CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KỸ THUẬT CỦA HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Các nghiên cứu về năng lực giải quyết vấn đề trong học tập
Năng lực giải quyết vấn đề là năng lực cốt lõi của con người, đồng thời là năng lực chung của học sinh cần đạt theo các chương trình đổi mới giáo dục, có vai trò quyết định sự thành công trong cuộc sống và học tập của học sinh, nên đã được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Có thể nêu một số nghiên cứu:
- Nghiên cứu về khái niệm và cấu trúc của năng lực giải quyết vấn đề của Jeal-Paul (2006), Owneil và Chuang (2008). Goldfried và D’Zurilla (1969) đưa ra các định nghĩa, cách hiểu khác nhau, các mô hình với các thành tố khác nhau của năng lực giải quyết vấn đề như theo PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế): 1)Khám phá và hiểu biết; 2)Trình bày và xây dựng; 3) Lập kế hoạch và thực hiện; 4) Giám sát và phản ánh. [dẫn theo 29].
- Nghiên cứu đánh giá năng lực giải quyết vấn đề với các nghiên cứu của các nhà khoa học Jean Paul Reeff và cộng sự (2006) dựa trên kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm đã mô tả tổng quát đánh giá năng lực giải quyết vấn đề; Esther Case, Patrick Griffin và MaFK Wilson (2018) đã đề xuất phân loại năng lực giải quyết vấn đề gồm 6 mức độ từ thấp đến cao [dẫn theo 33].
Nguyễn Thị Lan Phương (2015), Đánh giá năng lực giải quyết vấn đề ở trường phổ thông. [33]. Tác giả đã làm rõ qui trình đánh giá năng lực giải quyết vấn đề; Lê Thị Hồng Hà, Hoàng Thu Hà (2015), Đánh giá năng lực giải quyết vấn đề của học sinh trong dạy học qua Chương Các định luật bảo toàn vật lý đã công bố ru bíc chung đánh giá năng lực giải quyết vấn đề ở 3
cấp độ từ thấp đến cao và đưa ra các bài tập đánh giá cụ thể trong Định luật bảo toàn vật lý [22], Phan Đồng Châu Thủy và Nguyễn Thị Ngân (2017), Xây dựng thang đo và bộ công cụ đánh giá năng lực giải quyết vấn đề của học sinh qua dạy học dự án [43]. Yêu cầu thiết lập một hoàn cảnh chứa đựng vấn đề để học sinh hoạt động và thông qua đó thể hiện năng lực của bản thân và đánh giá thông qua hoạt động. Nguyễn Thị Hồng Nga, Huỳnh Trí Bình (2019), Đánh giá năng lực giải quyết vấn đề của học sinh nội dung thống kê đã đưa ra thang đánh giá năng lực giải quyết vấn đề ở nội dung thống kê dựa theo mức độ nhận thức của học sinh thể hiện khi giải quyết vấn đề và chia thành 6 mức độ từ thấp đến cao [30].
- Nghiên cứu về phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh thông qua dạy học và giáo dục: Nguyễn Thùy Trang (2019). Rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh trong dạy học phần lượng giác ở trường THPT. Tác giả trong kết quả nghiên cứu cả mình chỉ ra các con đường rèn luyện: Tạo tình huống có vấn đề; và rèn cho học sinh khả năng dự toán và suy luận trong quá trình giải toán; rèn cho học sinh khả năng kết nối tri thức cần tìm với kiến thức, kỹ năng đã có… [44].
- Phan Khắc Cần, Mạc Thanh Thủy, Bùi Hồng Đoàn, Nguyễn Thị Nhị (2022), Phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh ở trường phổ thông qua dạy bài tập có nội dung thực tế. Các tác giả trong bài viết đã công bố kết quả: Phát triển năng lực giải quyết có vấn đề là nhiệm vụ quan trọng của học sinh trong dạy học. Sử dụng bài tập có nội dung thực tế là một biện pháp hữu hiệu để phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh. Bài viết đã đề cập đến cấu trúc, biểu hiện hành vi của năng lực giải quyết vấn đề; đề xuất đến bài tập có nội dung thực tiễn; Qui trình 04 bước thiết kế và sử dụng bài tập có nội dung thực tế để tổ chức dạy học các môn học, nhằm phát triển năng lực cho học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục… [10].
1.1.2. Các công trình nghiên cứu về nghiên cứu khoa học và quản lý nghiên cứu khoa học ở trường đại học
- K.Bexle, E.Deisen, Xlasinxki (1993), “Quản lý công tác nghiên cứu khoa học” đã: a) Đề cao vị trí, vai trò của nghiên cứu khoa học trong sự phát triển xã hội; b) Chỉ ra các đặc điểm đặc thù của công tác quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học so với các lĩnh vực hoạt động khác trong xã hội, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu [6].
- Trần Hồ Thảo (2006) [45], Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường đại học văn hóa thành phố Hồ Chí Minh; kết quả nghiên cứu đã khẳng định sự cần thiết của hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học, đồng thời đề xuất các giải pháp khả thi nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường đại học văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Thị Thanh Nga (2007) [31], Quản lý hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên trường đại học sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở lý luận và thực tiễn khảo sát, đưa ra 06 giải pháp cụ thể ở góc độ quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên trong nhà trường đại học.
- Trần Ngọc Anh (2014), Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông. Trong nghiên cứu của mình tác giả đã hệ thống một số vấn đề lí luận về hoạt động nghiên cứu khoa học; khảo sát và đánh giá thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của hiệu trưởng nhà trường, từ đó đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lí hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên [3].
- Đinh Thị Thanh (2015), Biện pháp quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Phân hiệu đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Kết quả cơ
bản của công trình nghiên cứu thể hiện tác giả khẳng định hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong 2 năm trở lại đây đã thay đổi và đạt nhiều kết quả thu hút được sinh viên đến với nghiên cứu khoa học, khơi dậy niềm đam mê, hứng thú với nghiên cứu khoa học của sinh viên, … nhà trường đã tiến hành nhiều biện pháp quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học theo tiếp cận chức năng, tuy nhiên còn bộc lộ các bất cập. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các biện pháp quản lí theo tiếp cận chức năng: lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên tại đại học Đà Nẵng. [40]
- Nguyễn Thùy Vi (2019), Biện pháp quản lí tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trường đại học Y Thái Bình. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định những thành quả đạt được về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trường đại học Y Thái Bình như: số lượng đề tài nghiên cứu khoa học tăng lên, số đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt giải thưởng trong nghiên cứu khoa học toàn quốc, … công tác quản lí hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường đã được thực hiện khá bài bản, dựa trên hệ thống văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường đai học Y Thái Bình góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Tác giả trong nghiên cứu của mình đã đề xuất 3 nhóm biện pháp: 1) tổ chức phối hợp các lực lượng, chỉ đạo có hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên; 2) huy động nguồn lực để phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên; gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên với hoạt động học tập [48].
Ngoài ra còn có các nghiên cứu khác như: Gary Anderson (1990) với:
Các nguyên tắc cơ bản của nghiên cứu khoa học giáo dục [20], Nguyễn Như Duẩn (2015) [13], Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội... Lê Yên Dung [15], Mô hình quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong đại học đa ngành, đa lĩnh
vực; Nguyễn Thị Tuyết [40], Cơ sở lí luận và thực tiễn hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường đại học Việt Nam theo định hướng bình đẳng giới;
Nguyễn Văn Nho [32], Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trường cao đẳng Sơn La; Cầm Thị Tươi [41], biện pháp quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trường cao đẳng Sơn La; Vũ Thị Lan Anh [4], Biện pháp tăng cường quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trường cao đẳng Lạng Sơn; Hoàng Thị Mai Hoa [24], Nghiên cứu đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên học viện hành chính quốc gia... Các nghiên cứu trên về quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học đều chung một logic: a) Xác lập cơ sở lý luận về quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục; b) Phát hiện và đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học bằng các phương pháp nghiên cứu thực tiễn; c) Đề xuất các giải pháp, biện pháp quản lý hoặc mô hình quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trên các địa bàn khác nhau của đất nước.
1.1.3. Các công trình nghiên cứu về quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở trường phổ thông
Lâm Mã Quốc Dũng (2018), quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở các trường THPT thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. [14] Kết quả nghiên cứu cơ bản của luận văn được tác giả thể hiện trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn tại các trường trung học phổ thông đã đề xuất được 6 biện pháp quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh tại các trường trung học phổ thông tỉnh Lâm Đồng: 1) Tổ chức nâng cao nhận thức cho các lực lượng giáo dục và học sinh về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong bối cảnh đổi mới giáo dục; 2) xác lập cơ chế phối hợp tốt giữa các lực lượng tham gia quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong các trường THPT; 3) tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực hướng dẫn nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho cán bộ quản lý và học
sinh nhà trường; 4) tổ chức triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong hệ thống các trường THPT phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục và thực tiễn địa phương; 5) tăng cường kiểm tra hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường THPT theo yêu cầu đổi mới giáo dục; 6) tổ chức liên kết giữa trường THPT với các trường cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật
- Đỗ Thanh Tùng (2019) [38], Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của giáo viên các trường THPT thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Kết quả nghiên cứu của tác giả đã đưa ra 07 biện pháp quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của giáo viên các trường THPT thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, một mặt nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, mặt khác nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên trường THPT.
- Vũ Phan Thanh (2021), Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của giáo viên các trường THCS huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp [42]. Nghiên cứu của tác giả theo tiếp cận chức năng quản lý và đã khảo sát 125 cán bộ quản lý và giáo viên các trường THPT trên địa bàn huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, đánh giá thực trạng từ đó đề xuất 6 biện pháp quản lý nghiên cứu khoa học kỹ thuật của giáo viên các trường THCS huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp: 1) Tổ chức nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên về vai trò của nghiên cứu khoa học kỹ thuật đối với phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên; 2) Tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên năng lực nghiên cứu khoa học kỹ thuật theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp; 3) Chỉ đạo tăng cường huy động các nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên; 4) Chỉ đạo sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào phát triển năng lực nghề nghiệp; 5) Đổi mới chỉ đạo hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp; 6) Xây dựng môi trường nhà trường trung học cơ sở thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ….
1.1.4. Nhận xét các nghiên cứu đi trước và xác định nội dung nghiên cứu của luận văn
a) Nhận xét
- Hiện nay trong khoa học giáo dục các nghiên cứu về hoạt động nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học và phổ thông đã được tập trung nghiên cứu nhiều, trong đó tập trung nhiều ở các trường đại học và cao đẳng hơn ở lĩnh vực phổ thông.
- Các nghiên cứu về quản lí hoạt động nghiên cứu khoa học được nghiên cứu ít hơn so với các nghiên cứu về hoạt động nghiên cứu khoa học;
tập trung nhiều ở lĩnh vực quản lí giáo dục đại học.
Các nghiên cứu khoa học đi trước về cùng vấn đề chủ yếu theo tiếp cận quá trình, quản lí các thành tố của hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khoa học kĩ thuật ở trường phổ thông, trên các địa bàn khác nhau của cả nước.
- Ở trường phổ thông nghiên cứu về quản lí hoạt động nghiên cứu khoa học tập trung nhiều vào nghiên cứu của giáo viên, ít nghiên cứu về khoa học kĩ thuật của học sinh, đặc biệt trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La chưa có công trình nghiên cứu nào.
Vì vậy lựa chọn đề tài làm luận văn của tác giả quản lí hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh các trường THCS thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề đã xác định được điểm mới trong nghiên cứu thuộc lĩnh vực quản lí giáo dục, với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh các trường THCS và phát triển năng lực nói chung, năng lực giải quyết vấn đề nói riêng cho học sinh.
b) Xác định nội dung nghiên cứu của luận văn
- Hệ thống cơ sở lí luận về quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh các trường trung học cơ sở theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề.
- Khảo sát và phân tích thực trạng quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh các trường trung học cơ sở thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề.
- Đề xuất và khảo nghiệm tính cần thiết, khả thi các biện pháp quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh các trường trung học cơ sở thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề.