CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KỸ THUẬT CỦA HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1.2. Nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh ở các trường THCS
1.2.9. Đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh THCS
Sự phát triển về thể chất: Tăng trưởng nhanh: Học sinh THCS thường trải qua giai đoạn dậy thì, dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng về chiều cao, cân nặng, và hình thể; Sự thay đổi hormone: Giai đoạn này cũng đi kèm với sự thay đổi hormone, ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc.
Phát triển nhận thức: Tư duy trừu tượng: Ở độ tuổi này, các em bắt đầu phát triển khả năng tư duy trừu tượng, thực hiện các phép suy luận và giải quyết vấn đề phức tạp; Khả năng tự học: Học sinh có xu hướng phát triển khả năng tự học và tìm kiếm kiến thức, thường xuyên cần sự khuyến khích từ thầy cô, cha mẹ.
Phát triển cảm xúc và xã hội: Sự tìm kiếm bản sắc: Các em bắt đầu tìm kiếm và hình thành bản sắc cá nhân, đặt câu hỏi về giá trị và mục tiêu sống:
Mối quan hệ bạn bè: Tình bạn trở nên quan trọng, ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi và sự phát triển xã hội của học sinh. Nhạy cảm với cảm xúc: Học sinh trong giai đoạn này thường phản ứng mạnh mẽ với cảm xúc của bản thân và người khác, có thể dẫn đến những xung đột và thách thức trong quan hệ.
Áp lực và căng thẳng: Áp lực học tập: Các em phải đối mặt với áp lực từ việc học tập, thi cử, và kì vọng từ gia đình và xã hội; Sự kỳ vọng từ bản thân và người khác: Học sinh thường cảm thấy căng thẳng khi phải đạt được thành tích cao để đáp ứng kỳ vọng từ cha mẹ và thầy cô.
Ảnh hưởng từ môi trường: Gia đình: Môi trường gia đình, cách giáo dục và sự quan tâm của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của học sinh.
Trường học và xã hội: Mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, và hoạt động ngoại khóa tạo ra môi trường xã hội để học sinh phát triển.
Học sinh bậc THCS có độ tuổi từ 11 đến 15 tuổi, lứa tuổi này có một vị trí đặc biệt quan trọng trong thời kì phát triển của mỗi con người, là thời kì chuyển tiếp từ thời tuổi thơ sang tuổi trưởng thành. Đây là thời kì phát triển phức tạp nhất, các em ở trong giai đoạn phát triển mạnh về thể lực, tâm lý, sinh lý là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi “trẻ con” sang tuổi “người lớn”. Ở lứa tuổi này, tâm lý các em có nhiều biến động rất nhạy cảm, dễ xúc động, dễ bị kích động, bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như phim, ảnh, các hoạt động văn hoá xã hội. Khi cơ thể phát triển tạo ra các nhu cầu tìm hiểu sự việc, những ham muốn về sinh lý, về giới tính cộng với tính tò mò muốn biết hết mọi việc, muốn làm như “người lớn”, bắt chước người lớn, vì thế, nếu không được giáo dục, không được dạy bảo dễ nảy sinh các tâm lý lệch lạc dẫn đến hành vi phạm tội, do không được giáo dục, thiếu hiểu biết về cuộc sống nói chung và các hiểu biết về pháp luật nói riêng.
1.2.9.2. Đặc điểm học tập
Học tập là hoạt động chủ đạo của học sinh, nhưng ở tuổi này, việc học tập của học sinh THCS có những thay đổi cơ bản. Ở các lớp dưới các em
được học hệ thống các sự kiện và hiện tượng, hiểu những mối quan hệ cụ thể và đơn giản giữa các sự kiện và hiện tượng đó. Ở trường THCS, việc học tập của các em có sự phức tạp hơn đáng kể, các em chuyển sang nghiên cứu có hệ thống những cơ sở khoa học. Các môn học có sự phân biệt rõ ràng, mỗi môn học gồm các khái niệm, những quy luật được sắp xếp thành một hệ thống tương đối sâu sắc. Điều đó đòi hỏi ở các em sự độc lập, tự giác cao.
Thái độ, ý thức tự giác trong học tập ở lứa tuổi này cũng tăng lên rõ rệt.
Ở học sinh tiểu học, thái độ học tập của các em đối với môn học phụ thuộc vào thái độ của các em đối với giáo viên và điểm số nhận được. Nhưng đối với học sinh THCS, thái độ đối với môn học do nội dung môn học và sự đòi hỏi phải mở rộng tầm hiểu biết chi phối. Thái độ đối với môn học đã được phân hoá: môn hay, môn không hay... Nhiều em đã có yếu tố tự học, có hứng thú và say mê đối với môn học và học tập. Tuy nhiên, tính tò mò, ham hiểu biết nhiều có thể khiến cho hứng thú của học sinh bị phân tán và không bền vững, có thể hình thành thái độ dễ dãi, không nghiêm túc đối với các lĩnh vực khác trong cuộc sống.
1.2.9.3. Đặc điểm sự phát triển tư duy
Hoạt động tư duy: Hoạt động tư duy của học sinh THCS có những biến đổi cơ bản: Tư duy nói chung và tư duy trừu tượng phát triển là đặc điểm cơ bản trong hoạt động tư duy của các em. Tuy nhiên, thành phần của tư duy hình tượng cụ thể vẫn phát triển và vẫn giữ vai trò quan trọng trong cấu trúc tư duy.
Các em hiểu các dấu hiệu bản chất của đối tượng nhưng không phải bao giờ cũng phân biệt được những dấu hiệu đó trong mọi trường hợp. Khi nắm khái niệm, các em có khi thu hẹp hoặc mở rộng khái niệm không đúng mức.
Tính phê phán của tư duy ở các em học sinh THCS cũng được phát triển. Các em biết lập luận và giải quyết vấn đề một cách có căn cứ. Các em không dễ tin như lúc nhỏ. Nhất là ở cuối tuổi này, các em biết vận dụng lý luận vào thực tiễn, biết lấy những điều quan sát được, những kinh nghiệm
riêng của mình để minh hoạ kiến thức. Chính vì vậy, người giáo viên phát triển tư duy trừu tượng cho các em học sinh làm cơ sở để lĩnh hội các khái niệm khoa học trong chương trình học tập. Chỉ dẫn cho các em những biện pháp để rèn luyện kĩ năng suy nghĩ có phê phán, độc lập.
1.2.9.4. Hoạt động giao tiếp của học sinh THCS
Ở các em xuất hiện một cảm giác mới, rất độc đáo “cảm giác mình đã là người lớn”. Các em thấy mình không còn là trẻ con nữa, nhưng cũng có cảm giác mình chưa thực sự là người lớn. Cảm giác về sự trưởng thành của bản thân là một nét đặc trưng trong nhân cách của các em. Điều đó thể hiện lập trường sống mới của thiếu niên với người lớn và thế giới xung quanh.
Cảm giác mình là người lớn thể hiện rất phong phú về nội dung và hình thức.
Trong cuộc sống các em chú ý đến hình thức, tác phong, cử chỉ, hành động...
và những khả năng của bản thân. Trong học tập, các em mong muốn lĩnh hội tri thức, muốn có suy nghĩ và lập trường riêng. Trong phạm vi ý thức xã hội, các em muốn độc lập, không bị phụ thuộc vào người lớn ở một mức độ nhất định. Các em mong muốn, đòi hỏi người lớn quan hệ đối xử với mình bình đẳng như với người lớn. Không can thiệp quá sâu vào một số mặt trong đời sống riêng của các em. Học sinh THCS bắt đầu chống đối những yêu cầu mà trước đây các em vẫn thực hiện một cách tự nguyện. Các em bảo vệ ý kiến của mình không chỉ trong lời nói mà trong cả hành động. Cảm giác về sự trưởng thành và nhu cầu được người lớn thừa nhận là người lớn đã nảy sinh vấn đề quyền hạn của người lớn với trẻ em. Các em mong muốn hạn chế quyền hạn của người lớn và mở rộng quyền hạn của mình, mong muốn người lớn tôn trọng nhân cách, phẩm giá, tin tưởng và mở rộng tính độc lập của bản thân. Nguyện vọng muốn được tin tưởng, độc lập, muốn được đối xử bình đẳng nhất định với người lớn có thể thúc đẩy các em tích cực hoạt động chấp nhận những yêu cầu đạo đức của người lớn và những phương thức hành vi trong thế giới người lớn khiến các em xứng đáng với vị thế xã hội tích cực.
Nhưng mặt khác, nguyện vọng này có thể khiến các em chống cự, không phục tùng những yêu cầu của người lớn.
Xu thế cường điệu những thay đổi của bản thân khiến các em có nhu cầu tham gia vào đời sống của người lớn, trong khi đó kinh nghiệm của các em chưa tương xứng với nhu cầu đó. Đây là một mâu thuẫn trong sự phát triển nhân cách của các em. Chính vì vậy, người lớn cần thấy nhu cầu và nguyện vọng của các em là chính đáng, cần phải thay đổi thái độ đối xử đối với các em. Nếu người lớn không chịu thay đổi quan hệ đối với các em thì các em sẽ là người khởi xướng thay đổi mối quan hệ này. Nếu người lớn áp đặt sẽ gây ra những phản ứng của các em với người lớn dưới dạng, bất bình, bướng bỉnh, không vâng lời... Nếu người lớn thấy sự phản đối của các em mà không suy xét để thay đổi quan hệ với các em thì sự xung đột giữa các em với người lớn còn kéo dài đến hết thời kì của lứa tuổi này. Những quan hệ xung đột giữa các em và người lớn dẫn đến làm nảy sinh những hành vi tương ứng ở các em như: xa lánh người lớn, không tin tưởng vào người lớn, cho rằng người lớn không hiểu và không chịu hiểu các em. Các em sẽ khó chịu một cách có ý thức với những yêu cầu, sự đánh giá nhận xét của người lớn. Tác động giáo dục của người lớn đối với các em bị giảm sút. Trong khi đó, người lớn lại thấy ở các em những nét trẻ con trong dáng dấp, hành động, suy nghĩ và các em còn phải phụ thuộc nhiều vào người lớn. Một số bậc cha mẹ lại cho rằng việc tăng quyền hạn và tính độc lập cho lứa tuổi học sinh THCS là không hợp lí. Chính sự không thay đổi thái độ ở người lớn đã gây ra sự đụng độ giữa các em với người lớn làm các em càng chống đối, xa lánh người lớn và thấy người lớn không hề hiểu mình.
Với bạn bè: Nhu cầu giao tiếp với bạn phát triển mạnh là một đặc điểm nổi bật ở học sinh THCS. Với bạn bè cùng lứa, học sinh THCS có mối quan hệ phức tạp hơn nhiều so với bậc tiểu học. Sự giao tiếp của các em đã vượt ra ngoài phạm vi học tập, phạm vi nhà trường. Nhiều khi các em kết bạn là cùng
một sở thích nào đó, thậm chí có những tình cảm khác giới... Một mặt, các em rất khao khát được giao tiếp và cùng được hoạt động chung với nhau, các em mong muốn được sống trong tập thể với những bạn bè tin cậy. Mặt khác, cũng biểu hiện nguyện vọng không kém phần quan trọng là muốn được bạn bè thừa nhận, tôn trọng mình [25]