3. Một số thủ pháp trần thuật
3.4. Thủ pháp dòng ý thức
Sáng tác văn học theo kết cấu “dòng ý thức” là kiểu sáng tác mới của
văn học thế giới đầu thế kỉ XX. Từ điển văn học coi dòng ý thức là: “một xu
hướng sáng tạo văn học (chủ yếu là ở văn xuôi nghệ thuật ở thế kỉ XX), tái hiện trực tiếp đời sống nội tâm, những cảm xúc, những liên tưởng ở con người” [20 - Tr. 351]. Thuật ngữ này do nhà tâm lí học Mỹ Uyliơm Giêm xơ
đặt ra vào cuối thế kỉ XIX. Còn trong cuốn Lí luận phê bình văn học phương Tây, nhà nghiên cứu Phương Lựu đã nêu lên những đặc trưng cơ bản của tiểu
thuyết dòng ý thức là: “Dựa vào thời gian tâm lí, tạo những kết cấu khác nhau theo sự biến hoá của tâm lí và chuyển động của ý thức, thường xen kẽ quá khứ, hiện tại, tương lai làm cho thị giác hồi ức, mong ước của nhân vật dung hợp lẫn nhau” [12 - Tr. 199].
Trong Giàn thiêu, Võ Thị Hảo đã tiếp thu và sử dụng dòng ý thức như
một thủ pháp để xây dựng cuốn tiểu thuyết. Với kĩ thuật dòng ý thức, tác giả coi kí ức nhân vật như một thành tố quan trọng để tổ chức tác phẩm. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng thời gian đồng hiện, những hoài niệm, dòng suy tưởng, những giấc chiêm bao để nhân vật tự bộc lộ những miền sâu kín của tâm hồn nằm ngoài vòng kiểm soát của ý thức. Dòng ý thức được khai thác ở nhân vật: Từ Lộ - Từ Đạo Hạnh - Lý Thần Tông, Lý Trác và Ngạn La. Trước tiên, kí ức được tác giả khai thác khá nhiều ở nhân vật Từ Lộ. Hình ảnh Nhuệ Anh hiện về trong kí ức của chàng được tái hiện ở nhiều cung bậc, trạng thái khác nhau. Có lúc nàng hiện về trong hồi tưởng với cuộc ân ái bên thác oán sông Gâm ngày nào “dìu dặt đưa chàng đê mê phiêu bồng nơi cực lạc” [7 - Tr. 388], có lúc như một dòng sông tưới mát, an ủi tâm hồn chàng “mãi mãi không còn cái
Kho¸ luËn tèt nghiÖp
dòng sông nào mang hình lá đào hẹp và dài lung linh không đáy rực rỡ toả ngàn ánh sáng” [7 - Tr. 389], có lúc Nhuệ Anh hiện về trong kí ức của Từ Lộ: “Thân phận của nàng cũng không hơn gì quả trứng mỏng manh màu xanh lơ này” [7 - Tr. 395]. Khi là một Thần Tông quyền uy, đã từ chối kiếp sống như cơn gió để đạt được đỉnh cao của quyền uy nhưng trong con người Thần Tông những vùng mờ của vô thức, tiềm thức luôn được hiện lên bề bộn, da diết, đan xen: có lúc là chàng Từ Lộ công tử thuở gắn với khúc “Phượng cầu hoàng mênh mang”, “cầm chiếc đèn lồng Mỹ nhân ngập ngừng bên cầu chờ đợi người yêu”, cái thuở những ân oán, mưu đồ, khắc khổ và dục vọng ngút trời xoắn cuộc đời chàng sang hướng khác”, rồi cái thuở đầu thai để trở thành kiếp khác để “lúc nào cũng phải ngẩn ngơ nhớ tiếc một người “đó là mình” [7 - Tr. 489]. Trong tiềm thức, Thần Tông không nguôi nhớ về kiếp trước với bao khắc khoải, niềm da diết, ân hận: “Dằn vặt trong lòng, một Thần Tông nuôi nhớ Đạo Hạnh. Rồi một Đạo Hạnh hoang mang nuôi nhớ Từ Lộ” [7 - Tr. 489]. Với thủ pháp khai thác dòng ý thức các kiếp luân hồi của Từ Lộ hoà quyện, đan xen vào nhau như vậy đã tạo nên một nội tâm phức tạp trong con người Từ Lộ, làm cho nhân vật lịch sử này được hiện lên sinh động, phức tạp
và có tính biểu tượng cao. Trong Giàn thiêu, nhân vật Lý Trác cũng được tác
giả tập trung khai thác. Nhân vật hiện lên không chỉ đại diện cho cái ác mà còn mang nội tâm phức tạp, bộn bề lo âu, đau khổ. Nhìn thấy Ngạn La đứa con bị chính ông ta đang đày đoạ mà không nhận ra, trong con người Lý Trác hiện lên những cảm giác đối chọi, kí ức dồn dập trở về trong tâm thức của hắn: “Cái cảm giác ngột ngạt, chợn chợt năm trước ở giàn thiêu Na Ngạn đã đeo đuổi, ám ảnh trong con người ông trước đó giờ đây lại “đột ngột tràn tới, thấu lạnh suốt sống lưng” [7 - Tr. 305], mỗi làn roi pháp sư quất xuống Ngạn La “bỗng dưng cũng nhói nhói trên thân thể như những ngọn roi đó quất xuống chính người quan Thái bảo” [7 - Tr. 308], kí ức của hai mươi năm
Kho¸ luËn tèt nghiÖp
trước khi còn là một anh học trò nghèo, tình yêu với người con gái năm xưa, vết bớt có hình con thạch sùng… hiện lện như mũi dao đâm trúng tim của Lý Trác khi nhận ra Ngạn La chính là con gái hắn.
Như vậy, với việc sử dụng kĩ thuật dòng ý thức như một thủ pháp để trần thuật, khai thác thế giới nội tâm phức tạp của nhân vật, Võ Thị Hảo đã tạo nên một cách viết độc đáo, trong đó kí ức, tiềm thức, dòng suy tưởng của nhân vật như phương tiện quan trọng để nhà văn xây dựng ngôn ngữ độc thoại đặc biệt để giải mã thế giới vô thức của con người.