CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VÀ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
1.4. KINH NGHIỆM PHỐI HỢP CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VÀ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA
1.4.1. Kinh nghiệm tại một số quốc gia 1.4.1.1. Singapore
Trọng tâm chính CSTK của Singapore trong năm 2014 là cung ứng những hàng hóa thiết yếu và những dịch vụ công ích cần thiết đến với người dân của nước này.
Theo đó, Chính phủ nước này đã mạnh tay chi cho các lĩnh vực then chốt là giáo dục, nhà công vụ, chăm sóc sức khỏe và an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, Chính phủ
Singapore cũng cam kết xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng kinh tế và các dịch vụ xã hội mang đẳng cấp quốc tế.
Xác định thuế là nguồn thu chủ yếu vào ngân sách, nên Chính phủ Singapore luôn tìm cách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là có các chính sách thuế ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đây tìm cơ hội hợp tác sản xuất kinh doanh. Chính sách thuế linh hoạt, bình đẳng, cộng với chương trình chi tiêu thận trọng, đã mang lại những thành công cho Singapore trong những năm qua. Cùng với đó, việc điều hành phối hợp CSTT với CSTK là vấn đề hàng đầu do đó, Chính phủ Singapore đã điều hành chính sách này theo hướng rất thận trọng và linh hoạt để hỗ trợ tích cực cho CSTT trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và duy trì mức lạm phát thấp trung bình 2,1% năm trong suốt hơn 30 năm qua.
Mục tiêu CSTK của Singapore là hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, chứ không điều chỉnh theo chu kỳ hoặc phân phối thu nhập. Do đó, Chính phủ Singapore đã áp dụng hai nguyên tắc chủ yếu: (i) tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư phát triển; (ii) chính sách thuế và chi tiêu công tập trung vào các lĩnh vực như khuyến khích tiết kiệm, đầu tư và DN…
Trong những năm qua, Singapore đã điều hành CSTK thận trọng và duy trì được mức thặng dư ngân sách ở mức hợp lý. Đồng thời, Singapore là quốc gia hiếm hoi đạt được tỷlệ đầu tư cao nhất trên thế giới mà không phải gánh chịu những khoản nợ nước ngoài.
1.4.1.2. Nhật Bản
Sự phối hợp chặt chẽ CSTK và CSTT là yếu tố quan trọng để khôi phục sự ổn định của kinh tế Nhật Bản sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế và tài chính có chiều hướng tiêu cực sau khủng hoảng, tháng 01/2009, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thông qua “CSTK trung và dài hạn - tổng quan về kinh tế và tài khóa trong vòng 10 năm tới”, nhằm mục tiêu tiếp tục hồi phục kinh tế và củng cố vị thế của nước này.
Theo đó, về ngắn hạn, ưu tiên chính sách kinh tế đầu tiên của Chính phủ Nhật Bản là tập trung vào mục tiêu khôi phục kinh tế trong vòng 3 năm, kể từ năm 2009.
Các giải pháp để đạt mục tiêu trên thông qua việc thực hiện các gói kích thích kinh
tế, nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do khủng hoảng tài chính thông qua 3 gói kích thích kinh tế trị giá 75.000 tỷ Yên, bao gồm việc giảm thuế, cấp một khoản tiền trợ cấp nhất định cho một số đối tượng, trợ cấp nhà ở và chi tiêu cho người thất nghiệp, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, chương trình hỗ trợ việc làm...
Về trung và dài hạn, CSTK hướng tới mục tiêu tập trung thu ngân sách. Trong bối cảnh thu thuế giảm mạnh do khủng hoảng và suy giảm kinh tế, mục tiêu tập trung thu ngân sách được đặc biệt chú trọng, để đạt được mức thặng dư ngân sách cơ bản vào năm 2011. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản cũng chú trọng cân đối giữa hai mục tiêu, đảm bảo phục hồi kinh tế trong ngắn hạn song không trì hoãn mà sẽ thực hiện CSTK thắt chặt đúng thời điểm nhằm duy trì kỷluật tài chính và đạt mức thặng dư ngân sách cơ bản.
Ngoài tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, nền kinh tế Nhật Bản còn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi động đất và sóng thần hồi tháng 03/2011. Do đó, cùng với CSTK mở rộng, CSTT tiếp tục được nới lỏng nhằm hỗ trợ cho các hoạt động tái thiết nền kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục giữ mức lãi suất thấp từ 0 - 0,1%, đồng thời tiếp tục cung cấp thanh khoản cho thị trường bằng các đợt “bơm” tiền liên tục sau thảm họa kép. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện đồng thời CSTK và CSTK mở rộng để vực dậy nền kinh tế.
Ngoài ra, BOJ có nghĩa vụ luôn phải duy trì liên lạc chặt chẽ và trao đổi với chính phủ về CSTT, đảm bảo tương thích với những lập trường cơ bản của chính sách kinh tế của chính phủ, Luật Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quy định BOJ sẽ
“luôn luôn duy trì liên lạc chặt chẽ và trao đổi đầy đủ với chính phủ” tại (Điều 4) của Luật Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Nhật Bản đẩy mạnh vai trò của BOJ trong việc thực thi các CSTT. Nghĩa vụ cung cấp thông tin sẽ giúp minh bạch hóa thông tin về các quyết định và quá trình ra quyết định liên quan đến CSTT của NHTW cũng như tăng cường hiệu quả của các CSTT.
1.4.1.3. Trung Quốc
Trong giai đoạn 2009 - 2010, Trung Quốc chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu của nước này bị thu hẹp, áp lực của các ngành nghề sản xuất hàng xuất khẩu gia tăng, đầu tư bị thu hẹp, tốc độ tăng trưởng kinh tế bắt đầu giảm sút. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã thực hiện CSTK tích cực và CSTT nới lỏng.
Theo đó, trọng tâm của CSTK chuyển sang chú trọng vào chất lượng và hiệu quả kinh tế, tăng chi NSNN cho các lĩnh vực cải thiện đời sống nhân dân, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời, CSTT cũng được nới lỏng theo hướng giảm tỷlệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, xóa bỏ hạn mức, mở rộng hợp lý quy mô cho vay tín dụng. Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc tiếp tục duy trì CSTK “tích cực”, và thực hiện CSTT “ổn định” nhằm hỗ trợ hợp lý tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn chú trọng kiểm soát rủi ro tín dụng, ngăn ngừa nguy cơ lạm phát quay trở lại.
Vì vậy, việc kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là ưu tiên số một trong hoạch định và thực thi chính sách của Trung Quốc. Có thể thấy, vai trò của việc phối hợp CSTK và CSTT trong điều tiết vĩ mô ngày càng được nâng cao, thể hiện qua sự thay đổi tư duy của Chính phủ Trung Quốc những năm gần đây.
1.4.2. Bài học cho Việt Nam
Qua bài học kinh nghiệm của một số quốc gia trên, với điều kiện cụ thể của Việt Nam, để có thể nâng cao hiệu quả phối hợp CSTK và CSTT nhằm hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, cần xem xét các vấn đề sau:
Thứ nhất, trong mỗi giai đoạn, việc xác định trọng tâm phối hợp hai chính sách này là điều hết sức cần thiết, cần phải được xem xét trong tương quan với các mục tiêu phát triển kinh tế trong trung và dài hạn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các chính sách cần hướng tới ưu tiên kiểm soát lạm phát, sau đó mới là tín dụng và lãi suất. Muốn làm được điều đó, NHNN cần thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tín dụng tăng trưởng an toàn, hiệu quả theo nhu cầu của nền kinh tế.
Thứ hai, xác định “liều lượng” phối hợp giữa CSTK và CSTT ở mức hợp lý. Để làm được điều đó, các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu trên cả hai giác độ định lượng và định tính để phát huy tối đa hiệu quả của chính sách trong nền kinh tế.
Trong quá trình điều hành chính sách, các cơ quan chức năng cần tính đến độ trễ của chính sách để khi ban hành mức độ tác động đến đời sống xã hội ở mức hợp lý và có những giải pháp dự phòng. Tránh hiệu ứng chính sách tác động “quá liều”
nhằm đạt mục tiêu ngắn hạn nhưng sẽ có tác động tiêu cực trong tương lai.
Thứ ba, CSTK và CSTT phải được sử dụng đồng thời trong sự kết hợp với các chính sách khác, đặc biệt là các biện pháp giám sát vĩ mô thận trọng nhằm quản lý dòng vốn, tạo sự ổn định tài chính. Sự kết hợp phong phú hơn của các công cụ chính sách sẽ đem lại ổn định kinh tế, tài chính bền vững hơn là các chính sách đơn phương. Tuy nhiên, cần xác định thời điểm phối hợp, can thiệp chính sách. Mỗi chính sách mỗi giải pháp được đưa ra đều có độ trễ nhất định mới phát huy tác dụng, vậy khi nào cần can thiệp thị trường, khi nào cần thoái lui cũng là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.
Thứ tư, lựa chọn các phương pháp can thiệp chính sách phù hợp. Đối với các công cụ hành chính, cần phải có sự đánh giá và xem xét mức độ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Cần có một lộ trình phối hợp nhằm tránh tạo ra những tác động “đột ngột” đến nền kinh tế. Vì vậy, cũng sẽ tác động đến sự thành công của phối hợp chính sách.
Thứ năm, tăng cường sự trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng chính sách, đặc biệt là sự phối hợp giữa BTC và NHNN.
Tóm lại, thể chế kinh tế và chính trị của Việt Nam hiện tại là cơ sở tốt cho việc phối hợp CSTK và CSTT. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã diễn ra sự lệch pha và hi sinh lẫn nhau giữa các biến số vĩ mô, đặc biệt là giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Điều này cho thấy hiệu quả phối hợp CSTK - tiền tệ ở nước ta chưa cao. Kinh nghiệm của Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy, các chỉ tiêu vĩ mô cần phải cùng đạt được ở mức hài hòa và hợp lý; cần nâng cao tính khoa học và khả thi trong việc hoạch định chỉ tiêu để tránh sự đánh đổi giữa các chỉ tiêu đặt ra và sự bất định trong từng chỉ tiêu vĩ mô hàng năm.