Đối với Ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý nợ xấu tại ngân hàng TMCP công thương Việt Nam - Chi nhánh 5 TPHCM (Trang 74 - 77)

3.3. Các giải pháp hỗ trợ

3.3.2. Đối với Ngân hàng Nhà nước

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát: NHNN cần thực hiện kiểm tra kiểm soát thường xuyên công tác quản trị rủi ro tín dụng của các NHTM. Tăng cường kiểm soát việc thực hiện về tổ chức bộ máy và quy trình tín dụng có đảm bảo đúng theo nguyên tắc và các bước thực hiện quy trình mà NHTM đã ban hành hay không; kiểm tra việc chấp hành phân loại nợ của NHTM có thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định của NHNN,… Từ đó, hạn chế việc ngân hàng chạy theo mục đích lợi nhuận mà cắt giảm chi phí về nhân sự, không đảm bảo thực hiện nghiêm quy trình tín dụng hoặc trích lập DPRR không đầy đủ nhằm nâng cao chất lượng quản trị rủi ro tín dụng của NHTM.

Chống cạnh tranh không lành mạnh: trong thời gian qua, với việc mở rộng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các NHTM, NHNN đã giải phóng và tăng tính chủ động của các ngân hàng trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, do thị trường tín dụng là “miếng đất màu mỡ” đem lại lợi nhuận cao nên các ngân hàng đua nhau thành lập mới hay mở rộng mạng lưới giao dịch và quy mô. Từ đó, đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh kém lành mạnh, tranh giành khách hàng vay vốn giữa các ngân hàng như cho khách hàng vay để hoàn trả nợ vay của các ngân hàng khác, hạ thấp các tiêu chuẩn, điều kiện vay vốn dẫn đến nguy cơ rủi ro tín dụng tăng cao. Do đó, NHNN cần có sự kiểm tra kiểm soát có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTM, đảm bảo sự phát triển bền vững an toàn trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng.

Ứng dụng các nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng của Ủy ban Basel (25 nguyên tắc): NHNN cần ứng dụng các nguyên tắc này trong thực thi chức năng của một cơ quan quản lý nhà nước và giám sát thị trường, hoàn thiện phương pháp kiểm soát và kiểm toán nội bộ trong các TCTD và hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Hệ thống giám sát ngân hàng cần được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng phân tích tình hình tài chính và phát triển hệ thống cảnh báo sớm những tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh nói chung và cấp tín dụng nói riêng nhằm cảnh báo sớm cho các NHTM, đảm bảo thị trường phát triển bền vững.

Sở hữu chéo cũng là tác nhân gây nên tình trạng nợ xấu cao hiện nay. Việc xử lý sở hữu chéo phải bảo đảm cho hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh và minh bạch;

phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của TCTD và hệ thống các TCTD. Đồng thời, phải hạn chế tối đa tác động tiêu cực của sở hữu chéo tới an toàn hoạt động ngân hàng. Do đó cần phải thận trọng, có lộ trình để giữ ổn định từng TCTD và cả hệ thống các TCTD.Giải pháp xử lý sở hữu chéo phải toàn diện. Theo đó, NHNN vừa phải tập trung sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hạn chế sở hữu chéo và quy định an toàn hoạt động ngân hàng;

đồng thời phải xử lý đồng bộ, toàn diện nhưng có tính đến đặc điểm của từng TCTD cụ thể : (i) tăng cường công tác thanh tra, giám sát, rà soát, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, xây dựng lộ trình giảm sở hữu vốn lẫn nhau giữa các TCTD; tạo điều kiện cho các TCTD thoái vốn ở các TCTD và các công ty con, công ty liên kết hoạt động không có hiệu quả,(ii) xác định nguồn lực tài chính của các cổ đông của TCTD khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại TCTD. Đảm bảo nguồn vốn của các cổ đông đầu tư vào TCTD là hợp pháp và phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính. Bên cạnh đó, khi xem xét việc tăng vốn điều lệ của các TCTD, NHNN tăng cường công tác xác minh nguồn tiền của các cổ đông và người có liên quan khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại các TCTD, (iii) NHNN giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các TCTD có liên quan để một mặt đánh giá khả năng tài chính của cổ đông; mặt khác, ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng dẫn đến vi phạm giới hạn cấp tín dụng cho cổ đông và người liên quan,(iv) phối hợp chặt chẽ với Ủy ban chứng khoán theo dõi, giám sát việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán,(v) trong các phương án tái cơ cấu của các TCTD, NHNN cần yêu cầu TCTD vi phạm các quy định về sở hữu chéo, đầu tư, giới hạn sở hữu vốn và cấp tín dụng cũng như các quy định an toàn khác phải có biện pháp xử lý, (v) yêu cầu các DN Nhà nước, tổng công ty Nhà nước xây dựng lộ trình thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng,(vi) xây dựng các quy trình nhằm xử lý, ngăn chặn, phòng ngừa việc sở hữu chéo, đầu tư chéo.

Hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng của Trung tâm CIC Ngân hàng Nhà nước: để nâng cao tính hiệu quả và thúc đẩy động lực làm việc, có thể nghiên cứu chuyển đổi Trung tâm này sang hình thức một công ty cổ phần có sự góp vốn của các NHTM. Nghiên cứu và

cho áp dụng mô hình công ty xếp hạng tín nhiệm độc lập ở Việt Nam để hỗ trợ cho các ngân hàng trong hoạt động kinh doanh, có thể thu hút sự chuyển giao công nghệ và học tập kinh nghiệm của các công ty xếp hạng tín dụng nổi tiếng trên thế giới.

Thực hiện Quyết định số 254/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 734/2012/QĐ-NHNN về tái cơ cấu hệ thống các TCTD Việt Nam ,NHNN đã tiến hành các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để chấn chỉnh hệ thống các TCTD vốn đang đứng trước rủi ro và nhiều vấn đề cấp bách bắt nguồn từ suy thoái kinh tế toàn cầu.Quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong hai năm qua có hai điểm sáng lớn, đó là các thương vụ sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng yếu kém và việc VAMC bước đầu mua bán nợ xấu với một số NHTM.Theo quy định, VAMC được mua nợ xấu bằng hai cách:

Một là, mua nợ xấu của TCTD theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Bản chất của giải pháp này là chuyển nợ xấu của các TCTD về VAMC, để VAMC xử lý giúp trong vòng 5 năm. Giải pháp này chẳng những nhanh chóng làm sạch bảng cân đối tài sản, qua đó tăng thanh khoản, tăng khả năng cho vay của các TCTD, mà còn giúp các TCTD rảnh tay hơn để tập trung vào hoạt động kinh doanh. Thậm chí, các TCTD còn có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để cầm cố vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.Tuy nhiên, với giải pháp này, TCTD không nhận được “tiền tươi” mà chỉ nhận được trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Hơn nữa, TCTD vẫn phải “có trách nhiệm” với khoản nợ xấu đã bán và phải trích lập DPRR 20%/năm cho trái phiếu đặc biệt, mục đích là để sử dụng quỹ dự phòng này xử lý khoản nợ xấu, nếu sau 5 năm VAMC vẫn chưa xử lý được.

Hai là, mua nợ xấu theo giá trị thị trường. Giải pháp này sẽ giúp các TCTD xử lý dứt điểm đối với khoản nợ xấu và TCTD sẽ có ngay một khoản tiền mặt từ món nợ xấu đã bán. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là định giá nợ xấu, định giá TSBĐ, nhất là khi Việt Nam chưa hình thành thị trường mua bán nợ. Việc chưa có thị trường mua bán nợ cũng sẽ gây nhiều trở ngại khi VAMC muốn bán lại những khoản nợ xấu đã mua.

Do đó phải hình thành thị trường mua - bán nợ chuyên nghiệp; phải có khuôn khổ pháp lý tốt cho thị trường hoạt động. Đặc biệt, muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

tham gia thị trường này thì khuôn khổ pháp lý cũng phải tạo thuận lợi cho họ, đặc biệt là vấn đề trần tỷ lệ sở hữu tại các DN, nhất là các ngân hàng; việc sở hữu tài sản tại Việt Nam, đặc biệt là bất động sản...

Trong quá trình xử lý nợ xấu, phần quan trọng nhất khi tái cơ cấu ngân hàng, đôi khi NHNN cần tham gia hỗ trợ sâu hơn để xử lý những vấn đề liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau. Đơn cử, một khoản nợ xấu có thể do vài ngân hàng quản lý, khi giải quyết, mỗi ngân hàng đều cố gắng giành quyền lợi cho mình, dẫn đến phát sinh những chi phí xã hội không đáng có. Trong trường hợp này, NHNN cần tham gia với vai trò đơn vị sắp xếp, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và giảm chi phí xã hội phát sinh

Nghiên cứu và triển khai các công cụ bảo hiểm tín dụng như quyền chọn (credit option) và hoán đổi tín dụng (credit swap). Đây là các công cụ của một thị trường tài chính phát triển cao nhằm giúp các NHTM phòng ngừa và bảo hiểm rủi ro tín dụng, san sẻ rủi ro và tạo tính linh hoạt trong quản lý danh mục các khoản cho vay của ngân hàng.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý nợ xấu tại ngân hàng TMCP công thương Việt Nam - Chi nhánh 5 TPHCM (Trang 74 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)