Chương 3: NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT TRANH VAN GOGH
3.3. Tổ chức kết cấu tác phẩm
3.3.2. Kết cấu liên văn bản
Liên văn bản là biểu hiện của lối viết hậu hiện đại. Bakhtin nói về tính chất này của tiểu thuyết như sau: “Tiểu thuyết cho phép đưa vào trong nó nhiều thể loại khác nhau, cả những thể loại nghệ thuật (những truyện ngắn, những bài thơ trữ tình, những trường ca, những màn kịch nói, v.v...) lẫn những thể loại phi nghệ thuật (các thể văn đời sống hàng ngày, văn hùng biện, khoa học, tôn giáo, v.v…) Với nguyên tắc, bất cứ thể loại nào cũng có thể được đưa vào cấu trúc tiểu thuyết và trên thực tế rất khó tìm được một thể loại nào chưa bao giờ và chưa được ai đưa vào tiểu thuyết” [42, tr.132].
Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, liên văn bản được sử dụng một cách có ý thức, đã đem lại diện mạo mới mẻ cho những đứa con tinh thần của anh. Nhà văn đã xử lý liên văn bản không chỉ ở cấp độ thủ pháp, kỹ thuật mà còn ở cấp độ nội dung tư tưởng. Trước hết ở cấp độ thủ pháp, kĩ thuật ông đã kết hợp một cách khéo léo các thể loại thể loại báo chí, các kiểu văn bản hành chính công vụ,…tạo nên độ “nhòe” cần thiết về ranh giới thể loại. Ở cấp độ nội dung tư tưởng, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái thường dung nạp trong mình tất cả các phương diện: văn nghệ, kinh tế, đạo đức, văn hoá, xã hội, những nét tinh tế và bí ẩn trong tâm hồn của con người, bức tranh quy mô của xã hội, những tông màu trong hội hoạ, âm thanh của âm nhạc,…
Trước hết, nhà văn sử dụng các giai thoại, huyền thoại một cách có chủ đích. Từ trục chính là chuyện đốt tranh - cứu tranh - chạy trốn, trong cấu trúc nội tại của văn bản tiểu thuyết là diễn ngôn chính trị, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật; là những câu chuyện quá khứ, hiện tại, phương Đông phương Tây: câu chuyện về bức tranh của Van Gogh, câu chuyện về chiếc ghế bành “trong một tiểu thuyết đoản thiên của Nhật đọc đã lâu”; câu chuyện về “người già ở xứ tuyết được cõng lên núi bỏ vào hang đá để đón nhận một cái chết quy luật ở trong ấy”; hay như câu chuyện “xác ghế hồn người”,...
Với những liên tưởng phong phú khiến cuốn tiểu thuyết giàu lượng thông tin. Tiểu thuyết đoản thiên của Nhật mà sếp trong cuộc trò chuyện với ông tỉ phú Nhật chợt nhớ ra “Một nữ văn sĩ ngồi trong một cái ghế bành to tướng mà đọc bức thư của một độc giả. Tôi say mê em, một độc giả viết như vậy, tôi say mê những trang viết của em, tôi khao khát lúc nào cũng được ôm em trong vòng tay mình, tôi nghĩ ra một cách, hằng
ngày khi em bước ra khỏi nhà, tôi đã mở khóa lẻn vào cái ghế bành to tướng của em, rôi rút hết phần rơm rạ bông nhồi trong ấy ra, rồi tôi ngồi vào trong ấy, hai tay em là hai tay ghế mà em thường tì tay lên, ngực em là lưng ghế mà em vẫn tựa vào, bằng cách ấy, ngày nào tôi cũng được ôm ấp em như thể hai ta đã hòa thành một khối” [57, tr.43]. Câu chuyện giống như một gợi ý, một sự tương đồng về cách giấu tranh của ông tỉ phú Nhật. Đó là lý do mà ông tỉ phú Nhật quyết định bán bức tranh lại cho sếp mà không phải là bất kì ai khác. Đây là câu chuyện mà sếp kể cho ông tỉ phú Nhật nghe.
Cùng sự tương giao của câu chuyện với việc giấu bức tranh là sự theo dõi nhất cử nhất động của ông tỉ phú “Ông Nhật không bỏ sót cử động của sếp với cái ghế bành. Cái nhìn của ông vẻ như phấp phỏng ưu tư, lại cũng lóe lên nét thú vị” [57, tr.42]. Chính lúc này ông đã thừa nhận, chỉ có anh sếp mới hiểu mình “Ông Nhật lại quay sang, một lần nữa vỗ vỗ lên cái lưng ghế bành sếp đang ngồi. Anh đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện về xác ghế hồn người, phần xác của nó là cái ghế, phần hồn của nó là có người ngồi trong ấy mà ôm ấp, câu chuyện ấy tôi đã đọc từ thuở thanh niên, hồi ấy mình nghĩ đấy chỉ là chuyện tình, không ngờ sau này nó lại là một gợi ý” [57, tr.46]. Không giống như đám con cháu của ông cho rằng việc ông muốn hỏa thiêu bức tranh là
“Không hợm thì cũng hâm hâm chập chập cheng cheng” [57, tr.38] sếp đã thành công trong việc thương thuyết để mua lại bức tranh “Anh đã thành công, anh đã có bức tranh, anh đã nhìn thấy nó, nó ở trong chính cái ghế bành anh đang ngồi.
Xác ghế hồn người” [57, tr.47].
Huyền thoại tồn tại với tư cách mã kí hiệu và tầm quan trọng của huyền thoại là
“làm biến đổi cấu trúc thể loại của tác phẩm văn học”, tạo “mê hồn trận của lối viết”.
Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, huyền thoại trở thành một mạch dẫn văn hóa, một hệ thống kí hiệu, phương tiện để phản ánh hiện thực, truyền dẫn quan niệm, tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.
Ngoài câu chuyện chiếc ghế trong huyền thoại đến ghế bành giấu bức tranh của ông tỉ phú người Nhật (Kí hiệu Ghế); huyền thoại Đức Phật (một chương trong văn bản Đức Phật, nàng Savitri và tôi được cô gái “sợ chữ” đọc); Quo Vadis, tiểu thuyết của Henryk Sienkiewicz, Chữ Đồng Tử, Tiên Dung,...trong siêu hư cấu của Hồ Anh Thái, cho thấy vốn hiểu biết phong phú cùng sự vận dụng hợp lý, tài tình, tạo được sợi dây liên hệ trong tác phẩm của ông.
Trong tiểu thuyết Tranh Van Gogh mua để đốt, một chương trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi đã được trích lại. Nói về cuốn tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, đây là cuốn tiểu thuyết sử dụng rất nhiều tư liệu lịch sử Phật giáo cũng như những triết thuyết, giáo pháp của Phật, kinh điển Tiểu Thừa, Đại Thừa, các công trình nghiên cứu Ấn Độ cổ đại của các chuyên gia Anh và Đức nhằm xây dựng hình ảnh Đức Phật qua hình tượng một nhân vật lịch sử, một nhà hiền triết. Tuy tác phẩm chứa rất nhiều tư liệu về xã hội, tôn giáo, văn hoá nhưng các tư liệu này được tác giả trình bày một cách hợp lý, tuỳ vào từng văn cảnh cụ thể để nhân vật của tiểu thuyết
trở thành một nhân vật văn học chứ không phải là một hình tượng của lịch sử. Lời tuyên thệ trong giáo lý Phật giáo được tác giả sử dụng nguyên văn tiếng Phạn sau đó được dịch ra tiếng Việt cũng là một thủ pháp độc đáo để vừa tạo được cái mới trong văn bản vừa khắc hoạ được tính trang trọng nhưng giản dị trong buổi lễ thu nhận khất sĩ: “- Buddham Saranam Gacchami./ Dhammaam Saranam Gacchami./ Sangham Saranam Gacchami” [46, tr.234]. “Đệ tử nương tựa Phật. Đệ tử nương tựa Pháp. Đệ tử nương tựa Tăng” [46, tr.234]
Cái tin ông Tỷ phú Nhật muốn hỏa táng bức tranh khiến tác giả lại liên tưởng đến giai thoại công tử Bạc Liêu. “Đám con cháu ông Nhật nghe mà hoảng hồn. Họ sợ mất một tài sản. Họ còn sợ hơn, cái công bố thiêu hủy kia tiết lộ với cả thế giới rằng cha họ ông họ là một kẻ hợm hĩnh. Không hợm thì cũng hâm hâm chập chập cheng cheng.
Công tử Bạc Liêu mới chỉ dám đốt mấy tờ giấy bạc đi tìm dép cho người đẹp ở dưới gầm giường. Tỷ phú Nhật đòi đốt tranh của thiên tài Van Gogh” [57, tr.38].
Từ huyền thoại khi Công chúa Tiên Dung quây màn tắm trên bãi Tự Nhiên để
“phát lộ” ra chàng trai nghèo Chử Đồng Tử, Hồ Anh Thái đã miêu tả lại một buổi biểu diễn trên bãi sông trong ánh duốc chập chờn. Điều đáng nói trong giấy mời người tham gia được khuyến nghị cởi mở toàn bộ, đến mức cánh báo chí phải gọi diện hỏi trước có thật phải cởi truồng hay không,…họa sĩ biểu diễn và cô người mẫu đóng độc cái khố dây coi là hai vai Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Chữ Đồng Tử vốn không có khố, nhưng đã được cách điệu như vậy, sợ bày cái ấy ra không ai xem được. Tiên Dung vốn lúc ấy đang tắm trên bãi cát khỏa thân, nhưng vẫn phải quấn khố cách điệu, sợ bày ra lại quá nhiều người xem, giẫm đạp lên nhau hỗn loạn dẫn đến bạo loạn. Dàn đồng ca theo kiểu bi kịch Hi Lạp cũng trụi thùi lùi lụi, chỉ mỗi mẩu vải con con che chỗ bìu như quả cam” [57, tr.286].
Cô gái khi được sếp nhận làm con nuôi thì đến nhà sếp ở, nửa đêm không ngủ được cô mò ra sảnh lớn định bụng bật ti vi để xem, lúc cầm điều khiển để bấm cô bất chợt nghe trên giá sách bỗng vang lên câu nói: “Cô gái ở quán bên đường.
Giọng đọc theo kiểu đọc nhan đề một tác phẩm trong buổi đọc truyện đêm khuya trên đài.
Giọng đọc ấy có thể vừa vang lên trong không gian cũng có thể chỉ vang lên trong đầu cô. Thoạt đầu cô hơi sững người. Tim rộn lên một chút. Cứ như có người vô hình đứng ngay bên cạnh, ghé sát vào tai cô mà đọc.
Cô gái ở quán bên đường.
Cô định thần nhìn sang hướng vừa phát ra giọng đọc. Những cuốn sách đóng bìa cứng màu vang đỏ đều im lìm hơi chìm trong ánh sáng mờ. Chỉ có một cuốn dòng chữ mạ vàng đột nhiên lấp lánh. Đột nhiên” [50. Tr.142].
Cô gái vốn hễ nhìn thấy chữ là đau đầu, “phải có người đọc kịch bản cho cô nghe. Nghe vài lần” [57, tr.135], nhưng lúc này đây như có một phép màu, cô đọc vanh vách những trang sách trắng – vốn chỉ để chơi. “Bàng hoàng. Cô gái đang đọc
truyện từ những trang giấy trắng. Rõ ràng lưu toát. Cô gái vốn sợ chữ thì bây giờ không còn sợ. Thản nhiên tự tin” [57, tr.144].
Với anh là những cuốn sách để chơi nhưng với cô gái lại là cuốn sách đọc được:
“Đây là truyện Cô gái ở quán bên đường. Em đọc nhé: “Tối muộn họ quyết định dừng xe ở một quán bên đường, ở ngay giữa miền Trung đang bị một cơn lũ quét tràn qua.
Một cặp vợ chồng trung niên không mập mạp theo kiểu chủ quán mà gầy guộc như thể họ chẳng bao giờ chấm mút được chút gì từ việc mở hàng ăn” [tr.143-144]. Đây là phần văn bản đã được viết trước đó. Cụ thể là phần mở đầu chương Cô gái ở quán bên đường [tr.159].
Các thể loại du nhập vào tiểu thuyết đặc biệt là những tác phẩm được tác giả giữ nguyên cả văn bản đóng một vai trò rất quan trọng. Các văn bản này giữ nhiệm vụ như một phần của cấu trúc tiểu thuyết. Tiểu thuyết sử dụng các thể loại này như là một cách chiếm lĩnh thực hiện bằng hệ thống từ ngữ của văn bản ấy. M.Bakhtin nói về vai trò của những thể loại du nhập vào tiểu thuyết như sau: “Vai trò của các thể loại du nhập vào tiểu thuyết ấy to lớn đến nỗi có thể có cảm tưởng rằng dường như tiểu thuyết không có cách tiếp cận hiện thực bằng ngôn từ mang tính nguyên khởi của mình, mà cần phải được các thể loại khác gia công sơ bộ hiện thực của nó, còn bản thân nó chỉ là sự tổng hợp, sự hợp nhất mang tính thứ sinh của những thể loại ngôn từ đã có từ trước đó” [57, tr.132]. Trong bản tường trình mà chú cần vụ viết, sau khi giúp chị bếp chuyển số giấy tờ, tài liệu cũ ra sau khu vực nhà bếp thì chú cần vụ ra phòng khách trang trại “pha một ấm nước chè, mở cái đĩa đê vê đê Làn da nâu xem cho đến hết.Chú cần vụ nghe đến say mê, mở nhạc to và hát theo bài hát. “Giai điệu rất ngắn, phối khí rất dài. Toàn bộ thời lượng phát gần tám phút mà ca từ chỉ có hai mươi ba âm tiết.
Tôi có một ước ao (năm âm tiết) Tôi có nhiều khát khao (năm âm tiết) Tôi có nhiều lo âu (năm âm tiết) Tôi biết tìm nơi đâu (năm âm tiết) Làn da nâu (ba âm tiết)
Tổng cộng: hai mươi ba âm tiết” [57, tr.14].
Chỉ với bấy nhiêu âm tiết, nội dung cũng không có gì là mới mẻ, đặc sắc ấy vậy mà anh cần vụ lại say mê, nghe đi nghe lại thậm chí là cứ nhẩm để hát theo không biết chán. Anh đã quên mất nhiệm vụ sếp giao là giám sát chị bếp thực hiện việc tiêu hủy tài liệu. Hồ Anh Thái qua đó muốn giễu nhại “cái công nghệ giải trí nghèo nàn trí tuệ đang bần cùng hóa dân trí”, không dừng lại ở đây điều ông muốn nhắn gửi là những nhạc sĩ, ca sĩ không lấy nền tảng âm nhạc làm điểm tựa xuất phát điểm mà lợi dụng sự nổi bật của mình ở một lĩnh vực nào đó rồi lấn sân sang lĩnh vực khác mong nổi tiếng, nghệ thuật và âm nhạc kiểu đấy thì rẻ rúng biết bao. Lấy giá trị gì mà tồn tại lâu dài.
Trong tiểu thuyết Tranh Van Gogh mua để đốt, Hồ Anh Thái cũng cho thấy sự am hiểu của ông về âm nhạc của các thiểu số. “Rất sõi. Đúng ngôn ngữ của người
Kinh. Kinh hơn cả kinh. Tức là trình độ còn trên cả mức đáng ngưỡng mộ. Nói đến người Kinh với người Mèo, có chuyện đùa. Ngày trước người ta gọi người H'mông là người Mèo. Thời ấy có bài hát Người Mèo có chữ rồi của nhạc sĩ Huyền Tuân rất tình tứ: Quê ta núi cao cao suối reo gió ngàn kêu vi vu đón trăng lên/ Muôn tiếng ca vang hát mừng vui đón người Mèo có chữ rồi / Vầng trăng chiếu sáng xua tan cuộc đời xưa tối tăm / Tiếng khèn trong đêm trăng như ngợi ca khắp cuộc đời / Muôn cánh hoa đào nở đua khắp bản làng / Em đến trường vui cùng anh với hai mái đầu/Cuộc đời đôi ta đẹp như trăng lên ngời chiếu sáng/ Hòa vang tiếng hát / Người Mèo có chữ rồi.”[ 57, tr.74]
Cách dẫn những ngữ liệu điển hình cho thấy sự am hiểu về văn hóa văn học của nhà văn. Không chỉ dùng ngữ liệu văn bản bằng cách trích lại nguyên văn, Hồ Anh Thái còn dùng văn bản có sự xử lí của bản thân nhà văn để hợp với ngữ cảnh, cho thấy sự sáng tạo của nhà văn. Nói về việc cha sếp khi điều động lên vùng cao nguyên- “Khi sếp làm ăn bên Đông Âu, có lần sếp cho mời đoàn chín cơ quan báo chí trong nước sang tham quan. Câu nói trong truyện cây khế “ăn một quả trả cục vàng” [57, tr.52], nhưng có một ông tổng biên tập nghĩ ra cách trả cục vàng thật nặng cân, ông không chỉ viết vài bài báo vặt mà viết hẳn một cuốn sách. Cuốn sách kể về cuộc đời sếp.
Từ hình thức liên văn bản, cuốn tiểu thuyết có sự tương tác giữa điện ảnh, hội họa, báo chí, truyền thông, thơ, kịch bản phim, truyện ngắn (Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long…). Cảnh sân bay nhốn nháo, quầy nhập cảnh mất cũng vài chục phút “Mua vui cũng được một vài trống canh” [57, tr.29] đây là một câu thơ trong Truyện Kiều, Hồ Anh Thái đã sử dụng lại câu thơ để thấy được giá trị của văn chương còn mãi.
Văn bản tường trình, những mã kí hiệu truyện trinh thám cũng được nhà văn đưa vào trong tiểu thuyết, tạo sức hấp dẫn đồng thời tạo tính như thật của câu chuyện hư cấu.
1. Tường trình của chị bếp:
Giờ tỵ, ngày ngọ, tháng mão, năm Bính Hầu (mười giờ ngày năm tháng ba năm Bính Thân), thủ trường chỉ đạo cho tôi dọn sạch chỗ giấy tờ tài liệu cũ trong phòng làm việc, mang ra sau khu vực nhà bếp để đốt. Số giấy tờ gồm hơn hai thùng các tông, trọng lượng tương đương số thực phẩm phải nấu cho bữa ăn khi họp hội đồng quản trị và ban giám đốc.
Chấp hành lệnh của thủ trưởng, tôi đã hoàn thành tốt công việc được giao: đốt sạch số giấy tờ tài liệu cũ cùng với ba cuộn bản đồ đã quá đát.
2. Tường trình của chú cần vụ tiếp cận:
Giờ tỵ, ngày ngọ, tháng mão, năm Bính Hầu, thủ trưởng chỉ đạo cho tôi giúp chị bếp chuyển số giấy tờ tài liệu cũ ra sau khu vực nhà bếp. Chuyển xong rồi, tôi ra phòng khách của trang trại pha một ấm chè, mở cái đĩa để về đề Làn da nâu xem cho
đến hết. Tôi cho rằng trong lúc ấy, chị bếp đã thực hiện nghiêm chỉnh công việc được sếp giao cho” [57, tr.12].
Các văn bản hành chính công vụ được đưa vào giữa các chương đôi lúc làm đứt rời mạch truyện kể. Tờ kê khai tài sản là một chương của cuốn tiểu thuyết. Sếp là một trong những ứng cử viên cho chức vụ mới khi bước chân vào nghị trường, sếp phải điền vào bản kê khai tài sản mà người ta gửi đến. Nhà văn dành hẳn 12 trang, với những đơn từ, mẫu mã, bảng biểu thống kê (lấy mẫu từ thực tế) đề nhân vật sếp kê khai tỉ mỉ tài sản nhưng những ô thống kê lại rỗng tuếch, nhằm giễu nhại, phê phán thói hành chính quan liêu, hình thức, kể cả dối trá. Bởi qua các tờ kê khai tài sản, không thể thấy một điều mà ai cũng biết “sếp là tập đoàn tỉ phú đô la, thuộc tốp năm doanh nhân giàu nhất nước, thuộc tốp mười doanh nhân giàu nhất Đông Nam Á, thuộc topp năm trăm người giàu nhất châu Á và có trong danh sách hai nghìn người giàu nhất hành tinh của Forbes” [57. Tr.265]. Nhưng nghịch lí ở chỗ tờ khai chỉ đến mức tối đa 50 triệu.