Chương 2: MÃ NHÂN VẬT VÀ HỆ CHỦ ĐỀ TRONG TIỂU THUYẾT
2.2.2. Chủ đề văn hóa nghệ thuật
Tiểu thuyết Hồ Anh Thái quả là có khả năng dồi dào trong việc mở ra cho người đọc thấy những vấn đề đáng quan tâm hiện nay, thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác, trong đó nổi lên là lĩnh vực điện ảnh, hội họa, âm nhạc. Đồng thời, sự giễu nhại của nhà văn gợi nhiều suy nghĩ chuyện đạo nhạc, đạo văn; nhái tranh; giễu cợt lối sáng tác theo kiểu mì ăn liền với sự dễ dãi đến thảm hại xuất hiện ngày càng tràn lan trong thị trường văn hóa nghệ thuật sôi động hiện nay.
Điện ảnh và văn hóa nghe nhìn
Tranh Van Gogh mua để đốt có sự đan xen giữa tiểu thuyết và điện ảnh. Nhân vật tiểu thuyết và nhân vật điện ảnh có lúc nhòe lẫn. Đan lồng trong tiểu thuyết là những thước phim, có diễn viên, có nhắc thoại,…Bộ phim đang ra mắt mà sếp rất tâm đắc đã được kể lại nội dung, “sẽ kể theo cách của tiểu thuyết chứ không phải kiểu truyện phim. Người đọc đang xem phim bằng tiểu thuyết chứ không phải kịch bản”
[57, tr.67].
Bằng những kí hiệu của nghệ thuật điện ảnh, nhà văn biến lời người kể chuyện thành những thước phim. Để người đọc hình dung cảm nhận được bốn mùa trong một ngày ở Sa Pa, điện ảnh phải dùng hình ảnh. Cụ thể, “đạo diễn đã dùng thủ pháp lướt hình và chồng hình” [57, tr.68]. “Nhân vật chính là người đàn ông trung niên đi trên phố Cầu Mây, từ dưới chân dốc đi lên, chồng lên đó là hình ảnh vườn hoa rực rỡ hương sắc bên hồ nước trong. Đấy là mùa xuân. Rồi chỉ trong thoáng chốc, đã thấy hình nhân vật chính đứng trên đỉnh Hàm Rồng, chỗ Sân Mây chan hòa nắng vàng. Đấy là mùa hạ. Rồi một màn sương mù mỏng nhẹ phất phơ như khói trước nhà thờ đá. Đấy là mùa thu. Rồi cảnh du khách và người dân tộc đi trong cái rét căm căm lất phất mấy hạt mưa, du khách ngồi chuyện trò râm ran bên lò sưởi. Đấy là mùa đông” [57, tr.68].
Như một đạo diễn, một nhà bình luận phim, tác giả dành nhiều trường đoạn để nhận định về phim ảnh, về văn hóa xem phim với cái nhìn phê phán, giễu cợt. Nhân vật chính của bộ phim là ai để tạo được ấn tượng? “Bộ phim không nên mở đầu tràng giang đại hải bằng phong cảnh, vào phim là phải xung đột ngay, việc giảng giải sẽ từ từ thực hiện về sau; đưa từ đầu một người đàn ông trung niên sẽ khô như gạch và nặng như chì.” Thật sự sẽ là tra tấn nếu bộ phim không có nhân vật nữ. Đạo diễn cân nhắc lựa chọn diễn viên, quyết định đưa nhân vật nữ chính vào: “Một cô gái mặc sơ mi hoa nhưng mang váy H’Mông. Chi tiết này có thể là một biểu tượng về hai dòng máu Kinh và Mông trong huyết mạch cô.” Cô gái trở thành diễn viên, nhưng chỉ cần biểu hiện qua nét mặt không phải đọc lời thoại. Một mình cô vào ba vai - “Vẫn là cô diễn viên ấy. Trong phim này một mình cô vào ba vai. Vai cô gái ở chợ Sa Pa địu trên lưng đứa con lai Tây. Vai bà ngoại của cô, cái thầy giáo chạy đến báo tin cho thầy giáo rằng bọn phỉ sẽ tập kích. Vai thứ ba là mẹ của cô, tức là con gái của cặp vợ chồng thầy giáo và cô học sinh kia” [57, tr.79]. Đề cập đến nội dung của phim nhà văn tập trung vào các phân cảnh nhỏ để xây dựng nên một tập phim: Nội dung chính vẫn xoay quanh hình ảnh: Cô gái có đứa con lai Tây trong đó có các phân cảnh bổ sung Chim trong lồng đòi ra với trời, Tìm người ngày tuyết rơi, Rồi sẽ quay lại lấy bó hoa thôi.
Không chỉ đề cập quá trình làm phim, nhân vật, diễn viên, đạo diễn, Hồ Anh Thái còn thể hiện sự am hiểu sâu rộng qua những vấn đề liên quan đến việc chiếu phim, cách mọi người xem phim, bình phẩm về phim. Điều đặc biệt, khi bộ phim lên rạp, lễ ra mắt bộ phim giống như lễ đầy tháng cho một đứa trẻ. Người ta đến mừng cho nó, khen nó xinh nó ngoan, đoán định tương lai cho nó,…Nhắc lại quá trình làm phim, “cả
một biên chế đồ sộ như nhà máy, trường quay như công trường, di chuyển cả đoàn như cơ động quân binh” [57, tr, 89] Sự đầu tư cho một bộ phim thì không hề nhỏ nhưng xem phim và cảm nhận, phê bình phim lại là chuyện khác. Không mấy ai quan tâm đến chất lượng phim, quan tâm đến nội dung, thông điệp mà bộ phim gửi gắm. Khi phim vừa kết thúc, “đèn chưa bật sáng mà đã có người lục tục đứng lên. Người Việt vốn tính sốt ruột. Chỉ trong một buổi xem phim có thể thấy tính cách của họ. Chạy hộc tốc đến rạp muộn giờ, đấy là không biết tính toán kế hoạch, lan man việc nọ sang việc kia, dềnh dàng trước khi bắt đầu một công việc mới. Chen vào giữa lối đi khi phim đã chiếu, giẫm lên cả chân người ta, đấy là tính không ngại làm phiền người khác ở nơi công cộng. Vừa xem vừa nói chuyện nhai ngô rang đôm đốp cắn hạt bí tanh tách, đấy là vì tính lịch sự không có trong bản ghi nhớ cách xử thế cá nhân. Phim chưa xong đã lục đục đứng dậy che chắn tầm nhìn của người đằng sau. Đến xem thì đi chậm. Xem xong thì biến rất nhanh. Đi chậm về nhanh ngược với quy trình đi vệ sinh. Nếu có việc vội, việc bận thì đến rạp làm gì nhỉ. Con rô cũng tiếc, con diếc cũng ham. Rốt cuộc là việc gì cũng như miếng bánh cắn dở” [57, tr.90].
Người bình thường đi xem phim đã thế, những người có trình độ đi xem phim lại không kém phần nhố nhăng. Hai ông thuộc cơ quan duyệt phim, dù đã xem phim từ những hôm trước nhưng trong buổi ra mắt phim vẫn đến, đến để nghe dư luận báo chí nói thế nào, dựa vào đó mà ngoái cái nội dung mà trình lên trên. “Ỉ vào việc mình đã xem một lần rồi, hai ông đến muộn. Vừa xem vừa bật điện thoại xanh lè nhắn tin. Vừa xem vừa lấy điện thoại thông minh chụp lấy vài cảnh trên màn ảnh, rồi gửi ngay lên trang facebook. Cảnh núng trong phim đõy nhộ, chỉ hở vai và ẳ lưng thụi, núi chung là lành mạnh hihihi. Nữ diễn viên chính lần đầu đóng phim đây nhé, con nhà ai ăn gì mà nuột thế hihihi. Phim tư nhân, nhà nước không bỏ đồng vốn nào của dân, làm được như thế là ổn rồi hihihi” [57, tr.90].
Mạng xã hội, một công cụ kết nối, một môi trường hội tụ đầy đủ những hỉ nộ ái ố, số lượng người truy cập mạng facebook ngày một tăng, họ liên tục cập nhật mọi khoảnh khắc lên face: “Facebook có khả năng biến cả những công chức đạo mạo thành công dân mạng hồn nhiên như cô tiên. Cải lão hoàn đồng. Nhưng cũng chẳng phải hồn nhiên không đâu. Ông ta nhanh như chớp chụp được dòng généric có thêm trợ lí đạo diễn, ngay lập tức bắn lên facebook: trợ lí đạo diễn là con trai thứ hai của mình đấy, tranh thủ gửi theo đoàn làm phim này tập sự, được đạo diễn khen lắm hihihi.” [57, tr.91]. Đến rạp chiếu phim để xem phim hay đây là cơ hội để khoe mình có con giỏi giang. Vấn đề những nghi hại về tinh thần và nguy cơ gây hại của mạng xã hội là không thể lường trước. Vì thế, cần có sự cân nhắc để dùng mạng xã hội hiệu quả. Bằng lối giễu nhại nhà văn miêu tả đời sống như một kịch trường.
Bi kịch hội họa hiện đại
Hội họa là chủ đề quen thuộc trong tiểu thuyết của nhiều nhà văn. Đỗ Phấn, nhà văn họa sĩ đã phê phán tình trạng hỗn loạn của hội họa, của tranh nhái, tranh chiều thị
hiếu đại chúng trong hầu hết tác phẩm của mình (Gần như là sống, Con mắt rỗng, Ruồi là ruồi). Cũng vậy, quan tâm đến đời sống văn hóa nghệ thuật, Hồ Anh Thái nhiều lần đề cập chủ đề này (Lang thang trong chữ, Tự mình cách biệt). Trong tiểu thuyết Tranh Van Gogh mua để đốt, nội dung xoay quanh câu chuyện mua tranh, đốt tranh và cứu tranh. Bức tranh đó chính là Chân dung bác sĩ Gachet của Van Gogh - một danh hoạ Hà Lan thuộc trường phái hậu ấn tượng sống ở nửa thế kỷ XIX. Ngoài bức tranh của Van Gogh, còn nhiều bức tranh trong tác phẩm được khắc họa như những kí hiệu, hàm chứa nhiều vấn đề sâu sắc về hội họa.
Sinh thời, Van Gogh không đạt được thành công, và bị coi là một kẻ điên và thất bại. Ông trở nên nổi tiếng sau khi tự tử. Ông hiện lên trong trí tưởng tượng công chúng như một thiên tài vĩ đại bị hiểu lầm. Danh tiếng của ông bắt đầu lan rộng vào đầu thế kỷ 20 khi các yếu tố của phong cách vẽ của ông được kết hợp bởi các nhà họa sĩ theo trường phái dã thú và trường phái biểu hiện. Ông được nhớ đến như là một họa sĩ tài hoa mà bạc mệnh, với một tâm can bị giằng xé, tiêu biểu cho lý tưởng lãng mạn về người nghệ sĩ bị giày vò.
Chân dung Bác sĩ Gachet là một trong những bức tranh được mọi người tôn kính nhất của họa sĩ người Hà Lan. Bức tranh vẽ bác sĩ Paul Gachet, người đã chăm sóc Van Gogh trong những tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Có hai phiên bản chân dung được chứng thực, cả hai đều được vẽ vào tháng 6 năm 1890 tại Auvers-sur-Oise.
Cả hai bức đều vẽ Gachet đang ngồi ở bàn và tựa đầu vào cánh tay phải của mình, nhưng chúng có thể dễ dàng phân biệt hai bức về màu sắc và phong cách. Vào tháng 5 năm 1990, phiên bản đầu tiên đã được bán đấu giá 82,5 triệu đô la (tương ứng 154,5 triệu đô la ngày nay), đó là một kỷ lục về mức giá cao nhất từ trước đến nay trả cho một bức tranh.
Khái lược về nguồn gốc ra đời, Van Gogh đã viết cho em gái mình năm 1890 về bức tranh Chân dung Bác sĩ Gachet: “Anh đã thực hiện bức chân dung của M. Gachet với một vẻ mặt u sầu, mà cũng có vẻ giống như một cái nhăn mặt với nhiều người nhìn thấy bức tranh... Buồn nhưng hiền lành, song vẫn rõ ràng và thông minh, đó là cách mà bao nhiêu bức chân dung nên được thực hiện. Có những bức chân dung hiện đại có thể được nhìn ngắm trong một thời gian dài, và có lẽ, có thể được nhìn lại với khao khát một trăm năm sau đó”.
Chân dung Bác sĩ Gachet là bức tranh sơn dầu trên vải, oil on canvas. “Tranh sơn dầu mà đem đốt thì thì chắc chỉ là một bức tranh chép cũ rích nào đấy, không có nhu cầu treo nữa thì hủy. Nghĩ thế nhưng cầm lên mở ra xem. Mở cuộn tranh ra được vài vòng thì bất chợt bàng hoàng. Cái bàng hoàng như vừa nhặt dưới đất lên cả một tập tiền đô. Chỉ nhìn vài nét vẽ vài cái màu sắc mà đã linh cảm được ngay rằng đây không phải là tranh chép” [57, tr.27] đủ để thấy được giá trị của bức tranh Chân dung bác sĩ ra sao - “Những vệt màu nổi gân lên như gân lá như vẩy cá, phong cách đặc trưng Van Gogh. Chân dung bác sĩ Gachet. Bức tranh đắt giá nhất của nhân loại tính đến thập kỉ
chín mươi của thế kỉ hai mươi”. Đây là bức tranh giá trị vậy hà cớ gì sếp muốn tiêu hủy - đốt nó đi như đốt một bản đồ cũ, phải ngụy trang, phải chắc chắc là nó phải bị đốt. Bằng nhiều biện pháp khi biết chị bếp chưa đốt cuộn tranh thức ba, tức bức tranh Chân dung bác sĩ Gachet thì sếp lại có cuộc điều tra, khoanh vùng đối tượng và quyết tâm tìm ra người đã lấy mất tranh.
Khi cầm bức tranh trên tay, anh giám đốc – người ta gọi là anh lại vô cùng kinh ngạc, anh không bao giờ có thể tin được mình đang cầm trên tay bức tranh trị giá 72,5 triệu đô. “Không bao giờ. Xấp xỉ một trăm phần trăm nhà buôn tranh trên thế giới chưa được tận mắt nhìn thấy nó. Xấp xỉ một trăm phần trăm họa sĩ bậc thầy trên thế giới chưa được tận mắt nhìn thấy nó” đó là một may mắn lớn trong cuộc đời của anh “tim anh đang đập như đánh trống. Nhưng mấy ngón tay anh đang run run như lần đầu cầm tay ai. Nhưng đầu óc anh luôn xây xẩm như máu bỗng ngừng trong huyết quản không chịu bơm lên não. Bằng ấy triệu chứng đủ khiến anh hiểu bức tranh này không thông thường” [57, tr.27]. Bức tranh mang trong mình một uy lực mà bất kì ai nhìn thấy đều choáng váng.
Để xác định chắc chắn đây là bức tranh thật, anh đã dùng điện thoại thông minh chụp lại bức tranh “trải bức tranh xuống nền nhà, lấy sách chặn ở bốn góc cho nó căng ra, rồi chụp. Chụp vài lần. Rồi lật ngược bức tranh, chụp cả mặt trái của nó. Cũng vài lần. Ở mặt sau có một chỗ nổi gân lên, nhìn kĩ thì đoán là một miếng vá.” [Tr.30]. Vậy miếng vá này có ý nghĩa gì? Tại sao lại xuất hiện miếng vá ấy. Quay ngược lại nguồn gốc và số phận bức tranh để hiểu hơn về miếng vá này. Khi anh đưa bức tranh lên mạng để giám định, như dự đoán ban đầu. “Anh đưa bức ảnh chụp Chân dung bác sĩ Gachet vào máy tính. Chồng nó lên bản chụp của giám tuyển trên mạng. Trùng khít.
Bung một cái, âm thanh reo vui kèm theo lời khẳng định. Hàng thật. Its’s real. Thêm hai lần nữa. Real. Real. Hàng thật. Hàng thật. (…) anh đưa kiểm tra của mặt sau của tranh. Ba lần. Real. Real. Real.” Lúc này đây, giám định trên mạng ngay lập tức đưa ra những thông tin về bức tranh “Chân dung bác sĩ Gachet được vẽ vào đầu năm 1890.
Lúc ấy tuyết đang tan, trời đất ẩm thấp lạnh cóng. Van Gogh cũng không biết thời gian sống của mình chỉ còn mấy tháng nữa. Khi hết mùa lạnh, chuyển sang cái nắng hè ấm áp là lúc ông sẽ thở hơi cuối cùng. Mùa lạnh đi đến tận cùng của nó thì sức chịu đựng của ông cũng kiệt cùng. Ông vẽ bức chân dung để tỏ lòng cảm ơn bác sĩ Gachet là người đang điều trị cho mình” đối với bức tranh mà Van Gogh vẽ, trong mắt người đương thời là xấu “tranh gì mà nổi gân nổi vẩy. Tranh gì mà bất chấp luật xa gần, sao to hơn cả trăng. Những vệt sáng ngoằn ngoèo lộn xộn như không biết vẽ. Như trẻ con vẽ” có thể vì thế mà “tranh ông hầu như không bán được bức nào trong cuộc đời ba mươi bảy năm trên cõi thế”. Số phận bức tranh chìm nổi còn hơn cả cuộc đời của ông
“Bác sĩ thấy ông đưa tặng tranh thì nhận, vì lịch sự, cũng vì không muốn từ chối để cho ông nổi cơn. (…) Bác sĩ mang tranh chân dung về nhà. Vợ con ông đều chê xấu.
Xấu và không giống. Người đời quan niệm sự giống là mắt mũi phải ngay ngắn, phải
tô vẽ theo kiểu tả thật, phải đẹo hơn người thật một tí. Đằng này ông bác sĩ trong tranh nhăn nheo, trông còn ốm yếu hơn bệnh nhân, còn cô độc chao ôi là cô độc.” Đến người nhận và người xem tranh đều chê bức tranh chân dung. Chưa ai cho rằng đây là một bức tranh giá trị. Bức tranh vì thế có số phận không mấy tốt lành “Bức tranh bị dựng quay mặt vào tường…cho đến một hôm nào đó nó đã thấy mình che trên nóc chuồng gà”. Số phận của bức tranh cũng giống số phận cuộc đời Van Gogh, chẳng khác là bao!
Bức tranh cứ thế nằm ở một nơi không ai ngó ngàng, bảy năm sau khi Van Gogh qua đời, em dâu ông mới bắt đầu bán được mấy bức tranh. Thế là nhà Gachet cuống lên đi tìm xem bức tranh ở xó xỉnh nào. Họ tìm được bức tranh ở chuồng gà. Bị rách một miếng.” Bức tranh Chân dung bác sĩ Gachet suýt bị đốt hai lần, khi được anh tổng biên tập cứu và đem về giấu, cuối cùng bị cô diễn viên vẽ tranh tẩy trắng. Bức tranh không bị đốt và chân giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn. Ở đoạn kết tác phẩm, kí hiệu hình vú >. Như vậy đây là khuyết điểm, là hạn chế hay là cách để ta nhận diện, phát hiện những giá trị vốn có của bức tranh. Giá trị nghệ thuật chân chính bao giờ cũng được khẳng định. Dù bức tranh đã bị tẩy trắng nhưng giá trị của nó vẫn còn mãi.
Từ bức tranh của Van Gogh, điển hình cho hội họa chân chính, nhà văn Hồ Anh Thái còn đề cập đến những bức tranh không màu do cô diễn viên vẽ. Qua đó, nhà văn phê phán, giễu cợt hội họa đại chúng và lối phê bình bôi trơn, hình thức. Đó chính là bi kịch của hội họa đương đại. Cô diễn viên vẽ những bức tranh chỉ toàn một màu trắng nhưng với cô đó là những bức tranh có nhiều ý nghĩa, trừ cô ra thì không ai hiểu được.
Qua đó nhà văn phản ánh nền hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung có nhiều dị biệt, có nhiều tác phẩm là sáng tạo mang cá tính của người sáng tác nhưng cũng không ít tác phẩm sáng tạo không theo chuẩn, lệch pha với nhiều giá trị.
Tiểu kết
Trong chương này, chúng tôi tìm hiểu mã nhân vật và hệ chủ đề trong tiểu thuyết Tranh Van Gogh mua để đốt từ bình diện kí hiệu học văn học. Cụ thể tên nhân vật được kí hiệu hoá qua việc khắc hoạ đặc điểm chức danh, các nhân vật trong tác phẩm không hề có tên cụ thể, không có ngoại hình, cũng không có tính cách. Nhà văn Hồ Anh Thái dùng cách đơn giản hóa về lai lịch, ngoại hình và đời sống nội tâm để làm mờ hóa nhân vật. Đồng thởi giải mã kiểu nhân vật bị truy đuổi để thấy được bi kịch của người trí thức bị o ép, bị ruồng bỏ cũng như giải mã kiểu nhân vật bị đánh vắng ta nhận ra thông điệp nhà văn gửi gắm là thân phận bé nhỏ của con người. Tranh Van Gogh mua để đốt có sự dung hợp của nhiều chủ đề, đây cũng được xem là một dạng kí hiệu dùng để giải mã nội dung tiểu thuyết. Các chủ đề tôn giáo, văn hóa nghệ thuật gồm điện ảnh, hội họa, âm nhạc đan xen với nhau. Chúng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người nhưng điều quan trọng ở đây Hồ Anh Thái đã gióng lên hồi chuông về những giá trị đích thực mà nghệ thuật mang lại đang đứng trước bờ vực “thị trường hóa” chạy theo số đông, thức thời, dễ dãi, không mang giá trị bền vững.