CHƯƠNG II. CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG VỀ XUẤT KHẨU VÀ THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU HÀNG HÓA
2.2. Cơ sở lý luận về thúc đẩy xuất khẩu
2.2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động thúc đẩy xuất khẩu
2.2.3.1. Yếu tố bên ngoài doanh nghiệp
Yếu tố kinh tế và nhu cầu tiêu thụ
Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay khiến sự phụ thuộc giữa các quốc gia ngày càng tăng. Mỗi biến động của tình hình kinh tế xã hội trên thế giới đều ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến nền kinh tế trong nước và chúng được phản ánh qua các chỉ số như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thu nhập của dân cư, tình hình lạm phát, tình hình lãi suất.
Từ năm 2019 - 2022 tình hình kinh tế thế giới xảy ra nhiều biến động đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia cũng như nền kinh tế và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ Trung, đại dịch Covid, khiến kinh tế thế giới xuất hiện suy thoái, lạm phát tăng cao tại Mỹ và xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra khủng hoảng cho nền kinh tế toàn cầu và ngành dệt may cũng không ngoại lệ.
Doanh nghiệp dệt may tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2022, song lại gặp rất nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm. Trong 6 tháng cuối năm 2022, các thị trường chính của dệt may Việt Nam rơi vào lạm phát, sức mua suy giảm mạnh. Lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đạt mức 10% kỷ lục, cao gấp năm lần so với mục tiêu lạm phát mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra là 2%
vào tháng 10 năm 2022. Lạm phát cao khiến người dân giảm chi tiêu đáng kể, trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều. Đến quý IV/2022, đơn hàng đã giảm đến 30%, có doanh nghiệp giảm đến 70% đơn hàng ở thị trường châu Âu.
Đơn hàng may giảm xuống do cầu thế giới giảm, đặc biệt là tại 2 thị trường Mỹ và EU, những thị trường chính của dệt may Việt Nam, giá giảm khoảng 30%. Tuy vậy, năm 2022, doanh thu của thị trường may mặc toàn cầu ước tính lên tới xấp xỉ 1,53 nghìn tỷ đô la Mỹ, giảm nhẹ so với năm trước. Doanh thu được Statista dự báo sẽ
tăng vào năm 2023, lên hơn 1,7 nghìn tỷ đô la. Giá trị này sẽ tăng lên gần 2 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2027. Thị trường Quần áo dự kiến sẽ tăng trưởng khối lượng 1,6% vào năm 2024 và sẽ lên tới 31,90 tỷ chiếc vào năm 2027.
Theo thống kê của thế giới, nhu cầu chi tiêu cho trang phục của người dân các nước đang phát triển vào khoảng 2 đến 2,5% GDP, nếu bao gồm cả giày dép là khoảng 3%. Nhu cầu chi tiêu thấp hơn nhiều so với Mỹ và các nước Châu Âu. Theo dự báo, đối với ngành dệt may, tổng cầu thế giới 2023 chỉ tăng trưởng từ 2,5 đến 4% – tỷ lệ tăng trưởng thấp so với các năm trước. Thực tế, cầu dệt may thế giới vẫn chưa phục hồi do sức mua chậm ở các thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn như Mỹ và châu Âu. Thêm vào đó, những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) đã chậm lại trong nửa cuối năm 2022 kéo tới đầu năm 2023 gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu may mặc.
Theo VNDirect Research, ngành dệt may tươi sáng hơn trong quý I/2023 do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào thị trường EU vào năm 2023 nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Cụ thể, các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm 2 - 4% thuế xuất khẩu vào năm 2023. Các đơn hàng ngành may sẽ phục hồi vào quý 2 năm nay, tuy nhiên, sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Tại thị trường Mỹ bắt đầu có tín hiệu tích cực từ đầu tháng 3/2023, việc lạm phát tại Mỹ giảm xuống mức 3% sẽ khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ tích cực hơn và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ có thể bắt đầu nhập hàng tồn kho trở lại, nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may có khả năng phục hồi tại Mỹ. Dẫn chứng là chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đối với mặt hàng tiêu dùng không bền trong tháng 1/2023 tăng 0,8% so với tháng trước. Trong khi tháng 12/2022 ghi nhận giảm 0,7% so với tháng 11/2022, cho thấy người tiêu dùng Mỹ bắt đầu mua nhiều hàng tiêu dùng không bền trở lại, trong đó có quần áo và các sản phẩm dệt may. Thêm vào đó, yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường hàng dệt may là xu hướng đón đầu các xu hướng thời trang mới nhất trong thế hệ trẻ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng
Yếu tố chính trị và pháp luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu Tình hình chính trị, hợp tác quốc tế biểu hiện ở xu thế hợp tác giữa các quốc gia. Điều này sẽ dẫn đến sự hình thành các khối kinh tế, chính trị của một nhóm các quốc gia, do đó sẽ ảnh hưởng đến tình hình thị trường xuất khẩu hàng may mặc của doanh nghiệp. Ví dụ như Liên minh kinh tế Châu Âu (EU), Cộng đồng kinh tế Châu Á (ASEAN).
Về pháp luật, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị chi phối trực tiếp bởi luật quốc tế và luật của từng quốc gia. Khi doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang một quốc gia khác, thì phải tuân theo những quy luật thể chế của đất nước đó, chịu sự điều khiển luật pháp nước đó. Mỗi quốc gia đều có những quy định riêng cho mình để phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước từng thời kì nhưng cũng cần phải thống nhất với các cam kết song phương, đa phương với mục đích điều chỉnh, thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại.
Chính phủ Việt Nam có thể tác động trực tiếp điều chỉnh hoạt động mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng may mặc của doanh nghiệp thông qua các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, chính sách thuế quan hay chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực về thiết kế, quản lý và vận hành quy trình sản xuất hàng may mặc,...
Chiến lược phát triển ngành Dệt may xuất khẩu của Chính phủ
Trong “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, chiến lược phát triển ngành Dệt may được cụ thể hóa bằng một số nội dung như sau:
+ Phát triển ngành dệt may theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa và bền vững với môi trường; cải thiện cơ cấu sản phẩm; đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam.
+ Đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, tập trung vào sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
+ Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: năng lực nghiên cứu, thiết kế, kỹ thuật, công nghệ, quản lý hướng tới dịch chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp. Đồng thời tạo ra nguồn nhân lực bền vững cho ngành dệt may Việt Nam.
+ Xây dựng một số khu công nghiệp tập trung chuyên ngành dệt may có quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín và đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường.
Chuyển các doanh nghiệp dệt may sử dụng nhiều lao động về các huyện, thị xã và các khu vực có nguồn lao động và hệ thống hạ tầng thuận tiện.
+ Huy động nguồn lực để đầu tư phát triển dệt may, thúc đẩu đầu tư nước ngoài vào các ngành còn yếu và thiếu kinh nghiệm.
Chính sách Thuế quan và phi thuế quan
Thuế quan là yếu tố tác động mạnh đến khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp. Đối với mặt hàng này, thuế xuất nhập khẩu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu chi phí và giá thành của sản phẩm. Giá trị trên một sản phẩm may mặc tương đối thấp, nếu áp thuế cao và phải chịu nhiều loại thuế khác nhau sẽ đẩy giá hàng lên cao ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ.
Vải là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất hàng may mặc nhưng hầu hết nguồn vải của nước ta bị phụ thuộc vào nhập khẩu từ các thị trường khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Tuy thuế nhập khẩu vài từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là 0% xong với tình hình biến động thị trường giá nguyên vật liệu liên tục tăng cao như hiện nay, chi phí nguyên vật liệu được coi là một trong những chi phí lớn nhất bên cạnh chi phí lao động.
Tại thị trường Việt Nam, vải may mặc không thuộc mặt hàng cấm nhập khẩu, không cần xin giấy phép nhập khẩu mà chỉ nhập khẩu như hàng hóa thông thường.
Đối với vải thì có nhiều loại ứng với các mà HS code khác nhau:
+ Vải sợi polyester 100%: mã HS là 54023300. Thuế NK: 3%, VAT 10%
+ Vải len (95% wool và 5% polyester): mã HS là 51121100. Thuế NK: 10%, VAT 10%
+ Vải dệt thoi khổ hẹp 100% bông hoặc tơ tằm: mã HS là 58061020, 58061010. Thuế NK: 12%, VAT 10%
Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam được hưởng quy chế tối huệ quốc MNF, thuế quan đối với hàng dệt may xuất khẩu từ VN sang Mỹ đã giảm từ 40% xuống còn 20% sau khi kỹ Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (2001).
Mức thuế này tiếp tục được cắt giảm xuống còn 17,5% sau khi Việt Nam gia nhập
Tuy vậy, Mỹ cũng hay áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng cho tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có hàng dệt may nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Mỹ với giá rẻ, tổn hại đến các ngành sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng cần lưu ý về hàng rào phi thuế quan ví dụ như CO trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu. Tình trạng yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là yếu tố tác động tới thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Nửa đầu năm 2022, có hơn 3.000 lô hàng dệt may của các nước nhập khẩu vào Mỹ đã bị cơ quan Hải quan Mỹ giữ lại để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ theo đạo luật chống lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA) - theo Đại diện Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) tại Việt Nam. Theo đó, khi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, Hải quan Mỹ có quyền giữ hàng trong vòng 5 ngày để kiểm tra và trong vòng 30 ngày doanh nghiệp phải cung cấp đủ các chứng từ liên quan đến chuỗi cung ứng để chứng minh nguồn gốc lô hàng không có xuất xứ từ bông Tân Cương (Trung Quốc).
Chính sách điều chỉnh Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái là tỷ lệ trao đổi giữa hai đồng tiền của hai nước, là giá cả một đơn vị tiền tệ của một nước được tính bằng tiền của nước khác hay nói khác đi, là số lượng đơn vị tiền tệ cần thiết để mua một đơn vị ngoại tệ. Khi giá cả thị trường biến động, Ngân hàng nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá kiềm chế làm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Khi đồng nội tệ giảm giá thì các hoạt động xuất khẩu sẽ được khuyến khích và làm tăng doanh thu và ngược lại.
Năm 2020, giá VNĐ so với USD có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng may mặc Việt Nam xuất khẩu mạnh sang thị trường này bất chấp sự ảnh hưởng của Covid 19. Cụ thể kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ của Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chiếm 47,4% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này và lần đầu tiên chiếm trên 20% thị phần may mặc vào Mỹ.
Yếu tố văn hóa và xã hội
Phong tục tập quán, lối sống, thị hiếu, thói quen tiêu dùng, tôn giáo tín ngưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến mức tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp. Những khu vực khác nhau có văn hóa - xã hội khác nhau do vậy khả năng
tiêu thụ hàng hóa cũng khác nhau. Ví dụ thời trang châu Âu không sử dụng nhiều họa tiết trang trí, họ thường dùng trang phục đơn giản, màu trơn có chất liệu thân thiện với môi trường. Một số ngoại lệ là trang phục mùa hè, với hoa văn các loài cây hoặc hoa lá, sóng nước, nhưng vẫn mang nét đơn giản và sang trọng. Cách phối màu cũng rất đặc trưng, thường ưu tiên các gam màu nhạt như trắng, vàng,… và tông trung tính, pha chút tươi sáng để tạo sự tương phản như đen với trắng, xanh navy với trắng.
Văn hóa từng nước, từng khu vực sẽ chi phối tới hành vi mua của khách hàng. Vì vậy, nghiên cứu về các môi trường văn hóa giúp doanh nghiệp hiểu rõ điểm tương đồng, khác biệt về văn hóa từ đó có chiến lược và kế hoạch kinh doanh hiệu quả. Đặc điểm và sự thay đổi của văn hoá - xã hội của thị trường xuất khẩu có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu của khách hàng, do đó ảnh hưởng đến các quyết định mua hàng của khách hàng và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Yếu tố cơ sở vật chất và khoa học công nghệ
Trình độ phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của đất nước là yếu tố thuộc về cơ sở hạ tầng cho hoạt động xuất khẩu hàng may mặc. Nó bao gồm phát triển của hệ thống giao thông vận tải, trình độ phát triển của hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống các phân xưởng dệt, nhuộm, cắt may,... Các yếu tố này có thể tăng cường hoặc hạn chế năng lực giao dịch, mở rộng thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, tăng cường hoặc hạn chế các dịch vụ vận chuyển hàng hoá xuất khẩu của doanh nghiệp.
Nếu một đất nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển, có khả năng tạo ra được nhiều loại các mặt hàng may mặc đa dạng, chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, hình thức mẫu mã đảm bảo thẩm mỹ cao và giá cả phải chăng thì đây là điều kiện thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất khẩu. Ngược lại, khả năng sản xuất trong nước yếu kém, với chủng loại mặt hàng đơn điệu, thô sơ, sẽ hạn chế rất lớn khả năng cạnh tranh và mở rộng xuất khẩu của các doanh nghiệp..
Trình độ phát triển khoa học công nghệ của thị trường xuất khẩu cũng là yếu tố ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội của thị trường đó, do vậy sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu và sức mua của khách hàng.
Mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế
Cạnh tranh trong nước một mặt có tác động thúc đẩy sự vươn lên của các doanh nghiệp, mặt khác nó cũng chèn ép và “dìm chết” các doanh nghiệp yếu kém.
Tại Việt Nam có khoảng hơn 6000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc mà chủ yếu là thực hiện gia công đi xuất khẩu nước ngoài. Có thể kể đến một số đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp với Công ty như Công ty May 10, Công ty CP Dệt may Thái Bình,... Thêm vào đó là sự cạnh tranh không lành mạnh bởi hàng buôn bán tiểu ngạch, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ từ các quốc gia láng giềng. Có thể thấy rằng, đối thủ cạnh tranh của Tổng Công ty May Hưng Yên trong ngành là rất lớn và rất nhiều.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty May Hưng Yên không chỉ phải đối đầu trực tiếp với các công ty trong nước khi tiến hành xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ mà còn với cả các đối thủ nước ngoài. Công ty đang phải cạnh tranh quyết liệt với doanh nghiệp của các nước có kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… (Trung Quốc xuất khẩu 300 tỷ USD, chiếm khoảng 40%). Đặc biệt, công ty phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, nơi được xem là giá nhân công rẻ, có sẵn nguồn nguyên vật liệu và công nghiệp phụ trợ phát triển. Trong khi đó, Tổng Công ty May Hưng Yên lại chưa thực sự tập trung đầu tư vào nguồn nguyên vật liệu, máy móc thiết bị tốt, nhà xưởng để sản xuất. Do đó, khả năng cạnh tranh của công ty chỉ đang dừng lại ở mức trung bình chủ yếu với các đơn hàng gia công xuất khẩu.
Yếu tố địa lý tự nhiên
Vị trí địa lý có vai trò như là nhân tố tích cực hoặc tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế cũng như xuất khẩu của một quốc gia. Vị trí địa lý thuận lợi là điều kiện cho phép một quốc gia tranh thủ được phân công lao động quốc tế, hoặc thúc đẩy xuất khẩu hàng may mặc.
Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa với nhiều cảng biển kéo dài từ Bắc vào Nam. Lợi thế này cho phép tối ưu chi phí vận tải, thời gian thực hiện hợp đồng, thuận tiện cho việc lựa chọn nguồn hàng, lựa chọn thị trường,...So với nhiều quốc gia khác trong ngành may mặc, Việt Nam có cả những điều kiện thuận lợi cũng như những khó khăn liên quan đến vị trí địa lý.