Chương 3: NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT TRANH VAN GOGH
3.3. Tổ chức kết cấu tác phẩm
3.3.1. Kết cấu xâu chuỗi - lắp ghép
Tranh Van Gogh mua để đốt - Từ mạch ngầm bên trong là chuyện mua tranh - đốt tranh - cứu tranh và chạy trốn với kết thúc còn dang dỡ. Câu chuyện có cốt truyện trinh thám được triển khai bằng cách xâu chuỗi nhiều tình huống khác nhau. Câu chuyện về bức Chân dung bác sĩ Gachet dồn chứa nhiều vấn đề hiện đại: đời sống nghệ sĩ, sản phẩm nghệ thuật, viết báo, viết sách, làm nghệ thuật; các vấn đề thời sự nóng hổi như phẫu thuật thẩm mỹ, vấn đề giao thông, chuyện cứu trợ, rồi chuyện du học, giới tính,…đều được đề cập một cách linh hoạt. Kể cả những thực ảo, giá trị chân thật của con người…Có thể nói mọi mặt đời sống đều được thâu tóm trong tiểu thuyết.
Bằng “mặt nạ tác giả”, người kể chuyện xâu chuỗi những tình huống bất ngờ nhưng hợp lí để triển khai mạch truyện một cách tự nhiên nhất.
Ở kết cấu lắp ghép, xét về cấu trúc nó không còn kiểu cấu trúc tuyến tính thông thường, nó phá vỡ mọi trật tự, phá tung mọi rào cản. Trong tác phẩm, có khi là sự đan xen, lồng ghép rất nhiều mạch truyện khác nhau, được trình bày theo kiểu tháo rời.
Người đọc có thể đọc ngược đọc xuôi, có thể đọc bất cứ phần nào trước rồi ghép chúng lại với nhau thì vẫn có thể kết nối các ý để hiểu được nội dung của toàn bộ truyện. Với kết cấu lắp ghép này, các nhà văn hậu hiện đại muốn thể hiện quan điểm
cá nhân của mình về một xã hội nhiều vấn đề còn phức tạp, khó kết nối bởi còn nhiều vấn đề nhức nhối cần bàn.
Nếu lắp ghép truyền thống là sự phá vỡ văn bản trùng khít với thời gian tuyến tính của sự kiện để tổ chức tác phẩm thì ở đây, Hồ Anh Thái lại tập hợp các sự kiện vụn vặt của đời sống thành những văn bản trần thuật riêng lẻ không theo trật tự nào.
Sự liên kết tạo thành cốt truyện không nằm ở chi tiết hay sự kiện với các nhân vật vốn có mà ở mức cao hơn là tư tưởng chủ đề; các chi tiết, sự kiện đưa ra thường có tác dụng hướng về chủ đề, khái quát những vấn đề thời sự.
Điều đáng nói, kiểu cốt truyện này là không giới hạn hiện thực được phản ánh, nên nhà văn được quyền tự do, tùy hứng đề cập bất kỳ sự kiện nào, kết thúc sự kiện này rồi có thể chuyển sang sự kiện khác mà không cần quan tâm đến tính liền mạch của chúng. Đặc biệt, truyện không có mâu thuẫn, xung đột nào được coi là trung tâm, chi phối đến các nhân vật, hay thúc đẩy sự phát triển cốt truyện. Tuy nhiên khi sử dụng nó đòi hỏi người viết phải có kỹ thuật viết. Họ phải có khả năng bao quát nhiều bình diện hiện thực đời sống để xây dựng nhiều tình huống, nhiều sự kiện một cách khách quan, trung thực. Tương ứng với mỗi mảnh ghép của cốt truyện là mỗi mảnh hiện thực của cuộc sống, theo đó bức tranh xã hội mới hiện lên sinh động, chân thật và toàn diện.
Và Hồ Anh Thái đã làm được điều đó.
Trong tiểu thuyết Tranh Van Gogh mua để đốt, bức Chân dung bác sĩ Gachet là bức tranh nhỏ. Xoay quanh chuỗi sự việc mua tranh - đốt tranh - cứu tranh, những mảnh đời cứ thế hiện lên như những mảnh ghép khác nhau của bức tranh hàng trăm, hàng nghìn mảnh- qua biểu tượng những bức tranh trắng. Tác giả đã sử dụng đến bốn mươi bốn bức tranh - mảnh ghép khác nhau để tạo thành một bức tranh rộng lớn, chỉnh thể hơn - bức tranh đời sống xã hội. Mỗi mảnh ghép là một sự kiện, các nhân vật xuất hiện ngẫu nhiên nhưng điều đặc biệt việc thay đổi vị trí các mảnh ghép lại không ảnh hưởng đến nội dung của tác phẩm. Nghĩa là, người đọc có thể đảo thứ tự xuất hiện của các phần, các câu chuyện trong mạch truyện mà vẫn không ảnh hưởng đến chủ đề chung hay tư tưởng mà tác phẩm để cập. Ông tỷ phú Nhật Bản mua bức tranh của Van Gogh với giá 82,5 triệu đô la, mong muốn khi ông chết, bức tranh sẽ được đốt theo.
Một doanh nhân Việt – Sếp, có cơ duyên và đã mua lại bức tranh với giá cao gấp đôi, nhờ đó mà bức tranh không bị đốt. Sếp đã cứu bức tranh khỏi một lần rơi vào tay “lửa thần”. Trở về Việt Nam, bức tranh không được treo ở một nơi trang trọng, cũng không được xem là báu vật để rồi hằng ngày sếp đem ra ngắm nghía ngược lại vì muốn dấn thân vào nghị trường sếp đã phải quyết định đem đốt bức tranh đi. Sự ngụy tạo một hiện trường để đốt bức tranh tưởng chừng là hoàn hảo nhưng ba mươi chưa phải là tết, bức tranh bất ngờ được cứu một cách tình cờ nhất bởi anh – giám đốc công ty truyền thông. Anh – trước đây, là một nhà báo từng lao xuống dòng nước lũ nhưng không cứu được người sắp chết đuối. Không cứu được một con người, giờ đây anh quyết tâm cứu bức tranh.
Và bức tranh ấy còn vô số mảnh ghép khác. Một cô gái hễ nhìn thấy chữ là đau đầu, cho nên không đọc được sách. Nhưng cô lại đọc được ra chữ từ những cuốn sách hoàn toàn chỉ là giấy trắng. Rồi khi chuyển sang vẽ, cô lại vẽ ra những bức tranh thuần chỉ một màu trắng. Nhưng những chuyện lớn nhỏ này sẽ chẳng có giá trị trong việc tạo nên một cốt truyện hay phản ánh hiện thực cuộc sống nếu chúng bị tách ra độc lập, không nằm trong một trường liên tưởng nào. Vì vậy, kết cấu lắp ghép được nhà văn sử dụng để nối những câu chuyện tưởng như bị đứt gãy, chẳng liên quan đến nhau thành bức tranh về đời sống xã hội. Tuy nhiên, sự lắp ghép ở đây không giống với lối lắp ghép truyền thống mà ta đã gặp trong tác phẩm của nhiều nhà văn khác. Nó hiện đại hơn, ngay cả với những tiểu thuyết trước của anh. Tác giả đã đưa ra cho người đọc những mảnh ghép vỡ vụn, hỗn độn của bức tranh mà không chỉ ra bất cứ điều gì.
Người đọc tự tìm kiếm, suy ngẫm và lắp ghép chúng - những mảnh ghép riêng biệt tưởng như vô nghĩa để có được một bức tranh hoàn thiện theo năng lực riêng của mình. Vai trò, sự liên tưởng, đồng sáng tạo của người đọc được đề cao.
Tiểu thuyết giống như một ống kính vạn hoa, luôn chứa trong mình muôn hình vạn trạng những con người và cuộc đời khác nhau. Khi tìm đến với tiểu thuyết, ta có thể bắt gặp mọi vấn đề của cuộc sống. Bức tranh hiện thực cuộc sống trong sáng tác của Hồ Anh Thái không phải được “bao bọc” hay được “chưng cất” mà luôn đa chiều, luôn luôn biến ảo, bao gồm vô số “mảnh vỡ” hiện thực bị phân tách từ bề nổi và mạch ngầm chằng chịt trong đời sống xã hội. Bức tranh xã hội hiện lên đa dạng, thể hiện cái nhìn nhiều chiều, sâu sắc, mở rộng các bình diện khám phá hiện thực. Những vấn đề không lớn nhưng âm thầm xuất hiện trong xã hội, ngày càng phức tập. Trước hết là việc quản lý nhân viên lỏng lẻo: “Sếp quản lý một tập đoàn hơn hai nghìn nhân viên.
Đây mới chỉ có hai nhân viên mà đã có những dấu hiệu thông tin không trùng khớp và không chấp hành nghiêm chỉnh lệnh của lãnh đạo. Chị bếp ấp úng khi khẳng định đã đốt ba bản đồ quá đát.” [57, tr.13] nhưng thực tế hai trong ba chúng mới là bản đồ điều này chứng tỏ chị chưa đốt hết số giấy tờ sếp yêu cầu. Lúc này chị bếp cũng khẳng định
“sau khi giúp đưa hết giấy tờ ra sau bếp, chú cần vụ đã đi lên phòng khách. Từ phía ấy chị nghe nhạc mở khá to và có cả tiếng chú hát theo bài làn da nâu.” Cả hai đã rời bỏ vị trí của mình, quên đi nhiệm vụ sếp giao. “Nhân viên thế đấy. Tinh thần kỉ luật lỏng lẻo. Việc của chú là đứng đốt tài liệu cùng chị bếp, thực ra là việc giám sát việc thiêu hủy tài liệu, sếp đã không muốn ra lệnh rõ ràng để thành chuyện to tát. Vậy mà chú bỏ mặc cho một mình chị bếp tự tung tự tác. Chú tự ý bỏ vai trò giám sát và vai trò nhân chứng” [57, tr.14]. Thực tế đây là thái độ làm việc thiếu trách nhiệm, xảy ra rất nhiều ở hầu khắp các công ti. Ý thức thực hiện tốt các quy định không chỉ giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ mà hơn nữa là tránh những hệ lụy, hoài nghi về sau.
Từ sự bất tín đối với hiện thực xã hội đang tồn tại, Hồ Anh Thái nhìn con người như những “mảnh vỡ”. Ông đi sâu khám phá đời sống cá nhân ở “phần mảnh” và nhìn thấy được nhiều góc cạnh qua những “kiểu vỡ” khác nhau. Con người trong bức tranh
xã hội hôm nay được Hồ Anh Thái tái hiện bằng nhiều mảng màu với những nét bút sắc sảo, tinh tế. Mỗi con người là một “nhân vị” riêng, tồn tại với tất cả những phẩm chất tự nhiên vốn có của nó. Đó là những kiểu con người mới mang hơi thở cuộc sống và thời đại... Bằng cái nhìn trung thực, thẳng thắn, nhà văn không những đã soi rọi, mổ xẻ, lý giải thấu đáo chúng ở nhiều giá trị, góc độ, mà hơn hết, đằng sau cách nhìn tỉnh táo, sắc lạnh đó còn có tiếng nói lương tri phản tỉnh con người trước những va đập ghê gớm của xã hội thời buổi kinh tế thị trường. Để tạo được kiểu cốt truyện này đòi hỏi người viết phải có khả năng phát hiện ra nhiều “trạng thái có vấn đề” từ cuộc sống và tổ chức chúng lại trong tác phẩm của mình, nếu không tác phẩm văn chương có thể trở thành những bài báo mang tính chất cung cấp thông tin thường nhật.