CHƯƠNG II. CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG VỀ XUẤT KHẨU VÀ THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU HÀNG HÓA
2.2. Cơ sở lý luận về thúc đẩy xuất khẩu
2.2.2. Nội dung thúc đẩy xuất khẩu
Quy mô sản xuất của một doanh nghiệp là khả năng sản xuất của doanh nghiệp ra một số lượng hàng hóa trong giới hạn khả năng về vốn, nhân lực và công nghệ. Quy mô sản xuất được quy định liên kết chặt chẽ với quy mô nhà máy sản xuất, số lượng máy móc được lắp đặt và kỹ thuật công nghệ được người sản xuất áp dụng vào quá trình sản xuất. Mở rộng quy mô sản xuất sẽ giúp cho doanh nghiệp gia tăng sản lượng vì quy mô sản xuất càng lớn thì lượng hàng hóa sản xuất được của doanh nghiệp sẽ càng nhiều. Từ đó thúc đẩy những đơn đặt hàng lớn, gia tăng sự hiện diện của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu.
Theo các giai đoạn phát triển, quy mô sản xuất của ngành Dệt may nước ta luôn được mở rộng và phát triển. Trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành đạt mức tăng bình quân 10,7%/năm, trong đó ngành dệt đạt 12,5%/năm và sản xuất trang phục đạt 8,8%/năm. Quy mô sản xuất của ngành dệt may Việt Nam hiện đang khoảng 45 tỷ USD. Các chỉ số tăng đều hàng năm thể hiện rõ vai trò của mở quy mô sản xuất đối với việc gia tăng sản lượng hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Đối với ngành may mặc, mở rộng quy mô sản xuất ở các doanh nghiệp lớn cho phép họ có thể chuyển hình thức từ may gia công thuần túy (CMT) sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm, xuất khẩu nguyên chiếc (FOB). Từ đó tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận cũng như giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu đầu vào từ phía đặt gia công. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay vẫn tồn tại những doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, quy mô sản xuất chưa đáp ứng được năng lực sản xuất và ngược lại. Do vậy, để thúc đẩy được xuất khẩu, doanh nghiệp cần khai thác tối đa năng lực sản xuất của mình cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất để gia tăng sản phẩm, dịch vụ cung ứng ra thị trường nước ngoài. Để mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiệp phải huy động sự đầu tư về vốn, nhân lực, công nghệ.
- Doanh nghiệp cần tuyển thêm lao động quản lý cũng như lao động trực tiếp sản xuất. Hai bộ phận này phải kết hợp với nhau tạo nên sự thống nhất trong các khâu từ lập kế hoạch tới sản xuất.
- Phát triển công nghệ được thực hiện bằng nhiều con đường như: tự nghiên cứu và phát triển, nhận chuyển giao công nghệ, mua bán hay cho tặng…Để nâng cao năng lực sản xuất, các doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ số vào sản xuất:
các phần mềm quản lý bán hàng, phần mềm quản lý nhân sự, …đặc biệt là trí tuệ nhân tạo như robot hay in mô hình 3D trong các khâu sản xuất sợi, dệt vải, may.
Các hệ thống, máy móc hiện đại trong ngành dệt may hiện nay như: Hệ thống kiểm vải Shelton, Máy kiểm vải C-tex, Máy kiểm tra màu C-tex, Máy trải vải tự động Cosma, Máy dán nhãn tự động Cosma, Máy cắt vải tự động Cosma, Máy may bo tay tự động, Máy vắt sổ trần đè 2 trong 1, Tính năng RFID, Hầm ủi tự động, AGV Robot, hệ thống chuyền treo tự động INA.
2.2.2.2. Đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu
Xu thế hội nhập cùng với sự cạnh tranh các doanh nghiệp trong và ngoài nước, kéo theo sự xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm xuất hiện trên thị trường.
Với nhu cầu của khách hàng ngày càng cao cũng đồng nghĩa với chu kỳ sống của sản phẩm càng rút ngắn, họ luôn đòi hỏi những sản phẩm mới vượt trội về cả chất lượng lẫn chủng loại. Vì vậy, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu là một trong những yêu cầu cần thiết để sản phẩm của doanh nghiệp có thể tiếp cận được tới nhiều khách hàng, qua đó đẩy mạnh quá trình xuất khẩu.
Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa bằng cách tạo nhiều mẫu mã hay sử dụng nhiều chất liệu khác nhau để tạo ra sự khác biệt và phong phú cho sản phẩm. Với đa dạng hóa các mẫu mã, trước hết doanh nghiệp cần phải tạo ra nhiều kiểu dáng, thiết kế, kích cỡ khác nhau phù hợp với các đối tượng khác hàng từ người trẻ tới người già vì thẩm mỹ của mỗi độ tuổi là khác nhau. Trẻ em có xu hướng thích thiết kế có in các hình, họa tiết nổi bật còn người lớn thì ngược lại. Song song với đó là phát triển đa dạng về màu sắc và chất liệu của sản phẩm. Có thể cùng kiểu thiết kế nhưng với nhiều phiên bản màu sắc phù hợp với tone da khác nhau, hoặc độ dày của vải cũng như chất liệu sẽ ảnh hưởng tới vóc dáng của người mặc.
Văn hóa tiêu dùng cũng tác động tới lựa chọn chất liệu của sản sản phẩm.
Tại một số nước Bắc Âu như NaUy, Phần Lan, Thụy Điển,..họ có xu hướng lựa chọn thời trang bền vững: trang phục trơn, màu sắc và thiết kế tối giản với chất liệu tốt, thân thiên với môi trường. Ngược lại một số nước Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippin,...lại ưa chuộng các thiết kế lạ mắt với nhiều màu sắc theo xu hướng, thời gian nhanh rất phát triển.
Muốn làm được điều này, đòi hỏi sự nghiên cứu và sáng tạo của đội ngũ thiết kế mẫu mã sản phẩm. Do đó, việc đầu tư vào đào tạo và phát triển đội ngũ thiết kế kết hợp với công tác điều tra, nghiên cứu thị trường, xác định được xu hướng tiêu dùng là giải pháp đầu tư có hiệu quả nhất. Tuy vậy, việc đa dạng hóa mặt hàng sang các thị trường xuất khẩu khác nhau chưa bao giờ là dễ dàng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô vừa mà nhỏ.
2.2.2.3. Nghiên cứu, mở rộng thị trường xuất khẩu
Mở rộng thị trường xuất khẩu tức là khai thác tốt thị trường hiện tại, đồng thời thúc đẩy những sản phẩm hiện tại cũng như sản phẩm mới của doanh nghiệp đi vào tiêu thụ ở thị trường mới. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng may mặc. Điều này giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời khẳng định vị thế mới của mình trên trường quốc tế. Đây được coi là một điều tất yếu khách quan để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu quen thuộc. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp phải tích cực nghiên cứu thị trường nước ngoài.
Những năm gần đây các FTAs thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA,..
đã mở ra rất nhiều cơ hội cho ngành may mặc Việt Nam vươn ra thế giới nhờ được hưởng các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định này. Tuy nhiên để ngành may mặc có thể xuất khẩu bền vững cần phải có công tác nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng.
Việc nghiên cứu kỹ thị trường nước ngoài đảm các quyết định được đưa ra chính xác hơn và nó còn giúp cho các nhà kinh doanh hoạch định các chiến lược marketing cụ thể trên cơ sở năm rõ nhu cầu của thị trường hiện tại và có các định hướng phát triển dài hạn trong tương lai.
Khi nghiên cứu thị trường nước ngoài các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu các yếu tố như quy mô thị trường, tốc độ tăng trưởng, tình hình cung - cầu, giá cả, thị hiếu tiêu dùng, khả năng cạnh tranh của mặt hàng, các đối thủ cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu, các vấn đề về luật pháp liên quan đến nhập khẩu hàng hóa vào thị trường mục tiêu,...…Thông tin có thể được thu thập gián tiếp trên Internet hoặc thu thập trực tiếp từ điều tra tại thị trường. Doanh nghiệp có thể áp dụng các mô hình nghiên cứu như mô hình PEST, năm lực lượng cạnh tranh của Michael Porter để nghiên cứu thị trường được bài bản nhất. Doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu tại thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức như :
+ Tham gia các cuộc hội thảo, hội chợ, triển lãm quốc tế cùng các phái đoàn thương mại của nhà nước để đánh giá được về đối thủ cạnh tranh, sản phẩm và xác định được cơ hội kinh doanh.
+ Phỏng vấn trực tiếp và phỏng vấn nhóm để đánh giá được hành vi, thái độ của người tiêu dùng một cách khách quan.
+ Các cuộc điều tra, tìm hiểu thông tin về người tiêu dùng qua việc sử dụng bảng câu hỏi viết. Phương pháp này cho phép thu thập được lượng thông tin lớn nhưng cũng cần đầu tư nhiều thời gian và công sức.
2.2.2.4. Nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu
Để thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ hàng hóa của doanh nghiệp, yếu tố tiên quyết chính là sản phẩm. Trong điều kiện mà giá cả không còn là mối quan tâm duy nhất của người tiêu dùng thì chất lượng ngày nay đang là công cụ cạnh tranh hữu hiệu. Khi chất lượng sản phẩm được nâng cao cùng với yếu tố về giá cả, mẫu mã phù hợp với thị trường mục tiêu sẽ tạo ra ưu thế, uy tín riêng của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp xuất khẩu muốn thúc đẩy xuất khẩu cần phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm cho phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu, doanh nghiệp cần dựa vào các thông tiên nghiên cứu thị trường trước đó rồi xác lập những cải tiến đòi hỏi về sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này gắn liền với sự phát triển của công nghệ sản xuất, đồng thời tối thiểu chi phí trên một đơn vị sản phẩm.
Nâng cao chất lượng sản phẩm có thể thực hiện từ việc cải tiến chất liệu vải sản xuất ra sản phẩm: chất liệu cotton 100% có độ thấm hút mồ hôi cao, mềm mịn, co giãn tốt phù hợp cho thời tiết mùa hè, các nước có khí hậu nắng nóng hay Len Cashmere Khả năng giữ nhiệt cao gấp 8 lần so với len thường. Bên cạnh đó, chất lường của sản phẩm cũng sẽ được cải thiện về mặt đường may. Các thiết bị, máy may tiên tiến sẽ hỗ trợ đường may đường chỉn chu, đồng đều nhau hơn cho ra các sản phẩm có chất lượng đồng nhất.
2.2.2.5. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn và nhân lực
Nguồn vốn là yếu tố không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu cần vốn cho mọi hoạt động kinh doanh như: mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu thị trường, xúc tiến và quảng bá sản phẩm… Tuy nhiên, nguồn vốn tự có của mỗi doanh nghiệp có hạn nên để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của mình, doanh nghiệp cần huy động nguồn vốn bên ngoài.
Các doanh nghiệp ngành may mặc có thể vay vốn ngắn hạn tại ngân hàng hoặc huy động vốn từ các nhà đầu tư trong vào ngoài nước. Tuy nhiên thi việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn phải xuất phát từ chính doanh nghiệp trước tiên: có những kế hoạch sản xuất hợp lý để quản lý chi phí nguyên liệu đầu vào, các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất, quản lý hàng tồn kho; đầu tư các thiết bị tiên tiết, tiết kiệm năng lượng sản xuất như dầu máy, điện, nguồn nước,...
Cùng với đó, là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì đây là yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng đại diện cho năng suất lao động. Năng suất lao động là yếu tố tác động trực tiếp đến khối lượng hàng hóa được tạo ra. Năng suất lao động càng cao thì khối lượng hàng hóa cũng như khối lượng công việc được giải quyết càng lớn và ngược lại. Năng suất lao động phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian lao động, trình độ lao động và công cụ lao động. Do đó, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực một cách có hiệu quả để duy trì và thu hút đội ngũ lao động có kỹ năng, có kinh nghiệm. Cần có các phương án tuyển những lao động kỹ thuật, có trình độ chuyên môn cao để thực hiện các khâu có kỹ thuật cao trong sản suất như chọn nguyên liệu, nhuộm vải, cắt vải,..và những lao động phổ thông chuyên thực hiện
may dây chuyền. Ngoài ra, cần có chính sách đãi ngộ tốt để khuyến khích người lao động thực hiện công việc hiệu quả hơn, tạo môi trường làm việc năng động và khích lệ mỗi cá nhân gắn bó với doanh nghiệp. Nhà nước và Hiệp hội doanh nghiệp Dệt may có thế tổ chức các buổi tập huấn cán bộ, công nhân may để nâng cao kỹ thuật lựa chọn vải và kỹ thuật cắt may.
2.2.2.6. Hoàn thiện và phát triển kênh phân phối
Kênh phân phối là cách thức mà doanh nghiệp tiến hành đưa hàng hóa từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ hoặc người tiêu dùng cuối cùng. Kênh phân phối đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận được sản phẩm. Do đó, muốn phát triển hệ thống phân phối, doanh nghiệp cần phải xử lý tốt vấn đề chọn nguồn hàng mua và ký hợp đồng mua sản phẩm, chọn phương tiện vận tải và hợp đồng vận chuyển, bố trí hệ thống kho bãi phục vụ dự trữ bảo quản hàng hoá và chuyển tải trong vận chuyển, đặc biệt phải xử lý hệ thống thông tin hậu cần quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập, phương thức đặt hàng tự động trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và robot sẽ được ứng dụng rộng rãi trong khâu kết nối doanh nghiệp với khách hàng. Thương mại điện tử cũng sẽ là kênh bán hàng được phát triển rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi cung ứng trong ngành sợi, đặc biệt là khâu bán hàng…
2.2.2.7. Xúc tiến và quảng bá sản phẩm xuất khẩu
Xúc tiến thương mại quốc tế giúp các doanh nghiệp bán trước sản phẩm, nâng cao hình ảnh, định vị thương hiệu trong lòng khách hàng. Niềm tin và sự khác biệt về sản phẩm là một dấu ấn của khách hàng đối với doanh nghiệp. Đây là yếu tố thúc đẩy lượng tiêu dùng tăng lên và là một điều kiện tốt để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp cần có những chính sách xúc tiến và quảng bá sản phẩm hợp lý. Các phương thức để xúc tiến sản phẩm thường được dùng như:
+ Tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
+ Quảng cáo sản phẩm, doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông:
truyền hình hoặc thông qua thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số như Website, Google, Youtube, Seo, Facebook, Tiktok, Instagram…
+ Sử dụng Influencer Marketing để quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến với
+ Tài trợ cho các tổ chức, hoạt động xã hội.
+ Khuyến mại sản phẩm và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sản phẩm, doanh nghiệp.
Trên thực tế có rất nhiều các phương thức xúc tiến và quảng bá sản phẩm khác nhau, doanh nghiệp xuất khẩu dựa trên năng lực tài chính và mục đích khác nhau để chọn những phương thức phù hợp.