Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
2.2. Vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin ở trường trung học
2.2.1. Vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường
Ngày nay, CNTT là một trong những cấu thành quan trọng nhất của xã hội hiện đại và tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Là ngành khoa học phát triển như vũ bão, CNTT với các tính năng ứng dụng ưu việt của mình đã có vai trò to lớn trong các hoạt động của nhà trường.
Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý nhà trường. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, CNTT đã làm chuyển biến phương thức quản lý truyền thống sang phương thức quản lý dựa trên nền tảng CNTT để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý. CNTT giúp đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại hóa, công nghệ hóa, tin học hóa hoạt động quản lý nhà trường.
Công nghệ thông tin là công cụ cần thiết, phục vụ hiệu quả các quy trình quản lý trong trường học. Đặc điểm nổi trội nhất là thông qua dữ liệu, thông tin được lưu trữ, xử lý, các tiêu chí quản lý nhà trường đang dịch chuyển từ định tính sang định lượng. Mặt khác, với đặc điểm của CNTT, sự minh bạch và chia sẻ dữ liệu thông tin cũng như tốc độ xử lý thông tin của máy tính sẽ tăng hiệu quả vận hành của việc quản lý nhà trường.
Công nghệ thông tin nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý hoạt động dạy học như sắp xếp thời khóa biểu, kiểm tra đánh giá học sinh, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử, xây dựng kế hoạch dạy học,...
Với hệ thống CNTT dùng chung, các phần mềm ứng dụng trực tuyến giúp các cấp quản lý và các trường học có thể triển khai quản lý hành chính điện tử như: triển khai cuộc họp, tập huấn chuyên môn, sổ liên lạc điện tử, tuyển sinh trực tuyến, xét tuyển trong các kì thi,...
Công nghệ thông tin giúp cho các thông tin quản lý được xử lý kịp thời, chính xác, thống nhất và lựa chọn các phương án tối ưu. CNTT hỗ trợ mạnh mẽ và có hiệu quả trong việc hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển giáo dục, trong tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đặc biệt, với việc phát triển các phần mềm chuyên dụng CNTT giúp cho công tác quản lý giáo dục ở các cấp, các cơ sở giáo dục được quy trình hóa, liên kết thống nhất trong Hệ thống Chính phủ điện tử. Đổi mới giáo dục đòi hỏi nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý, quản trị giáo dục. CNTT giúp cho công việc quản lý đầy đủ hơn, khoa học hơn, minh bạch và dân chủ hơn. Hiện nay, CNTT là trợ thủ đắc lực giúp CBQL trong việc quản lý văn phòng, tài chính, chuyên môn, nhân sự, lập kế hoạch, thống kê báo cáo, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học,...
2.2.2. Vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học
Thứ nhất, CNTT giúp đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức dạy học, là công cụ đắc lực nâng cao hiệu quả dạy học, tạo ra một môi trường giáo dục mang tính tương tác cao. Với tác động của CNTT, môi
trường dạy học cũng thay đổi, nó tác động mạnh mẽ tới mọi thành tố của quá trình quản lý, giảng dạy, đào tạo và học tập.
Thứ hai, việc ứng dụng CNTT đã thay đổi cả vai trò của người học và người dạy; giáo viên đã dần trở thành người hướng dẫn học sinh biết dùng máy tính và Internet để tự tìm nội dung học tập; giáo viên tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho học sinh, giúp học sinh xây dựng tư duy.
Ứng dụng CNTT giúp đổi mới giáo dục theo hướng giảm thuyết giảng, tăng tự học, thực hiện “giảng ít, học nhiều”. Nhờ các công cụ đa phương tiện, giáo viên sẽ xây dựng được bài giảng sinh động thu hút sự tập trung và sáng tạo cho người học. CNTT giúp cho cả người dạy và người học chọn nhập và xử lý thông tin nhanh chóng để biến thành tri thức.
Thứ ba, CNTT tạo ra sự hợp tác, chia sẻ kiến thức, học tập và trao đổi kinh nghiệm dạy học; giáo viên có thể học tập, bồi dưỡng và trao đổi trực tuyến với đồng nghiệp để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, Internet đã hỗ trợ điều kiện để học sinh chủ động tìm kiếm tri thức, sắp xếp hợp lý quá trình tự học tập, tự rèn luyện của bản thân. Thông qua Internet, học sinh có cơ hội được học tập mọi lúc, mọi nơi qua công cụ đơn giản như diễn đàn, thư điện tử, hội thoại trực tuyến, trường học kết nối,...
Thứ tư, CNTT giúp đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá: Hiện nay có khá nhiều phần mềm dùng cho ôn tập, kiểm tra, trắc nghiệm cho phép tương tác trên mạng và tự đánh giá kết quả học tập, giúp tiết kiệm thời gian và thuận lợi hơn cho người dạy và người học.
Thứ năm, CNTT có vai trò to lớn trong việc liên kết các hệ thống giáo dục với nhau và từng ngành của hệ thống giáo dục đó với nhau. CNTT có vai trò to lớn trong việc giúp cho giáo dục Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. CNTT thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp mọi người tiếp cận rất nhiều thông tin đa chiều, rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian, giúp con người phát triển nhanh hơn về nhận thức, trí tuệ và tư duy.
Đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế đòi hỏi giáo viên và học sinh của mỗi quốc gia phải tiếp cận với thế giới, tiếp biến văn hóa, vượt qua ranh giới quốc gia, đến với các nền văn hóa khác bằng việc vượt qua rào cản về ngôn ngữ do sự giúp đỡ của tiến bộ khoa học công nghệ. Đặc biệt, CNTT đã làm thay đổi cách sống, cách làm việc, cách học tập, cách tư duy và quan trọng hơn cả là cách ra quyết định của con người.