỉ tái chiết khấu cho giấy tờ có chất lượng (thời gian đáo hạn ngắn, khá năng trả nợ cao). Ngân hàng thương mại đóng vai trò là người cho vay cuối cùng của các Ngân hàng thương mại. Khi Ngân hàng thương mại rơi vào tình trạng thiếu vốn để đáp ứng các cam kết tín dụng, đó là dấu hiệu báo động của tính thanh khoản. Khi đó Ngân hàng trung ương buộc phải cho Ngân hàng thương mại vay để tránh tình trạng khủng hoảng tài chính xảy ra. Đồng thời thông qua nghiệp vụ tái chiết khấu này Ngân hàng thương mại có thể kiểm soát được mức cung tiền vào nền kinh tế. Khi Ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất chiết khấu thấp khuyến khích các Ngân hàng thương mại vay để tăng cung tiền vào lưu thông, còn khi Ngân hàng trung ương muốn thắt chặt cung tiền thì áp dụng mức lãi suất chiết khấu cao. Hơn nữa, Ngân hàng trung ương chỉ cho các Ngân hàng thương mại vay ngắn hạn và phải có tài sản đảm bảo. Hiện nay ở Việt Nam Ngân hàng trung ương cho Ngân hàng thương mại vay dưới các hình thức:
- Cho vay chiết khấu và tái chiết khấu thương phiếu, trái phiếu kho bạc mà các Ngân hàng thương mại đã cho khách hàng vay chưa đáo hạn.
- Cho vay bổ sung vốn thanh toán bù trừ.
Lãi suất chiết khấu của Ngân hàng trung ương thay đổi theo từng thời kỳ tuỳ thuộc vào chính sách tiền tệ, vậy nên các Ngân hàng thương mại cần phải tính toán chi phí và hiệu quả của nguồn vốn này trước khi quyết định vay.
* Vay các tổ chức tín dụng trong nền kinh tế:
Nguồn vay phổ biến nhất trong nước là vay trên thị trường tài chính - tiền tệ. Số dư tài khoản của các Ngân hàng thương mại tại Ngân hàng trung ương sẽ đựơc dịch chuyển từ Ngân hàng này sang Ngân hàng khác chỉ trong vài giây thông qua mạng lưới chuyển vốn điện tử (kết nối tất cả các Ngân hàng trong nước). Tuy nhiên ngày nay, các khoản tiền gửi liên Ngân hàng cũng có thể chuyển được dễ dàng giữa các Ngân hàng thương mại. Nguồn vốn huy động này đem lại nhiều lợi ích cho Ngân hàng thương mại vì luôn luôn có những Ngân hàng có nhu cầu cho vay quỹ dự trữ vượt mức nhằm tìm kiếm lợi nhuận, và nguồn vốn này không phải chịu dự trữ pháp định, các yếu tố đó đã giúp giảm chi phí vốn vay. Đồng thời thông qua thị trường liên Ngân hàng đã giúp Ngân hàng trung ương kiếm soát được sự tăng trưởng của tiền tệ và tín dụng. Các giấy tờ có giá ngắn hạn được mua bán lại giữa các Ngân hàng. Thủ tục vay và cho vay liên Ngân hàng cũng đơn giản, các tổ chức đi vay và cho vay liên hệ với nhau trực tiếp hoặc gián tiếp qua một Ngân hàng đại lý hoặc người môi giới quỹ, thoả thuận xong các điều khoản: lãi suất, kỳ hạn, tài sản đảm bảo, người bảo lãnh.. thì bên cho vay sắp xếp chuyển khoản dự trữ từ tài khoản của mình tại Ngân hàng trung ương hoặc tại một Ngân hàng đại lý vào tài khoản tiền gửi do Ngân hàng đi vay kiểm soát. Khi món vay đến hạn trả thì các khoản tiền lại được tự động chuyển về tài khoản dự trữ của tổ chức cho vay, số lãi phải trả cũng có thể được chuyển cùng với bút toán trả vốn hoặc bên vay chỉ cần gửi một tấm séc đến người cho vay để hoàn trả lãi. Lãi suất đối với các khoản vay quỹ liên Ngân hàng phụ thuộc vào sự thoả thuận giữa bên đi vay và bên cho vay. Các loại hình vay trên thị trường liên Ngân hàng :
- Vay qua đêm: là hình thức hợp đồng chưa thành văn bản, được thoả thuận qua điện thoại hoặc điện tín trong đó số tiền vay sẽ được hoàn trả vào ngày hôm sau.
Thông thường món vay này không cần có tài sản đảm bảo vì hai bên đã từng có các giao dịch uy tín với nhau. Hoặc bên đi vay có thể bị yêu cầu phải đặt các chứng khoán chính phủ được lựa chọn vào một tài khoản cất giữ của bên cho vay cho đến khi món vay được hoàn trả.
- Vay kỳ hạn: là hình thức hợp đồng vay quỹ liên bang dài hạn hơn kéo dài trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng kèm theo văn bản hợp đồng.
- Hợp đồng gia hạn: là loại hợp đồng có thể tự động đổi mới hàng ngày trừ khi người vay và người cho vay quyết định chấm dứt nó.
1.2.1.3. Các nguồn vốn khác.
Loại này bao gồm nguồn vốn uỷ thác, nguồn trong thanh toán và các nguồn khác:
* Nguồn vốn uỷ thác: Ngân hàng thực hiện các dịch vụ uỷ thác như: uỷ thác đầu tư, uỷ thác cấp phát, uỷ thác giải ngân và thu hộ… Theo hợp đồng giữa các bên uỷ thác tiền, tài sản vào Ngân hàng nhờ Ngân hàng cho vay, đầu tư…đồng thời phải chia hoa hồng cho Ngân hàng. Do Ngân hàng có lợi thế về công nghệ, trang thiết bị, nên sẽ dễ dàng lựa chọn được các phương án đầu tư khả thi và đem lại lợi nhuận cho khách hàng. Đây là nguồn vốn có chi phí thấp, Ngân hàng hầu như không phải trả phí, do vậy mà các Ngân hàng cố gắng tìm kiếm nguồn vốn uỷ thác nhằm nhận được phí dịch vụ và được sử dụng nguồn vốn đó trong thời gian nhàn rỗi. Nguồn vốn này chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng nguồn vốn của Ngân hàng thương mại.
* Nguồn trong thanh toán: là một trong những dịch vụ Ngân hàng gắn liền với việc mở tài khoản của khách hàng. Đây là nguồn tiền Ngân hàng có được nhờ làm