Các định hướng và nguyên tắc đề xuất biện pháp

Một phần của tài liệu Dam bao chat luong dao tao tai CDSP nam dinh (Trang 89 - 93)

3.1.1.1. Những quan điểm cơ bản về phát triển giáo dục đại học của Đảng và nhà nước Việt Nam

Hội nhập quốc tế về giáo dục – đào tạo đã đặt ra vấn đề là phải làm cho giáo dục – đào tạo Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, vững chắc hơn về chất lượng, đảm bảo yêu cầu phát triển đất nước, phục vụ mục tiêu chính trị cơ bản của Đảng và nhân dân ta là: giữ vững chủ quyền quốc gia, định hướng xã hội chủ nghĩa “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đảm bảo mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện, có năng lực thích ứng với tình hình mới. Đồng thời coi giáo dục – đào tạo là quyền và lợi ích cơ bản của nhân dân. Nhà nước phải đảm bảo để mọi người dân có điều kiện học tập, có cơ hội để phát triển. Giáo dục là sự nghiệp của nhân dân, hội nhập giáo dục là công việc của toàn dân, do đó cần phải phát huy tính tích cực, chủ động, khả năng sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, tạo ra sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Phát huy tối đa nội lực, độc lập và chủ động trong quá trình hội nhập giáo dục – đào tạo. Mở rộng hợp tác đi đôi với quản lý chặt chẽ. Tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro, cần mạnh dạn phát huy các lợi thế, khai thác các cơ hội đồng thời phải quản lý tốt quá trình hội nhập giáo dục, càng mạnh dạn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bao nhiêu thì cần chú trọng quản lý tốt bấy nhiêu.

Cạnh tranh kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế, xét đến cùng là cạnh tranh về giáo dục – đào tạo. Đây là cuộc đấu tranh gay go và phức tạp, nhưng có ý nghĩa quan trọng, vừa căn cứ vào các cam kết của GATS (Hiệp định chung về

thương mại dịch vụ), vừa tham khảo kinh nghiệm của các nước, đồng thời căn cứ vào chủ trương, chính sách phát triển giáo dục của Đảng và nhà nước. Trong việc xác định nội dung và lộ trình hội nhập quốc tế, cần phải làm rõ các gì phải tích cực khai thác, cái gì phải bảo vệ, cái gì phải ngăn chặn và phải có chiến lược cùng các biện pháp rõ ràng, trong đó quan tâm đến các công cụ pháp lý và công tác quản lý.

Trong Khoản 1, Điều 5 Luật giáo dục đại học cũng đã nêu rõ mục tiêu của giáo dục đại học là:

Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế;

Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân.

3.1.1.2. Quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam về hội nhập quốc tế

Đại hội Đảng VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện và sâu sắc mọi lĩnh vực của nền kinh tế nước ta. Đường lối đổi mới toàn diện đó thực sự đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Từ năm 1987, với quan điểm sự nghiệp phát triển giáo dục – đào tạo phải phù hợp với sự nghiệp phát triển kinh tế, công cuộc đổi mới giáo dục phải phù hợp với công cuộc đổi mới toàn diện của nền kinh tế - xã hội, ngành giáo dục đã tập trung nghiên cứu và thảo luận để đề xuất phương hướng đổi mới của ngành.

Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã được nâng lên thành chủ trương kể từ sau khi Đảng ta phát động sự nghiệp đổi mới, vì vậy hợp tác quốc tế về giáo dục – đào tạo của nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới.

Ngày 27/01/2001 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết đã chỉ rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của quá trình hội nhập và đề ra 9 nhiệm vụ liên quan toàn diện đến công tác tư tưởng, tuyên truyền, xây dựng chiến lược tổng thể với lộ trình cụ thể, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo lập đồng bộ cơ chế quản lý của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, kết hợp hoạt động chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại, gắn chủ trương hội nhập với nhiệm vụ củng cố an ninh quốc phòng.

3.1.1.3. Định hướng của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định về phát triển Trường CĐSP Nam Định

Trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều văn bản với những chủ trương, quyết sách quan trọng về giáo dục và đào tạo. Những văn bản này đã thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh, chỉ đạo sự phối hợp của các ngành, các cấp trong huy động nguồn lực, đầu tư cho phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục; các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành giáo dục và đào tạo đã đi vào chiều sâu, có hiệu quả rõ rệt thông qua nhiều hình thức và phương pháp triển khai phù hợp. Công tác đổi mới quản lý giáo dục được đẩy mạnh theo yêu cầu tăng cường dân chủ, phân công, phân cấp, tăng quyền tự chủ giữa các cấp quản lý giáo dục. Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, được xem là nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Là một trường đào tạo giáo viên trong tỉnh, nên Trường Cao đẳng sư phạm Nam Định luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với định hướng là xây dựng, nâng cấp nhà trường lên trường đại học trong tương lai.

3.1.2. Các nguyên tắc

3.1.2.1. Nguyên tắc đảm bảo tính kế thừa

Bất cứ cái mới nào cũng đều là sự cải biên, phát triển từ cái cũ (cái trước đó). Trong quá trình phát triển, cái cũ tạo ra những yếu tố, những tiền đề, những yêu cầu cho sự chuyển hóa sang cái mới.

Theo quan điểm của triết học, kế thừa và phát triển là quy luật chung của cả tự nhiên, xã hội. Theo quan điểm đó, để phát triển được bao giờ cũng cần có sự kế thừa, hay nói cách khác, sự phát triển trên cơ sở kế thừa những cái gì đã có, không xóa bỏ, phủ nhận những cái trước đó. Quá trình GD cũng không nằm ngoài quy luật này, bởi những thành tựu GD đã đạt được hôm nay là kết quả của sự cố gắng liên tục của những hoạt động trước đó.

Do vậy, quá trình xây dựng, đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo tại trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, chúng ta phải tôn trọng nguyên tắc này. Sự kế thừa, tôn trọng những thành quả đã đạt được, sẽ là cơ sở để chúng ta tiếp tục phát triển, triển khai có hiệu quả công tác quản lý hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo tại trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định.

3.1.2.2. Nguyên tắc đảm bảo tính toàn diện

Trong quá trình triển khai hoạt động ĐBCL đào tạo phải đảm bảo tính toàn diện, nghĩa là:

Về mục đích, yêu cầu phải xuất phát từ những yêu cầu của chuẩn chất lượng giáo dục cao đẳng do Bộ GD&ĐT yêu cầu và theo sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Về cơ cấu tổ chức, phải đảm bảo có đầy đủ đại diện các thành phần trong nhà trường để công tác triển khai được thống nhất ở tất cả các bộ phận.

Về công tác chỉ đạo, phải đảm bảo thực hiện những tác động đồng bộ đến các yếu tố, cấu trúc khác nhau của công tác này, từ công tác tổ chức, sắp xếp đội ngũ, chuyên viên, cán bộ quản lý vào từng việc cụ thể, phù hợp với năng lực yêu cầu nhiệm vụ đến những thay đổi về nội dung, phương pháp thực hiện. Khi tiến

hành hoạt động ĐBCL đào tạo phải công khai từng bước, cụ thể từng chỉ tiêu, trách nhiệm của từng các nhân, tập thể và cơ chế phối hợp để đáp ứng yêu cầu của chuẩn.

3.1.2.3. Nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống

Các biện pháp quản lý đề xuất tuy khác nhau nhưng luôn có mối quan hệ tác động qua lại, hỗ trợ nhau, thực hiện biện pháp quản lý này cũng có thể là điều kiện để thực hiện biện pháp quản lý kia. Do vậy mà các biện pháp cần được tiến hành một cách đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực, phối kết hợp với nhau tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh.

3.1.2.4. Nguyên tắc đảm bảo tính khả thi

Các biện pháp đưa ra có tính đến khả năng thực thi khi đưa ra thực hiện trong thực tế, phù hợp với khả năng, điều kiện và các nguồn lực khác hiện có cũng như điều kiện tiềm ẩn của nhà trường trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra còn một số biện pháp còn được đặt trong bối cảnh chung của các cơ sở đào tạo theo hình thức liên kết để đảm bảo điều kiện thực hiện.

3.1.2.5. Nguyên tắc đảm bảo tính khách quan

Đảm bảo tính khách quan khi đề xuất biện pháp phải căn cứ vào các văn bản pháp quy đã cho phép, các điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo các lớp theo hình thức liên kết và đồng thời cũng phải tôn trọng các quy luật khách quan hơn nữa cần chú ý tới sự tương thích với các điều kiện chủ quan của nhà trường nhằm góp phần tạo cơ sở cho sự phát triển chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu người học.

Một phần của tài liệu Dam bao chat luong dao tao tai CDSP nam dinh (Trang 89 - 93)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w