2.3.1. Thực trạng quản lý hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo bên trong Trong quá trình phát triển, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định luôn quan tâm tới công tác đảm bảo chất lượng đào tạo toàn diện của nhà trường, dựa trên các nhiệm vụ năm học, xây dựng các chỉ tiêu phấn đấu cho từng năm học phù hợp với đặc điểm nhà trường, quan tâm tới chất lượng thực, không chạy theo thành tích. Trong những năm vừa qua, nhà trường đã cử nhiều cán bộ tham
gia các lớp tập huấn về công tác đánh giá ngoài, hay tập huấn về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, thông qua đó nâng cao năng lực nhận thức và chuyên môn cho cán bộ, lãnh đạo tham gia vào hoạt động đảm bảo chất lượng.
Nhà trường đã thành lập Hội đồng đảm bảo chất lượng cũng như bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng (Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng).
Thành phần, cơ cấu của Hội đồng đảm bảo chất lượng bao gồm:
+ Chủ tịch Hội đồng ĐBCL đào tạo là Hiệu trưởng;
+ Phó Chủ tịch Hội đồng ĐBCL đào tạo là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn;
+ Thư ký Hội đồng ĐBCL đào tạo là Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng;
+ Các thành viên gồm Trưởng các Khoa, Bộ môn; đại diện các Phòng, Ban; đại diện giảng viên; đại diện các tổ chức đoàn thể;
Như vậy, trong Hội đồng ĐBCL có đầy đủ các thành phần đại diện cho các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, trong đó kiêm cả chức năng của Hội đồng TĐG. Về mặt cơ cấu tổ chức, nhân sự sẽ không bị phát sinh trong bối cảnh trường Cao đẳng SP Nam Định phải tiến hành công tác TĐG để thực hiện KĐCLGD theo tinh thần của Luật Giáo dục.
Hội đồng đảm bảo chất lượng đã xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng và chỉ đạo các Khoa, Phòng, Ban và đơn vị trong trường thực hiện các nội dung:
Liệt kê tên toàn bộ các công việc mà đơn vị đang thực hiện; Liệt kê tên sản phẩm đầu ra của công việc đối với những tiêu chí cần và đủ; Liệt kê tên đối tác tiếp nhận sản phẩm đó. Đây cũng chính là bước 1 của việc xây dựng quy trình đảm bảo chất lượng của nhà trường.
Các đơn vị sau khi liệt kê theo yêu cầu, sẽ xây dựng các quy trình thực hiện công việc để đạt sản phẩm cuối cùng với các tiêu chí thoả mãn yêu cầu của
đối tác. Phòng Khảo thí và kiểm dịnh chất lượng là đầu mối tập hợp các quy trình, hướng dẫn để xây dựng thành bộ hồ sơ đảm bảo chất lượng.
Cùng với việc thành lập Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, Nhà trường đã ban hành các quyết định thành lập Hội đồng tự đánh giá trường cao đẳng sư phạm Nam Định (Quyết định số 400/KT-KĐCLGD ngày 17 tháng 9 năm 2012) với mục đích triển khai tự đánh giá trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hay kế hoạch tự đánh giá số 223/KTKDCLGD ngày 24 tháng 9 năm 2012 với mục đích cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo đồng thời thể hiện tính tự chủ và tính tự chịu trách nhiệm của trường trong toàn bộ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với sứ mạng và mục tiêu của trường.
Năm 2013 Trường cao đẳng sư phạm Nam Định đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá của nhà trường theo bộ tiêu chuẩn đánh giá trường cao đẳng cũng như đăng ký kiểm định chất lượng vào năm 2015.
Công tác lấy ý kiến của phản hồi từ sinh viên sau khi kết thúc từng môn học được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Để thực hiện nhiệm vụ này, nhà trường đã thành lập các Ban chỉ đạo lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên hàng năm.
Tuy nhiên, cũng như nhiều trường cao đẳng trong cả nước, mặc dù nhà trường đã có bộ phận đảm bảo chất lượng đào tạo nhưng chưa tổ chức hoạt động một cách chuyên nghiệp. Do vậy, chất lượng giáo dục của nhà trường chủ yếu dựa vào hai chỉ số chính đó là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm; điểm tuyển sinh đầu vào hệ cao đẳng và TCCN. Việc đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường chỉ thể hiện ở việc nhà trường nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phấn đấu đầu năm đề ra sao cho năm sau cao hơn năm trước. Khái niệm văn hóa chất lượng và đảm bảo chất lượng đào tạo còn rất mới mẻ đối với CBQL, CBGV, NV, HSSV. Công tác tự đánh giá theo yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay chưa thực sự có chiều sâu, còn có tính chất đối phó, mang tính tập làm
quen. Nhiều trường cao đẳng còn rất lúng túng, gặp nhiều khó khăn trong công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục.
2.3.2. Thực trạng quản lý hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo bên ngoài Tuy chưa hội tụ đầy đủ các điều kiện để tiến hành đánh giá ngoài, nhưng nhà trường cũng đã thực hiện các hoạt động trao đổi kinh nghiệm cũng như góp ý đánh giá cùng với Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình.
Ngoài ra, công tác đảm bảo chất lượng bên ngoài dưới góc độ đánh giá của các cơ quan, tổ chức xã hội luôn được nhà trường chú trọng và ghi nhận.
Thông qua liên lạc cựu sinh viên và các hình thức khác, nhà trường ghi nhận và lưu trữ những đánh giá của các cơ quan, đơn vị nơi có cựu sinh viên của trường công tác, về chất lượng đào tạo của nhà trường thể hiện qua sản phẩm nhân lực thực tế. Đó là nhứng ý kiến đánh giá thực tế về chất lượng đào tạo của nhà trường.
Hiện nay, nhà trường đang gấp rút chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể thực hiện kiểm định và dánh giá ngoài vào năm 2016.
Kết luận chương 2
Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, tiền thân là trường sư phạm cấp 2 Nam Hà được thành lập từ năm 1969. Đến nay, nhà trường đã có bề dày 45 năm xây dựng và trưởng thành trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ cho các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở xuống, trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và Điều lệ trường cao đẳng về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự.
Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trường cao đẳng chất lượng cao, đạt chuẩn về trình độ và năng lực của những người được đào tạo. Nhà trường luôn quan tâm tới công tác đảm bảo chất lượng đào tạo toàn diện của nhà trường và coi đây là yêu tố mang tính sống còn của nhà trường trong công tác giáo dục, đào tạo.
Qua nghiên cứu thực tiễn các hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định cho thấy có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn, bất cập cần phải nghiên cứu để đề ra các biện pháp quản lý giúp hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo đạt hiệu quả tốt hơn
CHƯƠNG 3