Đây là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng, phản ánh khá toàn diện về khả năng sinh sản, đẻ trứng của gà; tỷ lệ đẻ nói lên tác động trực tiếp của việc nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý đàn gà. Trong hoạt động thí nghiệm, tỷ lệ đẻ là chỉ số phản ánh tác động của các yếu tố thí nghiệm, mà ở đây cụ thể là việc bổ sung DHL vào khẩu phần thức ăn của gà.
Bên cạnh đó, tỷ lệ đẻ phụ thuộc sức đẻ của các cá thể trong tổng đàn theo dõi. Cá thể nào có tỷ lệ đẻ cao, chất lượng trứng tốt, đồng đều và kéo dài trong thời kỳ sinh sản, mà vẫn giữ được trạng thái sinh trưởng tốt chứng tỏ là giống tốt. Hơn nữa, chế độ dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến tỷ lệ đẻ, chất lượng trứng, khả năng duy trì năng suất đẻ cao; thể trạng của gà đẻ, chu kỳ đẻ tốt nhất. Đối với gà nuôi nhốt có tỷ lệ đẻ thường thấp trong vài tuần đầu của chu kỳ đẻ, sau đó tăng dần và giảm dần tỷ lệ đẻ thấp ở cuối kỳ sinh sản.
Để đánh giá rõ hơn những nhận định khái quát trên, thí nghiệm tiến hành bổ sung DHL vào khẩu phần ăn của gà Isa shaver trong 8 tuần đẻ (từ 49 tuần tuổi đến 56 tuần tuổi). Kết quả theo dõi được trình bày tại bảng 3.3.
Bảng 3.3. Tỷ lệ đẻ qua các tuần của gà thí nghiệm (%), (n = 3) Tuần tuổi Lô ĐC
(0 % DHL)
Lô TN1 (0,5 % DHL)
Lô TN2 (1% DHL)
49 83,33a 84,29a 83,81a
50 78,10 84,29 78,57
51 72,38 81,43 78,10
52 72,38 80,95 75,71
53 70,00 80,48 74,29
54 78,10 84,29 75,24
55 75,71 85,71 80,95
56 74,29 85,24 77,14
Trung bình 75,54a 83,33b 77,98a
Kết quả số liệu ở bảng bảng 3.3 cho thấy các lô gà thí nghiệm khác nhau có tỷ lệ đẻ khác nhau. Trong đó, tỷ lệ đẻ trung bình cao nhất ở lô TN1 là 83,33%, sau đó đến lô TN2 là 77,98% và thấp nhất là lô đối chứng là 75,54%.
Kết quả so sánh thống kê về tỷ lể đẻ của gà giữa ba lô cho thấy tỷ lệ đẻ của lô TN1 sai khác có ý nghĩa thống kê với lô ĐC và lô TN2 với P < 0,001 còn lô ĐC và TN2 không có sự sai khác nhau với P > 0,05. Tỷ lệ đẻ của gà ở cả ba lô ĐC, TN1, TN2 đều có xu hướng giảm dần từ tuần 49 lần lượt là 83,33;
84,29 và 83,81 xuống thấp nhất ở tuần thứ 53 lần lượt là 70,00; 80,48 và 74,29%. Sang tuần thứ 54 sức đẻ bắt đầu tăng trở lại nhưng mức tăng không vượt trội, lô đối trứng tăng cao nhất là 8,1%, lô TN1 là 3,81%, thấp nhấp ở lô TN2 mức tăng thêm chỉ đạt 1,05%. Từ tuần thứ 55 đạt cao hơn ở các tuần tiếp theo, riêng lô đối chứng đạt cao nhất ở 54 tuần tuổi là 78,10%, sau đó tiếp tục giảm dần, lô TN1 và TN2 đạt cao nhất ở 55 tuần tuổi lần lượt là 85,71%
và 80,95% sau đó lại giảm. Sở dĩ có điều này là do gà của chúng tôi cùng ở một độ tuổi nên chúng có diễn biến tăng giảm về tỷ lệ đẻ theo từng chật đẻ.
Tuy nhiên, tỷ lệ đẻ của gà ở lô TN1 luôn lớn hơn TN2 và lô TN2 luôn lớn hơn lô ĐC, điều này cho thấy các thành phần dinh dưỡng trong dầu hạt lanh đã có tác động làm tăng khả năng phát dục của buồng trứng nên gà ở lô thí nghiệm luôn đẻ tốt hơn so với lô đối chứng, nhưng ở lô TN2 do sử dụng nhiều dầu hơn gấp đôi TN1 dẫn đến gà béo hơn và phá vỡ chỉ số hình thái của gà đẻ nên gà đã có xu hướng đẻ thấp hơn so với TN1. Theo chúng tôi có thể do tỷ lệ dầu quá cao làm gà tăng cân hơn 5,75% so với ban đầu nên phần nào đã tác động đến khả năng sinh sản của gà, nhưng vẫn thể hiện được tính ưu việt của dầu hạt lanh là làm cho sức sinh sản của gà tốt hơn. Kết quả của chúng tôi theo dõi phù hợp với quy luật chung về khả năng sinh sản của gia cầm, tức là tỷ lệ đẻ đạt đỉnh cao của gà là từ tuần tuổi 30 - 34, còn từ 35 tuần tuổi trở đi thì tỷ lệ đẻ của gà sẽ giảm dần.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cung cấp vào khẩu phần ăn cho gà các chất dinh dưỡng giàu omega-3 hầu như không làm ảnh hưởng đến năng suất trứng (Schreiner và cs, 2004 [45]; Carrillo-Dominguez và cs, 2005 [29]; Ebeid và cs, 2008 [30]). Theo Gonzalez-Esquerra và Leeson, (2000) [33] đã nghiên cứu bổ sung vào khẩu phần thức ăn cho gà đẻ ở các mức dinh dưỡng giàu omega-3 khác nhau thì năng suất trứng ở tất cả các giai đoạn đẻ của gà đều không bị ảnh hưởng. Filardi và cs, (2005) [31], cũng không tìm thấy sự sai khác về năng suất trứng khi bổ sung 3,12% dầu hạt cải vào khẩu phần cho gà đẻ. Silke và cs, (2008) [46] đã bổ sung 2 loại chất béo khác nhau là dầu hạt lanh và dầu đậu nành vào khẩu phần ăn gà đẻ và thấy rằng chúng không ảnh hưởng đến năng suất trứng giữa các lô thí nghiệm.
Qua hình 3.2 chúng tôi nhận thấy đường biểu diễn tỷ lệ đẻ của lô TN1 luôn ở vị trí trên cùng, tiếp đó là đường biểu diễn của lô TN2 và thấp nhất là đường biểu diễn của lô ĐC. Khi so sánh lô ĐC với lô TN1 và TN2 được bổ sung DHL cho thấy trung bình tỷ lệ đẻ tăng lần lượt là 7,79 % và 2,44 %.
Hình 3.2. Biểu đồ tỷ lệ đẻ qua các tuần của gà thí nghiệm
Hình 3.2 cho thấy đường biểu diễn tỷ lệ đẻ của lô ĐC với lô TN2 luôn sát nhau, có điểm giao nhau, có giai đoạn đường biểu diễn của lô ĐC cao hơn.
Điều này cho thấy với tỷ lệ 1% DHL tỷ lệ đẻ không cao hơn cách biệt so với
lô ĐC. Tuy nhiên, với số lượng theo dõi chưa nhiều, thời gian theo dõi chưa dài, việc đánh giá các tác động khác đến tỷ lệ đẻ chưa được xem xét cụ thể, riêng rẽ, xong từ những kết quả theo dõi, nghiên cứu ban đầu cho thấy dầu hạt lanh đã có tác động đến tỷ lệ đẻ của gà, với mức bổ sung 0,5% dầu hạt lanh vào khẩu phần ăn sẽ nâng cao tỷ lệ đẻ ở một giai đoạn trong chu kỳ đẻ của gà.