Chương 3: Ngôn ngữ và thủ pháp trần thuật
1. Ngôn ngữ trần thuật
1.1. Ngôn ngữ có tính đối thoại đa thanh
Trong Bàn về văn học M. Goorki cho rằng: “Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên, là chất liệu, phương tiện đặc trưng của văn học”, ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy, chính ngôn ngữ đã phản ánh một cách cụ thể, chính xác, sinh động những biến đổi của tư duy văn học.
Nếu ngôn ngữ trong tiểu thuyết truyền thống chủ yếu là ngôn ngữ độc thoại thì tiểu thuyết truyết Việt Nam đương đại (đặc biệt sau đổi mới) đã có sự cách tân đáng chú ý trong việc lựa chọn ngôn ngữ để tạo ra tính đối thoại, đa thanh, đa âm cho tiểu thuyết.
Theo Từ điển văn học tính đối thoại được định nghĩa như sau: đó là
“một đặc trưng của tiểu thuyết, chứa đựng nhiều tiếng nói khác nhau, tranh luận với nhau” [20 - Tr. 1739]. Đây là một phát hiện của Bakhtin. Ông cho rằng, trong tiểu thuyết những tiếng nói khác nhau đan xen lẫn nhau, đối kháng nhau, được tạo nên bởi đối thoại giữa các nhân vật với những tình cảm, suy tư khác nhau, đối lập nhau, đứng cạnh nhau, trao đổi, cãi vã nhau… làm nên tính đa thanh, đối thoại của tiểu thuyết.
Kế tiếp đàn anh Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh…
trong việc cách tân về mặt ngôn ngữ để tạo nên tính đối thoại, đa thanh cho tác phẩm của mình, Võ Thị Hảo với Giàn thiêu đã thoát khỏi ngôn ngữ độc thoại ở tiểu thuyết truyền thống để xây dựng ngôn ngữ đối thoại, đa thanh.
Trong Giàn thiêu, nhà văn đã sáng tạo được một thứ ngôn ngữ đa dạng phức tạp, vừa biểu đạt được thế giới hiện thực (lịch sử dưới hai triều đại vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông) vừa thể hiện được thế giới bên trong (tâm
Khoá luận tốt nghiệp
trạng, cảm xúc, nội tâm) của nhân vật với đầy đủ các cung bậc khác nhau: Hi vọng và thất vọng; hạnh phúc và khổ đau; nhân tính và phi nhân tính… Đó có thể là thứ ngôn ngữ tinh tế, nhạy cảm, đầy chất thơ, những hình ảnh đẹp, nhưng cũng có thể là thứ ngôn ngữ đầy mộng mị, ma quái… Sự phức hợp của những kiểu ngôn ngữ trần thuật ấy tạo nên sức cuốn hút và hấp dẫn mạnh mẽ ở Giàn thiêu.
Trước tiên, chúng tôi bắt gặp ở Giàn thiêu những cấu trúc ngôn ngữ lạ.
Nó thường mang ít nhất hai tầng bậc ý nghĩa đối chọi, mâu thuẫn, có khi còn tranh luận với nhau. Đó cũng là một trong những phương thức tạo nên tính đối thoại, đa thanh của tiểu thuyết.
Chẳng hạn, khi nói về giáo lí của đạo Phật, Thập Quang đại sư khẳng định: “Con đường đến với đức Phật ngắn nhất không phải trên những đống xương thù hận”. [7 - Tr. 199]. Còn Từ Lộ khi đã trở thành một Đạo Hạnh đại sư, dùng đạo Phật để giáo hoá chúng sinh nhưng trong tâm luôn hoài nghi, trăn trở về giáo lí mà mình đang thuyết giảng: “Cớ sao đức Phật nói về làm điều thiện, mà lại dùng những từ ác như chết chóc”, “ Phải chăng trên thế gian này, không có điều thiện nào không kéo thêm một điều ác?” [7 - Tr. 430].
Ngôn ngữ lúc này vừa đối chọi, mâu thuẫn vừa mang tính triết lí về Phật giáo, triết lí về cuộc đời: Có khi bản thân ta làm điều thiện nhưng chính trong điều thiện đó lại ngầm chứa một cái ác bên trong cũng như Từ Đạo Hạnh, bên ngoài dùng Phật giáo để giáo hoá chúng sinh, dùng thuốc chữa bệnh cho chúng sinh, nhưng trong tâm lại đang lừa dối chúng sinh, ngọn lửa dục vọng luôn cháy trong con người ông.
Có lúc, tác giả sử dụng những cấu trúc ngôn ngữ lạ, đặc biệt là những câu văn ngắn, có lúc chuyển đoạn bằng một từ, có lúc lại bằng một bài thơ, một bài đồng dao, một đoạn trong giáo lí Phật hay lặp đi lặp lại nhiều lần một cấu trúc ngôn ngữ nào đó… Cách dẫn dắt rất tự nhiên, độc đáo nhưng không
Khoá luận tốt nghiệp
đột ngột, đứt quãng mà nó như sợi dây vô hình kết nối từng dòng hồi ức miên man, từng cung bậc tâm trạng của các nhân vật, làm cho quá khứ - hiện tại lồng chéo, đan xen nhau.
Giờ phút Từ Lộ đắc đạo, thông thạo lục huyền, câu văn: “Nắm nhưng này cháy cho những giọt sữa của Dã Nhân” được lặp đi lặp lại ba lần [7 - Tr.
358] và câu văn: “Không biết đã bao nhiêu thời khắc trôi qua” [7 - Tr. 358]
cũng được nhắc lại nhiều lần gợi lên trong Từ dòng kí ức về Dã Nhân. Những giọt sữa Dã Nhân đã cứu sống Từ, đã nuôi dưỡng Từ. Dã Nhân không phải là người nhưng có tính yêu thương, che chở như con người, cớ sao con người lại làm điều ác?
Có khi là những câu văn tả cảnh Lý Thần Tông vật vã trong lốt hổ - như sự trừng phạt của tham vọng quá mãnh liệt “Thần Tông nằm vật vã trên nệm gấm” được lặp lại ba lần. Có khi, tác giả chuyển đoạn bằng một từ “Mưa” [7 - Tr. 498], hoặc những câu văn ngắn, đứt quãng:
“ Thê lương rợn người
Tiếng cú, tiếng chim lợn nổi rõ trong đêm
Dường như đây mới chính là địa ngục” [7 - Tr. 380].
Câu văn ngắn đã gợi lên sự ma quái, mộng mị, tạo nên chất huyền thoại, dã sử của Giàn thiêu. Lại có những câu văn dài chuyển đoạn như một dòng tâm trạng miên man của nhân vật Thần Tông: “Ngài bỗng muốn được người đàn bà kì lạ đang quỳ trước mặt ấy choàng tay ôm vào lòng. Bà ta có biết ru không nhỉ? Sư bà có thể ru ta với lời ru của người mẹ hay với sự ấm nóng của lồng ngực người đàn bà? Tại sao ở bà ta lại toát ra nỗi quyến rũ huyền hoặc, yêu tinh hay thần nữ? Một kẻ tu hành hay là một kẻ bị giáng xuống nơi trần thế này để chịu kiếp nạn” [7 - Tr. 283]. Những câu văn này làm độc giả cảm nhận được trong Thần Tông luôn tồn tại một Từ Lộ, dù đang chìm trong quyền lực nhưng vẫn khao khát tình yêu, khao khát được che chở.
Khoá luận tốt nghiệp
Mặt khác, ngôn ngữ trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo là những cấu trúc không liền mạch, không ăn khớp, đứt nối, tưởng chừng như là sự chắp vá.
Đây là hệ quả tất yếu của lối kết cấu lắp ghép và phân mảnh, của lối trần thuật phi tuyến tính. Điều này tạo ra tính chất “mở” của tiểu thuyết, làm cho tiểu thuyết được kể không đầu không cuối, lửng lơ vô hồi trong thời gian vô hạn, có thể xảy ra ở thời Lý, có thể đang diễn ra ở hiện tại hôm nay. Có những chuỗi ngôn từ trong tác phẩm phản ánh dòng tâm trạng ngổn ngang, bề bộn, quá khứ - hiện tại đan xen trong kí ức, tâm hồn nhân vật đó là khi người kể chuyện kể về những cảm nhận và trăn trở trong tâm hồn Nhuệ Anh: “Cơn giông sầm đổ. Rồi trời quang tạnh và hoa gạo như những bụm máu qua vai một người con trai. Thác Oán. Túp lều lau sậy le lói bên bếp lửa. Người đàn ông Cá Bơn…Ta những tưởng dứt bỏ lòng trần, đường tu trọn kiếp… Nào ngờ…” [7 - Tr. 284].
Có lúc là tâm trạng hoài nghi, lạc lõng của Từ Lộ khi đã trả được mối thù cho gia đình, trở thành một đại sư chuyên thuyết giảng đạo đức cho chúng sinh nhưng luôn trăn trở, hoài nghi chính những gì mình đang thuyết giảng, tuy diệt dục nhưng ngọn lửa dục vẫn âm ỉ cháy: “Ta đã thọ “Bát quan giới trai” một cách khá dễ dàng so với nhiều người, nhưng có thật tự trong lòng không mơ ước lầu son gác tía và không luôn mường tượng lại hình bóng của nàng Nhuệ Anh cùng lần ân ái duy nhất trong đời cùng nàng” [7 - Tr. 429].
“Bao năm nay, ta cũng tự hành xác như đức Phật, khinh rẻ vật dục. Ta vẫn thức đấy chứ? Nào có dám ngủ!
Có lẽ vì ta thức, nên ta đã thấy quá nhiều” [7 - Tr. 430].
Qua đó, tác giả như muốn đối thoại với bạn đọc về vấn đề niềm tin tôn giáo: liệu tôn giáo có đủ sức để cảm hoá, giáo hoá được chúng sinh hay không? Bên cạnh những câu văn phản ánh dòng tâm trạng bộn bề, ngổn ngang đan xen giữa kí ức - hiện tại của nhân vật thì việc sử dụng một tần số rất lớn
Khoá luận tốt nghiệp
những câu hỏi tu từ gắn với ngôi kể, điểm nhìn của các nhân vật này cũng có tác dụng không nhỏ trong việc làm tăng tính đối thoại cho tiểu thuyết. Ta có thể bắt gặp rất nhiều trong Giàn thiêu qua đôc thoại nội tâm của nhân vật Đạo Hạnh: “Cớ sao đức Phật nói về làm điều thiện, mà lại dùng từ ác như chết chóc?”,“Phải chăng trên thế gian này, không có điều thiện nào không kéo thêm một điều ác?” [7 - Tr. 430].
Có khi ngôn ngữ trần thuật làm tăng tính đối thoại với quá khứ qua những câu hỏi tu từ mà Dương Thái hậu đặt ra trong cuộc tranh luận với Ỷ Lan: “Cái bức đạo vóc đẹp đẽ mà của triều đình bao giờ cũng dệt nên bởi những mưu mô và thủ đoạn được kéo ra từ những con kén ngậm máu và nước mắt sao…?” [7 - Tr. 236] hay “Người có thật sự tin rằng Phật đang ngự tại những ngôi chùa lộng lẫy mà ngươi đã xây nên không?... [7 - Tr. 239]. Những câu hỏi tu từ này đã tạo nên sức dồn nén của ngôn ngữ. Nó không chỉ giúp người đọc hiểu diễn biến nội tâm nhân vật mà còn mở rộng tầm nhìn về những vấn đề mà tác phẩm muốn đề cập đến. Ở đây, Võ Thị Hảo muốn bạn đọc cùng suy ngẫm và đối thoại với lịch sử, với quá khứ.
Như vậy, có thể khẳng định, bằng tài năng tổ chức ngôn từ, Võ Thị Hảo đã tạo nên một thứ ngôn ngữ giàu tính đối thoại mang lại hiệu quả biểu đạt đầy bất ngờ, kích thích khả năng đối thoại của độc giả với quá khứ và lịch sử.
Đồng thời đây cũng là yếu tố thể hiện cá tính sáng tạo của tác giả trong Giàn thiêu.
1.2. Ngôn ngữ có tính tốc độ, thông tin và triết luận
Ngôn ngữ có tính tốc độ, thông tin là hệ quả tất yếu của ngôn ngữ đối thoại, đa thanh. Giàn thiêu là một tiểu thuyết lịch sử nhưng không hướng tới sự phản ánh sự thật lịch sử mà hướng tới sự đối thoại với lịch sử, một lịch sử gắn với giả định để suy tưởng, nghiền ngẫm. Vì thế ngôn ngữ tốc độ, thông tin và triết luận được Võ Thị Hảo khai thác và thể hiện rất rõ trong Giàn thiêu.
Khoá luận tốt nghiệp
Tính tốc độ của ngôn ngữ trần thuật của tiểu thuyết này thể hiện ở mạch truyện dồn dập, đối thoại giữ vai trò quan trọng trong sự mở rộng cốt truyện, đối thoại luôn ẩn chứa trong độc thoại, đặc biệt là việc sử dụng những câu văn ngắn, dồn dập. Chẳng hạn, khi viết về vua Lý Thần Tông trước cảnh giàn thiêu ở Na Ngạn: “Thần Tông ôm bụng. Ngài khóc. Hai chân ngắn ngủi giẫm đất bình bịch. Ngài ngự nôn thốc tháo” [7 - Tr. 38] - Như một sự giải thiêng lịch sử khi viết về vị vua thơ trẻ. Có khi là thứ ngôn ngữ dồn dập của tâm trạng, biểu thị mặt lí trí và cảm xúc trong con người Từ Lộ: “Chàng nghe tiếng những bước chân Nhuệ Anh xa dần. Cả tiếng nức nở nghẹn uất của cô gái. Có bàn tay phũ phàng giật mạnh quả tim trong lồng ngực chàng. Cảm giác đau đớn nhục thể trống rỗng xâm chiếm trong Từ. Sợi dây cuối cùng nối chàng với cõi đời đã đứt” [7 - Tr.161]. Những câu văn tuy ngắn nhưng có khả năng chứa đựng sự giằng xé, chùng chình, đau đớn của nhân vật Từ Lộ. Có khi tác giả sử dụng những câu đơn dồn dập, liên tiếp nhau khi viết về Lý Nhân Tông trước cảnh tượng nhìn thấy gương mặt Tiên đế Nhân Tông trong chiếc rốn “Chu sa đỗ tễ” của Ngạn La:
“Nhưng đầu gối của Thần Tông bỗng lơi ra.
Chàng thét lên một tiếng.
Qua làn nước mắt, hai người nhìn thấy rất rõ, gương mặt đẹp và lạnh ngắt.
Vẫn là gương mặt của Tiên đế Nhân Tông.
Mặt ấy chưa từng chiếm được nàng nhưng cũng không cho nàng thuộc về ai”. [7 - Tr. 492]. Với cách sử dụng câu văn như thế, nhà văn đã mang lại cho người đọc cảm giác hồi hộp, bất ngờ. Tăng cường tính tốc độ cũng chính là tăng khả năng thông tin cho ngôn ngữ và ngược lại. Để tăng cường lượng thông tin cho tác phẩm, tác giả đã xây dựng được một hệ thống ngôn ngữ vô cùng phong phú trong Giàn thiêu. Ta bắt gặp ở đây sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ lịch sử và ngôn ngữ tiểu thuyết, có cả ngôn ngữ của nhà Phật,
Khoá luận tốt nghiệp
ngôn ngữ của tầng lớp Nho học và ngôn ngữ bình dân... Chính điều này đã tạo nên một thứ ngôn ngữ ảo diệu, mê hoặc vừa mang màu sắc tôn giáo vừa gần gũi với tín ngưỡng dân gian. Chẳng hạn, đoạn văn tả cảnh Từ Lộ sau khi chặn đoàn xe ngựa dâng đức vua lá đơn kiện cái chết oan khiên của cha nhưng bị gạt đi: “Trống lại điểm. Thanh ba nào bạt lại rộn ràng. “Thánh thượng hồi cung!” Tiếng hô của quan Tả đô vệ hùng dũng thốt lên, thớt voi trắng được quản tượng điều tới, phủ phục trước đài cao. Mảnh lụa viết bằng máu của Từ Lộ lảo đảo rơi xuống chín bậc cửu trùng. Từ Lộ bị lôi xềnh xệch ra khỏi đài cao, đẩy đổ gục xuống chân đám người nhốn nháo chen lấn. Trước khi ngất Từ còn nhìn thấy lớp lớp chân voi ngựa giẫm nát lá huyết đơn” [7 - Tr.152].
Có khi lại là sự kết hợp giữa ngôn ngữ nhà Phật với ngôn ngữ lịch sử, chính xác ngày tháng nhưng lại mang màu sắc tín ngưỡng dân gian. Chẳng hạn đoạn trích trong chương XVII: “Con đường đó vẫn hiện lên hun hút trong tấm gương đồng, dẫn dắt linh hồn của Thần Tông tìm về kiếp trước… Năm Hội Phong thứ bảy (1098). Mùa thu. Sao Chổi hiện ra ở phía tây bắc kinh thành Thăng Long. Đuôi sao quét dài khắp bầu trời, hắt thứ ánh sáng hung đỏ trùm khắp kinh thành. Người già chạy cả ra sân ngửa mặt lên trời khóc. Các bà mẹ dúi con trẻ xuống gầm giường cốt sao ánh sáng quái dị của sao Chổi không thể chạm vào người chúng” [7 - Tr. 373]. Ở Giàn thiêu, đã có sự kết hợp hài hoà ngôn ngữ cô đọng súc tích, bám sát sự kiện lịch sử với ngôn ngữ tiểu thuyết giàu sắc thái cung cấp cho người đọc nhữnh thông tin khái lược về nhân vật, sự kiện và thời đại.
Ngôn ngữ trần thuật của Võ Thị Hảo có vẻ cầu kì bí hiểm, không đơn giản bề ngoài mà luôn chứa đựng nhiều tầng nghĩa. Chính sự đa nghĩa của ngôn ngữ trong tác phẩm đã làm nên tính triết luận của Giàn thiêu. Câu chuyện về ba kiếp tái sinh của Từ Lộ, Từ Đạo Hạnh, Thần Tông gắn với những biến cố và sự kiện lịch sử từ 1088 đến 1138 với những hư cấu độc đáo
Khoá luận tốt nghiệp
như một triết luận, sự suy ngẫm của tác giả về sự giải thoát, về niềm tin tôn giáo, về những tham vọng và hạnh phúc, về quyền lực và thân phận con người. Kiếp luân hồi Từ Đạo Hạnh sang Thần Tông như một triết luận về số phận con người giữa hai thế giới thực ảo đan xen. Bên cạnh đó, việc lựa chọn một thời điểm lịch sử nhạy cảm và những nhân vật lịch sử phức tạp làm chất liệu sáng tác, Võ Thị Hảo đã thể hiện khuynh hướng triết luận trong tiểu thuyết bằng sự kết hợp giữa cảm hứng chiêm nghiệm lịch sử và cảm hứng thế sự trong tiểu thuyết lịch sử đương đại làm cho ngôn ngữ trong Giàn thiêu giàu màu sắc triết luận, tính triết luận còn được ẩn vào trong những đoạn đối thoại và độc thoại nội tâm, từ đó gửi gắm quan niệm nhân sinh và tư tưởng nhà văn.
Chẳng hạn, sau khi đã trở thành vị Đại sư Từ Đạo Hạnh được dân chúng thành kính lại tự hỏi lòng mình: “Ta có thật lòng tin rằng có Niết Bàn?”, “Ta có cạn lòng để đến được tâm không?”, “Con rắn độc phiền nào nó đã thức dậy trong ta chăng?” [7 - Tr. 427]. “Phải chăng trên thế gian này, không có điều thiện nào không kéo thêm một vài điều ác?” [7 - Tr. 430]…
Như vậy, tính tốc độ, thông tin và triết luận của ngôn ngữ là những yếu tố góp phần thể hiện đậm nét cá tính sáng tạo của Võ Thị Hảo. Và Giàn thiêu của Võ Thị Hảo không chỉ đáp ứng xu hướng đổi mới của tiểu thuyết đương đại mà còn đóng góp đáng kể vào việc cách tân hoá, hiện đại hoá ngôn ngữ văn học nhất là ngôn ngữ tiểu thuyết.
1.3. Ngôn ngữ đậm chất thơ
Như đã trình bày ở trên, ngôn ngữ trong Giàn thiêu có sự kết hợp hài hoà ngôn ngữ cô đọng súc tích, bám sát sự kiện của lịch sử với ngôn ngữ tiểu thuyết giàu sắc thái. Bên cạnh đó, chất thơ cũng là một trong những đặc trưng của ngôn ngữ trong tiểu thuyết Giàn thiêu. Có thể nói, chính chất thơ đã làm cho ngôn ngữ trần thuật trong Giàn thiêu trở nên trau chuốt, giàu hình ảnh, khả năng biểu cảm cao và đậm chất trữ tình.