Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
2.4. Những vấn đề lý luận về quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở các trường trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
2.4.1. Khái niệm quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở các trường trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Quản lý (Management) là một hiện tượng xã hội xuất hiện rất sớm, là một phạm trù tồn tại khách quan được ra đời từ bản thân nhu cầu của mọi chế độ xã hội, mọi quốc gia và ở mọi thời đại. Quản lý là một dạng hoạt động đặc biệt quan trọng của con người, quản lý chứa đựng nội dung rộng lớn, đa dạng phức tạp và luôn vận động, biến đổi, phát triển.
Có nhiều cách hiểu khác nhau về quản lý, mỗi cách hiểu nhấn mạnh mặt này hay mặt khác nhưng đều có điểm chung thống nhất, đó là: quản lý là
những hoạt động hay tác động có tổ chức, có định hướng, có chủ định của chủ thể quản lý (người quản lý) đến khách thể quản lý (người bị quản lý) trong một tổ chức, bằng việc sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội nhằm tổ chức vận hành và đạt được mục tiêu đề ra.
Quản lý giáo dục có thể chia thành hai cấp độ đó là cấp vĩ mô và cấp vi mô: QLGD vĩ mô là quản lý cả hệ thống giáo dục bao gồm tất cả các thành tố của hệ thống, trong đó có quản lý nhà trường; quản lý nhà trường là quản lý cấp vi mô.
Trường học với tư cách là một tổ chức giáo dục cơ sở vừa mang tính giáo dục vừa mang tính xã hội, là tế bào quan trọng của hệ thống giáo dục từ Trung ương đến địa phương. Có thể thấy công tác quản lý trường học bao gồm xử lý các tác động qua lại giữa trường học và xã hội đồng thời quản lý chính nhà trường.
Quản lý nhà trường được hiểu là hệ thống những tác động tự giác của chủ thể quản lý (hiệu trưởng) đến tập thể giáo viên, nhân viên, tập thể học sinh, phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu giáo dục của nhà trường.
Dạy học bao gồm hai hoạt động thống nhất biện chứng hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh. Trong hoạt động dạy của giáo viên có vai trò chủ đạo, hoạt động học của học sinh có vai trò tự giác, chủ động, tích cực. Hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh có liên hệ, tác động lẫn nhau. Nếu thiếu một trong hai hoạt động đó việc dạy học không diễn ra.
Dạy và học là hoạt động cơ bản, trọng tâm của trường học. Do đó, quản lý dạy học là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp quản lý nhằm huy động và tạo điều kiện thuận tiện để cho hoạt động dạy học đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất. Quản lý dạy học chính là quản lý hoạt động dạy của giáo viên, quản lý hoạt động học của học sinh và quản lý các điều kiện, phương tiện hỗ trợ cho hoạt động dạy học. Đó là những tác động có tổ chức, có hướng đích của người quản lý đến các nhà trường, tập thể giáo
viên, học sinh và CBQL khác để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy dạy học nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu dạy học, giáo dục đã đề ra.
Hiện nay, CNTT đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của xã hội và làm thay đổi căn bản cách quản lý, học tập và làm việc của con người. Đối với giáo dục, “CNTT là công cụ đắc lực hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và hỗ trợ đổi mới QLGD, góp phần nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục” [14].
Quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học ở trường THCS là một trong những nội dung quan trọng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các nội dung của quản lý nhà trường, được thể hiện qua các chức năng và biện pháp quản lý được tổ chức chặt chẽ, hướng tới mục tiêu chung là thay đổi cách quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục.
Có thể khẳng định, quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học là một yêu cầu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Nó là yếu tố không thể thiếu trong QLGD. Quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học được đặt trong một tổng thể việc quản lý đổi mới PPDH trong trường phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học là quản lý việc sử dụng CNTT trong hoạt động dạy học một cách có mục đích và kế hoạch của người quản lý đến đội ngũ giáo viên, học sinh và các lực lượng trong và ngoài nhà trường nhằm huy động tối đa các nguồn lực để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Từ cách tiếp cận trên cho thấy, Quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học là những tác động có mục đích, có kế hoạch, có tổ chức của chủ thể quản lý đến ứng dụng CNTT trong hoạt động giảng dạy của giáo viên và hoạt động học tập của học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Thực chất quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học ở các trường THCS là tổng thể những tác động của chủ thể quản lý đến đội ngũ CBQL, giáo viên
và học sinh để bồi dưỡng khả năng sử dụng những tiện ích của CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức, dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Mục tiêu quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học ở các trường THCS là nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung dạy học; góp phần nâng cao chất lượng và đạt được các mục tiêu dạy học ở các trường THCS trong bối cảnh đổi mới giáo dục và sự phát triển của CNTT hiện nay.
Mục tiêu của quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học ở trường THCS là căn cứ để chủ thể quản lý tạo ra các hoạt động quản lý, nhằm ứng dụng CNTT trong dạy học, đổi mới PPDH đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Chủ thể chính giữ vai trò chỉ đạo quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học ở các trường THCS trong phạm vi luận án được xác định là: CBQL phòng GD&ĐT.
Chủ thể quản lý trực tiếp việc ứng dụng CNTT trong dạy học ở phạm vi nhà trường là CBQL các trường THCS, đứng đầu là hiệu trưởng.
Giáo viên là chủ thể quản lý trực tiếp ứng dụng CNTT vào hoạt động giảng dạy của bản thân.
Đối tượng quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học ở các trường THCS là kỹ năng sử dụng CNTT, hoạt động của giáo viên khai thác những tiện ích của CNTT và đầu tư, quản lý CSVC, phương tiện kỹ thuật bảo đảm cho việc ứng dụng CNTT trong dạy học đạt kết quả cao nhất.
Phương thức quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học ở các trường THCS rất đa dạng, phong phú; trong đó được thực hiện thông qua các phương pháp quản lý giáo dục; kết hợp quản lý với tự quản lý.
Chất lượng quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học các trường THCS phụ thuộc vào nhu cầu ứng dụng CNTT, sự chuẩn bị của nhà trường và thực tiễn của địa phương; tầm chiến lược của nhà quản lý; môi trường CNTT; các hỗ trợ cho công tác quản lý, các trở ngại khó khăn trong quá trình triển khai và trong tương lai,…
Như vậy, quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học ở trường THCS đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay có thể khái quát là:
Quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học ở các trường THCS là dạng hoạt động quản lý nhà trường, theo các chức năng và phân cấp đã có của phòng GD&ĐT và trường THCS.
Quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học bao giờ cũng hướng đích: có mục tiêu, có tổ chức, có các tác động tương ứng phù hợp nhằm hướng dẫn điều khiển những đối tượng quản lý để đạt tới những mục tiêu định sẵn.
Quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học luôn tạo ra mối quan hệ hữu cơ giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý ở trường THCS. Chủ thể quản lý tạo ra các tác động quản lý vào đối tượng quản lý để tạo ra các sản phẩm có giá trị sử dụng, hiện thực hoá mục tiêu đã định và thỏa mãn mục đích của nhà quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học tại các trường THCS.
Quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học là khoa học, là nghệ thuật sử dụng các nguồn lực đạt hiệu quả cao nhất mà chi phí tiết kiệm nhất.
2.4.2. Nội dung quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở các trường trung học cơ sở
2.4.2.1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học
Trên cơ sở mục tiêu và kế hoạch năm học của ngành giáo dục, các cấp quản lý xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT của toàn ngành theo phân cấp quản lý được giao. Việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong dạy học cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
Kế hoạch được cụ thể theo từng năm học, các nội dung ứng dụng CNTT phải xác định rõ đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện, mang tính pháp quy, được các thành viên trong cơ quan thông qua. Kế hoạch cần dựa trên những định hướng lớn về phát triển giáo dục, ứng dụng CNTT của Đảng, Nhà nước, của các cấp QLGD.
Kế hoạch mang tính hệ thống, trọng tâm, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường về tổ chức bộ máy, về các nguồn lực và các điều kiện khác;
Kế hoạch mang tính cụ thể, xác định được rõ mục tiêu cần đạt, có dự kiến được nguồn lực về CSVC, tài chính và con người, có phân bổ hợp lý về thời gian và các biện pháp khả thi để triển khai, tránh ôm đồm quá tải.
Cán bộ quản lý cần phải xác định được một mạng lưới các mối quan hệ tổ chức và giải quyết các mối quan hệ giữa các bộ phận nhỏ bên trong để bảo đảm đạt được các mục tiêu giáo dục đề ra. Việc điều hành, sắp xếp, giao nhiệm vụ, phân quyền quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học được triển khai từ cấp Sở GD&ĐT đến Phòng GD&ĐT, đến các nhà trường. Mỗi trường lại phân quyền, giao nhiệm vụ cho BGH, đến các tổ nhóm, cá nhân trong trường trong việc ứng dụng CNTT trong dạy học để chia nhỏ trách nhiệm.
Nhà quản lý phải lựa chọn đối tượng cá nhân để sắp xếp và giao nhiệm vụ cho phù hợp và có hiệu quả, trên nguyên tắc sự lãnh đạo trong ngành phải thống nhất từ trên xuống dưới, theo tuyến thẳng. Nhà quản lý cần phân phối và sắp xếp nguồn lực để đảm bảo tính phối hợp các lực trong và ngoài trường học nhằm thực hiện tốt các mục tiêu về việc ứng dụng CNTT trong dạy học.
Trong quá trình tổ chức cần lưu ý sự sắp xếp phân công cần phù hợp với các chức năng quản lý, với năng lực của từng CBQL, giáo viên, học sinh để có kết quả tối ưu. Cần có tính linh hoạt theo thực tế về mức độ ứng dụng CNTT của đơn vị mình để chi phí ít mà đạt hiệu quả chất lượng giáo dục cao.
2.4.2.2. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nhận thức và trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên
Nội dung quản lý hoạt động này bao gồm: Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hình thức bồi dưỡng nâng cao nhận thức của đội ngũ CBQL, giáo viên về vai trò của CNTT trong phát triển kinh tế, xã hội và ứng dụng CNTT trong dạy học ở các trường THCS hiện nay.
Để triển khai ứng dụng CNTT trong dạy học thì kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT của CBQL và giáo viên có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến chất lượng và hiệu quả ứng dụng CNTT ở trường THCS.
Trên cơ sở kết quả đánh giá trình độ CNTT của đội ngũ CBQL và giáo viên, căn cứ vào mục tiêu đã được xác định để lập kế hoạch, xây dựng nội
dung, chương trình bồi dưỡng phù hợp cho từng đối tượng CBQL, giáo viên các trường THCS.
Chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch, đề ra các quy định chặt chẽ tiến độ thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Tạo điều kiện về thời gian, vật chất và tinh thần để động viên CBQL, giáo viên nghiên cứu, học tập, nâng cao kiến thức và kỹ năng về CNTT. Sau bồi dưỡng, CBQL tổ chức đánh giá kết quả đào tạo và bồi dưỡng để rút kinh nghiệm.
2.4.2.3. Quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của giáo viên
Quản lý xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT trong giảng dạy từ Phòng GD&ĐT đến trường, tổ chuyên môn và của từng giáo viên. Hệ thống kế hoạch phải đảm bảo tính thống nhất và được cụ thể hóa dần theo cấp độ, từ Phòng GD&ĐT đến trường, đến tổ chuyên môn và đến giáo viên. Nội dung các bản kế hoạch cần xác định được nội dung, phương pháp và mức độ ứng dụng CNTT, phù hợp với CSVC, trang thiết bị CNTT của nhà trường.
Quản lý công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Trong đó việc tổ chức, chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên ứng dụng CNTT, bao gồm việc sử dụng các trang thiết bị, ứng dụng của CNTT, PMDH, khai thác và sử dụng tài nguyên trên mạng Internet, khai thác và sử dụng kho học liệu điện tử trong việc chuẩn bị bài giảng và thực hiện bài giảng; tổ chức, chỉ đạo việc dạy học tại các phòng đa chức năng, sử dụng các phương tiện dạy học phát huy tối đa ứng dụng CNTT trong giảng dạy; vận dụng hình thức Elearning, thư điện tử (Email) trong việc hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học tập ở ngoài nhà trường; chỉ đạo việc ứng dụng CNTT để triển khai đổi mới PPDH ở các trường THCS.
Quản lý kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT trong giảng dạy, đánh giá hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong đổi mới PPDH trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
2.4.2.4. Quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập của học sinh Hoạt động học của học sinh bao gồm học ở trường và học ngoài nhà trường. Do đó nội dung quản lý ứng dụng CNTT trong học tập phải bao quát được các hoạt động học tập trong và ngoài nhà trường của học sinh.
Nhà quản lý xây dựng kế hoạch hướng dẫn học sinh ứng dụng CNTT trong học tập tại trường và ngoài nhà trường. Kế hoạch cần xác định rõ nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện ứng dụng, khai thác, sử dụng cho việc chuẩn bị bài học, ôn tập, các hoạt động vận dụng kiến thức nhằm trải nghiệm, sáng tạo trong cuộc sống và nghiên cứu khoa học; hướng dẫn những quy định trong việc tìm kiếm, khai thác và sử dụng tài nguyên trên mạng để bảo vệ các thiết bị tránh sự xâm nhập của các loại vi rút, không vi phạm bản quyền, tránh các trang web có nội dung không lành mạnh…
Quản lý công tác tổ chức chỉ đạo của giáo viên trong việc hướng dẫn, hỗ trợ học sinh: Khai thác, sử dụng tài nguyên trên mạng Internet, sử dụng E.book, sử dụng Email, tham gia “trường học kết nối”, “mạng học trực tuyến”
và các ứng dụng khác,... Hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi trực tuyến để được đánh giá năng lực, kiến thức, kỹ năng và tự đánh giá kết quả học tập của mình. Đặc biệt, đối với học sinh đam mê nghiên cứu khoa học, giáo viên tổ chức hướng dẫn cho câu lạc bộ nghiên cứu khoa học các phương pháp ứng dụng CNTT trong nghiên cứu khoa học.
Quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá việc ứng dụng CNTT trong học tập của học sinh ở trong và ngoài nhà trường; về các hình thức và hiệu quả ứng dụng CNTT trong học tập.
2.4.2.5. Quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học
Nội dung quản lý ứng dụng CNTT trong việc quản lý CSVC, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc ứng dụng CNTT trong dạy học ở trường THCS bao gồm:
Quản lý kế hoạch đầu tư, xây dựng, mua sắm các trang thiết bị CNTT, kết nối hệ thống mạng Internet, mạng LAN, các thiết bị trình chiếu; Kế hoạch sử dụng, nội quy, quy định chế độ sử dụng, báo cáo về việc bảo quản CSVC, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc ứng dụng CNTT trong nhà trường.
Quản lý việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện kế hoạch đầu tư, xây dựng, mua sắm các trang thiết bị CNTT, đảm bảo nguồn lực về con người, về tài chính để thực hiện kế hoạch đề ra.