Nguyên tắc và các bước tổ chức dạy học theo quan điểm phân hóa

Một phần của tài liệu Quản lý dạy học theo quan điểm phân hóa ở trường trung học phổ thông Nam Trực huyện Nam Trực tỉnh Nam Định (Luận văn thạc sĩ) (Trang 27 - 30)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ DẠY HỌC THEO QUAN ĐIỂM PHÂN HÓA Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHÔ THÔNG

1.3. Nội dung dạy học theo quan điểm phân hóa

1.3.5. Nguyên tắc và các bước tổ chức dạy học theo quan điểm phân hóa

Căn cứ vào cơ sở lý luận và tư tưởng chủ đạo của dạy học theo quan điểm phân hóa thì quá trình tổ chức dạy học theo quan điểm dạy học phân hóa phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Giáo viên thừa nhận người học là khác nhau - Chất lượng hơn số lượng.

- Thay đổi cách tiếp cận đa phương diện/ nhiều mặt đối với nội dung, quá trình và sản phẩm.

- Tập trung vào người học. Học tập là sự phù hợp và hứng thú - Hợp nhất dạy học toàn lớp, nhóm và cá nhân. [14]

1.3.5.2. Các bước tổ chức dạy học theo quan điểm phân hóa

Để tổ chức dạy học theo quan điểm phân hóa có thể tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Điều tra, khảo sát đối tượng học sinh trước khi giảng dạy.

Bản chất và tính ưu việt của DHPH là dựa vào đặc điểm riêng biệt trong học tập của học sinh (phong cách, năng lực, nhu cầu, động cơ, điều kiện hoàn cảnh ...) để giáo viên lựa chọn mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học phù hợp. Công việc đánh giá, phân loại học sinh đầu vào này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là khâu định hướng, chỉ đạo chiến lược trong quá trình tổ chức

dạy học theo quan điểm phân hóa. Chính vì vậy, cần phải điều tra; khảo sát đặc điểm đối tượng học sinh trước khi tổ chức dạy học theo quan điểm phân hóa.

Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát có thể phân loại học sinh theo nhu cầu học tập, sở trường, phong cách học tập... Xong phân loại học sinh theo năng lực học tập là cách phổ biến nhất. Thông thường giáo viên chia học sinh lớp dạy làm 03 nhóm: Giỏi, khá - trung bình - yếu, kém. Dựa vào kết quả phân loại này GV xây dựng mục tiêu, lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh nhằm giúp mọi nhóm đối tượng học sinh ngày một tiến bộ theo năng lực của họ. Như vậy, để công tác điều tra, khảo sát đối tượng học sinh được thực hiện một cách khoa học, làm cơ sở cho DHPH thì GV cần phải được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp trắc nghiệm tâm lý, thiết kế phiếu khảo sát, bài tập đánh giá năng lực ... để công tác phân loại HS được đánh giá chính xác.

Bước 2: Lập kế hoạch dạy học, soạn bài dựa trên phân tích nhu cầu và năng lực học sinh

Sau khi nghiên cứu, nắm vững nội dung và yêu cầu bài học, GV lập kế hoạch dạy học, thiết kế giáo án lên lớp sao cho thu hút tất cả các đối tượng trong lớp cùng tham gia tìm hiểu nội dung bài học bằng cách giao nhiệm vụ phù hợp cho từng đối tượng, nhóm đối tượng học sinh. Việc lập kế hoạch dạy học và soạn giáo án lên lớp phải đảm bảo tính phân hóa theo nhóm đối tượng học sinh trong thiết kế mục tiêu, nội dung và hình thức tổ chức giờ dạy.

Đối với thiết kế mục tiêu dạy học: Xây dựng mục tiêu trên nguyên tắc đảm bảo tất cả học sinh trong một lớp đều đạt yêu cầu về kiến thức cơ bản. Đối với học sinh khá, giỏi phải được bồi dưỡng, mở rộng nâng cao kiến thức tạo nên những hạt nhân mũi nhọn cho nhà trường;đối với những học sinh yếu, kém GV phải chia nhỏ mục tiêu để dần giúp các em từng bước đạt mục tiêu cơ bản

Đối với thiết kế nội dung: Căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng từng bộ môn GV lựa chọn xây dựng nội dung bài dạy phù hợp năng lực học tập cho từng

nhóm năng lực học sinh. Đối với nhóm HS yếu, kém cần đơn giản hóa kiến thức chuẩn để học sinh nắm được tối thiểu chuẩn kiến thức kỹ năng; đối với HS khá, giỏi cần bổ sung kiến thức nâng cao và khuyến khích nhóm HS này tự học, tự nghiên cứu kiến thức nâng cao.

Thiết kế quy trình dạy học: Xuất phát từ tính đa dạng trong xây dựng mục tiêu và nội dung DH nên trong thiết kế quy trình DH cũng phải đảm bảo tính đa dạng nhằm khuyến khích mọi đối tượng học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động của giờ học.

Bước 3: Tổ chức giờ dạy bằng cách kết hợp đồng thời nhiều phương pháp và hình thức tổ chức dạy học

Để tổ chức dạy học theo quan điểm phân hóa yêu cầu GV phải thực hiện thành thạo ba hình thức lên lớp cơ bản: Tổ chức dạy học toàn lớp (tập thể), tổ chức dạy học cặp, nhóm và dạy học cá nhân.

Tổ chức dạy học toàn lớp: Hình thức dạy học này tạo ra môi trường tương tác giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh. Giáo viên đưa ra yêu cầu chung và mọi thành viên trong lớp cùng suy nghĩ giải quyết. Cách tổ chức dạy học toàn lớp đặc biệt phù hợp với hoạt động GV triển khai nội dung kiến thức cơ bản theo chuẩn kiến thức kỹ năng

Tổ chức dạy học cặp, nhóm: Để tổ chức dạy học theo cặp nhóm đạt hiệu quả GV cần chia cặp, nhóm một cách hợp lý, đảm bảo trong nhóm có đủ các đối tượng HS giỏi, khá, trung bình, yếu, kém. Hình thức tổ chức này khuyến khích HS trao đổi, hợp tác, hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau

Tổ chức dạy học cá nhân: Dạy học phân hóa là dạy học bám sát đối tượng nên ngoài hình thức tổ chức dạy học toàn lớp và dạy học cặp, nhóm giáo viên phải có sự giúp đỡ riêng. Hình thức tổ chức dạy học này đảm bảo các học sinh đều tiến bộ và đạt được mục tiêu riêng của mình.

Bước 4: Kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của học sinh trong suốt quá trình giảng dạy.[15]

Dạy học phân hóa đòi hỏi giáo viên phải có sự đánh giá thường xuyên và sử dụng nhiều hình thức kiểm tra đánh giá nhằm ghi nhận sự tiến bộ của học sinhtheo từng tiết dạy. Cần đánh giá sự tiến bộ của học sinh dựa trên kết quả khảo sát năng lực ban đầu. Để đánh giá được sự tiến bộ của học sinh đòi hỏi giáo viên thiết kế đề kiểm tra đảm bảo tính phân hóa về nội dung, đa dạng về hình thức kiểm tra. Kết hợp kiểm tra định kỳ theo quy định với đánh giá ghi nhận sự cố gắng, tiến bộ của học sinh qua các tiết dạy để tạo động lực cho học sinh phấn đấu vươn lên trong học tập.

Một phần của tài liệu Quản lý dạy học theo quan điểm phân hóa ở trường trung học phổ thông Nam Trực huyện Nam Trực tỉnh Nam Định (Luận văn thạc sĩ) (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)