Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
2.5. Những yếu tố tác động đến quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở các trường trung học cơ sở
Có nhiều yếu tố tác động đến hoạt động quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học ở các trường THCS; ở mỗi địa bàn trong những điều kiện, thời điểm khác nhau thì vai trò, mức độ tác động của các yếu tố cũng khác nhau.
2.5.1. Tác động từ sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện đại Trong những năm gần đây, sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện đại, đặc biệt cuộc cách mạng 4.0 đang lan rộng toàn thế giới đã tác động
mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và ngành giáo dục cũng không nằm ngoài những tác động đó.
Sự phát triển khoa học - công nghệ làm thay đổi hoạt động quản trị nhà trường và thay đổi PPDH. Dạy học ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng sẽ là xu hướng trong tương lai. Điều này sẽ tác động đến việc bố trí CBQL, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục.
Việc đưa khoa học công nghệ cũng như các kỹ thuật hiện đại vào trong chương trình giảng dạy của mình cũng như ứng dụng nó để đổi mới giáo dục là yêu cầu bắt buộc. Thực tiễn việc ứng dụng CNTT trong dạy học hiện nay đã trở nên phổ biến.
Điều kiện CSVC, hạ tầng CNTT trong những năm gần đây đang thay đổi một cách nhanh chóng có tác động rất lớn đến giáo dục và là một cơ hội cho đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới PPDH ở mỗi nhà trường.
Môi trường khoa học công nghệ của mỗi khu vực, mỗi cộng đồng, mỗi gia đình chính là các tác nhân thúc đẩy hoặc kìm hãm việc ứng dụng CNTT và quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học, ảnh hưởng đến động cơ và thái độ của mỗi CBQL, giáo viên và học sinh trong các trường THCS.
2.5.2. Tác động từ cơ chế, chính sách phát triển giáo dục trong môi trường công nghệ hiện đại
Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; các văn bản chỉ thị của ngành GD&ĐT đã được các cấp quản lý cụ thể hoá và hướng dẫn thực hiện, chính là môi trường pháp lý của việc triển khai ứng dụng CNTT trong các nhà trường. Hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, linh hoạt là yếu tố quan trọng thúc đẩy quản lý ứng dụng CNTT trong các trường THCS. Hệ thống các văn bản chỉ đạo tạo ra định hướng đúng đắn và cũng chính là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tới ngành GD&ĐT nhằm động viên khích lệ đội ngũ nhà giáo ngày càng sáng tạo và đổi mới trong giai đoạn hiện nay.
Chính sách phát triển GD&ĐT trong bối cảnh triển khai “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT” (theo nghị quyết 29-NQ/TƯ) hiện nay cũng tác động mạnh mẽ đến quản lý ứng dụng CNTT tại các trường THCS.
2.5.3. Tác động từ nhận thức, thái độ của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về công nghệ thông tin
Trong công tác quản lý cũng như trong hoạt động dạy học, việc nhận thức luôn giữ vai trò quan trọng và chiếm vị trí hàng đầu vì nó tạo ra sự đồng thuận và thống nhất để đi đến thành công.
Đối với CBQL: Là người đứng đầu các cấp, có vị trí tiên phong nên hơn ai hết CBQL cần phải gương mẫu, đi đầu trong việc nhận thức tầm quan trọng ứng dụng CNTT trong trường học. Khi có nhận thức đúng đắn thì CBQL sẽ có động lực, quyết tâm để xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và giám sát việc ứng dụng CNTT đơn vị thuộc quyền quản lý của mình. Bên cạnh đó CBQL sẽ có sự quan tâm, tạo điều kiện, động viên kịp thời để việc ứng dụng CNTT trong dạy học được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Nhà quản lý cần nắm rõ điều kiện thực tế của đơn vị, có tầm nhìn xa để nắm bắt được thực tại từ đó lập các kế hoạch cho những định hướng tương lai.
Đối với giáo viên: Là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong dạy học do đó cần có sự hiểu biết sâu sắc về trách nhiệm của mình để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Mỗi giáo viên khi nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết phải đưa CNTT vào bài giảng thì sẽ truyền được nguồn cảm hứng cho học trò. Sự nhận thức đúng đắn của giáo viên cũng chính là tạo sự thành công cho bản thân cũng như giúp nhà quản lý hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Nhận thức, thái độ của học sinh: Nhận thức, thái độ của học sinh về ứng dụng CNTT ảnh hưởng trực tiếp hiệu quả ứng dụng CNTT trong học tập.
Khi học sinh thấy được vai trò, tác dụng việc ứng dụng CNTT sẽ tạo ra động lực để học hỏi và tìm hiểu. Bởi vậy, người giáo viên định hướng và hình thành ở học sinh có được những phẩm chất và năng lực như: có động cơ và thái độ học tập đúng đắn, tự giác, tích cực trong học tập, có ý thức trách nhiệm về kết quả học tập của mình, có năng lực về CNTT và phương pháp tự học với CNTT ở mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi cách.
2.5.4. Tác động từ năng lực, trình độ của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về công nghệ thông tin
Đối với CBQL: Năng lực của CBQL quyết định đến hiệu quả và chất lượng của mọi hoạt động quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học. CBQL có nghiệp vụ vững vàng, có trình độ hiểu biết sâu rộng về khoa học kỹ thuật và CNTT cùng với phương pháp quản lý, năng lực tổ chức điều hành tốt, có uy tín thì việc ứng dụng CNTT trong dạy học sẽ đạt hiệu quả cao.
Đối với giáo viên: Trình độ của giáo viên có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng việc ứng dụng CNTT trong dạy học. Bên cạnh phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cao, kết hợp với trình độ CNTT nhanh nhạy cùng với kiến thức về thực tiễn sẽ giúp giáo viên có thể linh hoạt, sáng tạo và đổi mới PPDH để mỗi bài giảng sẽ đạt hiệu quả nhất. Để giáo viên có thể ứng dụng CNTT trong dạy học thì mỗi nhà giáo phải có tinh thần học tập, nhiệt tình và kiên trì để có được kiến thức về CNTT nhờ đó có thể đạt được mục tiêu của giáo dục hiện đại cũng như đáp ứng chuẩn nghề nghiệp hiện nay.
Đối với học sinh: Năng lực và trình độ học sinh về CNTT sẽ ảnh hưởng chất lượng ứng dụng CNTT trong học tập; tạo điều kiện cho việc tiếp thu nhanh chóng và dễ dàng nhất là những công nghệ mới. Để ứng dụng CNTT trong học tập đạt hiệu quả cao, học sinh cần được cung cấp kiến thức tinh giản, cơ bản và có ý nghĩa ứng dụng cao trong thực tiễn.
2.5.5. Tác động từ yêu cầu đổi mới giáo dục
Đảng và Nhà nước luôn xác định đổi mới giáo dục, đào tạo là một trong những định hướng phát triển lớn để hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Yêu cầu đổi mới giáo dục làm thay đổi quan niệm, tư duy trong dạy học. Quá trình dạy được chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và năng lực người học. Quá trình học, chuyển từ học thuộc lòng sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập, sáng tạo; việc học tập diễn ra suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi nên việc học tập được tổ chức qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhờ các ứng dụng CNTT. Yêu cầu đổi mới giáo dục đòi hỏi ứng dụng CNTT và quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học cần có sự tương thích, linh hoạt về thời gian và
không gian, phù hợp với điều kiện cá nhân.