Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG ĐIỀU HÀNH CÁC HOẠT ĐỘNG TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC
1.3. Nội dung quản lý ứng dụng CNTT trong trường tiểu học
Nội dung quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành hoạt động tại trường tiểu học được chúng tôi xác định dựa trên các chức năng quản lý; đồng thời có tính đến các điều kiện khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý hoạt động này.
1.3.1. Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành hoạt động tại trường tiểu học
Từ hoạt động ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục đó là một bước chuyển tạo nên sự đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT nói chung, giáo dục tiểu học nói riêng. Bước chuyển này đòi hỏi GV và CBQL trường tiểu học phải thay đổi tư duy về ứng dụng CNTT và quản lý ứng dụng CNTT trong nhà trường. Cụ thể là:
- Mục tiêu ứng dụng phải định hướng vào hiệu quả đạt được của công tác quản lý nhà trường.
- Nội dung ứng dụng phải nhằm “nâng cao hiệu quả của công tác quản lý các hoạt động trong nhà trường.
- Phương pháp quản lý phải “theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng thuận tiện, kỹ năng ứng dụng CNTT của đội ngũ CBQL, GV và học sinh; khắc phục lối quản lý thủ công
Để nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của CBQL và GV trường tiểu học về ứng dụng CNTT và quản lý ứng dụng CNTT trong nhà trường cần phải tiến hành các công việc như: Tổ chức phổ biến, quán triệt cho CBQL và GV về chủ trương, ý nghĩa, sự cần thiết của ứng dụng CNTT và quản lý ứng dụng CNTT trong nhà trường; Đưa ứng dụng CNTT vào kế hoạch năm học của nhà trường, của từng tổ chuyên môn và từng GV; Thống nhất quan điểm về ứng dụng CNTT; Chỉ đạo các tổ chuyên môn sinh hoạt, thảo luận về ứng dụng CNTT; Chỉ đạo các bộ phận chức năng, các tổ chức trong nhà trường ý thức sẵn sàng phối hợp thực hiện ứng dụng CNTT 1.3.2. Xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam “Kế hoạch theo nghĩa chung là toàn thể những việc dự định làm gồm các công tác sắp xếp có hệ thống quy vào mục đích nhất định và thực hiện trong thời gian đã định trước”.
Xây dựng kế hoạch là công việc đầu tiên của mọi hoạt động quản lý.
Công việc này bao gồm xác định mục tiêu, xây dựng chương trình hành động và thiết lập các bước đi cụ thể để đạt được mục tiêu trong một thời gian nhất định của hệ thống quản lý.
Để xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin điều hành hoạt động tại trường tiểu học, hiệu trưởng cần căn cứ vào chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của Đảng; chỉ thị của các cấp quản lý; dựa vào điều kiện thực tế của nhà trường để phác thảo một cách tổng quát khung của bản kế hoạch, bao gồm: các mục tiêu, chỉ tiêu; các giải pháp, biện pháp thực hiện;
các bước đi cụ thể tương ứng với những khoảng thời gian nhất định... Sau khi soạn thảo kế hoạch, yêu cầu các đơn vị thảo luận, góp ý kiến để hoàn chỉnh.
Khi triển khai việc xây dựng kế hoạch như vậy, hiệu trưởng đã thực hiện hai quy trình quản lý xây dựng kế hoạch: từ trên xuống và từ dưới lên.
Trên cơ sở của kế hoạch tổng thể đã được phê duyệt, hiệu trưởng chỉ đạo các tổ chuyên môn, GV xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng đơn vị và cá nhân.
Cùng với việc xây dựng kế hoạch, điều quan trọng hơn là hiệu trưởng phải tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra để đảm bảo kế hoạch được tất cả các thành viên trong nhà trường thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả.
1.3.2. Tổ chức các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin
Tổ chức bộ máy quản lý ứng dụng công nghệ thông tin điều hành hoạt động tại trường tiểu học
Tổ chức là sắp xếp, bố trí hợp lý các nguồn lực, đảm bảo cho cả hệ thống vận hành thông suốt, đạt được mục tiêu quản lý.
Để ứng dụng công nghệ thông tin điều hành hoạt động tại trường tiểu học được triển khai có hiệu quả, cần tổ chức một bộ máy quản lý. Bộ máy này bao gồm một tổ chức thực hiện chức năng quản lý và một cơ chế quản lý thích hợp
Từ đó, nhà trường cần thành lập Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin điều hành hoạt động tại trường tiểu học, bao gồm Ban giám hiệu nhà trường, Tổ trưởng chuyên môn, đại diện các đoàn thể, một số GV... do hiệu trưởng làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là thống nhất mục đích, yêu cầu chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin điều hành hoạt động giáo dục trong toàn trường; phân công các thành viên phụ trách từng lĩnh vực hoạt động hay từng đơn vị; theo dõi, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn
vị và cá nhân; định kỳ có sự đánh giá việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin điều hành hoạt động giáo dục...
Cùng với thành lập Ban chỉ đạo, cần xây dựng cơ chế quản lý ứng dụng công nghệ thông tin điều hành hoạt động giáo dục
1.3.3. Chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin
Đổi mới quản lý giáo dục đòi hỏi phải tăng cường ứng dụng CNTT trong các hoạt động giáo dục. Đó là vận dụng các phần mềm công cụ để trực quan hóa nội dung quản lý; tạo ra những sản phẩm phục vụ công tác quản lý như nguồn học liệu mở, các phần mềm quản lý giáo viên, quản lý học sinh…
Nhờ ứng dụng CNTT mà công tác quản lý trở nên hiệu quả hơn đối với các hoạt động giáo dục
Khi chỉ đạo ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động quản lý các hoạt động điều hành trong nhà trường, hiệu trưởng cần tập trung.
- Làm cho CBQL, GV thấy rõ tầm quan trọng và lợi ích của CNTT đối với hoạt động quản lý, từ đó họ có ý thức trong việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động giáo dục của nhà trường
- Xây dựng các quy định, triển khai các phần mềm tiện ích chung và đặc trưng bộ môn để thiết kế bài giảng điện tử , bài giảng E-learning phù hợp.
- Tổ chức thi các sản phẩm ứng dụng CNTT trong quản lý học sinh, quản lý kiểm tra đánh giá học sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường
1.3.4. Kiểm tra, đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin
Để đảm bảo hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động điều hành của nhà trường, nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, nhà trường cần giám sát, kiểm tra và đánh giá thường xuyên để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Căn cứ vào thời gian kiểm tra, có thể phân loại các loại hình kiểm tra hoạt động ứng dụng CNTT thành: kiểm tra trước khi thực hiện kế hoạch, kiểm tra trong quá trình thực hiện kế hoạch; kiểm tra sau khi hoàn thành kế hoạch.
Quá trình kiểm tra giám sát được diễn ra như sau:
- CBQL đặt ra những chuẩn mực kết quả cần đạt của hoạt động.
- CBQL đối chiếu, đo lường kết quả so với chuẩn mực đã đặt ra.
- CBQL tiến hành những điều chỉnh, những sai lệch.
- CBQL hiệu chỉnh, sửa lại chuẩn mực nếu cần.
Trong trường tiểu học, có thể kiểm tra kết quả thực hiện, kiểm tra qua các bài thi, qua quan sát, tự kiểm tra, đánh giá qua các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể của từng hoạt động, kiểm tra qua các tình huống…
Qua kiểm tra, đánh giá để xác nhận mức độ đạt được các mục tiêu việc ứng dụng công nghệ thông tin và cũng từ đó rút kinh nghiệm, tìm ra phương pháp quản lý tốt, chưa tốt, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch quản lý việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động điều hành ở những năm tiếp theo.
Người HT yêu cầu cho Ban chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động điều hành của trường thu thập các thông tin để đánh giá kết quả hoạt động việc ứng dụng công nghệ thông tin và đưa ra các quyết định cần thiết để điều chỉnh hoạt động đó của nhà trường được hiệu quả hơn.
1.3.5. Quản lý các điều kiện hỗ trợ hoạt động ứng dụng CNTT
Để hoạt động ứng dụng CNTT đạt được hiệu quả cao thì các điều kiện cho hoạt động này cũng phải được đảm bảo và được quản lý tốt. Vì vậy các nhà trường có trách nhiệm huy động, sử dụng cơ sở vật chất, các nguồn lực hiện có để phục vụ cho ứng dụng CNTT có chất lượng và hiệu quả cao.
Ngoài các chức năng quản lý trên, để việc ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả, thì việc quản lý CSVC, trang thiết bị, kinh phí phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết. Có thể kể đến việc quản lý sử dụng các phòng chức năng; quản lý sử dụng các thiết bị cho việc ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý việc đầu tư bổ sung các trang thiết bị; quản lý kinh phí dành cho tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về tổ chức việc ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý kinh phí dành cho việc bồi dưỡng năng lực ứng dụng CNTT trong quản lý cho nguồn nhân lực trong nhà trường; quản lý kinh phí dành cho các hoạt động bắt buộc, hoạt động ứng dụng CNTT, các chuyên đề...; quản lý việc huy động các nguồn kinh phí cho việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó việc quản lý sự phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường để phát huy, khai thác những thế mạnh, tiềm năng của các tổ chức đó trong việc hỗ trợ nhà trường triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động điều hành cũng là một vấn đề cần được coi trọng.