CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.5. Vài nét về Vũ Trọng Phụng và tác phẩm Số đỏ
Vũ Trọng Phụng là cây bút tiểu thuyết và phóng sự có tài năng lớn có
sức thu hút mãnh liệt và một phong cách nghệ thuật văn chương độc đáo. Vũ Trọng Phụng đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông là nhà văn tiêu biểu và xuất sắc của khuynh hướng “tả chân” trong văn học Việt Nam những năm 30 của thế kỷ XX. Vũ Trọng Phụng người làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, sống ở Hà Nội từ nhỏ. Cha ông làm thợ tiện, chết vì bệnh lao từ khi Vũ Trọng Phụng mới được bảy tháng. Mẹ ông là một phụ nữ nghèo, hiền hậu rất thương con, ở vậy nuôi con ăn học bằng nghề khâu vá thuê. Sau khi đỗ bằng tiểu học, Vũ Trọng Phụng phải thôi học để đi làm kiếm sống. Khoảng năm 1939, do làm việc quá sức, Vũ Trọng Phụng bị lao phổi. Ông chết trong một căn nhà tồi tàn tại phố Cầu Mới, gần Ngã Tư Sở, Hà Nội, để lại một cô con gái nhỏ.
Một đời người không dài, chỉ hơn một phần tư thế kỷ sống, một đời văn ngắn ngủi chỉ có chín năm, nhưng Vũ Trọng Phụng đã tạo được một gia tài văn chương khá lớn: 71 tác phẩm, đủ các thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến phóng sự, kịch và tác phẩm dịch. Chỉ xét riêng đóng góp của ông trên lĩnh vực tiểu thuyết và phóng sự cũng đủ thấy tài năng chẳng đợi tuổi. Mới 24 tuổi (1936), ông đã cho ra đời 5 đứa con tinh thần là những tiểu thuyết, phóng sự khá đồ sộ: Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ, Vỡ đê, Cơm thầy cơm cô.
So với một đời văn thì 9 quyển tiểu thuyết chưa phải là nhiều, nhưng so với 4 năm viết (1934, 1936 - 1938) thì 9 quyển cũng không phải là ít. Có người bảo một đời văn chỉ cần viết thành công một quyển như Số đỏ hay Giông tố thôi cũng đủ thấy đó là một tài năng lớn. Tiểu thuyết đầu tay của ông là Dứt tình (1934) nhiều người cho là tiểu thuyết lãng mạn. Đến 1936 ông cho ra đời hàng loạt tiểu thuyết hiện thực có giá trị như Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ, Vỡ đê. Trúng số độc đắc là cuốn tiểu thuyết cuối cùng mà Vũ Trọng Phụng trăng trối khi chết được đem mấy tờ bản thảo để lót đầu.
Toàn bộ văn nghiệp của ông từ phóng sự đến truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, báo chí, văn chính luận; từ tư tưởng, quan niệm nghệ thuật đến bút pháp hiện thực, nghệ thuật tả chân là một sự thống nhất cao. Do đó, khi đề cập đến
nhà tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, không thể không nhắc đến các thể loại văn học khác của ông để làm rõ thêm.
Ông bắt đầu tham gia viết văn với truyện ngắn đầu tay Chống nạng lên đường (1930) và đều đặn cho đến ngày ông mất có đến 41 truyện ngắn và 4 di cảo truyện ngắn. Theo thống kê trước đây, năm 1934, không thấy truyện ngắn nào xuất hiện. Gần đây TS. Peter Zinoman (Mỹ) phát hiện thêm 9 truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng ở thư viện quốc gia Pháp. Tất cả những truyện ngắn trên đều viết năm 1934. Không đặt lên những vấn đề to lớn như trong phóng sự và tiểu thuyết, truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng đi vào những chuyện nhỏ nhặt, thường ngày nhưng đó là những chuyện thực sự làm động lòng người đọc.
Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng kêu gọi lòng yêu thương con người với con người, không nên vì hoàn cảnh mà trở nên xa lạ, khô cứng đến nhẫn tâm kể cả những người thân yêu, ruột thịt. Mỗi số phận mỗi con người được nêu lên bên trong ẩn chứa một sự đồng cảm, một nỗi lòng của chính tác giả. Phần lớn truyện ngắn chuyên khai thác vấn đề tâm lý như Cái ghen của đàn ông, Lòng tự ái, Máu mê, Một đồng bạc, Con người điêu trá... Ngòi bút phân tích của ông tỏ ra khá tinh tế và sắc sảo. Đây cũng là đóng góp mới mẻ của Vũ Trọng Phụng vào sự hiện đại hóa thể loại truyện ngắn ở nước ta.
Qua truyện ngắn, ta bắt gặp ở Vũ Trọng Phụng một phong cách riêng biệt, gợi nhiều hơn tả. Đọc xong truyện ngoài cái buồn vẩn vơ cũng bắt người đọc không thôi suy nghĩ, day dứt; bên trong truyện, đằng sau câu chữ cô đọng những triết lý nhân sinh, đậm chất nhân văn cao cả.
Về thể loại phóng sự, ông đã đóng góp cho văn phóng sự 8 tác phẩm (tác phẩm Hải Phòng viết năm 1934 mới được tìm thấy), mà tác phẩm nào đọc xong ta cũng không thể quên được. Nó thời sự, nó hiện thực, tuy đã xảy ra đã gần ba phần tư thế kỷ, nhưng như thấy quanh quất, lởn vởn đâu đây, không nguyên vẹn thì cũng một phần con người ấy, sự việc ấy trong cuộc sống. Nó không phải chuyện của một thời, mà chuyện của mọi thời, tiêu biểu như: Cạm bẫy người, Cơm thầy cơm cô, Một huyện ăn Tết v.v...
Vũ Trọng Phụng viết kịch cũng rất sớm, vào năm 1931 đã có tác phẩm Không một tiếng vang. Nếu kể cả di cảo, kịch Vũ Trọng Phụng có đến 8 vở.
Chẳng khác tiểu thuyết và phóng sự, kịch Vũ Trọng Phụng cũng nhằm vào những mảng hiện thực của đời sống. Những hiện thực bình thường được Vũ Trọng Phụng gọi tên, nó chẳng xa lạ là bao đối với bao con người. Ông biết chọn và xây dụng tình huống, xung đột và khi vở kịch hạ màn, mọi tình huống, xung đột được giải quyết một cách thõa đáng.
Vũ Trọng Phụng dịch vở kịch Giết mẹ - nội dung gần giống với tiểu thuyết và phóng sự của ông: đầy rẫy những bi kịch.
Văn chính luận, báo chí, tài liệu hiện không còn nhiều. Theo thống kê của Nguyễn Đăng Mạnh có 13 bài. Bài đầu tiên là Một người công nhân, in trên Hà Nội báo năm 1936. Vũ Trọng Phụng cũng như nhiều nhà văn cùng thời trước khi làm văn thường viết báo.
Theo Đỗ Tất Lợi, Vũ Trọng Phụng còn có hàng loạt bài báo ca ngợi những người yêu nước lúc bấy giờ, như các bài viết về Nguyễn Ái Quốc, Ký Con, Đoàn Trần Nghiệp.
Ngoài việc phản ánh trung thực người thật việc thật, cái không thể thiếu trong văn chính luận của Vũ Trọng Phụng là nêu ý kiến chủ quan của người viết với ngôn ngữ ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu, khoa học
Luôn ôm ấp trong người một lý tưởng, một hoài bão làm cho xã hội tốt đẹp, hoàn thiện hơn, không bằng hình tượng thì cũng qua ngôn ngữ người kể chuyện, Vũ Trọng Phụng đã để cho con người, cá tính của riêng ông thẩm thấu qua từng trang sách.
1.5.2. Về tác phẩm Số đỏ
Số đỏ là tiểu thuyết trào phúng của nhà văn Việt Nam hiện đại Vũ Trọng Phụng, đăng trên Hà Nội báo từ số 40 (ra ngày 7. 10. 1936), Lê Cường in thành sách lần thứ nhất, 1938. Có thể tóm tắt như sau: Nhân vật Xuân – thường gọi là Xuân Tóc Đỏ - làm nghề nhặt ban quần vợt ở một quán thể thao. Hắn vốn là một đứa trẻ mồ côi sống bằng đủ nghề “hạ lưu”: trèo me,
trèo sấu, bán phá xa, lạc rang, nhật trình, chạy chờ rạp hát, thổi loa quảng cáo thuốc lậu..., và hấp thu thứ “luân lý vỉa hè” Hà Nội. Bị đuổi việc vì một hành động vô giáo dục, hắn được bà Phó Đoan, một me tây góa dâm đãng, đem
“lòng thương”, giới thiệu đến giúp việc ở tiệm may “Âu hóa” của Văn Minh – cháu bà – nơi chuyên may các mốt y phục “phục vụ phái đẹp trong cuộc Âu hóa”. Đồng thời, hắn còn được giao việc luyện quần vợt cho bà Phó Đoan và Văn Minh vợ. Và như vậy, Xuân bắt đầu “dự một phần vào việc cải cách xã hội”, có trách nhiệm về việc “xã hội văn minh hay dã man”! Có lần nhờ thuộc lòng lời quảng cáo trước kia mà hắn được Văn Minh giới thiệu là “sinh viên trường thuốc”. Thế là, Xuân trở thành “đốc tờ Xuân”, “quản lý tiệm may Âu hóa”, nhà “cải cách xã hội”, “Giáo sư quần vợt”, nghiễm nhiên gia nhập cái xã hội thượng lưu, giao thiệp với những họa sĩ Típ Phờ Nờ, đốc tờ Trực Ngôn, nhà chính trị bảo hoàng Jôzep Thiết, ông Phán dây thép mọc sừng... Cô Tuyết, con gái út cụ cố Hồng, em gái Văn Minh, thì phải lòng Xuân, rủ hắn thuê buồng trên khách sạn Bồng Lai ở Hồ Tây. Rồi hắn được bà Phó Đoan mời làm người giáo dục cho cậu Phước “con trời con phật” của bà, được sư Tăng Phú mời làm cố vấn báo Gõ mõ cổ động cho việc chấn hưng đạo Phật!
Trong không khí đầy sự giả trá ấy, Xuân được mọi người kính nể, sợ hãi. Sự ngây ngô của hắn được coi là nhũn nhặn; hắn càng khinh người thì càng được kính trọng. Vợ chồng Văn Minh biết rõ lý lịch hèn hạ của Xuân thì ở vào tình thế há miệng mắc quai, còn phải tìm cách tô vẽ cho Xuân để nếu cần có thể gả em gái đã mang tiếng hư hỏng cho hắn. Đến khi vô tình gây ra cái chết của cụ tổ, cái chết mà tất cả con cháu cụ mong đợi, Xuân hóa ra lại có công lớn với mọi người! Sau đó, Văn Minh dẫn Xuân đi đăng ký làm tài tử quần vợt, tham dự giải vô địch trong dịp vua Xiêm sang thăm Bắc Kỳ nay mai. Rồi dịp may ấy đã đến. Anh chàng vị hôn phu của Tuyết bày mưu hại Xuân song ngẫu nhiên Xuân biết được, bèn tương kế tựu kế, khiến cho hai đối thủ quần vợt lợi hại của hắn bị bắt trước hôm thi đấu. Thế là, trước khi hai đức vua và các
“quý quan” cùng hàng vạn công chúng Hà thành, Xuân được cử ra đọ tài với
quán quân quần vợt Xiêm La. Cuộc đấu đang diễn ra sôi nỗi, hồi hộp thì bỗng Xuân được lệnh phải thua, vì “phải giữ gìn mối thiện cảm của một nước lân bang”, tránh thảm họa “núi xương sông máu”!. Sau trận đấu về, Xuân đứng trên mui ô tô mà diễn thuyết rất hùng hồn theo lời nhắc của ông bầu Văn Minh, giải thích cho đám đông công chúng “ngu dại” rằng hắn đã “chối từ danh vọng riêng” để cứu vãn “trật tự và hòa bình của Tổ quốc”! Mọi người vỗ tay như sấm hoan nghênh một “bậc vĩ nhân”, “anh hùng cứu quốc” vừa mới tránh cho họ nguy cơ chiến tranh! Hắn được Phủ Toàn quyền quyết định ân thưởng Bắc Đẩu bội tinh, được Hoàng đế An Nam ân thưởng Long bội tinh, được Hội Khai trí tiến đức mời vào Hội. Cụ cố Hồng sung sướng tuyên bố gã Tuyết cho hắn...
Với trình độ tiểu thuyết già dặn, bút pháp châm biếm đặc biệt sắc sảo, với tiếng cười nhiều cung bậc và đa nghĩa, Số đỏ là một trong những kiệt tác của văn xuôi Việt Nam hiện đại, trước hết là trong thể loại tiểu thuyết trào phúng. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Số đỏ là một tác phẩm ghê gớm, có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học”.