CHƯƠNG 3. GIẢI PHÁP ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH GIÁO DỤC HUYỆN ĐĂK HÀ TỈNH KON TUM
3.2. CÁC GIẢI PHÁP ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH GIÁO DỤC HUYỆN ĐĂK HÀ TỈNH KON TUM
3.2.3. Hoàn thiện nội dung đào tạo NNL ngành GD-ĐT
► Đối với các cơ sở giáo dục cần hoàn thiện các mặt sau và đặc biệt chú trọng đào tạo giáo viên phải dựa vào năng lực và định hướng trách nhiệm:
- Tăng cường năng lực công nghệ cho đội ngũ giáo viên, trong đó chú ý đến năng lực sử dụng các công cụ tin học phục vụ cho chuẩn bị và giảng dạy.
Đổi mới công tác thông tin và truyền thông để thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục.
- Tăng cường nâng cao trình độ ngoại ngữ, trình độ am hiểu ngôn nhữ, phong tục tập quán và văn hóa của đồng bào các đân tộc thiểu số tại các khu vực có đông đồng bào sinh sống.
- Tăng cường nâng cao khả năng sư phạm, năng lực truyền đạt, năng lực đổi mới và hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực cho người học.
- Tăng cường kiến thức, khả năng và kỹ năng xây dựng kế hoạch giảng dạy cũng như kiểm soát thời gian cho giảng viên.
- Tăng cường việc nâng cao trình độ am hiểu về tâm lý giáo dục, khả
năng giao tiếp xã hội, khả năng giải quyết tình huống cho giảng viên. Nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục; gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho con em mình.
- Tăng cường đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ…
► Đối với bản thân giáo viên cần thay đổi, đổi mới và tự hoàn thiện mình theo các năng lực dạy học, cụ thể như sau:
- Năng lực chuẩn bị gồm các thao tác: chọn lựa tài liệu tham khảo để chuẩn bị cho hoạt động giảng dạy, xác định mục tiêu bài giảng (xuất phát từ mục tiêu môn học, mục tiêu chương trình bậc học…); các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng dạy học; chọn các phương pháp, hình thức giảng dạy và kĩ thuật giảng dạy cũng như thiết bị tương ứng; dự kiến các khả năng xảy ra và các phương án xử lí. Tất cả các kĩ năng cụ thể này phải được chuẩn bị đầy đủ và được viết ra dưới dạng bản kế hoạch (kế hoạch giảng dạy cụ thể).
- Năng lực thực hiện được thể hiện trong quá trình thực hành giảng dạy và giáo dục, gồm các kĩ năng: ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, định hướng nội dung mới, luyện tập kĩ năng, phát triển kiến thức, kiểm tra và khuyến khích học sinh…Trong quá trình thể hiện năng lực thực hiện, có 3 yếu tố sau đây cần quan tâm:
+ Năng lực sử dụng ngôn ngữ của giáo viên có ý nghĩa quan trọng. Khi đánh giá một giáo viên có năng lực giảng dạy tốt, chắc chắn người ta phải xem xét chủ yếu đến năng lực diễn đạt, trình bày của giảng viên. Khả năng diễn đạt trong sáng, mạch lạc, lời nói hấp dẫn, truyền cảm và giàu hình ảnh…của giáo viên sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho giờ dạy thành công.
Ngôn ngữ của con người thể hiện dưới dạng nói, viết và là biểu hiện của trình độ tư duy, do vậy không thể chấp nhận cách biện hộ cho những giáo viên diễn
đạt kém là do “chuyên môn giỏi nhưng yếu về năng lực sư phạm”, hoặc khó có thể chấp nhận giáo viên nói ngọng hoặc nói lắp.
+ Năng lực sử dụng các thiết bị và phương tiện dạy học. Đây là năng lực không thể thiếu được của giáo viên ở bất cứ cấp học nào trong giai đoạn hiện nay. Thiết bị và phương tiện vừa là yếu tố điều kiện tốt để phục vụ cho giảng dạy và học tập, đồng thời cũng là yếu tố kích thích tư duy sáng tạo –nghiên cứu cho giáo viên và học sinh. Trong xu hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay, có hiện tượng quá lệ thuộc vào các thiết bị và phương tiện dạy học.
Sự lạm dụng này dẫn đến việc biến đổi các mô hình dạy học cổ điển, coi thường hình thức thuyết trình lí thuyết của giảng viên, xem nhẹ hoạt động trao đổi trực tiếp giữa người dạy và người học…
+ Năng lực hoạt động xã hội trong và ngoài trường. Trọng tâm của quan hệ giao tiếp là giữa người dạy và người học. Mối quan hệ này đòi hỏi người giáo viên không chỉ huy động mọi khả năng của mình để thiết lập các quan hệ dạy học có hiệu quả mà điều quan trọng là trong và bằng quá trình giao tiếp, tác động giáo dục đến người học. Giao tiếp giữa giáo viên với học sinh không chỉ đảm bảo tính chất mô phạm của nhà giáo trong các hoạt động chuyên môn mà còn thông qua đó thể hiện sự quan tâm đến người học với thái độ ân cần, lịch thiệp trong các phạm vi trong và ngoài giờ học. Ngoài ra, hoạt động giao tiếp của giáo viên trong xã hội hiện nay còn đòi hỏi phạm vi đối tượng rộng mở, đó là gia đình học sinh, các lực lượng xã hội khác, đặc biệt là những thành phần liên quan đến sản phẩm giáo dục (người sử dụng, doanh nghiệp, các cơ quan, công ty…).
- Năng lực đánh giá. Năng lực đánh giá giúp cho giáo viên nắm được trình độ và khả năng tiếp thu bài của học sinh để xác nhận kết quả của một hoạt động để bổ sung điều chỉnh trong dạy học. Để tạo được uy tín trước học sinh, người giáo viên phải có quan điểm đánh giá khách quan, chính xác và
công bằng. Thái độ và hành vi trung thực, khách quan của nhà giáo dục một mặt đảm bảo các yêu cầu của nhiệm vụ giáo dục mặt khác tạo ra sức cảm hóa lớn đối với người học kể cả đánh giá thành công hay hạn chế của học sinh.
Khả năng đánh giá đúng của giáo viên đối với người học sẽ tác động mạnh mẽ đến kết quả tự học và kết quả rèn luyện đạo đức cho học sinh và bản thân giáo viên.
- Năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục bao gồm các năng lực thành phần: Năng lực thiết kế mục tiêu, kế hoạch các hoạt động giáo dục; Năng lực cảm hóa thuyết phục người học; Năng lực hiểu biết đặc điểm học sinh để có các phương án giáo dục có hiệu quả; Năng lực phối hợp với các lực lượng giáo dục trong trường và ngoài trường.
- Năng lực tổ chức gồm các năng lực thành phần: Năng lực phối hợp các hoạt động dạy học và giáo dục giữa thầy và trò, giữa các trò với nhau, giữa các giáo viên với nhau trong các hoạt động giảng dạy (lí thuyết, thực hành, chính khóa, ngoại khóa…); Năng lực nắm vững các bước tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục theo một algorit hoặc sáng tạo, biết nêu các nhiệm vụ dạy học và giáo dục, đánh giá sản phẩm và kiểm tra, điều chỉnh các hoạt động của học sinh; Năng lực tập hợp, phối hợp nguồn lực (học sinh và những người khác) xung quanh mình để giải quyết các vấn đề của học tập và cuộc sống.
Trong xã hội hiện đại cần bổ sung những năng lực mới hoặc phải nhấn mạnh các yếu tố như: năng lực quan hệ cộng đồng, năng lực quản lí, năng lực hoạt động với tư cách là một chuyên gia giáo dục, năng lực phát triển môi trường xung quanh...