Nhóm nhân tố thuộc về người lao động

Một phần của tài liệu Tạo việc làm cho lao động nông nghiệp trong quá trình đô thị hoá ở thành phố Đà Nẵng (Trang 64 - 69)

Chương 2: THỰC TRẠNG TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG NGHIỆP TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2006 – 2010

2.4. Những nhân tố ảnh hưởng đến tạo việc làm cho lao động nông nghiệp

2.4.3. Nhóm nhân tố thuộc về người lao động

Sau quá trình ĐTH, khả năng tự tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp và tiềm kiếm việc làm của lao động nông nghiệp là rất khó khăn, bên cạnh những nhân tố đã phân tích ở trên, thì việc tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp gặp nhiều khó khăn còn xuất phát từ chính nguyên nhân là do bản thân người lao động.

- Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật còn rất thấp và độ tuổi trung bình của lao động nông nghiệp là rất cao điều đó gây ra không ít khó khăn cho lao động nông nghiệp trong việc tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp của người lao động, nhưng đối với lao động nông nghiệp có các nguyên nhân chủ yếu là: trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn kĩ thuật thấp, không đáp ứng được yêu cầu công việc và độ tuổi trung bình cao (xem bảng 2.3. phụ lục 4).

Bảng 2.12: Nguyên nhân thất nghiệp của lao động nông nghiệp

Các nguyên nhân Số lượng Tỷ lệ (%)

Không có trình độ, tay nghề 96 52,17

Không có vốn làm ăn 32 17,39

Tuổi tác cao 47 25,54

Nguyên nhân khác 9 4,9

Tổng 184 100

Nguồn: điều tra lao động nông nghiệp ở Đà Nẵng năm 2011

Theo kết quả điều tra 398 lao động nông nghiệp thì có đến 184 lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp sau quá trình ĐTH, đặc biệt đa phần rơi vào các lao động nông nghiệp bị thu hồi đất sản xuất; thì có tới 96 người trả lời nguyên nhân thất nghiệp của họ là do trình độ thấp không đáp ứng được yêu cầu công việc, chiếm đến 52,17%. Tình trạng trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật thấp phổ biến trong đối tượng lao động nông nghiệp hiện nay đã làm cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho họ gặp không ít khó khăn. Điều này dẫn đến hệ quả là khả năng tự tạo việc làm, tìm kiếm việc làm và chuyển đổi nghề của họ trong điều kiện yêu cầu về trình độ lao động ngày càng cao theo xu hướng ĐTH là rất hạn chế.

Bên cạnh đó có đến 25,54% số lao động thất nghiệp điều tra trả lời nguyên nhân là do tuổi tác cao. Một thực tế là trong số lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp được điều tra, số lao động từ 35 tuổi trở lên chiếm tỉ lệ khá lớn (76,34%). Đây là những người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nhưng lại là nhóm có nguy cơ bị thất nghiệp cao sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp do những người ở độ tuổi này thường quá tuổi tuyển dụng, khả năng tiếp thu đào tạo nghề kém và khó thích nghi với công việc mới. Hơn nữa, các doanh nghiệp lại chủ yếu tuyển dụng những lao động trẻ, có tay nghề, dễ thích ứng với công việc. Các doanh nghiệp chỉ cần một số ít lao động ở độ tuổi này cho các vị trí công việc như tạp vụ, bảo vệ, vệ sinh.

Điều này càng làm cho lao động ở độ tuổi này gặp khó khăn trong việc tìm việc làm mới sau quá trình ĐTH của thành phố.

Chính vì vậy, trong giai đoạn vừa qua chỉ có một bộ phận nhỏ lao động nông nghiệp bị thu hồi đất có được việc làm ổn định trong các dự án sử dụng đất nông nghiệp. Đây là một thực tế mà lao động nông nghiệp nhiều địa phương phải đối mặt sau quá trình ĐTH, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Hầu hết cư dân sống trong các khu vực bị thu hồi đất đều sống bằng nghề nông,

trình độ học vấn không cao. Như kết quả điều tra lao động nông nghiệp trên tại thành phố Đà Nẵng cho thấy, trong tổng số 398 lao động, chỉ có 40,45%

có trình độ từ trung học cơ sở trở lên, số còn lại (59,55%) là có trình độ thấp, chưa qua đào tạo nghề, không đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở công nghiệp. Do đó. số lao động được thu hút trực tiếp vào các dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn vừa qua là rất thấp.

Do đó rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp ở địa phương trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay… để những đối tượng này có khả năng tự tạo việc làm cho mình và thu hút nhiều lao động khác.

- Lao động nông nghiệp, đặc biệt là bộ phận lao động nông nghiệp bị thu hồi đất sản xuất còn thiếu tích cực trong việc tự tạo việc làm, chuyển đổi việc làm, không ít lao động có tâm lý ỷ lại và trông chờ vào sự hỗ trợ của thành phố.

Quá trình ĐTH đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có sự hình thành và thay đổi tâm lý, lối sống thị dân. Bên cạnh một số lao động có ý thức muốn tạo cho mình một việc làm ổn định để an cư lạc nghiệp cũng có không ít lao động trong nông nghiệp có một tâm lý ảo tưởng khi bỗng chốc họ trở thành triệu phú khi nhận tiền giải tỏa dẫn đến tâm lý coi thường chê bai những việc làm mang tính phổ thông mang lại thu nhập không cao. Điều này dẫn đến một hệ quả là có một bộ phận lao động nông nghiệp rơi vào tình trạng thất nghiệp tự nguyện.

Bên cạnh đó, sau giải tỏa không ít lao động nông nghiệp có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền thành phố về vấn đề việc làm. Một thực tế đáng lo hiện nay là phần lớn các hộ nông dân bị thu hồi đất sản xuất khi nhận được tiền đền bù giải tỏa và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp chủ yếu để sử dụng vào mục đích trả tiền mua đất, xây dựng nhà cửa, mua sắm trang

thiết bị trong gia đình và tiêu dùng cá nhân. Theo kết quả điều tra 298 lao động nông nghiệp thuộc diện thu hồi đất sản xuất thì mức độ ưu tiên sử dụng số tiền đền bù cho mục đích học nghề, tự tạo việc làm chỉ chiếm hơn 18,6%, phần lớn số tiền đền bù còn lại sử dụng cho mục đích xây dựng nhà cửa chiếm 32,35% và mua sắm trang thiết bị trong gia đình chiếm 26,66% (xem bảng 1.6. phụ lục 4). Đó là lý do làm cho số lượng tư liệu sinh hoạt phục vụ đời sống của các hộ bị thu hồi đất tăng lên, cuộc sống của họ có vẻ khá hơn trước nhưng thực tế lại không phải như vậy. Việc sử dụng tiền bồi thường không hợp lý, tiêu xài lãng phí như vậy sẽ tiềm ẩn những điều bất ổn về việc làm, thu nhập và đời sống của các hộ nông dân bị thu hồi đất. Không những thế, một số người không có việc làm, lại sẵn có tiền nên dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề, ma túy, mại dâm… Đó thực sự là một thực tế đáng buồn mà các gia đình và cả xã hội phải gánh chịu do người lao động không có nhận thức đúng đắn về việc sử dụng tiền bồi thường. Chính mức độ ưu tiên sử dụng tiền đền bù cho mục đích học nghề, tự tạo việc làm và tìm kiếm việc làm bị xếp hàng thứ yếu cho nên sau giải tỏa tỷ lệ thất nghiệp của lao động nông nghiệp vẫn ở mức rất cao.

- Khả năng chuyển đổi ngành nghề, tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm việc làm của lao động nông nghiệp sau quá trình ĐTH còn rất hạn chế.

Với tốc độ ĐTH nhanh như Đà Nẵng hiện nay thì lực lượng lao động nông nghiệp bị mất việc và thiếu việc làm ngày càng gia tăng. Trong điều kiện hiện nay, những đối tượng này tự tạo việc làm cho bản thân mình là cách tốt nhất để có được việc làm. Tuy nhiên với mức sống thấp, trình độ thấp và thiếu vốn sản xuất là những rào cản lớn đối với họ trong việc tự tạo việc làm cho mình. Theo kết quả điều tra lao động nông nghiệp cho thấy khả năng tự tạo việc làm của đối tượng này là rất khó, có đên 32,21% số lao động nông nghiệp được điều tra đã trả lời là họ không có khả năng tự tạo việc làm,

chuyển đổi ngành nghề; 48,99% trả lời là có khả năng nhưng rất khó (xem bảng 1.7.1. phụ lục 4). Trong giai đoạn vừa qua, có nhiều nguồn vốn vay ưu đãi cho các đối tượng này để giúp họ tự tạo việc làm, tuy nhiên khả năng tiếp cận vốn của các đối tượng này vẫn còn hạn chế do nhiều rào cản khách quan như thủ tục, quy trình vay vốn, cách thức lập dự án vay vốn và cũng chính một phần do sự thiếu nổ lực của bản thân họ.

Kết luận chương 2

Qua phân tích thực trạng tạo việc làm cho lao động nông nghiệp trong quá trình ĐTH ở thành phố Đà Nẵng từ năm 2006 đến năm 2010, đã thấy được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách vượt trội so với cả nước để thực hiện tốt công tác tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông nghiệp, đây là đối tượng phải chịu nhiều ảnh hưởng trong quá trình ĐTH. Trong đó phải kể đến là Chương trình “Có việc làm”

trong Chương trình thành phố “3 có”; chính sách tạo việc làm cho lao động nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa; chính sách chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng này, đồng thời thành phố cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động nông nghiệp vào đào tạo nghề gắn với bố trí việc làm; đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn; thành lập Sàn giao dịch việc làm; thiết lập hệ thống thông tin lao động…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tạo việc làm cho lao động nông nghiệp thành phố, đặc biệt là bộ phận lao động nông nghiệp bị ảnh hưởng của quá trình ĐTH cũng bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế, đòi hỏi phải được khắc phục kịp thời. Thực trạng của công tác tạo việc làm cho lao động nông nghiệp thành phố trong những năm qua cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong những năm tiếp theo đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải có giải pháp khắc phục tồn tại, đẩy mạnh đổi mới để thực có hiệu quả những nội dung tạo việc làm cho đối tượng này nhằm góp phần thực hiện được các mục tiêu kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn tới.

Chương 3

Một phần của tài liệu Tạo việc làm cho lao động nông nghiệp trong quá trình đô thị hoá ở thành phố Đà Nẵng (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)