CHƯƠNG 3. GIẢI PHÁP ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH GIÁO DỤC HUYỆN ĐĂK HÀ TỈNH KON TUM
3.2. CÁC GIẢI PHÁP ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH GIÁO DỤC HUYỆN ĐĂK HÀ TỈNH KON TUM
3.2.2. Hoàn thiện mục tiêu đào tạo NNL ngành GD-ĐT
Để nâng cao chất lượng NNL ngành GD-ĐT huyện từ nay đến 2020, cần xác định mục tiêu cụ thể, rõ ràng cho từng tiêu chí. Cụ thể từng tiêu chí về mục tiêu được xác định như sau:
a. Về kiến thức
Yêu cầu trong thời gian tới kiến thức của giáo viên phải đạt được ở mức độ nhất định, cụ thể như sau:
Bảng 3.2. Yêu cầu về kiến thức của giáo viên
Tiêu chí Tỷ lệ % đạt được
Cập nhật, bổ sung kiến thức 100%
Liên thông kiến thức (liên môn) 50%
Tăng cấp 20%
Giảng dạy chuyên sâu 20%
Để thực hiện được yêu cầu về kiến thức của giáo viên trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp cụ thể như:
- Giao cho phòng chuyên môn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau vào dịp hè hàng năm:
+ Tổ chức đào tạo, tập huấn những kiến thức mới định kỳ. Những kiến thức này do có sự thay đổi hàng ngày nên phải thường xuyên cập nhật, bổ sung và tự trau dồi về mặt nhận thức đúng đắn, kịp thời.
+ Tổ chức đào tạo, tập huấn liên môn để bắt kịp với thực tế hiện nay.
Không chỉ dạy một môn mà phải kết hợp giữa các môn liên quan, giữa các môn học và thực tế đang diễn ra.
+ Tổ chức thi giáo viên giỏi, giáo viên giỏi chuyên đề để xác định năng lực, trình độ của giáo viên. Từ đó có các giải pháp giup đỡ họ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp.
- Giao cho phòng tổ chức thực thiện các nhiệm vụ sau hàng năm:
+ Thống kê, lập kế hoạch và có phương án để giáo viên phải được đào tạo trình độ chuyên môn cao hơn phù hợp với năng lực thực tế của học sinh hiện nay.
+ Đặc biệt chú trọng về chất lượng cao trong công tác đào tạo nguồn. Để làm được điều này, giáo viên phải tập trung chuyên sâu vào môn mình phụ trách, tự tìm tòi và sáng tạo trong công tác truyền đạt cho học sinh. Bên cạnh đó, phải được đào tạo nâng cao trình độ.
- Giao phòng thanh tra tổ chức thực hiện kết hợp thanh kiểm tra chuyên môn của giáo viên trong năm học.
b. Về kỹ năng
Yêu cầu trong thời gian tới kỹ năng của giáo viên phải đạt được ở mức độ nhất định, cụ thể như sau:
Bảng 3.3. Yêu cầu về kỹ năng của giáo viên
Tiêu chí Tỷ lệ % đạt được
Được đào tạo lại 70%
Chuẩn bị bài giảng điện tử, khai thác tài liệu trên mạng 80%
Giao tiếp bằng ngôn ngữ địa phương 60%
Hàng năm, sau khi thống kê, rà soát năng lực, trình độ của giáo viên, phòng tổ chức lập kế hoạch cụ thể, phối hợp phòng chuyên môn giao trách nhiệm cho các đơn vị tạo điều kiện cho giáo viên được đào tạo lại. Nên từng đơn vị tự tổ chức: giáo viên cốt cán đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên trong cùng đơn vị. Giáo viên có trình độ năng lực cao hơn đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên có trình độ thấp hơn. Phương pháp này đỡ áp lực cho giáo viên và
cũng là biện pháp tiết kiệm chi khi nguồn kinh phí ngày càng hạn hẹp.
Ban giám hiệu các đơn vị lập kế hoạch và phương án cụ thể để bắt buộc giáo viên phải sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Và quy định cụ thể mục này vào phương án đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên hàng năm.
Giáo viên phải tự học cách giao tiếp bằng ngôn ngữ bản địa để dễ dàng giao tiếp với phụ huynh người DTTS. Bằng cách học từ học sinh, học từ giáo viên người DTTS, học từ những giáo viên biết tiếng DTTS (người biết nhiều dạy cho người chưa biết).
Năng lực sư phạm là một năng lực chuyên biệt đặc trưng của nghề dạy học nói chung “năng lực sư phạm là tổ hợp những đặc điểm tâm lí của nhân cách nhằm đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sư phạm và quyết định sự thành công của hoạt động ấy”(Quan điểm của GS Phạm Minh Hạc). Năng lực và kĩ năng có mối quan hệ chặt chẽ, năng lực sư phạm là thuộc tính là đặc điểm của nhân cách còn kĩ năng sư phạm là những thao tác riêng của hoạt động sư phạm trong các dạng hoạt động cụ thể. Mặt biểu hiện của năng lực là hệ thống các kĩ năng, nhưng có các kĩ năng chưa chắc đã hình thành năng lực bởi nếu thiếu hệ thống cũng như độ bền chắc của hệ thống kĩ năng cơ bản. Hoạt động của giáo viên, với tư cách là nhà giáo dục gồm 2 dạng hoạt động cơ bản: dạy học và giáo dục. Do vậy, giáo viên cần nghiên cứu hệ thống các kĩ năng tương ứng với 2 dạng hoạt động đó, mặc dù sự phân chia chỉ là tương đối.
c. Về thái độ
Yêu cầu trong thời gian tới thái độ công tác của giáo viên phải đạt được ở mức độ nhất định, cụ thể như sau:
Bảng 3.4. Yêu cầu về thái độ của giáo viên
Tiêu chí Tỷ lệ % đạt được
Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp 100%
Chuẩn mực tư cách nhà giáo 100%
Lối sồng chuẩn mực 100%
- Là người giáo viên phải thực hiện tốt những quy định về đạo đức nhà giáo được quy định tại Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 16 tháng 4 năm 2008, ban hành quy định về đạo đức nhà giáo.
- Các cấp lãnh đạo Sở, huyện, các cơ sở giáo dục quán triệt, học tập và triển khai thực hiện Quy định về đạo đức nhà giáo cho đội ngũ nhà giáo ở địa phương; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thực hiện Quy định về đạo đức nhà giáo ở các cơ sở giáo dục và việc thực hiện của các nhà giáo; tuyên dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và xử lý nghiêm túc, kỷ luật thích đáng các cá nhân, tổ chức vi phạm; định kỳ cuối năm học phải tổng kết.