Chương 2: MÃ NHÂN VẬT VÀ HỆ CHỦ ĐỀ TRONG TIỂU THUYẾT
2.1.1. Tên nhân vật được kí hiệu hoá
Hình tượng nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống, vừa phản ánh đời sống vừa là hiện tượng kí hiệu trong giao tiếp. Nếu bản chất của hiện tượng kí hiệu mang tính cố định thì bản chất của sự phản ánh nhận thức luôn hướng về sự tìm tòi, đổi mới. Chính vì vậy mà trong cuộc sống luôn diễn ra quá trình đổi mới và cắt nghĩa lại kí hiệu. Đây là điểm xuất phát của mối quan hệ giữa cái thật và cái ước lệ, cái lặp lại và cái không lặp lại của nghệ thuật.
Tên nhân vật là một trong những yếu tố tạo nên nhân vật. Nó thể hiện phần nào đó cá tính của nhân vật. Nhân vật cũng giống như những đứa con mà nhà văn sinh ra, chính vì thế việc lựa chọn những cái tên cho chúng là một việc làm không hề ngẫu nhiên, tuỳ tiện. Nguyễn Du rất thành công trong việc đặt tên cho nhân vật của mình.
Mỗi cái tên trong tác phẩm Truyện Kiều không chỉ gắn với một tính cách mà còn là đại diện cho một hạng người, một lớp người. Theo dòng thời gian, những danh từ riêng trong Truyện Kiều đi vào lời nói thường ngày của nhân dân và trở thành những danh từ chung như Hoạn Thư, Tú Bà, Sở Khanh, Kiều,...Trong văn học hiện đại, chúng ta biết
đến những cái tên đã thành điển hình như Xuân Tóc Đỏ trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, Thứ, Chí Phèo, Thị Nở của Nam Cao, Mị của Tô Hoài v.v. Trong văn học đương đại, với cảm quan hậu hiện đại, phi trung tâm, nhân vật không còn đầy đặn ngoại hình, nội tâm, tính cách, kể cả việc có một cái tên. Đặc biệt, trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, tên nhân vật chỉ là những kí hiệu: là A, B, C; là Giáo sư 1, Giáo sư 2; là Cá sấu 1, Cá sấu 2, Đại sứ ông, Đại sứ bà, là Sếp, Vip… Đến nay, trên văn đàn Việt Nam hiếm có tác giả thành công trong việc biến nhiều tên nhân vật của mình thành tên chung của một lớp người như Hồ Anh Thái.
Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, mỗi cái tên mà nhân vật đang mang thể hiện được cá tính của nhân vật, vừa có tính đại diện cho một kiểu người; qua đó thể hiện quan niệm của tác giả về con người, nhất là những cái tên của những nhân vật “có vấn đề”. Tác phẩm của Hồ Anh Thái thường gây ấn tượng bởi những cái tên mà không ai nghĩ đó là tên. Trong các tiểu thuyết của ông là hàng trăm nhân vật không tên, không tuổi, không quê quán. Tác giả “làm giấy khai sinh cho họ” bằng nhiều hình thức trong đó phổ biến là gắn tên nhân vật phù hợp với nghề nghiệp, địa vị, chức tước. Trong Năm lá quốc thư, không nhân vật nào được đặt tên. Chỉ là Đại sứ 1, Đại sứ 2,
…Đại sứ 5. Trong SBC là săn bắt chuột là trạng thái không trọng lượng của bảy nhân vật, Đại Gia, ông Cốp, Chàng, Nàng, Thư Ký của Cốp, Luật Sư, Giáo Sư. Bức biếm họa nhân vật ông Cốp được khắc họa rất khôi hài. Xuất thân từ vùng quê nghèo khó, từng có mơ ước làm diễn viên đoàn văn công. Con đường thăng tiến của ông bắt đầu khi người anh có kế hoạch tấn công con gái của viên tướng và trở thành rể. Từ người làm nghề kiểm lâm, ông Cốp được rút về Bộ vì những đóng góp và thành tích chống lâm tặc. Hài hước nhất là chi tiết gương mặt được tô vẽ do bàn tay của vợ ông - một người đàn bà vừa vụng về, vừa quê kiểng: “Sơn vẽ kẻ biển cho mình chán lại quay sang trang điểm cho chồng. Đặc biệt là từ khi chồng lên sếp trưởng một vụ, lên thứ trưởng rồi tiếp tục tiến lên. Quan Cốp, quan Víp không thể da chì mặt tái môi thâm… Cứ thế ông Cốp dần dà quen với việc sáng ra được tướng bà sơn vẽ kẻ biển” [56, tr.191]. Ông cốp chỉ là người giỏi hoạt ngôn, ranh mãnh chứ không có tài cán gì. Sự tha hóa của ông Cốp thể hiện qua chi tiết mất trọng lượng, bay lơ lửng. Có thể thấy, xã hội hiện nay đời sống kinh tế phát triển hơn, mức sống của con người cao hơn nhưng nhân cách, đạo đức lại thụt lùi, những người đứng đầu như Cốc, Bóp, Phũ chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ và vô tư đến mức vô tâm. Trong cuộc sống đời thường họ còn bộc lộ một lối sống thực dụng và ích kỷ rất đáng chê trách.
Cùng với các cây bút đương đại khác, Hồ Anh Thái cũng coi tác phẩm chỉ là một
“sản phẩm của trò chơi ngôn từ”. Anh không chú trọng việc miêu tả ngoại hình hay tính cách nhân vật. Nhà văn xứ Nghệ cũng không còn đi tìm một điểm khởi đầu và điểm kết thúc cho nhân vật, không còn hướng tới việc tìm đến một sự lôgic trong tính cách và hành động, cũng không tìm kiếm những câu chuyện hay nhằm đến một chủ
đích nào cả. Tất cả đều bỏ ngỏ, đều vô nghĩa lí như chính những ngã rẽ cuộc đời mà các nhân vật đã trải qua.
Có thể nhận thấy “hệ thống biệt danh trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái mang bản chất tếu táo, vui nhộn, lưỡng tính của văn hóa trào tiếu dân gian”. Bakhtin gọi chúng là
“hệ thống danh xưng carnaval” mà ông tìm thấy rất nhiều trong sáng tác của Francois Rabelais, kiểu như “Hỡi các ấm giả rất trứ danh, và các ngài, tim Ta rất đáng quý…”.
Những danh xưng Víp, Cốp, Kễnh, Đại Gia, Giáo Sư… vừa khẳng định đẳng cấp xã hội rất cao của nhân vật, vừa bao hàm trong nó cả sự giễu nhại, bỡn cợt. Chúng phủ lên cơ thể nhân vật chiếc áo thùng thình, xiên xẹo của những ông hoàng carnaval.”
[33]. Trong Tranh Van Gogh mua để đốt, các nhân vật được gọi theo đặc điểm nghề nghiệp mà họ đảm nhiệm: Sếp, anh, chị bếp, chú cần vụ, ông Nhật (ông tỉ phú người Nhật), cô gái H’mông, cô diễn viên, chú lái xe, ông Cốp, Tiểu Vip…Các nhân vật đã bị xóa nhòe lai lịch. Họ xuất hiện lần lượt, tự nhiên, không xuất xứ, hệt như bị vô tình ném ra giữa cuộc đời - chung chung đến mức nhiều khi đọc tác phẩm ta thấy mình na ná họ, hoặc họ na ná một ai đó ta đã gặp đâu đó trong cuộc sống thường ngày. Cách định danh như thế làm cho con người vốn rất đỗi bình thường có khi là phổ quát trong xã hội hiện đại. Qua các nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, chúng ta cũng sẽ không thể tìm thấy những lời phát biểu, những tư tưởng, quan niệm của nhà văn được đóng khung trong tác phẩm như các nhà văn trước đây. Như vậy, có thể thấy họ là đại diện cho số đông, bổ sung vào bộ sưu tập nhân vật tha hóa của Hồ Anh Thái. Ông Cốp là người có chức, có quyền nhưng ông lại chẳng khác nào con rối trong tay người khác. Ông đi đến đâu, làm gì đều có một e kip rình rang, vạch sẵn những việc sẽ làm và việc của ông là chỉ diễn. Trước cảnh lũ lụt, nước dâng lênh láng, người dân phải ngồi đợi trên mái nhà chỉ để chờ phóng viên đưa ông Cốp đến làm từ thiện rồi chụp hình đăng báo. Ông Cốp đã rơi nước mắt nhưng những giọt nước mắt ấy không làm ai xúc động mà ngược lại qua đó ta thấy được đó là sự dối trá, vô tâm của lòng người.
Duy Anh là một cái tên quen thuộc đối với bạn đọc yêu văn chương, với các bút danh: Chu Quý, Lão Tạ, Quý Anh… .Là một nhà văn viết sung sức, trung thực với nhiều tìm tòi đổi mới, Tạ Duy Anh không lúc nào không nghĩ về sự “thay đổi”, thay đổi để tiếp tục sáng tạo để rồi mỗi cuốn sách lại có một cuộc đời riêng có với cách cấu trúc và ngôn ngữ của mình. Đi tìm nhân vật, một cuốn tiểu thuyết phá cách về mặt cấu trúc của ông, hoàn thành sau bốn năm làm việc. Ông cũng có những đổi mới trong xây dựng nhân vật. Giống với Hồ Anh Thái, các nhân vật trong sáng tác của Tạ Duy Anh cũng không được định danh, các nhân vật được gọi với các cái tên như: tiến sĩ N, nhà báo,…Cả Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái giữ khoảng cách nhất định, cụ thể là đã đẩy xa nhân vật ra khỏi mình, cho nhân vật được tự do để có thể tìm thấy nhiều mặt của cuộc.
Nghĩa là Hồ Anh Thái đã tạo ra sự tự do trong lối viết, dân chủ trong cách đọc, sự đối thoại ngay trong tác phẩm, sự đồng hành trên con đường tìm đến với thế giới tinh thần phong phú.. Người đọc tuyệt nhiên không còn nhận thấy những mối dây chằng chịt,
móc nối giữa một bên là tư tưởng của tác giả và một bên là nhân vật, tức là không thể tìm thấy những ý nghĩa của tác phẩm thông qua khuôn miệng hay hành động của nhân vật nữa. Nói cách khác, nhân vật không phải là cái loa phát ngôn cho tư tưởng, quan niệm của nhà văn. Nhân vật chỉ là những kí hiệu ẩn chứa những thông điệp của tác phẩm.
Thông qua cách gọi tên của nhân vật trong tiểu thuyết Tranh Van Gogh mua để đốt nhà văn tỏ ra dửng dưng như không và xem đó là hiện tượng phổ biến, không hề xa lạ. Các nhân vật trong tác phẩm không hề có tên cụ thể, không có ngoại hình, cũng không có tính cách. Chúng tồn tại đấy nhưng thực ra là vắng mặt. Phải chăng Hồ Anh Thái muốn thể hiện sự vô danh phổ quát trong cuộc sống của con người và từ đó nhà văn thể hiện một cái nhìn khác về cuộc sống, khẳng định rằng: mong muốn có một cuộc sống thuần nhất, vẹn toàn sẽ chỉ là ảo tưởng và vô cùng hài hước. Nhà văn dùng cách đơn giản hóa về lai lịch, ngoại hình và đời sống nội tâm để làm mờ hóa nhân vật.