Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.4. Các vấn đề cơ bản của hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông
1.4.1. Mục tiêu giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông
Mục tiêu của giáo dục đạo đức là chuyển hoá những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội thành những phẩm chất đạo đức nhân cách cho học sinh, hình thành ở học sinh thái độ đúng đắn trong giao tiếp, ý thức tự giác thực hiện các chuẩn mực của xã hội, thói quen chấp hành các quy định của pháp luật.
Về nhận thức: Cung cấp cho học sinh những tri thức cơ bản về các phẩm chất đạo đức và chuẩn mực đạo đức. Giúp học sinh có nhận thức đúng
đắn về bản chất, nội dung các chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội. Trên cơ sở đó giúp các em hình thành niềm tin đạo đức.
Về thái độ tình cảm: Giúp học sinh có thái độ đúng đắn với các quy phạm đạo đức, có tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Khơi dậy ở học sinh những rung động, những cảm xúc với hiện thực xung quanh. Để các em có thái độ rõ ràng đối với các hiện tượng đạo đức, phi đạo đức trong xã hội và có thái độ đúng đắn về hành vi đạo đức của bản thân.
Về hành vi: Có các hành vi phù hợp với các chuẩn mực đạo đức. Có quan hệ xã hội lành mạnh, trong sáng, tích cực.
1.4.2. Nhiệm vụ, vai trò của giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông
1.4.2.1. Nhiệm vụ của giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông Đảng và Nhà nước ta đã nêu rõ chủ trương: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Mục tiêu của giáo dục đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện” [16]; điều này cũng thấy vai trò và vị trí của giáo dục đạo đức cho học sinh trong giáo dục.
GDĐĐ trong nhà trường phổ thông có nhiệm vụ cơ bản sau:
- Giáo dục ý thức đạo đức: Cung cấp cho người học những tri thức cơ bản về chuẩn mực đạo đức, phẩm chất đạo đức, những yêu cầu của xã hội đối với hành vi đạo đức của mỗi cá nhân, từ đó giúp HS ý thức được và có trách nhiệm trước hành vi đạo đức của mình trong các mối quan hệ xã hội.
- Giáo dục tình cảm niềm tin đạo đức: Qua quá trình giáo dục khơi dậy ở người học những rung động, xúc cảm trước hiện thực xung quanh, biết yêu ghét rõ ràng, biết đồng cảm, chia sẻ với người khác và có niềm tin vào đạo lý, vào những điều tốt đẹp của cuộc sống từ đó có thái độ ứng xử đúng đắn trước các diễn biến phức tạp của đời sống xã hội.
- Giáo dục hành vi thói quen đạo đức: Là quá trình tổ chức rèn luyện
đạo đức trong học tập, trong sinh hoạt, trong cuộc sống nhằm tạo thói quen, tạo lập được hành vi đạo đức đúng đắn, trở thành phẩm chất của nhân cách, trở thành thói quen nhân cách bền vững.
1.4.2.2. Vai trò của giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông
Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến hành cải cách giáo dục, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, hướng vào thực hiện giáo dục có chất lượng cao để chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội toàn cầu, nhà trường có vai trò quan trọng, giữ vị trí đặc biệt trong giáo dục.
Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội, song giáo dục ở nhà trường giữ vai trò chủ đạo. GDĐĐ trong nhà trường là quá trình giáo dục bộ phận của quá trình giáo dục tổng thể, có quan hệ biện chứng với các bộ phận khác: Giáo dục đạo đức (Đức dục); Giáo dục trí tuệ (Trí dục);
Giáo dục thể chất; Giáo dục thẩm mỹ (Mỹ dục); Giáo dục lao động kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp trong đó GDĐĐ được xem là nền tảng, gốc rễ tạo ra nội lực tiềm năng vững chắc cho các mặt giáo dục khác; Giáo dục đạo đức tạo ra nhịp cầu gắn kết giữa nhà trường và xã hội, con người và cuộc sống.
Nhà trường THPT coi GDĐĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Mục đích giáo dục của nhà trường không ngoài mục đích hình thành và phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ.
Ở nhà trường GDĐĐ cho học sinh là hình thành ý thức đạo đức, hành vi thói quen đạo đức, tình cảm đạo đức, hành vi thói quen đạo đức của học sinh theo những nguyên tắc đạo đức dân tộc, đạo đức cách mạng, đạo đức XHCN.
GDĐĐ ở trường THPT là một hoạt động có tổ chức có mục đích, có kế hoạch nhằm biến những nhu cầu, chuẩn mực đạo đức theo yêu cầu của xã hội thành những phẩm chất, giá trị đạo đức cá nhân học sinh, nhằm góp phần phát triển nhân cách của mỗi cá nhân vá thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội.
Quản lý tốt hoạt động GDĐĐ học sinh ở trường THPT là góp phần thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục-đào tạo trong thời kỳ công nghiệp
hóa – hiện đại hóa.
1.4.3. Nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông
Nội dung GDĐĐ là những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc những giá trị đạo đức cần thiết của con người Việt Nam trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước. Trên cơ sở kế thừa những chuẩn mực đạo đức truyền thống, kết hợp với lý luận chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung GDĐĐ bao gồm những vấn đề sau:
- Giáo dục ý thức chính trị: là ý thức về quyền lợi giai cấp, sự tồn vong và giàu mạnh của đất nước về vai trò của đất nước trong quan hệ với các quốc gia trên thế giới. Nó bao hàm ý thức về chủ quyền dân tốc, về tồn tại và toàn vẹn lãnh thổ, về sự giàu mạnh của đất nước, về đường lối lãnh đạo và chiến lược phát triển đất nước của Đảng và Chính phủ, sự tuân thủ chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia, về thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ trong cuộc sống, học tập, lao động, nghĩa vụ quân sự, ...
- Giáo dục ý thức pháp luật: thể hiện ở việc tham gia xây dựng các bộ luật, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của luật pháp, đấu tranh để pháp luật được thực hiện công minh, quyền được bảo hộ của luật pháp.
- Giáo dục ý thức đạo đức: thể hiện ở sự nhận thức và thực hiện các quy tắc, chuẩn mực trong quan hệ xã hội, được hình thành và phát triển trong cuộc sống, được cả xã hội thừa nhận về thiện, ác, lẽ phải, công bằng, văn minh, lương tâm, trách nhiệm, mục đích cuộc sống, nếp sống, lối sống, trong gia đình, trong tập thể, trong cộng đồng và xã hội, ...
- Phát triển ý thức đạo đức: trang bị cho học sinh những hiểu biết, niềm tin về các chuẩn mực, các quy tắc đạo đức như giáo dục ý thức sống; giáo dục lối sống cá nhân; giáo dục ý thức về các mối quan hệ trong gia đình, trong tập thể và ngoài xã hội; giáo dục ý thức về cuộc sống lao động sáng tạo; giáo dục về nghĩa vụ lao động và bảo vệ tổ quốc.
- Bồi dưỡng tình cảm đạo đức: hình thành và phát triển những xúc cảm, tình cảm đạo đức trong sáng; xây dựng niềm tin đạo đức dựa trên cơ sở kết hợp hài hoà giữa nhận thức và tình cảm đạo đức đã đạt được. Từ đó hình
thành nhu cầu, động cơ, tình cảm phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
- Giáo dục hành vi đạo đức: trang bị cho học sinh những nhu cầu nhận thức đạo đức và văn hoá đạo đức để họ có các hành vi phù hợp với các chuẩn mực của xã hội.
Trong nhà trường THPT Việt Nam hiện nay: nội dung GDĐĐ trên còn được cụ thể hóa, đó là giáo dục học sinh thấm nhuần thế giới quan Mác - Lênin, tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh, tình yêu quê hương đất nước, con người, biên giới, biển đảo, lòng nhân ái, tình yêu lao động, tính cộng đồng…
1.4.4. Các phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông
Giáo dục đạo đức là con đường để hình thành nhân cách thế hệ trẻ theo mục đích xã hội, quá trình này được thực hiện bằng các hình thức sau đây:
1.4.4.1. Nội dung giáo dục đạo đức thông qua các môn học
Nội dung giáo dục đạo đức thông qua môn Giáo dục công dân và được tích hợp từ các môn học trong chương trình học của học sinh đảm bảo các nội dung:
Giáo dục quan hệ cá nhân của học sinh đối với xã hội như: Giáo dục lòng yêu hương đất nước, yêu Chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc; Giáo dục niềm tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc; Giáo dục lòng tôn trọng, giữ gìn các di sản văn hóa của dân tộc, có thái độ tiến bộ đối với các giá trị truyền thống và tinh thần quốc tế vô sản; Biết ơn các vị tiền liệt có công dựng nước và giữ nước, giáo dục lòng tin yêu Đảng Cộng Sản Việt Nam và kính yêu Bác Hồ.
Giáo dục quan hệ cá nhân của học sinh đối với lao động: Giáo dục học sinh có thái độ đúng đắn đối với lao động, biết yêu thích lao động, chăm chỉ học tập, say mê khoa học, biết quý trọng người lao động dù lao động chân tay hay lao động trí óc.
Giáo dục quan hệ cá nhân học sinh đối với tài sản xã hội, di sản văn hóa và thiên nhiên: Giáo dục yêu cầu bản thân các em phải có ý thức giữ gìn,
tiết kiệm, bảo vệ của công, không xâm phạm tài sản chung và của cải riêng của người khác. Biết bảo vệ môi trường tự nhiên nơi cư trú, học tập và nơi công cộng.
Giáo dục quan hệ cá nhân của học sinh đối với mọi người xung quanh:
Giáo dục các em biết kính trọng ông bà, cha mẹ, anh chị và những người lớn tuổi; Biết kính trọng, lễ phép, lòng biết ơn đối với thầy cô giáo; Đối với em nhỏ phải có sự cảm thông, nhường nhịn, giúp đỡ, vị tha; Giáo dục tình bạn chân thành, tình yêu chân chính, dựa trên sự cảm thông, hết sức tôn trọng và có cùng mục đích lý tưởng chung. Có tinh thần khiêm tốn, luôn lắng nghe và biết học hỏi. Giáo dục tính thông cảm, đoàn kết tương trợ, tôn trọng lợi ích và ý chí tập thể.
Giáo dục quan hệ cá nhân đối với bản thân: Phải luôn tự nghiêm khắc đối với bản thân mình khi có sự sai phạm; bản thân có đức tính khiêm tốn, thật thà, có tính kỷ luật, có ý chí, có nghị lực, có tinh thần dũng cảm, lạc quan yêu đời…
Giáo dục cho học sinh có tính nhân văn, biết cảm thụ với cái đẹp, biết bảo vệ hòa bình, sống thân thiện với môi trường,…
1.4.4.2. Nội dung GDĐĐ thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp
Các hoạt động ngoài giờ lên lớp như sinh hoạt Đoàn thanh niên và các hoạt động văn nghệ, văn hoá, thể thao, các buổi ngoại khoá về các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, góp phần chống các tệ nạn xã hội, các chủ đề uống nước nhớ nguồn, tìm hiểu truyền thống dân tộc, an toàn giao thông....
Giáo dục đạo đức thông qua các giờ lao động công ích và vệ sinh trường lớp, vệ sinh các công trình công cộng.... Thông qua con đường này, giáo dục cho học sinh có nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa lao động trí óc và lao động chân tay; qua đó giáo dục lòng yêu lao động, sự trân trọng với các thành quả lao động của cá nhân, của cộng đồng và xã hội.
Qua lao động, các em sẽ thu được những kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Thói quen phục tùng những lợi ích của tập thể. Đặc biệt lao động
gắn liền với học tập là một trong những nguyên lý giáo dục của chúng ta hiện nay.
1.4.4.3. Giáo dục đạo đức bằng hình thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện hoàn thiện mình
Đây là nhân tố quyết định trực tiếp đến trình độ đạo đức của mỗi học sinh. Sự phát triển đạo đức đòi hỏi có sự tác động bên ngoài và những động lực bên trong. Đó chính là giáo dục và tự giáo dục. Tự giáo dục cũng mang yếu tố quyết định đến việc rèn luyện đạo đức.
1.4.4.4. GDĐĐ thông qua sự gương mẫu của người thầy
Lứa tuổi này, các em đã biết nhìn nhận, đánh giá người thầy với thái độ: “Trọng thầy vì đạo đức của thầy. Phục thầy vì kiến thức của thầy. Quý mến thầy vì lòng độ lượng của thầy”. Các em hiểu được mặt yếu, mặt mạnh của giáo viên, biết nhận xét đánh giá từng thầy cô và có xu hướng cảm phục những giáo viên giỏi, có phẩm chất cao quý, luôn tự hào về các giáo viên đó.
Các em sẵn sàng làm theo sự hướng dẫn của họ và họ - những người thầy giáo cao quý đó thực sự là tấm gương cho học sinh học tập và làm theo.
Người thầy luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Nhân cách của người thầy có một ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh.