CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VÀ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
1.2. CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
1.2.3. Các công cụ chính sách tiền tệ
Công cụ CSTT là các hoạt động được thực hiện trực tiếp bởi NHTW nhằm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến khối lượng tiền trong lưu thông và lãi suất, từ đó đạt được các mục tiêu của CSTT. Để có thể thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế và tăng trưởng thông qua việc cung ứng tiền và điều tiết khối lượng tiền, NHTW ở các nước có thể sử dụng những công cụ như sau:
1.2.3.1. Công cụ trực tiếp (Hạn mức tín dụng)
Đây là công cụ tác động trực tiếp vào khối lượng tiền trong lưu thông (hoặc các mức lãi suất). Loại công cụ này được NHTW sử dụng dưới hình thức: quy định hạn mức tín dụng, khống chế trực tiếp lãi suất tiền gửi – lãi suất tiền vay, khống chế trực tiếp tỷ giá mua – bán ngoại tệ của các ngân hàng. Công cụ trực tiếp được áp dụng phổ biến ở các nước trong thời kì hoạt động tài chính được điều tiết chặt chẽ là hạn mức tín dụng.
Hạn mức tín dụng là mức dư nợ tối đa mà NHTW buộc các TCTD phải tôn trọng khi cấp tín dụng cho nền kinh tế. Mức dư nợ được quy định cho từng ngân hàng căn cứ vào đặc điểm kinh doanh của từng ngân hàng, định hướng cơ cấu kinh tế tổng thể, nhu cầu tài trợ đối tượng chính sách và nó phải nằm trong giới hạn của tổng dư nợ tín dụng dự tính của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định.
NHTW sử dụng biện pháp quy định giới hạn khối lượng tín dụng mà các NHTM cung cấp cho nền kinh tế trong một thời gian cố định. Biện pháp này được sử dụng trong điều kiện nền kinh tế có lạm phát cao và được sử dụng khá phổ biến ở những nước trong hệ thống Xã hội chủ nghĩa với cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Tuy nhiên, hiệu quả điều tiết của công cụ này không cao bởi nó thiếu tính linh hoạt và đôi khi ngược lại chiều hướng biến động của thị trường tín dụng, do đó đẩy lãi suất lên cao hoặc làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các NHTM.
1.2.3.2. Công cụ gián tiếp a. Dự trữ bắt buộc
Dự trữ bắt buộc (DTBB) là một phần vốn huy động tiền gửi mà các TCTD bắt buộc phải dự trữ theo luật định. Mức DTBB phụ thuộc vào tỷ lệ dữ trữ do NHTW quy định. Như vậy, thông qua việc tăng hoặc giảm tỷ lệ DTBB, NHTW có thể làm giảm hoặc tăng hệ số tạo tiền của hệ thống ngân hàng trung gian (NHTG), nói cách khác điều này ảnh hưởng đến khối tín dụng mà NHTG có thể cung ứng cho nền kinh tế. Đây là một công cụ mang tính chất hành chính và có ưu điểm là dễ kiểm soát cung tiền tệ của nền kinh tế.
Cơ chế tác động của DTBB: Việc thay đổi tỷ lệ DTBB tác động đến lượng cung tiền theo ba cách:
- Thứ nhất: Giả sử NHTW quyết định tăng tỷ lệ DTBB từ 10% lên 12%, bộ phận dự trữ dư thừa trước đây sẽ trở thành DTBB, làm giảm khả năng cho vay của hệ thống NHTM.
- Thứ hai: Tỷ lệ DTBB tăng lên làm giảm mức cung vốn NHTW trên thị trường liên ngân hàng. Trong điều kiện nhu cầu vốn khả dụng không thay đổi, sự
giảm sút này làm tăng lãi suất liên ngân hàng, từ đó gây ảnh hưởng đến các mức lãi suất dài hạn và khối lượng tiền cung ứng.
- Thứ ba: Tỷ lệ DTBB tăng làm tăng chi phí đầu vào cho NHTM, nếu chi phí này quá lớn buộc NHTM phải tăng lãi suất cho vay để bù đắp.
Bên cạnh đó, công cụ này cũng có những mặt trái khi sử dụng. Việc thay đổi tỷ lệ DTBB sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của NHTM, nếu thường xuyên thay đổi tỷ lệ này cũng sẽ gây ra tình trạng mất ổn định của hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của các NHTM.
b. Chính sách tái chiết khấu
Chính sách tái chiết khấu bao gồm các quy định và điều kiện cho vay của NHTW đối với các NHTM. NHTW cho vay ngắn hạn trên cơ sở chiết khấu các chứng từ có giá ngắn hạn; chủ yếu là tín phiếu Kho bạc và thương phiếu. Các NHTM đi vay NHTW nhằm bù đắp hoặc bổ sung nhu cầu vốn khả dụng và hình thành nên bộ phận dự trữ đi vay. Bộ phận này được sử dụng như bất kỳ bộ phận dự trữ nào khác để bù đắp nhu cầu DTBB bổ sung số dự trữ vượt mức để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế hoặc ngăn chặn nguy cơ phá sản của các ngân hàng khi cần thiết. Điểm khác biệt chủ yếu giữa dự trữ đi vay và dự trữ khác là chúng phải được trả lại cho NHTW khi đến hạn.
Cơ chế tác động:
Trong công cụ này NHTW ấn định hạn mức, lãi suất và các điều kiện tái chiết khấu. Những thay đổi này ảnh hưởng đến mục tiêu cuối cùng chỉ khi các NHTM có nhu cầu vay NHTW và ảnh hưởng qua cả hai con đường: khối lượng và giá. Khối lượng vốn khả dụng được bổ sung từ NHTW có thể bị giới hạn hoặc nới rộng căn cứ vào hạn mức tái chiết khấu và các điều kiện tái chiết khấu, qua đó mà ảnh hưởng đến khả năng tạo tiền của hệ thống NHTM. Khi lượng vốn khả dụng thay đổi, nó sẽ làm cho quan hệ cung cầu vốn và do đó lãi suất thị trường liên ngân hàng thay đổi.
Sự thay đổi mức lãi suất tái chiết khấu tác động trước hết vào giá đầu vào của các NHTM, vì thế các ngân hàng này dần dần tăng (hoặc giảm) lãi suất cho vay, do đó làm giảm (hoặc tăng) nhu cầu tín dụng. Bên cạnh đó, khi lãi suất chiết khấu tăng lên (hoặc giảm), các NHTM không thể vay NHTW một cách dễ dàng (hoặc là mở
rộng khả năng vay), điều này buộc các NHTM phải giảm bớt khả năng cung ứng tín dụng để hồi phục dự trữ, hoặc mở rộng cho vay trong trường hợp ngược lại.
Sự thay đổi lãi suất tái chiết khấu được coi như dấu hiệu của định hướng CSTT của NHTW. Vì thế nó có hiệu ứng thông báo do sự trông đợi và dự đoán của thị trường. Các tuyên bố của NHTW về chiều hướng biến động lãi suất tái chiết khấu:
tăng lên hoặc giảm xuống có tác dụng hướng dẫn hành vi của thị trường theo định hướng CSTT. Tuy nhiên hiệu ứng thông báo chỉ có hiệu quả khi lãi suất tái chiết khấu phù hợp với mức lãi suất thị trường. Trong trường hợp lãi suất tái chiết khấu cao hơn hoặc thấp hơn mức lãi suất thị trường, sự thay đổi lãi suất thực chất là sự
“điều chỉnh kỹ thuật” nhằm phù hợp với lãi suất thị trường. Hiệu ứng thông báo, trong trường hợp này sẽ trở nên phản tác dụng.
Công cụ này có khả năng điều tiết một cách linh hoạt các mục tiêu trung gian.
Tuy nhiên mức độ phát huy hiệu quả của công cụ này căn cứ vào mức độ phụ thuộc về vốn của NHTM vào NHTW, vì thế nó là công cụ kém chủ động. Để khắc phục nhược điểm này người ta thường sử dụng kết hợp với công cụ DTBB.
c. Nghiệp vụ thị trường mở
Nghiệp vụ thị trường mở là các hoạt động của NHTW trên thị trường mở thông qua việc mua bán các chứng khoán. Các hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp đến dự trữ của các NHTM và ảnh hưởng gián tiếp đến các mức lãi suất.
Cơ chế tác động:
- Thứ nhất: Khi NHTW mua các chứng khoán, nó sẽ làm tăng ngay lập tức dự trữ của các NHTM, dù người bán là NHTM hay khách hàng của nó. Vì thế khả năng tạo tiền gửi thông qua cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng giảm xuống, từ đó ảnh hưởng đến lượng tiền cung ứng và ngược lại.
- Thứ hai: Khi vốn khả dụng của từng ngân hàng cá nhân giảm do tác động của hoạt động thị trường mở, mức cung vốn trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng giảm xuống, trong điều kiện các yếu tố liên quan không đổi, lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng lên. Thông qua các hoạt động arbitrage về lãi suất, ảnh hưởng này được truyền đến các mức lãi suất của công cụ thị trường mở và lãi suất thị trường trái phiếu. Kết quả là chi phí cơ hội đối với người có vốn dư thừa và giá vốn đầu tư
đối với người thiếu hụt vốn tăng lên, làm giảm nhu cầu đầu tư và nhu cầu tiêu dùng của xã hội, do đó làm giảm sản lượng, giá cả và công ăn việc làm. Và ngược lại.
- Thứ ba: Hoạt động thị trường mở còn ảnh hưởng đến cung cầu và do đó giá bán các chứng khoán thuộc phạm vi can thiệp, chủ yếu là tín phiếu Kho bạc. Trong trường hợp NHTW bán chứng khoán, lượng chứng khoán tăng lên trong khi nhu cầu chứng khoán không tăng, làm cho giá cả các chứng khoán giảm xuống, mức sinh lời của chúng tăng lên. Điều này buộc các tổ chức nhận tiền gửi phải tăng lãi suất để hạn chế tình trạng phí trung gian.