Biểu tượng - kí hiệu ngôn từ đặc thù

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết hồ anh thái từ góc nhìn kí hiệu học văn học (qua tranh van gogh mua để đốt) (Trang 71 - 83)

Chương 3: NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT TRANH VAN GOGH

3.4. Kí hiệu ngôn từ

3.4.2. Biểu tượng - kí hiệu ngôn từ đặc thù

Trong công trình Từ kí hiệu đến biểu tượng, Trịnh Bá Đỉnh thống kê, phân loại ba nhóm ý kiến về ý nghĩa của biểu tượng. Theo tác giả, theo quan niệm hẹp (gắn với các tên tuổi như Iu. Lotman, Tz. Todorov, S. Freud, Jung…) “biểu tượng như một dạng kí hiệu đặc biệt, mà “cái được biểu đạt”(hình ảnh, sự vật, sự việc) gợi người đọc

đến một nội dung khác ngoài hiển lộ trực tiếp” [ 14, tr.25]. Như vậy, đọc/giải mã biểu tượng liên quan đến sự tiếp nhận của độc giả theo quan niệm của U. Eco.

Biểu tượng tồn tại trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ lĩnh vực khoa học đến nghệ thuật, từ đời sống hiện thực đến đời sống tâm linh tinh thần, trong quan hệ ứng xử và giao tiếp. Trong mỗi tác phẩm văn học đều “chuyên chở” những “mật mã nghệ thuật”, thông qua đó nhà văn gửi gắm thông điệp, tư tưởng của mình. Một trong những yếu tố dung chứa “mã nghệ thuật” ấy là các hình ảnh được xây dựng thành biểu tượng.

“Rừng biểu tượng” trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái gợi trường liên tưởng, mở rộng nội dung của tác phẩm. Sự va đập giữa các “kí hiệu đặc biệt” này khiến ý nghĩa của tác phẩm mở ra nhiều chiều.

Màu trắng - giải mã những chân giá trị

Màu sắc là một phương tiện của nghệ thuật hội họa nhưng trong văn chương không hiếm những trang văn rực rỡ sắc màu, mang giá trị nghệ thuật cao “thi trung hữu họa”. Trong tiểu thuyết Tranh Van Gogh mua để đốt màu trắng là màu chủ đạo.

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, màu trắng là màu trái ngược với màu đen, màu trắng có thể đặt ở hai đầu thang màu. Là màu nguyên và không có dạng biến đổi nào khác, ngoài những sắc thái đi từ mờ đục đến bóng láng, màu này có khi có nghĩa là không có màu gì, có khi là tổng hòa các màu. Như vậy, có khi màu trắng là điểm xuất phát, có khi ở điểm chung cục của thế giới ban ngày và thế giới hiển lộ, do đó nó có giá trị lí tưởng và tiệm cận. Một bên là từ dạng bóng láng đi xuống mờ đục, một bên là mờ đục đi lên bóng láng. Trong hai thời điểm này màu trắng đều rỗng không lơ lửng giữa cái có và cái không. Theo quan niệm của phương Đông, màu trắng người ta thường coi là vô sắc, giống như một biểu tượng về thế giới trong đó mọi màu sắc là thuộc tính của những thực thể đều tan biến ra hết. Màu trắng không phải là màu của mặt trời, đó cũng không phải là màu của ánh bình minh mà là màu lúc tang tảng sáng, ở thời điểm hoàn toàn trống rỗng giữa đêm và ngày, khi mà thế giới giấc mơ còn bao phủ hết mọi thực tại, con người bị ức chế trong đó, lơ lửng giữa một màu trắng rỗng không và bị động. Vì vậy, phương Đông vẫn quan niệm màu trắng là màu của cái chết, của tang tóc đau thương.

Tranh Van Gogh mua để đốt gần như là một thế giới trắng, gây ấn tượng là những cuốn sách trắng và những bức tranh trắng.

Sách để đọc, để tích lũy tri thức. Vào nhà một người, nhìn thấy những giá sách đồ sộ không thể không trầm trồ thán phục vì sự ham học hỏi, vốn hiểu biết sâu rộng của gia chủ thế nhưng điều đáng ngạc nhiên và hiếm có ở gian phòng khách của sếp chính là những giá sách chỉ có đúng một mục đích là trưng bày “Đến đây thì tác giả phải nói rằng đây là một cuốn sách chỉ toàn giấy trắng. Một cuốn sách không có chữ.

Sếp đã đặt đóng mấy trăm cuốn sách như thế. Chỉ là giấy trắng được khâu lại thành những tay sách, mỗi tay gồm mười sáu trang, mấy chục tay đóng lại thành một cuốn sách, đóng bìa cứng, in nhũ vàng ở gáy sách, thành một sản phẩm sách hoàn chỉnh,

loại sách chỉ để trưng bày chứ không phải để đọc. Trưng bày. Để nhìn. Cho đã con mắt. Sách hay nhân loại đâu có nhiều đến thế, sách tầm tầm thì không đáng mua về để chiếm đoạt diện tích, cái thời tấc đất tấc vàng. Đã chơi sách thì thà rằng chơi sách không có chữ. Một khi đã xếp hàng để điểm danh trước thiên hạ thì kẻ mang ba lô rỗng lẫn ba lô đây trông đều như nhau.

Sách để chơi. Anh đã nghĩ vậy khi cô đưa cho anh cuốn sách vào ngày hôm sau.

Mở ra, lật qua những trang giấy trắng tinh như cuốn sổ. Không có gì cả em ạ, sách để chơi thôi” [57, tr.143]. Sách giống như một đồ vật trang trí, làm căn phòng trở nên sang trọng với những cuốn sách to, in nhũ vàng ở gáy. Một thực tế, trưng bày sách trở thành thú vui của một bộ phận tri thức trong xã hội hiện nay.

Nếu sách chỉ để trưng bày thì còn gì ý nghĩa “Những giá sách cao ngất chạm trần nhà phải cần thang mới leo lên được” [57, tr.140]; “Rất nhiều sách. San sát. Tầng tầng lớp lớp” [57, tr.141]. Nhìn hình thức không đủ để đánh giá một con người, giá trị của một con người tầm hiểu biết của họ không phải ở việc học sưu tầm được bao nhiêu sách mà họ đã đọc và vận dụng được gì từ sách. Đó mới là điều quan trọng “Thấy bộ sách đều tăm tắp thì bày cho đẹp không gian, chứ không phải sách bộc lộ tư tưởng hay lập trường chính trị chính em của chủ nhà. Hãy cho tôi biết anh đọc sách gì, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai. Ở đây thì không. Không phải thế” [57, tr.140].

Bổ sung cho những cuốn sách trắng là những bức tranh chỉ toàn màu trắng.

Trong Tranh Van Gogh mua để đốt, nhà văn Hồ Anh Thái không chỉ đề cập đến bức tranh xấu số của danh họa người Hà Lan, mà còn hướng đến những bức tranh màu trắng- “Nói cho chính xác, nó được bồi cho hoàn toàn trắng. Những mảng sơn dầu trắng. Những vẩy sơn dầu những đường nét sơn dầu chạy dọc chạy ngang đều màu trắng. Cô mua về cả một bộ màu dầu, nhưng chỉ dùng mỗi màu trắng. Lửa màu trắng.

Bạo chúa Nero màu trắng. Thành Rome màu trắng. Nghe cô giải thích mới biết thế.

Còn thì ai nhìn vào cũng chỉ thấy đây là một tấm toan màu trắng” [57, tr.278].

Theo Hồ Anh Thái, màu trắng đó là “màu hóa giải”. Giá sách nơi trưng bày những quyển sách quý đặt ở phòng khách nhà sếp nhưng đó là khi ta nhìn từ xa còn khi lật mở chúng thì chỉ toàn là những trang giấy trắng thể hiện sự im lặng đa nghĩa.

Chỉ đơn thuần là màu trắng nhưng bản thân nó lại có sự đa dạng không kém một bảng phổ quang màu sắc nào: "Trắng tinh. Trắng xóa. Trắng bạch. Trắng muốt. Trắng hếu.

Trắng nhởn. Trắng mù như sương. Trắng nhờ nhờ như khoảng sáng trước bình minh”

[57, tr.279]. Qua đó, phải chăng tác giả muốn hướng đến bức tranh cuộc đời đa dạng, không lặp lại, một cuộc đời mới mẻ với những lựa chọn dứt khoát để được là chính mình.

Trong các bức vẽ có đề cập đến hai bàn tay trắng mang “đầy ý nghĩa nhân sinh và ý nghĩa triết học. Hai bàn tay trắng có thể vừa đánh mất tất cả. Hai bàn tay trắng có thể là khởi đầu cho một sự nghiệp. Hai bàn tay trắng có thể là vừa qua một canh bạc.

Hai bàn tay trắng có thể là đau thương tuyệt vọng khốn cùng” [50, tr.287]. Tất cả của

cải vật chất cũng từ bàn tay trắng mà ra. Bàn tay cần làm việc có ích, tích cực để đem lại những giá trị tốt đẹp.

Biểu tượng trắng liên kết mạch truyện, đối thoại và liên văn hóa. “Trắng. Tổng hợp của tất thảy các màu trên thế gian này. Là màu của mọi màu. Là ánh sáng của mọi ánh sáng. Cảm xúc của mọi cảm xúc. Lời của mọi lời. Vua của màu sắc. Vua của thị giác. Vua của cảm giác. Vua của ngôn ngữ.

Bức tranh màu trắng. Nó là vua của mọi bức tranh” [57, tr.278]. Trắng trở thành kí hiệu đa nghĩa. Vì vậy, phòng tranh của sếp toàn là những khung toan trắng nhưng những bức tranh đều được đặt tên “Có bức vài ba cái tên. Thêm Giao hưởng trắng, Khói trắng, Những cuộc tình màu trắng. Nhiều trắng quá. Giả sử mở một cuộc triển lãm, tên triển lãm sẽ là Trắng. Một chữ thôi. Trắng. Triển lãm đã tên là trắng rồi, những bức tranh không nên cái nào cũng có chữ trắng” [57, tr.291].

Xoay quanh bức tranh bị che chuồng gà và những bức tranh trắng là thật giả lẫn lộn. Dù bị tẩy trắng nhưng bức tranh Chân dung bác sĩ Gachet ….vẫn được nhận ra bởi giá trị đích thực mà nó chứa đựng.

Sương mù - cõi vô minh / cõi bất an

Theo từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, có thể hiểu khái quát: Sương là biểu tượng của tính không xác định, là biểu tượng của một hỗn hợp không khí, nước, lửa như là trạng thái hỗn mang sơ khai trước cuộc sáng thế”. Theo đạo nhà Phật, thế giới sương là thế giới của các hiện tượng bề ngoài là dấu hiệu của tính phù du của mọi vật và cuộc đời. Trong tranh hội hoạ Nhật Bản, thường thể hiện những đám sương mù nằm ngang hay thẳng đứng (kasumi), chúng biểu thị một sự rối loạn trong diễn biến câu chuyện, một sự chuyển giai đoạn, một sự chuyển bước quái dị hoặc huyền diệu hơn trước. Như vậy, sương là biểu tượng cho một thế giới huyền diệu, bí ẩn, cho những điều còn mông lung.

Biểu tượng sương mù xuất hiện khá nhiều trong tiểu thuyết Tranh Van Gogh mua để đốt. Sương mù trước hết là hiện tượng tự nhiên, sương mù là đặc trưng ở một số vùng miền khi thời tiết trở lạnh. “Đà Lạt sương mù, vậy thì Sa Pa cũng sương mù”. Từ một góc nhìn khác, sương mù không còn là hiện tượng tự nhiên mà thành biểu tượng.

“Chốn sương mù”, cùng một địa điểm nhưng lạ thay “bên sương mù, bên trời quang”, sự dịch chuyển không gian từ bên sương mù sang bên trời quang của chàng giảng viên - cha của sếp đi du học Đông Âu về là kĩ sư nhưng không được phân công đúng chuyên môn, bị điều làm giảng viên trường cao đẳng công tác ở một trường “trên cao nguyên” - cách Hà Nội chỉ vài trăm cây số “cái thị trấn cao nguyên cũng lạ. Một chiếc cầu sắt từ thời Pháp xây trên một con suối cắt đôi thị trấn, đồng thời cắt đôi vùng khí hậu. Bên này cầu trời quang mây tạnh nắng vàng rực rỡ. Bên kia cầu sương mù phơ phất ẩm ướt lạnh lùng” [57, tr.249], hai bên chia tách nhau bởi cây cầu, hai vùng khí hậu đối lập nhau giống như hai mặt tính cách bên trong một con người. Sự tồn tại song song này tưởng là nghịch lí nhưng luôn hiện hữu trong mỗi con người. Nói về thiên

nhiên hay đang nói đến con người? Sự tinh tế của Hồ Anh Thái chính là lấy vậy để chỉ chủ thể. “Bên nắng dân địa phương thích dồn sang ngụ cư, khô ráo phơi phóng thích hợp nuôi trồng. Bên lạnh khách phương xa thích tìm đến du lịch thăm thú nghỉ mát”

[57, tr.249] .“Trường ở bên có sương mù”, “Giờ làm việc anh ở bên chốn sương mù”, lên lớp giảng bài có khi vừa viết mấy dòng lên bảng, vừa treo hình vẽ chi tiết máy lên tường thì sương mù bay vào, sinh viên ngồi yên tại chỗ năm mười phút, chờ sương tan.

Có khi đang họp thì sương mù tràn vào “có khi vừa bắt đầu cuộc họp kiểm điểm giáo viên thì sương mù bay vào,…” [57, tr.250] Sương mù có phải chỉ đơn thuần là những trở ngại của thời tiết hay nó là biểu tượng cho những gì xấu xa, thế lực lợi dụng quyền lực để chi phối mọi người, mọi việc. Sương mù có khi là cái cớ để người ta trì hoãn

“Hiệu trưởng cao giọng, các đồng chí đóng cửa sổ lại, rồi ai ở đâu ngồi yên đấy. Thì đóng cửa, đúng ra phải đóng trước khi sương mù tràn vào đậm đặc, đằng này mất bò mới lo làm chuồng” [57, tr.250].

Sương mù chính là biểu tượng của cõi vô minh. “Ông tỷ phú người Nhật định đốt bức tranh, bức tranh của thiên tài Van Gogh. Không khéo lại nguy với các tổ chức văn hóa quốc gia và quốc tế. Không khéo mà nguy với cảnh sát quốc tế chuyên xử lý những vụ phá hoại văn hóa vandalism. Đám con cháu ông xúm vào thuyết phục ông từ bỏ cái quyết định ngông cuồng. Rồi ông Nhật chết. Không ai nghe nói bức tranh đã được đốt như di chúc của ông. Câu chuyện đến đấy thì rơi vào điểm sương mù. Giống như ở cao nguyên Mộc Châu, bên này đang trời quang mây tạnh, thì bên kia chỉ cách mấy bước chân là một vùng sương mù. Giống như ở San Francisco, một bên nắng vàng tạnh ráo nóng bức, một bên trong cùng thành phố, lại mờ ảo màn sương tiết trời dịu mát” [57, tr.38].

Trong cuộc sống, đứng trước nhiều lựa chọn, có những con đường phía trước có thể chỉ là màn sương mịt mù, liệu ta có dám dấn thân, có dám bước qua ranh giới để đi trên hành trình mà ta đã chọn như nhân vật sếp. Cha sếp từ Đông Âu trở về chẳng có gì, vẫn hai bàn tay trắng nhưng sếp lúc đó vẫn quyết chọn con đường mịt mù không nhìn thấy tương lai. Điều khác biệt, anh giờ đây đã là chủ của một tập đoàn lớn nhất nhì nước. Bản lĩnh mới là yếu tố quyết định, con người cần có mục tiêu, có ước mơ và dám đánh đổi. Sương mù tưởng là trở ngại làm người ta sợ hãi, bỏ cuộc nhưng trong cuộc sống này vẫn có những con người bước qua màn sương mù để rồi đi đến cuối con đường bắt gặp chân lí và ánh sáng.

Lửa - hủy diệt và tái sinh

Lửa là một trong những nhân tố khởi nguyên của văn minh nhân loại. Lửa gắn bó mật thiết với đời sống con người, ở đâu có con người thì ở đó có lửa. Lửa như một ám gợi về cội nguồn văn hóa, chạm đến chiều sâu tâm linh của con người với các vấn đề ánh sáng và bóng tối, cao cả và thấp hèn, ý thức và vô thức.

Ngay trong tiếng Việt, “lửa” là một tín hiệu thẩm mỹ rất đa dạng về nghĩa: “lửa tình yêu, lửa tâm hồn, lửa nhiệt tình, lửa chiến tranh, lửa căm hờn, lửa tàn ác...Vì có

nhiều nghĩa nên hầu hết các ngôn ngữ đều khuôn “lửa” vào hai nhóm: tái sinh và huỷ diệt” [67]. Căn nguyên của nó là những câu chuyện có từ rất xưa. Prômêtê - nhân vật trong Thần thoại Hy Lạp, ăn trộm lửa của Trời, trao cho loài người rồi bị Trời trừng phạt, đã hy sinh vì nhân loại và nhân loại thể hiện lòng biết ơn Thần bằng cách giữ gìn ngọn lửa như một tài sản quý giá nhất. Từ đó hình tượng lửa đi vào mọi ngôn ngữ trở thành biểu tượng văn hoá với những ý nghĩa tốt đẹp: sự tái sinh, sức sống mãnh liệt, sự kỳ diệu....

Lửa và biểu tượng của nó xuất hiện nhiều trong văn chương. Với văn học Nga hiện đại “có hình ảnh toả sáng của trái tim Đankô dẫn đoàn người thoát khỏi sự tối tăm của rừng già cũng ít nhiều kế thừa “ngọn lửa toả sáng” từ mẫu gốc. Hình tượng lãng mạn kỳ diệu này của M. Gorki đã làm say mê bao thế hệ thanh niên Nga và cả ở Việt Nam. Chắc chắn nó vẫn nằm trong hành trang tuổi trẻ của những thế hệ tiếp sau. Ở Việt Nam, lấy cảm hứng từ ngọn lửa Prômêtê nhưng có phần xa với cổ mẫu là tập thơ

"Lửa thiêng" (1940) của Huy Cận. Người viết nhiều về hình tượng lửa là Tố Hữu: “Tôi muốn viết những vần thơ tươi xanh/ Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy...” [67].

Trong sáng tác của Hồ Anh Thái biểu tượng lửa có tính chất nhị nguyên: lửa thiêu đốt, lửa tái sinh. Trong tiểu thuyết Tranh Van Gogh mua để đốt, lửa xuất hiện với tần suất cao - từ nhan đề và xuyên suốt tác phẩm (cùng với những kí hiệu tương đồng như đốt, hỏa táng…) biểu tượng của sự hủy diệt, đồng thời cũng là sự tái sinh. Bức tranh Chân dung bác sĩ Gachet suýt bị đốt hai lần, lần thứ nhất là khi bức tranh nằm trong tay ông tỉ phú người Nhật, “ông Nhật kia định cho bức tranh đi theo thi hài của ông vào nhà hỏa táng” [57, tr.41]. Khi sếp đang làm ăn ở Đông Âu, lúc này sếp bèn bay sang Nhật, để… “cứu tranh” - cứu một tác phẩm nghệ thuật giá trị. Đến gặp Tỷ phú người Nhật, anh ngay lập tức đã để lại một ấn tượng thú vị, tỷ phú Nhật có hỏi sếp khi sếp ở trong căn phòng của mình: “Anh có ngửi thấy mùi gì nữa không? Tất nhiên thưa ngài, trong một căn phòng mà có hơn mười ngọn nến thì người ta người thấy mùi lửa.” [57, tr.42] Câu trả lời của sếp khiến ông tỉ phú khá hài lòng: “Ô hô, khá khen cho anh, người ta thường nói nhìn thấy lửa chứ ít ai nói ngửi thấy lửa, lửa không có mùi, không có vị, mùi vị là những chất được đốt lên thành lửa,…” [57, tr.42] Sau quá trình thương thuyết, có thể nó là do cơ duyên, ông tỉ phú Nhật đồng ý bán bức tranh cho sếp với giá một trăm sáu mươi lăm triệu đô. Gấp đôi số tiền ông bỏ ra mua bức tranh nhưng thật nực cười, một yêu cầu không phải ai cũng dễ dàng nói ra được “Chỉ xin anh cho ông già này một đặc ân, một ngày nào đó nếu anh thấy đời này không còn ý nghĩa gì nữa, bức tranh không còn nghĩa lí gì nữa, xin anh hãy đốt nó, như vậy bức tranh sẽ tìm được đường sang thế giới bên kia, bên ấy hẳn nhiều người cũng muốn nhìn thấy nó. Trong đó có tôi” [57, tr.47]. Lúc này đây, chính sếp cũng cho rằng lời đề nghị của ông tỉ phú Nhật là lẩm cẩm, bởi “Tranh mình sở hữu thì không đốt mà đem bán như một giao dịch tiền hàng. Nhưng khi tranh đã chuyển sở hữu cho một người khác thì ông không gợi ý người ta bán lấy tiền, mà đề nghị đốt.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết hồ anh thái từ góc nhìn kí hiệu học văn học (qua tranh van gogh mua để đốt) (Trang 71 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)