Chương 2: THỰC TRẠNG TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG NGHIỆP TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
2.3. Tình hình thực hiện các hoạt động tạo việc làm cho lao động nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa
2.3.1. Phát triển kinh tế tạo việc làm
Trong những năm qua, kinh tế của thành phố Đà Nẵng đã có sự phát triển nhanh và ổn định, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định
hướng thì cơ cấu lao động cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong giai đoạn 2006 - 2010 bình quân hàng năm thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động, qua đó góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp đến năm 2010 của thành phố xuống còn 4,9%. Có thể thấy rằng cùng với sự phát triển kinh tế ổn định thì công tác tạo việc làm cho lực lượng lao động của thành phố cũng đạt được những kết quả ấn tượng, tuy nhiên công tác tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, đặc biệt là lao động nông nghiệp chịu tác động của quá trình ĐTH trên địa bàn thành phố trong giai đoạn vừa qua vẫn còn nhiều khó khăn. Cho đến cuối năm 2010, có đến hơn 12.841 lao động bị mất việc làm do quá trình ĐTH tuy nhiên chỉ có hơn 13% trong tổng số lao động đó đã được tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề thông qua các chính sách phát triển kinh tế của thành phố, và có gần 86% lao động nông nghiệp vẫn cố gắng tự tìm kiếm việc làm mới hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp với bản thân người lao động. Điều đó cho thấy sự gắn kết giữa phát triển kinh tế và công tác tạo việc làm cho người lao động chưa thực sự đạt được những kết quả như mong muốn, do đó trong giai đoạn tới thành phố cần chú trọng giữa việc phát triển kinh tế gắn với tạo việc làm, đặc biệt là tạo việc làm cho lao động nông nghiệp trong tiến trình ĐTH của thành phố Đà Nẵng.
2.3.2. Thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề
Nhằm khắc phục sự mất cân đối về nguồn lao động và đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động nói chung và lao động nông nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và giải quyết việc làm nói riêng. Từ năm 2006 đến nay hàng năm chính quyền thành phố đã tập trung đầu tư cho hoạt động dạy nghề miễn phí hơn 40 tỷ đồng/năm, trong đó có 25 tỷ đồng được đầu tư cho xây dựng cơ bản và 15 tỷ đồng dành cho dạy nghề miễn phí. Gần đây nhất, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định số 28/2009/ QĐ-UBND ngày 05/11/2009 Quyết định chính sách hỗ trợ học
nghề trình độ sơ cấp đối với lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và quyết định số 22/2011/ QĐ-UBND ngày 22/8/2011 Quyết định Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã mở ra nhiều cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm mới cho lao động trên địa bàn thành phố, trong đó có một bộ phận lớn lao động nông nghiệp. Với việc đầu tư cho hoạt động dạy nghề miễn phí và các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp thì trong những năm vừa qua đã có hơn 3.350 lao động nông nghiệp tìm được việc làm sau khi được đào tạo nghề đạt tỷ lệ hơn 80%.
Một số nghề sau đào tạo, lao động nông nghiệp đã tìm được việc làm phù hợp đạt tỷ lệ cao trên 90% như may công nghiệp, cơ khí, mộc, nề, đan lưới xuất khẩu, chế biến thủy sản. Một số cơ sở dạy nghề đã đào tạo và giới thiệu tạo việc làm có hiệu quả cho lao động nông nghiệp như: Trung tâm đào tạo nghề Hòa Vang, Trung tâm đào tạo nghề Sơn Trà, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Liên đoàn lao động, Công ty Dệt may 29/3, Trung tâm tư vấn hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các lớp dạy nghề đá mỹ nghệ Non Nước do quận Ngũ Hành Sơn tổ chức.
2.3.3. Hỗ trợ vốn tạo việc làm
Trong giai đoạn 2006 - 2010 vừa qua, để hỗ trợ cho các lao động nông nghiệp có được nguồn vốn ban đầu để tạo việc làm với, chuyển đổi ngành nghề sau quá trình ĐTH, chính quyền thành phố đã thực hiện nhiều chính sách cho vay ưu đãi để các hộ nông nghiệp có điều kiện tạo việc làm từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Hoạt động cho vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Ngân hàng chính sách và các nguồn quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm của thành phố ngày càng được các địa phương, đoàn thể quan tâm, nhận thức của đội ngũ làm công tác tín dụng được nâng lên. Công tác hướng dẫn lập dự án, thẩm định, giải ngân ngày càng được cải tiến, đơn giản hóa thủ tục cũng như
quy trình cho vay đẩy nhanh tiến độ cho vay. Trong giai đoạn vừa qua, từ các nguồn vốn vay ưu đãi khác nhau đã có 2.617 dự án vay vốn được giải ngân với số tiền là 86,456 tỷ đồng đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 10.167 lao động trên địa bàn thành phố. Trong đó có các hộ nông dân trên địa bàn với số vốn cho vay hàng năm khoảng 3,6 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 300 lao động/năm có nhu cầu làm việc và chuyển đổi việc làm.
2.3.4. Giao quyền sử dụng đất và hỗ trợ điều kiện sản xuất
Quá trình ĐTH trên diện rộng ở thành phố Đà Nẵng đã tác động mạnh mẽ đến các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp trên nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề việc làm cho lao động nông nghiệp sau quá trình ĐTH. Với việc tái định cư theo quy hoạch của thành phố trong các khu tái định cư với diện tích đất nhỏ hẹp đã được quy định đã tác động mạnh mẽ đến các hộ thuần nông trước đây. Chính vì vậy, trong giai đoạn vừa qua, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho lao động nông nghiệp trong việc tự tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm, chính quyền thành phố và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân ra ngoại thành mua hoặc thuê đất để tổ chức sản xuất tiếp tục nghề cũ, lập trang trại sản xuất theo các mô hình mới.
Ngoài ra, trung tâm khuyến nông - ngư - lâm Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Sở lao động thương binh và xã hội, hội nông dân thành phố đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, tăng cường chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng sinh vật cảnh, trồng rau sạch, trồng nấm, trồng hoa và dạy nghề ngắn hạn cho nông dân, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm mở rộng mô hình phát triển nông nghiệp đô thị ở thành phố Đà Nẵng, đây là một hướng đi mới nhằm tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông nghiệp bị thu hồi đất sản xuất trong quá trình ĐTH, giúp họ có thể chuyển đổi nghề hoặc tiếp tục nghề cũ với mức thu nhập ổn định.
2.3.5. Xuất khẩu lao động
Trong giai đoạn vừa qua, tuy hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã chuyển biến tích cực nhưng chưa thực sự tham gia giải quyết việc làm cho lao động Đà Nẵng. Tính đến cuối năm 2010, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố đã đưa hơn 1.279 lao động đi xuất khẩu qua các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á nhưng chỉ có chưa đến 10% lao động là người Đà Nẵng tham gia.
Mặc dù những loại hình công việc ở các nước nhập khẩu lao động yêu cầu trình độ chuyên môn không cao, chỉ cần công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông với các loại hình công việc như công nhân xây dựng, đánh bắt hải sản, giúp việc gia đình, hộ lý,… rất phù hợp với lao động nông nghiệp nhưng hầu như không có ai tham gia do nhiều nguyên nhân khác nhau. Như vậy, có thể thấy rằng hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố trong những năm qua chưa thực sự tạo được việc làm cho lao động là người Đà Nẵng nói chung và lao động nông nghiệp nói riêng.
2.3.6. Xúc tiến tạo việc làm từ phía doanh nghiệp
Nhờ có sự tích cực vận động của chính quyền Thành phố trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2006, Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định số 63/2006/QĐ-UB ngày 27 tháng 6 năm 2006 ban hành quyết định chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Từ nhiều chính sách hỗ trợ trong quyết định này đã tạo động lực, tiếp sức thêm cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp nhận đào tạo và tạo việc làm cho các lao động. Trong giai đoạn 2006 - 2010 các doanh nghiệp và các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố đã tiếp nhận đào tạo và tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp trên cho hàng ngàn lao động nông nghiệp sau quá trình ĐTH.
Các doanh nghiệp trong và ngoài nước hằng năm đã giải quyết việc làm cho
hàng ngàn lao động. Với những kết quả đạt được như vậy, các đơn vị, các doanh nghiệp, các khu công nghiệp đã có vai trò tích cực trong việc làm giảm áp lực về vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp trong quá trình ĐTH ở thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn 2006 - 2010 vừa qua.