Kinh nghiệm quốc tế

Một phần của tài liệu Quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở các trường trung học cơ sở thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay (Trang 68 - 74)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

2.6. Kinh nghiệm quốc tế

Tại Pháp, từ năm 70 thế kỷ XX, đã sớm nghiên cứu một cách có hệ thống việc phát triển học tập với sự hỗ trợ của máy vi tính. Các nhà tin học đã thiết kế một loại ngôn ngữ lập trình dành cho giáo dục gọi tắt là LSE (ngôn ngữ hình tượng dùng cho giáo dục) và huấn luyện cho giáo viên sử dụng. Sau đó giáo viên dùng ngôn ngữ LSE để viết các chương trình dạy học của mình.

Đồng thời với việc đưa máy tính vào nhà trường, các nhà giáo dục Pháp đã tiến hành thảo luận trong thời gian khá dài xung quanh hai vấn đề: Lợi thế của việc sử dụng máy tính trong dạy học và chuẩn bị cho giáo viên cách sử dụng có hiệu quả máy tính trong dạy học [112].

Tại Mỹ, e-learning đã trở nên rất phổ biến với số lượng ngày càng tăng các khoá học trực tuyến qua các phương tiện truyền thông và mạng Internet, hiện đã có hơn 700 công ty e-learning và 80% số trường đại học cung cấp các khoá học trực tuyến qua mạng. Trong Thông điệp Liên bang ngày 25/1/2011, Tổng thống Mỹ Obama cũng nhấn mạnh CNTT là một trong ba ưu tiên hàng đầu sẽ giúp Mỹ năng động hoá nền kinh tế, khôi phục sự phát triển và duy trì vị trí hàng đầu thế giới toàn diện [112].

Tại Liên Xô (trước đây), năm 1982, Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục đã thảo luận các vấn đề xoay quanh việc lựa chọn, nghiên cứu sử dụng và quản lý máy tính như thế nào để đưa vào nhà trường cũng như việc trang bị phòng máy tính cho mỗi trường. Cùng với việc đưa bộ môn tính toán và lập trình vào trường phổ thông, Liên Xô đã nghiên cứu biên soạn chương trình, sách giáo khoa tin học cho trường phổ thông và nghiên cứu sử dụng máy tính làm phương tiện dạy học; kết hợp với xây dựng chương trình đào tạo cán bộ tin học, vừa tổ chức thực hiện quản lý vừa tìm hiểu kinh nghiệm nước ngoài về ứng dụng CNTT trong dạy học [28].

Tại Australia, Hội đồng Bộ trưởng Australia đã ủng hộ hướng đi được trình bày trong tài liệu “Cơ cấu chiến lược cho nền kinh tế thông tin”, tài liệu này bao gồm hai mục tiêu giáo dục trường học bao quát cho nền kinh tế thông

tin, đó là: (1) Tất cả mọi học sinh sẽ rời trường học như những người sử dụng tin cậy, sáng tạo và hiệu quả những công nghệ mới, bao gồm CNTT và truyền thông, những học sinh này cũng ý thức được tác động của những ngành công nghệ này lên xã hội; (2) Tất cả các trường đều hướng tới việc kết hợp CNTT và truyền thông vào trong hệ thống của họ, để cải thiện khả năng học tập của học sinh, để đem lại nhiều cơ hội học tập hơn cho người học và làm tăng hiệu quả của việc thực tập kinh doanh của họ. Như vậy, tại Australia tất cả các trường đều hướng tới việc kết hợp CNTT và truyền thông vào trong hệ thống giáo dục để cải thiện khả năng học tập của học sinh và làm tăng hiệu quả của việc quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học [45].

Tại Singapore, từ năm 2012 đã triển khai mạng băng thông tốc độ cao trên toàn quốc và tới tất cả các địa chỉ truy cập bao gồm nhà dân, trường học, các cao ốc chính phủ, doanh nghiệp và các bệnh viện. Do hầu hết trẻ em đều có thể truy cập đến CNTT và truyền thông từ lứa tuổi nhỏ, cho nên các khóa học trong nhà trường cũng được trang bị các thành phần về CNTT và truyền thông để giúp cho học sinh tiếp cận được các kỹ năng cơ bản. Bộ Giáo dục đang cố gắng xây dựng và củng cố khả năng cho việc tự học theo cách để học sinh có thể học tập được hiệu quả nhất, giúp họ thu thập được kiến thức tốt hơn và tạo điều kiện học tập ở mọi nơi [74].

Tại Trung Quốc, Chính phủ xây dựng kế hoạch hành động điện tử học được gọi là: “Hướng tới kế hoạch hành động xúc tiến thế kỷ 21”. Từ những năm 2000, chính phủ đã có chính sách hỗ trợ học điện tử và tăng người sử dụng Internet, tạo ra sự ảnh hưởng và lan rộng của giáo dục mạng. Trung Quốc sử dụng Elearning rộng rãi để thành lập xã hội học tập, Elearning không chỉ có ở giáo dục đại học mà còn được áp dụng nhanh chóng trong giáo dục phổ thông. Rất nhiều các trung tâm hỗ trợ học tập đã xuất hiện và cung cấp các dịch vụ như: giảng dạy, dạy kèm lớp học vệ tinh, quản lý giảng viên và học sinh, duy trì các cơ sở học tập điện tử tại các địa phương,...Việc triển khai ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo giúp Trung Quốc xóa đói nghèo và truyền bá kiến thức để nâng cao đời sống nhân dân [156].

Tại Ấn Độ, ứng dụng CNTT đã thúc đẩy nâng cao chất lượng, nội dung và quản lý trong ngành giáo dục. Quốc gia này sử dụng cổng thông tin Sakshat (Cổng thông tin miễn phí cho giáo dục) để xây dựng kho kỹ thuật số phục vụ mục tiêu học tập; thực hiện chương trình học tập quốc gia được hỗ trợ bởi NPTEL (Chương trình quốc gia nâng cao kỹ thuật giáo dục thông qua học trực tuyến miễn phí sử dụng CNTT và truyền thông). Các nhà QLGD tại Delhi tiên phong sử dụng CNTT và truyền thông để quản lý hệ thống giáo dục. Bộ Giáo dục, các trường học và sinh viên ở Delhi thuộc thẩm quyền được sử dụng hệ thống thông tin QLGD dựa trên nền Website. Như vậy, dựa trên CNTT và truyền thông ngành giáo dục đã giải quyết nhiều vấn đề thiết thực trong việc dạy, học và QLGD để nâng cao chất lượng giáo dục và đưa đất nước phát triển [75].

Tại Hàn Quốc, nhà chức trách đang xây dựng một hệ thống giáo dục mới, ứng dụng CNTT trong giảng dạy để giúp học sinh có được hành trang kiến thức vững chắc cho tương lai. Để ứng dụng CNTT vào trường học, Hàn Quốc yêu cầu các giáo viên phải tích cực nâng cao trình độ CNTT và tham gia tra cứu trên Internet cũng như nghiên cứu để ứng dụng CNTT. Nhà trường tạo môi trường thông minh giúp giáo viên và học sinh tương tác, hỗ trợ lẫn nhau thông qua các thiết bị công nghệ. Chính phủ Hàn Quốc đang tiến hành đưa sách giáo khoa điện tử vào trường học. Trên nền tảng này, các trường học tạo ra các iCloud trên nền điện toán đám mây để xây dựng một không gian dữ liệu điện tử, toàn trường kết nối với nhau trên Internet và các lớp học có tính tương tác rất cao [150].

Như vậy, việc ứng dụng CNTT vào giáo dục đã được hầu hết các nước triển khai ở nhiều mức độ khác nhau. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã có những chính sách quốc gia về ứng dụng CNTT trong giáo dục và đã triển khai rộng rãi trên cả nước. Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, Việt Nam cần kế thừa và tiếp thu những tinh hoa, những kinh nghiệm quý báu của các nước trên thế giới để đưa giáo dục phát triển ngang tầm thế giới.

Kết luận chương 2

Công nghệ thông tin có vai trò rất quan trọng trong đổi mới phương pháp quản lý, giảng dạy và học tập, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong thời kỳ hội nhập. CNTT vừa là phương tiện, công cụ vừa là mục đích của giáo dục, đào tạo được sử dụng rộng rãi cho công cuộc đổi mới giáo dục ở mọi ngành học, bậc học, tạo ra các công nghệ giáo dục góp phần nâng cao chất lượng dạy học, hiệu quả QLGD.

Ứng dụng CNTT trong dạy học ở các nhà trường hiện nay đang diễn mạnh mẽ và được biểu hiện rất đa dạng phong phú với nhiều hình thức khác nhau. Ứng dụng CNTT trong dạy học ở các trường THCS đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay là việc sử dụng những tiện ích của CNTT vào các hoạt động dạy và học một cách hợp lý nhằm tích cực hóa nhận thức người học, nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ở các trường THCS.

Cuộc cách mạng khoa học 4.0 và bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay đã và đang tạo ra những cơ hội và thách thức mới làm thay đổi triết giáo dục, đặt ra những yêu cầu mới trong dạy học và quản lý giáo dục. Sự phát triển của khoa học công nghệ, việc đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học cả tư duy phản biện, kỹ năng thực tế, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng.

Quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học các trường THCS là những tác động có mục đích, có kế hoạch, có tổ chức của chủ thể quản lý đến hoạt động ứng dụng CNTT trong hoạt động giảng dạy của giáo viên và hoạt động học tập của học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy học và đạt được các mục tiêu đề ra. Để quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học THCS đạt hiệu quả, CBQL cần phải quản lý các nội dung chính sau: Xây dựng và tổ chức

thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT trong dạy học; Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nhận thức và trình độ ứng dụng CNTT trong dạy học cho đội ngũ CBQL, giáo viên; quản lý ứng dụng CNTT trong giảng dạy của giáo viên; quản lý ứng dụng CNTT trong học tập của học sinh; quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo cho việc ứng dụng CNTT trong dạy học; kiểm tra, đánh giá kết quả ứng dụng CNTT trong dạy học ở các trường THCS.

Có nhiều yếu tố tác động đến quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học ở nhà trường, đó là: Tác động từ sự phát triển khoa học công nghệ; tác động từ cơ chế chính sách phát triển giáo dục; tác động từ nhận thức, thái độ và năng lực, trình độ của CBQL, giáo viên và học sinh về CNTT; tác động từ yêu cầu đổi mới giáo dục. Trong quản lý giáo dục, các yếu tố khách quan có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện, thúc đẩy, còn các yếu tố chủ quan mới chính là yếu tố đóng vai trò quyết định đến hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong dạy học ở trường THCS.

Chương 3

CƠ SỞ THỰC TIỄN QUẢN LÝ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG DẠY HỌC Ở CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC

CƠ SỞ THÀNH PHỐ HÀ NỘI HIỆN NAY

3.1. Khái quát tình hình giáo dục trung học cơ sở thành phố Hà Nội Hà Nội thuộc vùng Đông Bắc Bộ, tính đến ngày 31/12/2015, Thành phố Hà Nội có 30 quận, huyện (gồm 12 quận, 01 thị xã và 17 huyện); với tổng diện tích là 3.324,92 dân số Hà Nội là 7.558.956 người (tính đến 12/2015). Trải qua các thời kỳ lịch sử, Hà Nội có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” mang đậm những nét đặc trưng văn hóa Việt, đồng thời có bản sắc văn hóa riêng với những giá trị nổi bật như: Lịch lãm, tinh tế, hào hoa, trí tuệ, có nghĩa khí, yêu chuộng hòa bình [118].

3.1.1. Quy mô giáo dục trung học cơ sở thành phố Hà Nội

Hệ thống các trường THCS phân bố tương đối đồng đều và rộng khắp đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đi học của trẻ em trong độ tuổi. Toàn thành phố hiện có 607 trường THCS, trong đó có 584 trường công lập, 4 trường dân lập và 18 trường tư thục, 284 trường chuẩn quốc gia [Phụ lục 3].

Cùng với sự phát triển các trường học, đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên các trường THCS cũng lớn mạnh và tăng lên đáp ứng đủ về về cơ cấu và số lượng. Số lượng các phòng học, phòng chức năng đã được quan tâm đầu tư bổ sung xây dựng mới, nhìn chung đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học tại các trường học [Phụ lục 4].

3.1.2.Về chất lượng giáo dục

Năm học 2015-2016, cấp THCS có 376.900 học sinh. Tỷ lệ học sinh THCS đi học đúng độ tuổi đạt 97,7%, có 4.435 học sinh dân tộc thiểu số (chiếm 1,2%), 25.809 học sinh thuộc đổi tượng chính sách, trong đó 15.955 em thuộc diện hộ nghèo. Tỷ lệ học sinh THCS theo loại hình trường ổn định:

có 96,36% học sinh THCS đang theo học các trường công lập, 3,64% theo

học các trường ngoài công lập; có 84,5% học sinh hoàn thành chương trình THCS vào học lớp 10 THPT [85]

3.1.3. Khái quát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin ở các trường trung học cơ sở Thành phố Hà Nội

Về hạ tầng CNTT của Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội hiện có 06 Server chứa các ứng dụng trực tuyến của ngành như: hệ thống báo cáo trực tuyến; hệ thống quản lý thi đua khen thưởng; hệ thống quản lý sáng kiến kinh nghiệm, đề tài khoa học; kho học liệu của ngành GD&ĐT, phần mềm dạy học dùng chung, bài giảng e-learning tiêu biểu của các thầy, cô giáo Hà Nội tự xây dựng đạt giải cao của Thành phố và Quốc gia. Hệ thống mạng cơ quan sở ổn định. Đến nay, 100% máy tính làm việc được kết nối Internet và cài đặt phần mềm chống Virus có bản quyền hợp pháp.

Trang tin điện tử của Ngành hoạt động ổn định, thường xuyên và điều hành kịp thời. Hệ thống thư điện tử của ngành đã đáp ứng tốt những yêu cầu trong quản lý điều hành. Một số CBQL, giáo viên và học sinh tích cực tham gia các diễn đàn giáo dục. Việc đưa ứng dụng CNTT trong dạy học nhằm đổi PPDH đã được triển khai sâu rộng, được đông đảo CBQL và giáo viên ủng hộ và nhiệt tình tình tham gia.Từ đó chất lượng giáo dục cấp THCS toàn thành phố đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Năm học 2015-2016, 100% các phòng GD&ĐT có website phục vụ công tác quản lý, điều hành, 100% các đơn vị sử dụng gửi, nhận văn bản qua mạng. Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc họp giao ban qua mạng với các đơn vị trực thuộc được UBND Thành phố đánh giá dẫn đầu toàn thành phố về công tác triển khai họp giao ban qua mạng.

Trong những năm gần đây, các đơn vị giáo dục được đầu tư đáng kể về CSVC, thiết bị CNTT; trình độ CNTT của đội ngũ CBQL, giáo viên trong ngành giáo dục thành phố Hà Nội đã được nâng lên rõ nét [Phụ lục 5].

Một phần của tài liệu Quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở các trường trung học cơ sở thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay (Trang 68 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(242 trang)
w