CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ CHỨC NĂNG THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ
1.3. MỐI QUAN HỆ GIỮA CHỨC NĂNG THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT CÁC HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP
Trước hết, kiểm sát các hoạt động tư pháp được hiểu là chức năng hiến định của Viện kiểm sát, có nội dung giám sát mọi hoạt động của các cơ quan tư pháp và các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động tư pháp trong quá trình khởi tố, điều tra, tr uy tố, xét xử, thi hành án nhằm đảm bảo cho pháp luật tố tụng hình sự được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và thống nhất.22
Khi đã làm rõ được thế nào là thực hành quyền công tố, thế nào là kiểm sát các hoạt động tư pháp. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để phân biệt được hai nội dung này trong thực tiễn. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn.
Theo Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001), LTCVKSND năm 2002 và BLTTHS năm 2003, VKSND có hai chức năng là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đây là hai chức năng độc lập nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Trong thực tiễn hoạt động chức năng của ngành Kiểm sát cho thấy, VKSND các cấp luôn quán triệt đường lối công tác thực hành quyền công tố là đấu tranh chống tội phạm gắn liền với đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm bảo đảm những hành vi phạm tội đã được phát hiện đều phải được điều tra và xử lý theo pháp luật, bảo đảm cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì thế mà hai chức năng này luôn có mối quan hệ với nhau. Mối quan hệ đó được thể hiện ở các phương diện sau:
Thứ nhất, khi tội phạm được phát hiện, vụ án được khởi tố điều tra cũng là quyền công tố được phát động. Điều này có nghĩa là Viện kiểm sát bắt đầu tiến hành việc kiểm sát như kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp khi quyền công tố chưa được phát động cũng đã xuất hiện hoạt động kiểm sát. Ví dụ: Kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường trước
22 Lê Hữu Thể:Thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr. 92.
khi khởi tố vụ án.23 Chức năng kiểm sát được thực hiện để đảm bảo việc khởi tố đúng với các quy định của pháp luật. Nếu xét thấy quyết đị nh khởi tố của CQĐT không có căn cứ và không hợp pháp, hay quyết định đó trái pháp luật thì Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chấm dứt ngay hoạt động điều tra. Khi đó, Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố trái pháp luật, do đó qu yền công tố có thể bị triệt tiêu và việc ra quyết định hủy bỏ tức là Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố. Cho nên làm tốt chức năng kiểm sát khởi tố vụ án sẽ là cơ sở cho việc ra quyết định của Viện kiểm sát được chính xác và đúng pháp luật nhằm bảo đảm về mặt pháp lý và hạn chế được các vi phạm trong việc thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát. Ngược lại, nếu thực hiện kiểm sát khởi tố không tốt sẽ mất đi tính hiệu quả trong việc thực hành quyền công tố, thậm chí quyết định pháp lý của Viện kiểm sát là vi phạm pháp luật. Ví dụ: Trong trường hợp CQĐT khởi tố vụ án trái pháp luật. Nếu việc kiểm sát khởi tố của Viện kiểm sát không được kiểm sát chặt chẽ thì sẽ không phát hiện được vi phạm trong việc ra quyết định khởi tố của CQĐT thì Viện kiểm sát sẽ không đưa ra được các yêu cầu và biện pháp khắc phục ngay từ đầu. Điều đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án bị đình chỉ điều tra.
Thứ hai, khi Viện kiểm sát phê chuẩn hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, các quyết định tố tụng khác của CQĐT cũng có nghĩa là Viện kiểm sát đã trực tiếp sử dụng quyền công tố. Nhưng để bảo đảm chức năng này thực hiện đúng quy định của pháp luật đòi hỏi trước khi quyết định các vấn đề trên, Viện kiểm sát phải tiến hành kiểm sát các hoạt động tư pháp trong việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn hoặc trong việc khởi tố bị can của CQĐT, tức là Viện kiểm sát tiến hành thực hiện kiểm sát các hoạt động tư pháp. Mặt khác, để thực hiện tốt quyền công tố và bảo đảm việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các quyết định tố tụng khác của CQĐT được chính xác, đúng pháp luật thì đòi hỏi phải kiểm tra chặt chẽ tính có căn cứ và tính hợp pháp của các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự mà CQĐT quyết định áp dụng. Hoạt động kiểm tra này chính là thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trên cơ sở kết quả của hoạt động kiểm sát, Viện kiểm sát thấy rằng quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự là có căn cứ và hợp pháp thì Viện kiểm sát sẽ quyết định phê chuẩn để thi hành. Nếu xét thấy quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự của CQĐT
23 Lê Hữu Thể:Viện kiểm sát nhân dân với hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 4, 2003, tr. 74.
là không có căn cứ và không hợp pháp, Viện kiểm sát sẽ ra quyết định không phê chuẩn hoặc quyết định hủy b ỏ quyết định tố tụng trái pháp luật của CQĐT đồng thời yêu cầu CQĐT chấm dứt ngay các hoạt động tố tụng.
Với việc thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp sẽ làm tiền đề cho chức năng thực hành quyền công tố được thực hiện một cách chính xác. Nếu có sai sót, vi phạm trong việc thực hiện kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra sẽ kéo theo sự vi phạm pháp luật của chức năng thực hành quyền công tố.
Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra khi chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát được thực hiện sẽ làm tiền đề phát sinh chức năng kiểm sát. Ví dụ: Khi phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp của CQĐT thì làm phát sinh chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tạm giữ người bị bắt của CQĐT nhằm bảo đảm việc tạm giữ người phải có lệnh hoặc có quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát, đồng thời bảo đảm thời hạn tạm giữ đúng theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, khi đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can hoặc ra quyết định phục hồi điều tra, Viện kiểm sát phải thực hiện kiểm sát và trên cơ sở này quyết định các vấn đề nói trên, tức là Viện kiểm sát sử dụng quyền công tố .
Thứ tư, khi truy tố bị can ra Tòa để xét xử. Điều đó có nghĩa là, Viện kiểm sát đã thực hiện chức năng thực hành quyền công tố. Điều đó thể hiện qua việc ban hành quyết định truy tố. Nhưng quyết định truy tố của Viện kiểm sát phải bảo đảm tính có căn cứ và tính hợp pháp.24 Do đó, muốn bảo đảm quyết định truy tố có căn cứ thì phải dựa trên cơ sở của kết quả chức năng kiểm sát điều tra vụ án của Viện kiểm sát. Nếu thực hiện tốt chức năng kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát sẽ nắm vững nội dung của vụ án, những tình tiết buộc tội, tình tiết gỡ tội của bị can và các tình tiết liên quan khác của vụ án. Đó chính là căn cứ vững chắc cho việc truy tố đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Ngược lại, nếu Viện kiểm sát thực hiện không tốt chức năng kiểm sát điều tra thì dẫn đến việc truy tố oan, sai. Cho nên chức năng kiểm sát điều tra là cơ sở rất vững chắc cho chức năng thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố và xét xử. Bên cạnh đó, chức năng thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố lại là tiền đề phát sinh chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát tại phiên tòa xét xử.
Thứ năm, khi Kiểm sát viên có mặt tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm cũng đồng thời Kiểm sát viên thực hiện hai nhiệm vụ là
24 Lê Hữu Thể:Thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra, NXb.Tư Pháp, Hà Nội, 2005, tr. 95.
kiểm sát việc tuân theo pháp luật của HĐXX cũng như của những người khác tham gia tố tụng và thực hành quyền công tố như đọc cáo trạng và luận tội ở phiên tòa sơ thẩm, kết luận ở phiên tòa phúc thẩm.
Thứ sáu,khi kết thúc hoạt động xét xử của Tòa án, nếu thấy bản án hay quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị. Đây là hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Trên cơ sở kháng nghị của Viện kiểm sát lại làm phát sinh một trình tự xét xử mới. Ví dụ: Kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm có vi phạm pháp luật để xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên đọc kết luận, đó là thực hành quyền công tố.
Như vậy, chức năng thực hành quyền công tố v à kiểm sát các họat động tư pháp là hai chức năng độc lập của Viện kiểm sát, nhưng chúng có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau, có tác dụng hỗ trợ cho nhau. Mỗi hoạt động thực hành quyền công tố đều là tiền đề cho hoạt động kiểm sát hoạt động tư phá p. Kết quả của chức năng này là cơ sở pháp lý vững chắc cho chức năng kia và ngược lại nhằm bảo đảm cho quá trình tố tụng được tiến hành một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. 25