ĐỊNH HƯỚNG HẠN CHẾ RỦI RO TRONG CHO VAY CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN SÀI GÒN HÀ NỘI - CHI NHÁNH BA ĐÌNH

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Tài chính ngân hàng: Giải pháp hạn chế rủi ro đối với hoạt động cho vay tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội - Chi nhánh Ba Đình trong bối cảnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay (Trang 85 - 88)

3.1.1 Định hướng hoạt động kinh doanh nhằm hạn chế rủi ro

Trong bối cảnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nói chung, việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội đem lại những chuyến biến rõ rệt trong hoạt động của các chi nhánh đã từng là đơn vị kinh doanh của HBB cũ. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập này vẫn đang diễn ra và còn tồn tại rất nhiều vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự tồn vong của chi nhánh cũng như cả hệ thống Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội, rất cần được tiếp tục giải quyết theo một lộ trình cụ thể và các giải pháp đồng bộ.

Điều này, một mặt đảm bảo an toàn hoạt động của đơn vị, một mặt tìm ra một hướng đi đúng trong quá trình tiếp tục tái cấu trúc và dần khẳng định mình.

Nhận thức được những khó khăn mà SHB CN Ba Đình đang và đã gặp phải, dựa trên định hướng hoạt động kinh doanh chung của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội, ban lãnh đạo SHB CN Ba Đình cũng tự xây dựng cho mình một định hướng hoạt động kinh doanh hợp lý cho năm 2013, trong đó, tận dụng triệt để các thế mạnh và tập trung quyết liệt khắc phục những hạn chế, yếu kém để từng bước lấy lại vị thế cũng như sức mạnh phù hợp với tiềm năng của mình.

Hoạt động kinh doanh đẩy mạnh hoạt động huy động vốn tiền gửi và các hoạt động kinh doanh thu phí như hoạt động kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ thanh toán và thanh toán quốc tế: Với lợi thế sẵn có về vị trí địa lý và cơ sở khách hàng huy động trong nhiều năm, SHB CN Ba Đình có thể tìm kiếm

những nguồn huy động rẻ bán lại cho hội sở chính để thu lợi nhuận. Ngoài nguồn huy động có kỳ hạn, nguồn huy động không kỳ hạn trên tài khoản thanh toán và ký quỹ của khách hàng cũng hết sức quan trọng, một thực tế là tỷ lệ lợi nhuận của nguồn huy động không kỳ hạn là rất lớn do lãi xuất phải trả cho khách hàng rất thấp. Hơn thế nữa, việc đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh thu phí như mua bán ngoại tệ, dịch vụ thanh toán và thanh toán quốc tế không những mang lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng mà lại rất an toàn. Đặc biệt với các khách hàng có hoạt động xuất khẩu, việc đẩy mạnh phục vụ loại hình khách hàng này giúp ngân hàng có thêm nguồn thu từ ngoại tệ.

Hoạt động kinh doanh quyết liệt xử lý và thu hồi nợ quá hạn, hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất: Việc gia tăng các khoản nợ quá hạn của khách hàng trong năm 2012 là một điều rất đáng lo ngại. Nhận thức rõ được vấn đề trên, ban lãnh đạo SHB CN Ba Đình đã đinh hướng cho hoạt động của Chi nhánh tập trung vào việc xử lý và thu hồi nợ quá hạn, mục tiêu cuối năm 2012, đưa tỷ lệ nợ quá hạn về mức dưới 7% và tiếp tục đưa tỷ lệ này về dưới 5% trong năm 2013.

Hoạt động kinh doanh tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đảm bảo an toàn: Tăng trưởng tín dụng là nhiệm vụ quan trọng được ban lãnh đạo đưa ra trong bối cảnh sáp nhập ngân hàng nhằm mục tiêu gia tăng lợi nhuận kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của chi nhánh. Song song với hoạt động thu hồi nợ quá hạn, hoạt động cho vay mới đóng vai trò quyết định tới sự phát triển của chi nhánh. Đặt mục tiêu không phát sinh thêm nợ quá hạn, hoạt động cho vay cần hết sức thận trọng đảm bảo an toàn nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh doanh.

Với những định hướng chính cho hoạt động kinh doanh của Chi nhánh trong thời gian tới, toàn thể cán bộ nhân viên SHB CN Ba Đình đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra.

3.1.2 Định hướng hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội - Chi nhánh Ba Đình năm 2013

Từ những tồn tại phát sinh trong công tác hạn chế rủi ro trong cho vay trước sáp nhập, hoạt động cho vay vốn thiếu hiệu quả đã đẩy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của SHB CN Ba Đình xuống thấp với tỷ lệ dự phòng và giá trị trích dự phòng qua các năm đều rất cao, đặc biệt là năm 2012. Nắm bắt được vấn đề này, Ban lãnh đạo SHB CN Ba Đình đã sớm xây dựng định hướng cụ thể cho hoạt động cho vay vốn của Chi nhánh trong năm 2013. Mục tiêu hàng đầu là việc đưa tỷ lệ nợ quá hạn xuống dưới 5%. Không những thế, việc tiếp tục mở rộng hoạt động cho vay vốn cũng được ban lãnh đạo SHB CN Ba Đình quan tâm đến với mục tiêu tăng trưởng tín dụng, không phát sinh thêm nợ quá hạn trong năm 2013. Đảm bảo an toàn trong việc cho vay mới là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của Chi nhánh. Một số điểm đáng chú ý trong định hướng cho vay năm 2013 của SHB CN Ba Đình là:

- Đa dạng hóa danh mục cho vay vốn, cân đối kỳ hạn cho vay và huy động vốn: Thay vì tập trung vào các khách hàng lớn với giá trị món vay lớn, SHB CN Ba Đình tiếp tục định hướng tập trung cho vay các đối tượng khách hàng vừa và nhỏ, tài sản đảm bảo tốt nhằm phân tán rủi ro.

- Phát triển khách hàng và nhóm khách hàng trong các lĩnh vực kinh doanh an toàn: Trong năm 2013, SHB CN Ba Đình khuyến khích cho vay khách hàng trong một số lĩnh vực kinh doanh được đánh giá là hiệu quả như:

dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, thiết bị máy văn phòng...

- Tăng cường việc kiểm soát, kiểm tra sau cho vay đảm bảo nguồn thu hồi nợ: Việc kiểm soát sau giải ngân gồm các vấn đề như: Kiểm tra mục đích sử dụng vốn, Kiểm tra định kỳ hoạt động kinh doanh và tài sản đảm bảo, kiểm tra bất thường phải đảm bảo đúng quy định của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội.

- Hoàn thiện việc phân công nhiệm vụ và trách nhiệm rõ ràng cho từng cán bộ, gắn chặt trách nhiệm cán bộ vào công việc thực hiện.

- Mở rộng các hình thức bảo đảm: ngoài các biện pháp đảm bảo truyền thống như bất động sản, động sản, hàng hóa, bổ sung thêm một số hình thức đảm bảo như thế chấp quyền đòi nợ...

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Tài chính ngân hàng: Giải pháp hạn chế rủi ro đối với hoạt động cho vay tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội - Chi nhánh Ba Đình trong bối cảnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay (Trang 85 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)