PHẦN 2. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
2.2. YÊU CẦU VỀ ĐIỀU KIỆN SINH THÁI CỦA CÂY HOA ĐÀO
Nhiệt độ ảnh hưởng đến quá trình quang hợp và hô hấp, quyết định đến sự sinh trưởng, phát triển, nở hoa và chất lượng của hoa đào. Nhiệt độ thấp là yếu tố quan trọng nhất đối với đào, đặc biệt là giai đoạn phân hoá mầm hoa.
Đào có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 200C-300C. Nếu mùa hè gặp nhiệt độ cao, thời gian kéo dài, cây sẽ ngừng sinh trưởng (Дроздов, 1989;
(Shen et al., 1999). Khi nghiên cứu giống hoa đào Mãn thiên hồng ở Sơn Đông (Trung Quốc) Hu and Dongyan et al., (2007) nhận thấy rằng nhu cầu về “độ lạnh” của đào khoảng 300 đến 500 CU, trong đó có khoảng 200-300 giờ độ nhiệt thấp dưới 7,20C cho phân hóa hoa và trên 500 giờ độ nhiệt thấp dưới 7,20C cho hoa nở. Hàng năm cây yêu cầu có một thời gian với một độ lạnh nhất định để phân hoá mầm hoa và ra hoa. Trong điều kiện không đủ lạnh, cây phát triển yếu, chỉ mọc các mầm chồi, mầm hoa ra ít. Các mầm hoa thường bị chết đi ở khoảng nhiệt độ từ -50C đến -100C. Nếu mùa đông trời lạnh kéo dài, nhiệt độ thấp dưới 70C thì chồi hoa sẽ nở chậm hoặc không nở người ta gọi đó là hiện tượng “đào mù” (Shen et al., 1999; Nguyễn Quang Thạch, 2000).
Yêu cầu về thời gian lạnh của mỗi giống đào là khác nhau nhưng thông thường các giống đào có yêu cầu độ lạnh từ 10-15°C để phá ngủ mầm hoa và mầm lá. Đối với các giống đào cận nhiệt đới yêu cầu số giờ lạnh là 150-250 giờ còn đối với một số giống đào nhiệt đới cần số giờ lạnh là 600-1000 giờ (Vũ Công Hậu, 1999).
Khi nghiên cứu ảnh hưởng của chế độ lạnh đến sự phát triển nụ hoa đào Prunus persica (L.) Batsch. Các tác giả Quamme; Ashworth et al. nhận thấy rằng khi nhiệt độ lạnh đến -1oC sẽ làm hư hại 30% nụ hoa, khi nhiệt độ lạnh đến -5oC sẽ làm hư hại hoàn toàn nụ hoa, hoa không phát triển được.
Kết quả nghiên cứu cây mai vàng Yên tử (loại cây có đặc tình giống cây hoa đào) các tác giả Đặng Văn Đông và cộng sự cho rằng nhiệt độ ảnh hưởng lớn, đến quá trình phân hóa mầm hoa và ra hoa của cây mai, với cây mai vàng miền Nam chỉ ra hoa thích hợp trong điều kiện miền Nam, còn cây mai Yên Tử lại thích hợp ra hoa ở điều kiện vùng núi Yên Tử (Uông Bí - Quảng Ninh).
Nhìn chung, kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước đã cho thấy tầm quan trọng của nhiệt độ đối với cây đào. Nhiệt độ thấp đã giúp cây
đào trải qua được các giai đoạn phát triển để xúc tiến phân hóa mầm hoa. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu chưa chỉ rõ được thời gian nhiệt độ thấp cần có đối với các giống, tích ôn hữu hiệu ở các giai đoạn phát triển có ảnh hưởng như thế nào đối với sự ra hoa và chất lượng hoa đào... trong điều kiện khí hậu miền Bắc Việt Nam, đó là những câu hỏi cần được quan tâm nghiên cứu sâu hơn.
2.2.2. Yêu cầu điều kiện ánh sáng
Ánh sáng là yếu tố cần thiết cho sự sinh trưởng phát triển của cây. Ánh sáng cung cấp năng lượng cho phản ứng quang hợp để tạo ra chất hữu cơ cho cây. Nhờ phản ứng quang hợp, chất hydratcacbon được tổng hợp từ các chất vô cơ (CO2 và H2O) cung cấp cho quá trình sinh trưởng, phát triển. Có tới 90% chất khô trong cây là do quang hợp tạo nên. Ánh sáng đầy đủ sẽ làm tăng bề dầy của mô, tăng hàm lượng diệp lục, thúc đẩy quá trình quang hợp. Trái lại, trong điều kiện ánh sáng yếu thì cây sinh trưởng kém, hàm lượng diệp lục giảm, thịt lá mềm, gian bào chứa đầy nước do đó cây sinh trưởng chậm, cành thường bị vống, ra hoa chậm, hay bị rụng nụ, rụng hoa, màu sắc hoa trở nên nhợt nhạt (Будыко, 1971; Дроздов, 1989; Đoàn Văn Điếm và cs., 2005).
Cường độ quang hợp phụ thuộc vào điều kiện ánh sáng, thiếu ánh sáng cây không thể quang hợp được, quang hợp phụ thuộc vào thành phần quang phổ của ánh sáng và cường độ chiếu sáng. Cường độ quang hợp của cây trồng tăng khi cường độ chiếu sáng tăng, song nếu cường độ ánh sáng vượt quá giới hạn thì quang hợp bắt đầu giảm (Lê Quang Vĩnh, 2001; Nguyễn Xuân Linh và Nguyễn Thị Kim Lý, 2005).
Đào là cây ưa sáng, cần cường độ ánh sáng từ 30.000-72.000 lux, thời gian chiếu sáng từ 6-8 giờ/ngày, vì vậy đào cần được trồng ở nơi có nhiều ánh nắng, với sự thông thoáng tốt (Đặng văn Đông và cs., 2009b). Trong vườn đào nếu phía nào bị thiếu ánh sáng, tán cây sẽ khuyết về phía đó. Do vậy, cần đốn tỉa tạo bộ tán thông thoáng giúp tất cả các cành đều nhận được nhiều ánh sáng (Vũ Công Hậu, 1999; Nguyễn Hữu Tề và Đoàn Văn Điếm, 2004).
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu còn chưa đề cập đến ảnh hưởng của số giờ nắng đến sinh trưởng, ra hoa và chất lượng của hoa đào.
2.2.3. Yêu cầu lượng mưa và độ ẩm
Theo Đặng Văn Đông và Nguyễn Thị Thu Hằng (2009b), Cây đào chịu hạn tốt nhờ bộ rễ mọc khoẻ và nhanh. Người ta cho rằng những vùng có lượng mưa từ 100-300 mm/tháng là có thể trồng được đào. Đào ưa độ ẩm không khí thấp, những vùng có độ ẩm không khí cao thường gây ra nhiều sâu, bệnh là trở ngại đối với sản xuất.
Đào là cây ưa cạn tuy vậy nó vẫn cần sự cung cấp nước ổn định vào mùa hè, yêu cầu lượng mưa 1250-1500mm, độ ẩm không khí 80-85%, độ ẩm đất 60- 70% để sinh trưởng phát triển bình thường.
Đặc tính của cây đào là chịu hạn tốt hơn chịu nước, độ ẩm không khí và đất, lượng mưa đều ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của cây. Độ ẩm không khí và lượng mưa thích hợp thì cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, ra hoa đẹp, chất lượng hoa cao (Raseira and Moore, 1986; Jerome and Frecon, 2002).
Theo Trần Đức Hạnh và cs. (1997), Đoàn Văn Điếm (2001), nước đóng vai trò quan trọng trong cơ thể thực vật, đặc biệt là trong sự phân chia tế bào, khi có đầy đủ nước và môi trường thích hợp giúp tế bào phân chia thuận lợi, cây sinh trưởng, phát triển nhanh. Khi thiếu nước các quá trình sinh lý, sinh hoá trong cây giảm, các hợp chất hữu cơ được tạo thành ít, cây còi cọc, phát triển kém. Nếu sự thiếu nước kéo dài, cây có thể khô héo và chết.
Nhưng đối với đào, nếu trồng ở nơi đất trũng, thừa nước thì rễ bị thối, cây dễ bị chết. Trồng trong bóng dâm, ít ánh nắng, đất ẩm, lá sẽ xanh tốt quanh năm, nhưng đến mùa thu hoạch đào có rất ít hoa. Trong suốt đời sống của cây đào, cần có sự cung cấp nước ổn định và tăng lên trong một khoảng thời gian ngắn trước khi thu hoạch quả. Hương thơm của đào chỉ có được khi cây đào được tưới nước đầy đủ trong cả vụ (Nguyễn Hữu Tề và Đoàn Văn Điếm, 2004).
Nghiên cứu về kỹ thuật canh tác, các tác giả Scorza et al. (2006), cho rằng cần bố trí trồng cây ưa bóng dưới gốc đào nhằm cải thiện độ ẩm đất, chống xói mòn, đồng thời che phủ lớp đất mặt, hạn chế lượng nước bay hơi, mặt khác là nơi ẩn nấp cho thiên địch, giảm tỷ lệ sâu hại trên cây đào.
Nhìn chung, các kết quả nghiên cứu còn chưa đề cập đến lượng mưa có ảnh hưởng tới sinh trưởng, ra hoa và chất lượng hoa đào như thế nào? Ở miền Bắc nước ta, tùy theo điều kiện địa hình, lượng mưa thường có nhiều biến động,
vì thế cần phải có những nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của lượng mưa tới sự ra hoa và chất lượng hoa đào ở các vùng trồng đào.
2.2.4. Yêu cầu điều kiện đất đai
Theo Thái Phiên (2000), địa hình là một yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến nhiều yếu tố sinh thái khác. Trước hết địa hình ảnh hưởng đến tình hình thời tiết, khí hậu. Độ cao của một địa điểm, vị trí của nó ở đỉnh đồi, sườn đồi hay dưới thung lũng thì sẽ có chế độ nhiệt, chế độ mưa, ẩm khác nhau.
Theo Đặng Văn Đông và Nguyễn Thị Thu Hằng (2009b), đào yêu cầu đất thoát nước tốt, nếu trồng đào ở chỗ đọng nước rễ thường bị thối. Đất có thành phần cơ giới là cát pha, thịt nhẹ thích hợp nhất đối với cây đào. Đất nhiều mùn ở các bờ suối có độ dày tầng đất sâu, dễ thoát nước ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta là những chỗ trồng đào rất tốt. Đào chịu được đất hình thành trên đá vôi nhưng pH không cao quá. Nếu bón nhiều vôi, đào thường bị vàng lá do bị thiếu sắt.
Cây đào có thể chịu được đất xấu, đất dốc có độ cao 700-900 mét. Đào sinh trưởng tốt ở đất feralit đỏ vàng, hơi chua hoặc đất cát, sỏi nhiều, đất tơi xốp nhiều mùn, đất có pH 5,5-6 là thích hợp (Nguyễn Hữu Tề và Đoàn Văn Điếm, 2004).
Cây đào thích hợp với các loại đất feralit hình thành ở các điều kiện khác nhau. Đất feralit là loại đất phân bố chủ yếu ở vùng đồi núi, phổ biến có màu đỏ vàng do tích luỹ sắt (Fe), nhôm (Al). Về mùa mưa ẩm, nước hoà tan sắt nhôm ở trạng thái khử di chuyển xuống mạch nước ngầm, đến mùa khô nhờ tác dụng mao dẫn, các oxit Fe, Al đó bị thấm lên trên và bị oxi hoá, kết tủa lại hình thành kết von và đá ong…, đó là quá trình tích lũy tuyệt đối. Quá trình tích luỹ tương đối thì do silic oxit (SiO2)bị hoà tan, rửa trôi trong nước có nhiều khí cacbonic (CO2), quá trình feralit hoá làm thay đổi tỉ lệ hàm lượng SiO2 với R2O3 (Al2O3+ Fe2O3). Vì SiO2 bị rửa trôi, đương nhiên hàm lượng của nó giảm đi tương đối so với các oxit sắt và nhôm. Hàm lượng của các oxit R2O3 (Al2O3+ Fe2O3) lại tăng lên tương đối so với SiO2 nên tỉ lệ SiO2/R2O3 càng thấp, khi đó quá trình feralit hoá càng mạnh hơn (Nguyễn Tử Siêm và Thái Phiên, 1999).
Thành phần cơ giới của đất Feralit với hàm lượng khoáng nguyên sinh thấp, SiO2/R2O3 dưới 2, hàm lượng kaolinit chiếm ưu thế thì dung tích hấp thu
cation thấp, cấu trúc bền.Trong mùn axit funvic trội hơn axit humic. Ở Việt Nam các loại đất feralit tuỳ theo đá mẹ, phân biệt (1) đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất (khoảng 6 triệu ha) có tầng đất dày, chua, thành phần cơ giới nặng, độ phì khá; (2) đất vàng đỏ trên macma axit (4,6 triệu ha) thường có tầng đất mỏng, chua, ít mùn, nghèo lân, độ phì trung bình; (3) đất nâu đỏ trên macma kiềm và trung tính (2,6 triệu ha) là đất rất tốt được trồng cà phê, cao su, hồ tiêu,...; (4) đất vàng nhạt trên đá cát (2 triệu ha) có tầng mỏng, nhiều cát hoặc pha cát, nghèo chất dinh dưỡng, thường bị xói mòn mạnh....Đất đỏ vàng thường được khai thác để trồng cao su, cà phê, chè, ca cao, dâu tằm, cây ăn quả, cây đào (Thái Phiên, 2000; Nguyễn Xuân Linh và Nguyễn Thị Kim Lý, 2005).
Các loại đất Feralit đỏ vàng ở nước ta gồm có:
+ Đất feralit đỏ vàng phát triển trên đá phiến sét: diện tích 11.155 ha.
Đất có tầng dầy đến trung bình, khi lớp thảm bị phá hoại thường có hiện tượng bị xói mòn hoặc kết vón. Đất phân tầng rõ, kém tơi xốp, thành phần cơ giới thịt nặng. Hàm lượng mùn trung bình (2-4%), hàm lượng cation trao đổi và độ no bazơ thấp.
+ Đất feralit vàng đỏ trên đá macma axit: diện tích 10.425 ha, phân bố trên các sườn dốc hiểm trở. Đất tuy tơi xốp hơn loại trên nhưng độ dày tầng đất thường mỏng, chua, ít mùn (1-1,5%). Trong tầng đất còn tồn tại nhiều mảnh thạch anh.
+ Đất feralit vàng nhạt trên đá cát kết: diện tích 3.700 ha, tầng đất mỏng đến trung bình, thành phần cơ giới nhẹ, đất chua, nghèo mùn (0,5-1,5%) (Vũ Cao Thái và cs., 1997; Nguyễn Tử Siêm và Thái Phiên, 1999).
Theo Nguyễn Huy Trí và Đoàn Văn Lư (1994), đất trồng đào phải là đất pha cát, pH thích hợp 6,5 -7, thoát nước tốt. Các tác giả cũng cho biết nếu pH <
5.5 phải khử độ chua bằng 1kg vôi bột cho 10 m2 đất. Kích thước hố trồng đào là (0.4 x 0.4)m; khoảng cách hố (1.8x1.8)m. Lượng phân bón thúc (180kg N + 90kg P2O5+130kg K2O)/ha/năm chia làm 4 đợt bón. Các tác giả đúc kết kinh nghiệm đưa ra kết luận, thời vụ khoanh vỏ hãm đào từ 10-20/8 âm lịch để đào nở hoa vào dịp tết, thúc và hãm hoa nở trong trường hợp cần thiết. Thúc để hoa nở rộ bằng 3 cách: tưới phân đạm pha loãng, bới gốc tưới phân bắc hoặc tưới nước ấm 35- 400C. Hãm hoa nở sớm bằng cách không tưới nước, thiến, chặt bỏ bớt rễ hoặc che giảm ánh sáng.
Theo Đặng Văn Đông và Nguyễn Thị Thu Hằng (2010), đào hố trồng đào theo kích thước (0.4 x 0.4) m, khoảng cách hố 1m x 1m tương đương mật độ trồng 300 cây/1sào. Bón lót 10-15 kg phân chuồng + 100 kg super lân + 0.1kg vôi bột/sào. Bón thúc lần 1 vào tháng 8: 0.3kg N + 0.1kg P2O5 + 0.1kg K2O/1lần/1cây; bón thúc lần 2 vào tháng 9-10: 0.1kg N + 0.1 kg P2O5 + 0.1kg K2O. Khoanh vỏ hãm đào vào 15/8 âm lịch; tuốt lá từ 5-15/10; đào phai từ 1- 10/11; đào bích từ 5 đến 20/11.
Theo Trần Hợp (1993) và Đào Mạnh Khuyến (1993), thì mật độ và khoảng cách trồng đào phải đạt 200 cây/sào Bắc Bộ, bón phân lót 5 kg phân chuồng hoai +1 kg supe lân/gốc, bón thúc sau đợt cắt tỉa cành trước tháng 7 với lượng bón 0.05 kg/gốc; khoanh vỏ vào thời điểm giữa tháng 8 âm lịch, tuốt lá trước Tết Nguyên đán 50- 60 ngày, đào Phai cần tuốt lá sớm hơn, đào bạch cần tuốt lá muộn hơn.