TXH thay đổi theo diễn biến nội dung cuộc thoại

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đặc điểm từ xưng hô qua lời thoại nhân vật trong tác phẩm số đỏ của Vũ Trọng Phụng (Trang 59 - 63)

CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO VÀ SỬ DỤNG TỪ XƯNG HÔ QUA LỜI THOẠI NHÂN VẬT TRONG SỐ ĐỎ CỦA NHÀ VĂN VŨ TRỌNG PHỤNG

2.3. Đặc điểm sử dụng từ xưng hô qua lời thoại nhân vật

2.3.3. TXH thay đổi theo diễn biến nội dung cuộc thoại

Các cuộc thoại trong tác phẩm luôn luôn thay đổi theo những chiều hướng khác nhau. Theo tiến trình cuộc thoại, lời nói của nhân vật cũng thay đổi về nội dung, hình thức. Một trong số đó là sự thay đổi của các TXH. Các TXH thay đổi theo diễn biến nội dung cuộc thoại.

Tìm hiểu Số đỏ, chúng ta dễ nhận ra Vũ Trọng Phụng đã phơi bày, chế nhạo tất cả những cái rởm, cái xấu, cái bần tiện, cái đồi bại của một hạng người, một thời đại. Với tài năng của một cây bút trẻ tuổi, Vũ Trọng Phụng đã vận dụng TXH trong lời thoại của nhân vật một cách nhuần nhuyễn, tài tình. Với mỗi một tình huống khác nhau, mỗi một trạng thái tâm lý khác nhau của các nhân vật, nhà văn lại điều chỉnh những TXH sao cho phù hợp và đạt

giá trị nghệ thuật cao nhất. Dưới đây là kết quả về sự thay đổi đó trong hai tuyến nhân vật của tác phẩm.

Sự thay đổi TXH của các nhân vật như Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, Tuyết, Văn Minh, cố Hồng…với nhau theo nội dung cuộc thoại.

Đây là cuộc trò chuyện giữa Xuân Tóc Đỏ lúc hắn còn là hạ lưu vỉa hè với cô hàng mía, khi hắn muốn gạ gẫm cô hàng mía, hắn ta nói:

- “Cứ ỡm ờ mãi

- Xin một tị! Một tị tỉ tì ti thôi!

- Khỉ lắm nữa!

- Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn...

- Thật đấy. Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ? Nhưng này!

Duyên kia ai đợi mà chờ? Tình kia ai tưởng mà tơ tưởng tình? Hàng ế bỏ mẹ ra thế này, mua chẳng mua giúp lại chỉ được cái bộ ếm…”

Xuân Tóc Đỏ lại cười hí hí như ngựa rồi ngồi xuống…

- Nói đùa đấy, chứ đây mà chả cần đấy thì đấy cần đếch gì đây? Thôi đi làm bộ vừa vừa chứ… Bán một xu nào.

- Ứ! Ứ! Đưa tiền ngay ra đây xem!

Rút ở túi quần sau cái mùi soa, cởi một nút buộc như một cái tai lợn, Xuân Tóc Đỏ đập đồng hào xuống thềm gạch xi măng đánh keng một cái rất oanh liệt. Trong khi chị hàng mía cầm một tấm để dóc vỏ thì Xuân lải nhải tự cổ động cho mình:

- Năm hào còn hai đấy! Tối hôm qua mất ba hào. Thết bạn cẩn thận… Hai hào vé đi tuần trong Hý viện rồi lại bát phở tái nạm. Chơi thế mới chánh chứ? Công tử bột thì cũng chúa đến thế là cùng... Ấy ăn tiêu rộng như thế mới chết! Đây bảo đấy về cho đây phải lo thì khỏi ăn chơi, thì đấy mãi chả nghe!

- Bỏ hộ vào túi quần… Thọc tay vào!” [26;7-8]

Đoạn trích trên đã ghi lại cuộc thoại giữa Xuân tóc đỏ và cô hàng mía, hai nhân vật thuộc tầng lớp cư dân hỗn tạp của một quãng vỉa hè. Nơi diễn ra

cuộc thoại này là ở vỉa hè - là một không gian hỗn tạp. Và điều tất nhiên là lời nói và TXH được sử dụng ở đây rất suồng sã, bình dân. Trong cuộc thoại này, Vũ Trọng Phụng đã sử dụng TXH khá độc đáo : đây dùng cho ngôi thứ nhất, đấy dùng cho ngôi thứ hai. Cái lối xưng hô vừa suồng sã lại vừa ỡm ờ, tình tứ của anh chàng Xuân và cô nàng nước mía. Như vậy, các TXH mà các nhân vật đã sử dụng trong cuộc thoại trích dẫn trên đây có sự thay đổi theo diễn biến và nội dung cuộc thoại. Diễn biến cuộc thoại càng thay đổi thì việc các nhân vật dùng các từ để xưng hô với nhau cũng thay đổi và dần rời xa vai mà họ đảm nhiệm.

Khi Xuân đã gia nhập vào xã hội thượng lưu, cách xưng hô của hắn đã có sự thay đổi. Đây là lời đáp Xuân Tóc Đỏ khi bà Phó Đoan đánh giá xấu về Tuyết và khi bà ta nói những lời khơi gợi tình cảm của của Xuân Tóc Đỏ:

“…Nghe đến đây chợt nhớ đến mọi sự lôi thôi lúc nãy, chợt nhớ đến bà Phó Đoan đương góa chồng, Xuân Tóc Đỏ ấp úng nói:

(a)- Thưa bà, bà cho phép cho, nếu bà không trinh tiết với hai ông chồng như thế thì… bẩm… tôi cũng mạn phép mà… phải lòng bà rồi!

Bà Phó Đoan tủm tỉm cười mắng:

(b)– Ê! Ê! Rõ đồ ê trệ chửa!

Rồi bà lên xe, bảo tài xế phóng nước đại.

Bà đi trốn ái tình.

Xuân Tóc Đỏ phải từ giã cảnh Bồng Lai, cuốc bộ về hiệu Âu hóa.”

[26 ;102-103]

Câu nói của Xuân Tóc Đỏ trong lượt lời (a) có hành động trong lời là bày tỏ thái độ tình cảm của hắn đối với bà Phó Đoan, và có hành động qua lời là tán tỉnh, chêu ghẹo bà Phó. Ta thấy, trong lời nói của Xuân Tóc Đỏ rất bạo dạn, không che giấu hay nói vòng vo mà nói trực tiếp cho bà Phó Đoan biết hắn đã phải lòng bà mà không chút ngại ngùng. Có thể nói Xuân Tóc Đỏ không chỉ là một kẻ đào hoa bình thường mà rất là ghê gớm. Đối với hắn, không phải chỉ có những cô gái trẻ đẹp như cô hàng mía hoặc

Tuyết thì mới gạ gẫm. Mà cái tính đó của hắn có thể bộc phát bất cứ lúc nào. Ngay cả người đàn bà đáng tuổi mẹ hắn, đã qua hai đời chồng Xuân Tóc Đỏ cũng có tình ý với bà ta.

Như vậy, mỗi lần nhân vật thay đổi TXH là mỗi lần cuộc thoại có những tiến triển theo lối đầy kịch tính. Chính tính chất kịch tính của nội dung cuộc thoại đã đẩy nhân vật đến đỉnh điểm của những trạng thái tâm lý, tình cảm và phát ra những lời nói phù hợp với diễn biến tâm lý của mình. Ở ví dụ khác, nhân vật Xuân cũng có những sự thay đổi về cách dùng TXH như thế.

Chẳng hạn:

“…Sau khi nghe bà TYPN hỏi vì lẽ nào mà Xuân Tóc Đỏ không năng đến tiệm Âu hóa nữa, có phải vì Tuyết không, Xuân Tóc Đỏ đã nói:

(a) – “Sao thiên hạ cứ hay nói nhảm thế? Tôi với Tuyết cũng chỉ giao thiệp cao thượng như tôi với bạn đây thôi chứ nào có tình ý gì!

(b) - Ấy thế mà ai cũng bảo kia chứ?

(c) - Sao nữa?

(d) - Người ta lại đồn rằng cụ Hồng muốn gả Tuyết cho bạn nữa!

(e) - Cái ấy mà thật thì chí nguy! Không biết rồi từ chối thế nào cho lịch sự được đấy!” [26;136-137]

Ta thấy hành động trong lời ở lượt lời (a) là phản bác, đáp lại lượt lời này bà TYPN đã nói khiêu khích, làm cho Xuân Tóc Đỏ phải tò mò (b).

Đúng như vậy, Xuân Tóc Đỏ đã tò mò và hỏi tiếp sự tình của bà TYPN nói (c). Hành động qua lời ở lượt lời (d) mà bà TYPN muốn thực hiện là thăm dò thái độ của Xuân Tóc Đỏ trước quan hệ của hắn và Tuyết. Đáp lại hành động thông báo này là hành động sợ hãi trước việc phải lấy Tuyết làm vợ.

Qua cuộc trò chuyện giữa Xuân Tóc Đỏ và bà TYPN cho thấy hắn ta là một người tinh quái, đến nỗi quá giả dối. Ta thấy rằng, Xuân Tóc Đỏ luôn muốn chim được Tuyết, muốn được nhiều người biết đến mối quan hệ giữa hắn với Tuyết càng ngày càng thân thiết. Nhưng trái lại hắn tỏ ra rất hoảng sợ

“cái ấy mà thật thì chí nguy!”; điều này thể hiện sự giả tạo của hắn ta, rất

khoái chí nhưng lại tỏ ra rất sợ sệt. Những lời đáp của Xuân Tóc Đỏ tỏ ra là một người trong sạch, bị người khác hiểu nhầm và đưa vào chỗ bí. Nhưng thật ra, lời nói của hắn ta là gián tiếp thừa nhận điều đó. Đồng thời còn cố ý nói như thế để đề cao bản thân, muốn nói với mọi người hắn là một người không quan tâm đến sự giàu có của Tuyết, và để khẳng định mình là một người tử tế, không quan tâm đến sắc đẹp. Làm ra vẻ là một người rất khổ tâm, không biết từ chối ra làm sao. Từ điều này cho thấy Xuân Tóc Đỏ là một kẻ không chỉ giả dối, mà còn quá gian xảo.

Tóm lại, các TXH không chỉ được nhà văn dùng để bộc lộ vị thế của những cư dân hỗn tạp của một quãng vỉa hè trong cuộc thoại của các nhân vật mà các TXH còn gắn theo suốt cuộc đời nhân vật để diễn tả những niềm vui, nỗi buồn, sự hợm hĩnh, nực cười và cả sự hống hách, tàn ác, kiêu ngạo của lũ người giả dối, bịp bợp thành thị chạy theo những phong trào Văn Minh, Âu Hóa, thẻ thao, vui vẻ, trẻ trung. Các TXH được thay đổi theo hoàn cảnh và nội dung giao tiếp.

Tùy theo những thay đổi trong tâm lý của nhân vật trong cuộc thoại mà các TXH được sử dụng hợp lý nhất. Vì thế, hiệu quả giao tiếp và hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm sẽ được nâng cao.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đặc điểm từ xưng hô qua lời thoại nhân vật trong tác phẩm số đỏ của Vũ Trọng Phụng (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)