PHÂN LOẠI THỰC VẬT, NGUỒN GỐC VÀ ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT HỌC CÂY HOA ĐÀO HỌC CÂY HOA ĐÀO

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện sinh thái và một số biện pháp kỹ thuật đến sinh trưởng, ra hoa của giống hoa đào GL22 ở miền Bắc Việt Nam (Trang 21 - 26)

PHẦN 2. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.1. PHÂN LOẠI THỰC VẬT, NGUỒN GỐC VÀ ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT HỌC CÂY HOA ĐÀO HỌC CÂY HOA ĐÀO

2.1.1. Phân loại thực vật

Theo Võ Văn Chi (2004), Võ Văn Chi và Dương Đức Tiến (1978) cây đào Prunus persica (L.) Batsch thuộc :

Giới (regnum) : Thực vật (Plantae)

Ngành (divisio) : Thực vật có hoa (Magnoliophyta) Lớp (class) : Thực vật 2 lá mầm (Magnoliopsida)

Bộ (ordo) : Hoa hồng (Rosales)

Họ (familia) : Họ phụ :

Hoa hồng (Rosaceae) Mận (Prunoideae) Chi (genus) : Mận mơ (Prunus) Phân chi (subgenus) : Amygdalus

Loài (species) : P. persica

Tên khoa học : Prunus persica (L.) Batsch 2.1.2. Nguồn gốc

Cây đào (Prunus persica (L.) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo các nhà khảo cổ học về thực vật thì người Trung Hoa biết trồng đào ít nhất từ bốn ngàn năm nay. Đào từ Trung Quốc được di chuyển vào Trung Á rồi đến Ba Tư (Iran ngày nay) theo con đường tơ lụa. Đến thế kỷ thứ III, Alexandre Le Grand mang giống đào từ xứ Ba Tư về Rome (Italia) và đến thế kỷ thứ XVII, cây đào được du nhập vào Châu Mỹ. Các nhà thực vật học đầu tiên lầm tưởng Ba Tư (phiên âm từ

“perse”) là quê hương của đào, nên đặt cho nó cái tên khoa học là Prunus persica. Nhưng cây hoa đào thuộc họ hoa hồng (Rosaceae), phân họ mận nên sau này dù biết là nhầm lẫn vẫn để nguyên tên đó theo thói quen, thay vì phải đổi là Prunus sinensis, họ Rosaceae. Có nhiều bằng chứng chứng minh rằng Trung Quốc có lịch sử trồng đào lâu nhất thế giới. Năm 1973, tại Chiết Giang, người ta đã phát hiện được những viên đá có vẽ hoa đào niên đại từ 6000-7000 năm trước công nguyên. Từ 1973-1976, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã phát hiện

ra nguồn tài nguyên đa dạng di truyền của cây đào hoang dại đang được lưu giữ rộng rãi ở các khu vườn sản xuất của Trung Quốc, bao gồm Tây Tạng, Cam Túc, Thiểm Tây. Còn trong lịch sử trồng trọt của Trung Quốc, cây hoa đào được trồng và thuần hoá cách đây 4.000 năm (Hu and Zhang, 2005; Hu et al., 2006).

Ngày nay, cây đào được trồng ở nhiều nước hầu khắp trên thế giới như Trung Quốc, Iran, Pháp, Nhật Bản, Mông Cổ, Lào, Việt Nam... với 2 mục đích là lấy quả và chơi hoa. Ở Việt Nam, chưa ai biết cây đào được trồng từ bao giờ, nhưng hoa đào ở Nhật Tân đã được nhắc đến từ mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).

Lúc đó, vua Quang Trung sau khi đại thắng quân Thanh tiến vào đất Thăng Long, đã sai người đến Nhật Chiêu (Nhật Tân ngày nay) lấy một cành đào, hỏa tốc đưa về Phú Xuân tặng công chúa Ngọc Hân gọi là báo tin thắng trận. Công chúa Ngọc Hân vốn là người sành hoa đào đất Thăng Long nên nhìn sắc hoa đã có thể biết được xuất xứ. Đến đầu thế kỷ XX Nhật Tân bắt đầu trồng một loại hoa đào mới rất đẹp đó là giống đào Bích. Đến nay, kỹ thuật trồng đào Bích ở Nhật Tân đã đạt đến một trình độ cao ít nơi nào theo kịp (Vũ Công Hậu, 1999), (Đặng Văn Đông và cs., 2010).

Theo Hu and Zhang (2005), trên thế giới (Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Mỹ...) có 51 giống đào cảnh, các giống này phân biệt với nhau chủ yếu bởi các đặc điểm về hoa, lá và dáng thân như màu sắc hoa (trắng, hồng nhạt, hồng, đỏ, đỏ thẫm), kiểu hoa (hoa đơn, hoa mai, hoa cúc, hoa hồng, hoa mẫu đơn), màu sắc lá (màu xanh nhạt, màu xanh đậm, màu đỏ), kích cỡ lá (nhỏ, trung bình, to), dáng cây (có 18-20 giống đào thân thẳng đứng, 10 giống đào lùn (Thất Thốn), 10 giống cành rủ, 9 giống cành mọc hình chóp, ngoài ra còn một số dáng cây lai từ các dáng này).

2.1.3. Đặc điểm thực vật học

Đặc tính sinh vật học quan trọng nhất của cây hoa đào là tốc độ sinh trưởng phát dục nhanh. Thời tiết thuận lợi vào tháng 3-4 đào mọc mầm rất nhanh, sau một thời gian ngắn trên thân chính mọc ra cành cấp 1, từ cành cấp 1 ra cành cấp 2, 3… một mùa sinh trưởng có thể ra đến 4, 5 cấp cành (Nguyễn Hữu Tề và Đoàn Văn Điếm, 2004).

Theo Đặng Văn Đông và Nguyễn Thị Thu Hằng (2010) cây hoa đào có một số dặc điểm thực vật học như sau:

- Rễ: Là bộ phận nằm dưới mặt đất, cung cấp nước và dinh dưỡng cho cây.

Đào có bộ rễ khá phát triển, rễ cọc ăn sâu và phân nhánh khoẻ, do vậy đào có khả năng chịu hạn tốt nhưng khả năng chịu úng kém. Trồng đào ở những nơi có mực nước ngầm cao, rễ bị thối đen, nụ hoa bị thui.

- Thân, cành: Thuộc loại thân gỗ nhỏ, cành dài, mềm, dễ uốn có khả năng phân cành khoẻ, thân có màu xanh hoặc màu đỏ tía. Thân, cành bao gồm thân chính và cành. Thân chính của cây đào ghép từ chỗ giới hạn giữa gốc ghép và thân ghép đến chỗ phân cành đầu tiên, còn với cây con mọc từ hạt thì thân chính từ cổ rễ tới chỗ phân cành đầu tiên. Trên thân chính sẽ mọc các cành chính, chúng hợp lại tạo thành tán cho cây, tạo cho cây một thế vững chắc. Thân chính càng cao, khoảng cách giữa các bộ phận trên không và rễ dưới đất càng xa, cây chậm ra hoa. Do đó người ta muốn cây có thân chính thấp, thì phải tạo cành trong tán không nên quá dày, cành mang hoa không nên vượt quá xa thân chính và cành chính.

Mối quan hệ giữa sinh trưởng thân cành và ra hoa có một sự gắn bó hết sức mật thiết. Trong chu kỳ sinh trưởng của đào, sự hình thành, sinh trưởng của cành lộc mới, với việc phân hoá mầm hoa có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu cành lá sinh trưởng quá yếu, khả năng đồng hoá sẽ kém dẫn tới việc phân hoá mầm hoa, nở hoa sẽ không thuận lợi. Ngược lại cành lá sinh trưởng quá mạnh, thời gian sinh trưởng kéo dài thì tiêu hao nhiều dinh dưỡng cho các phần non trên cành, cho nên tuy lá có nhiều, sản phẩm đồng hoá tích luỹ được ít, do đó việc phân hoá mầm hoa cũng gặp khó khăn, bởi vậy cành lá chỉ phát triển với một độ vừa phải là tốt nhất (Đặng Văn Đông và Nguyễn Thị Thu Hằng, 2009a).

- Lá: Là cơ quan quang hợp chính của cây. Hiệu suất quang hợp của lá có ý nghĩa rất lớn đến màu sắc, chất lượng hoa, mỗi lá nằm ở cành hoa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoa đó. Phiến lá hoa đào có hình mũi mác, hình ô van hay elip, dài 7-15 cm và rộng 2-3 cm. Mặt dưới của phiến lá có gân nổi rõ. Đào là loại cây có nguồn gốc ôn đới nên bộ lá phát triển theo mùa rõ rệt, mùa xuân ra lộc, mùa hè phát triển lá, mùa thu lá vàng, mùa đông lá rụng. Lá mọc khá sít vào nhau, tuỳ từng giống mà lá có màu xanh đậm, xanh nhạt hay màu đỏ, lá có mùi hắc (Đặng Văn Đông và Nguyễn Thị Thu Hằng, 2013).

Theo Nguyễn Thị Kim Lý (2009) khi tác động các biện pháp kỹ thuật cần chú ý đối với lá cây, phải luôn luôn giữ cho lá xanh tốt, lá rụng đúng kỳ hạn, trong thời kỳ sinh trưởng mạnh không để rụng lá đột ngột hoặc rụng lá bất thường, tạo điều kiện để lá chuyển lục tốt. Cần tìm mọi biện pháp để tăng cường khả năng đồng hoá của lá đạt đến tối đa. Do đó khi trồng ta phải đảm bảo mật độ, cung cấp nước, phân bón đầy đủ, cắt tỉa hợp lí, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

- Hoa: Mục tiêu cuối cùng của người trồng cũng như những nhà khoa học nghiên cứu cây đào cảnh là làm cho hoa đẹp. Hoa đào do mầm hoa phân hoá thành, vị trí của hoa nằm ở các nách lá. Hoa đào là loại hoa lưỡng tính có đầy đủ nhị đực, nhị cái. Đào thường ra hoa vào cuối đông, đầu xuân, xung quanh dịp tết âm lịch, đào là cây thụ phấn chéo (một số giống có khả năng tự thụ phấn). Cánh hoa đào thường có nhiều màu sắc: trắng, hồng nhạt, hồng đậm, đỏ... Số lượng cánh hoa tuỳ vào từng giống có thể thay đổi từ 5-25 cánh hoặc hơn 25 cánh. Hoa thường có nhiều hình dạng như cánh đơn, cánh mai, cánh hoa hồng, cánh hoa cúc, cánh hoa mẫu đơn. Nụ hoa có các hình dạng như hình trứng, hình elip, hình cầu, hình trám (Đặng Văn Đông và cs., 2010).

- Quả: Quả đào thuộc loại quả hạch, đầu nhọn có một rạch nhỏ lõm chạy dọc theo quả.Quả đào chứa một hạt to được bao bọc trong một lớp vỏ gỗ cứng gọi là vỏ hạt. Cùi thịt quả màu vàng hay ánh trắng, có vị thơm ngon và lớp vỏ có lông tơ mềm như nhung (Vũ Công Hậu, 1999).

- Hạt: Hạt đào có dạng hạch được bao bọc một lớp gỗ cứng, chắc chắn vì vậy muốn hạt nhanh nảy mầm phải xử lý hạt trước khi gieo (Hoàng Kiến Nam và Nguyễn Viết Chi, 2003; Jiang, 2000).

Ở Việt Nam, dựa vào đặc điểm màu sắc hoa và hình thái thân, cành, lá phân biệt các giống hoa đào khác nhau: đào Bích, đào Phai, đào Bạch và đào Thất Thốn, đào GL2-1, GL2-2, Gl2-3 (Đặng Văn Đông và Nguyễn Thị Thu Hằng, 2010)

Đào Bích: giống này được trồng phổ biến ở nước ta, nó xuất hiện ở tất cả các vùng trồng đào cảnh trên cả nước và được nhiều người ưa thích. Đào Bích có hoa kép, cánh dầy với trên 16 cánh, màu đỏ thắm, nhụy vàng. Hiện đào Bích đang được trồng nhiều ở Nhật Tân, Đông Anh (Hà Nội), Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang.

Đào Phai: giống như tên gọi, đào Phai có màu đỏ đặc trưng tập trung ở phần giữa hoa, xen lẫn các nhị và nhụy màu vàng, màu sắc "phai" dần từ giữa ra phía đầu cánh, khiến cho cánh hoa có màu hồng. Nhóm giống này lại có các loại giống khác nhau như: phai đơn cánh, phai cánh bán kép và phai cánh kép, đào Phai được trồng phổ biến ở một số nơi như Hải Phòng, Hải Dương và các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện nay do thị hiếu của người chơi, đào Phai đang phát triển rộng thị trường tại Hà Nội.

Đào Bạch: hoa có màu trắng, nhụy vàng, cánh mỏng, cành hoa thường thưa, hiện được trồng nhiều ở vùng núi tỉnh Lạng Sơn.

Đào Thất Thốn: xuất hiện ở Việt Nam hơn chục năm nay song giống này không phát triển rộng lắm, hiện chỉ còn thấy ở một vài tư gia. Đào Thất Thốn có hoa mọc đôi rất đặc biệt, tán cây thường rậm vì lá to chen nhau, có màu xanh thẫm. Đào Thất Thốn có đốt cây (khoảng cách 2 lá) rất ngắn, cứ 1cm có 5-7 lá. Đó chính là lý do khiến chiều cao của hoa phát triển chậm. Cành và thân đào Thất Thốn cứng và giòn nên khó uốn, nhất là khi đã hoá mộc. Thân cây có nhiều vảy sẹo, vỏ thân đã hoá mộc thường có màu xám hoặc màu nâu đậm, hoa thưa phân bố không đều trên cành. Kiểu hoa kép, hoa to, nhuỵ vàng, cánh dầy. Nhóm đào Thất Thốn cũng có các giống khác nhau như: các giống có hoa màu đỏ, màu trắng, màu hồng; các giống có lá màu đỏ hay lá màu xanh (Đặng Văn Đông và Nguyễn Thị Thu Hằng, 2009b).

Đào Mãn Thiên Hồng: là giống đào mới được viện Nghiên cứu Rau quả phối hợp với công ty TYC Quảng Châu nhập về một số lượng nhỏ để trồng thử nghiệm từ năm 2006. Đào Mãn Thiên Hồng (Prunus persica Lin.) được các nhà tạo giống Trung Quốc lai tạo từ đào hoang dại và đào Bích. Đặc điểm của đào Mãn Thiên Hồng là cành nhiều hoa, cánh dày, màu hồng đậm hoặc phớt hồng, độ bền cao (Hu et al., 2003). Hiện nay diện tích đào Mãn Thiên Hồng đang được mở rộng tại một số tỉnh như Thái Bình, Quảng Ninh.... (Đặng Văn Đông và cs., 2010).

Đào GL2-1, GL2-2, GL2-3 là các giống đào mới viện Nghiên cứu Rau quả tuyển chọn từ các dòng đào địa phương đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là giống mới. Đặc điểm của các giống đào này số lượng hoa trên cây cao, cánh hoa dày, nhiều cánh, đường kính hoa to, độ bền hoa cao...

(Đặng Văn Đông và cs., 2013; Đặng Văn Đông và cs., 2015).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện sinh thái và một số biện pháp kỹ thuật đến sinh trưởng, ra hoa của giống hoa đào GL22 ở miền Bắc Việt Nam (Trang 21 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(237 trang)